1Đôi nét về bảo tàng Áo Dài
Địa chỉ: 206/19/30 Long Thuận, Long Phước, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa: 8h30 - 17h30 từ thứ 2 đến Chủ Nhật
Giá vé được cập nhật vào tháng 10/2023:
- Người lớn: 100.000 VNĐ/vé đã bao gồm thuyết minh
- Học sinh, sinh viên: 30.000 VNĐ/vé (cần xuất trình CMND hoặc thẻ học sinh, sinh viên)
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Miễn phí
Tọa lạc tại phường Long Phường, quận 9, Bảo tàng Áo Dài với không gian mang đậm nét đẹp cổ kính của làng quê Việt Nam được ví như “Hội An thu nhỏ” ngay giữa lòng thành phố. Điểm đến này được nuôi dưỡng ý tưởng bởi họa sĩ, nhà thiết kế Sỹ Hoàng trong suốt 10 năm và chính thức khánh thành vào ngày 22/1/2014.
Đây là bảo tàng thứ 12 trong khu vực và là một trong hai bảo tàng tư nhân thuộc nhóm chuyên đề của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM. Nơi đây được xây dựng với mục đích chính là để lưu giữ, tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam thông qua lịch sử phát triển của bộ áo dài, đồng thời mang đến tín đồ du lịch gần xa cái nhìn rõ nét hơn về trang phục truyền thống của dân tộc Việt.
2Đi đến bảo tàng bằng phương tiện gì?
Bảo tàng Áo Dài có vị trí nằm khá xa khu vực trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, mất khoảng 45 phút di chuyển. Nếu ở các khu vực lân cận, bạn có thể đến đây bằng các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy.
Đối với những bạn không rành đường hoặc có điểm xuất phát xa, theo MIA.vn, xe bus sẽ là phương án vừa thuận tiện vừa tiết kiệm chi phí. Bus 76 và 88 là hai tuyến có điểm dừng gần với khu bảo tàng mà bạn có thể tham khảo. Trạm xe nằm ở gần đó nhất là trại Nhím, chỉ cách bảo tàng khoảng 600m và mất chừng 8 phút đi bộ.
Với những nhóm đông người hoặc gia đình có con nhỏ, bạn có thể đặt taxi di chuyển trực tiếp tới bảo tàng. Nếu ở trong nội thành, chi phí taxi sẽ dao động từ 200.000 - 400.000 VNĐ/chuyến tùy vào điểm đón.
3Trải nghiệm bảo tàng Áo Dài với nhiều hoạt động đặc sắc
3.1 Khám phá lối kiến trúc cổ điển của bảo tàng Áo Dài
Ghé thăm bảo tàng Áo Dài, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào nền văn hóa Việt Nam xưa với không gian rộng 2.000m2 và lối kiến trúc nhà rường truyền thống. Bảo tàng được lợp mái ngói âm dương và xây dựng bằng khung gỗ quý được sưu tầm từ vùng đất Quảng Nam, do đó sở hữu nét đẹp rất hoài cổ.
Không chỉ vậy, dạo một vòng quanh bảo tàng, bạn sẽ bắt gặp nhiều tiểu cảnh tái hiện lại hình ảnh ngôi nhà của các địa chủ thời xưa như khu vườn xanh mát, yên bình, chiếc ao lớn xanh trong… Ngoài ra, nơi đây còn có những bức tường vàng được mô phỏng theo nét đặc trưng của phố cổ Hội An. Tất cả dường như đã tạo nên một không gian mang đậm bản sắc Việt.
3.2 Ngắm nhìn bộ sưu tập với hơn 300 mẫu áo dài truyền thống
Bảo tàng hiện đang lưu giữ bộ sưu tập “Áo dài di sản văn hóa” với hơn 300 mẫu thiết kế truyền thống của dân tộc Việt. Những bộ trang phục này được sưu tầm từ nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau như áo dài thời Pháp thuộc, áo dài hở cổ thời bà Trần Lệ Xuân, áo đính cườm, vẽ hoa văn, áo năm thân, tứ thân hay cách tân. Tại đây cũng có các mẫu áo dài được làm từ chất liệu ấn tượng như gốm, vải thổ cẩm...
Hơn cả như thế, có dịp dừng chân tại điểm du lịch Sài Gòn này, bạn sẽ được ngắm nhìn những mẫu thiết kế đã từng gắn liền với các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Xen kẽ với đó là những bộ áo dài do chính nhà thiết kế Sỹ Hoàng tạo nên đã đạt giải thưởng quốc tế, giúp mang hình ảnh trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam đến gần hơn với bạn bè năm châu.
3.3 Trải nghiệm tự tay thiết kế và may nên bộ áo dài
Sau khi khám phá một vòng bảo tàng, đừng quên tham gia trải nghiệm tự tay thiết kế và may áo dài ở đây để hiểu thêm về quy trình tạo nên bộ trang phục truyền thống. Tại khu vực may, sẽ có người hướng dẫn bạn từng bước từ thiết kế, vẽ rập đến cắt may, thêu họa tiết trên tà áo, v.v.
Chỉ khi tham gia vào từng khâu sản xuất, bạn mới có thể cảm nhận cái khó và cả sự tinh tế của những nghệ nhân đã đặt hết tâm huyết vào bộ trang phục truyền thống, từ đó thêm trân trọng giá trị văn hóa mà áo dài mang lại trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt.
3.4 Tham gia các triển lãm quảng bá
Nhằm góp phần làm giàu kho tàng và tư liệu nghiên cứu, bảo tàng đã mời các cá nhân, tổ chức đóng góp trang phục và những hiện vật giá trị liên quan đến áo dài để mở ra các buổi triển lãm. Mục đích chính là để khai thác và lưu giữ những câu chuyện phản ánh tinh thần và khuynh hướng của thời đại.
Sự kiện quảng bá này được chia làm 3 hình thức là triển lãm thường xuyên, triển lãm theo chuyên đề và triển lãm lưu động.
- Triển lãm thường xuyên sẽ là hoạt động giới thiệu và quảng bá về lịch sử áo dài, các mẫu thiết kế từng được mặc bởi các nhân vật nổi tiếng hay được công nhận là Di sản văn hóa, ngoài ra còn có nội y áo dài.
- Triển lãm theo chuyên đề là nơi tuyển chọn các mẫu áo theo cùng một nội dung để khách tham quan dễ dàng cảm nhận giá trị và vẻ đẹp của bộ trang phục truyền thống như “Nối vòng tay lớn”, “Áo dài và cội nguồn”, “Hoa bốn mùa”, “Quốc kỳ các nước ASEAN”, v.v.
- Triển lãm lưu động là sự kiện được tổ chức ở nhiều nơi có thể trong hoặc ngoài bảo tàng nhằm giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận với những hiện vật, hình ảnh, câu chuyện về áo dài. Một số sự kiện lưu động đã được tổ chức đến nay là triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam”, “Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản”, v.v.
3.5 Hòa mình vào phiên chợ quê được tổ chức trong khuôn viên
Vào cuối tuần, tại bảo tàng Áo Dài sẽ tổ chức các phiên chợ quê với đa dạng món ăn dân dã như gỏi cuốn, bánh xèo hến, tàu hủ, dừa nước… Ở đây cũng phục vụ cơm trưa trong không gian nhà cổ Kim Bồng rất thuận tiện cho các bạn từ xa đến tham quan, khám phá bảo tàng.
Không gian thơ mộng, hoài cổ của bảo tàng Áo Dài cùng bộ sưu tập hơn 300 mẫu thiết kế khác nhau đã sẵn sàng giúp bạn tìm hiểu thêm về Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Hành trình tham quan bảo tàng cũng là hành trình ngược dòng khám phá cách mà áo dài đã len lỏi vào nền văn hóa Việt Nam và trở thành một phần không thể thiếu cho đến tận ngày nay. Thêm ngay điểm đến này vào cẩm nang du lịch để không quên ghé thăm khi có dịp bạn nhé!