Du lịch Gia Lai không chỉ nổi tiếng bởi các danh lam thắng cảnh mà còn được chú ý bởi bức tranh ẩm thực vô cùng phong phú và hấp dẫn. Từ những món ăn đường phố, đậm chất Gia Lai như bún cua thối, phở khô hay những món ăn đòi hỏi kỹ thuật chế biến cao như bò nướng ống tre, gà xông khói, bức tranh toàn cảnh về ẩm thực vùng đất này chưa bao giờ nhàm chán và đơn điệu. Để tô vẽ thêm sự đặc sắc của nền ẩm thực ấy, MIA.vn sẽ giới thiệu đến bạn một món ngon mà ai cũng nên thử khi đến vùng đất này. Đó chính là Bún mắm nêm Gia Lai.
1Giới thiệu về Bún mắm nêm Gia Lai
Ở Gia Lai, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức những món ăn ngon và mang hương vị đặc trưng của đại ngàn như gà nướng cơm lam hay lá mì xào cà đắng. Nhưng một trong những món ăn in đậm dấu ấn trong lòng các thực khách mỗi khi đến du lịch tại vùng đất này chính là món Bún mắm nêm Gia Lai.
Bún mắm nêm Gia Lai là một nét văn hóa khá độc đáo trong bức tranh ẩm thực vô cùng hoành tráng của vùng đất này. Có thể nói, món bún này chính là sự giao thoa của nền ẩm thực các tỉnh thành ở khu vực Trung Bộ mà hình thành. Đây vốn là món ăn khá được yêu thích của người dân các tỉnh duyên hải miền Trung với hương vị mắm nêm đặc biệt và thơm lừng. Nhưng khi về đến Gia Lai, món ăn này đã tạo được dấu ấn riêng, không bị nhầm lẫn với bất kỳ địa phương nào.
Nếu như bạn đã từng thưởng thức qua một lần món ăn đặc biệt này, bạn sẽ không khỏi phải gật gù và thích mê bởi hương vị đặc trưng của mắm nêm nơi đầu lưỡi. Sự kết hợp của mắm nêm và vị béo ngậy của thịt heo, kèm theo một chút cay cay, ngọt ngọt của ớt sa tế sẽ làm cho vị giác của bạn thêm phần bùng nổ.
Bún mắm nêm không phải một món ăn quá cao sang, đây là một thức quà dân dã của người dân Gia Lai được bày bán trong các khu phố nổi tiếng về ẩm thực. Thoạt nhìn, bún mắm nêm sẽ có hình thức tương đồng với món bún thịt nướng ở miền Nam. Giống như bún cua thối, bún mắm nêm có vị khá đặc biệt. Khi nếm thử, món ăn này sẽ dậy nên một hương vị mắm nêm mà rõ ràng mà không phải ai cũng có thể ăn được. Đối với những ai chưa quen vị mắm nêm, món bún này sẽ là một thử thách vô cùng lớn để trải nghiệm. Nhưng nếu đã thử qua và quen vị, bạn sẽ trở nên thích thú mà không bao giờ quên được hương vị đặc biệt này.
Bún mắm nêm Gia Lai là sự kết hợp của những thành phần vô cùng đơn giản và dễ tìm, tạo nên một món ăn bình dị và mộc mạc như chính cái tên của nó vậy. Đầu tiên, để tạo nên được bún mắm nêm, bạn cần phải có hai thành phần cơ bản nhất của món ăn. Đó chính là bún tươi và mắm nêm. Bên cạnh đó, để tô bún có thể ngon và dễ ăn hơn, người nấu bắt đầu cho những thành phần đi kèm. Những thành phần thường không cần phải giới hạn về sự phong phú và đặc sắc. Tùy theo sự sáng tạo của mỗi vùng miền và người đầu bếp, món ăn sẽ ăn kèm với những nguyên liệu khác nhau. Những loại nguyên liệu mà bạn thường thấy nhất là thịt heo, chả bò, nem chua, ớt và đậu phộng. Đôi chỗ còn có thêm chả ram và mỡ hành.
Rau ăn kèm của món bún này cũng khá đa dạng, khá giống với món bún thịt nướng ở miền Nam. Khi gọi một tô bún mắm nêm, bạn sẽ thấy những phần rau ăn kèm như dưa leo, giá sống, hoa chuối bào cùng các loại rau mùi ăn kèm.
Đúng như tên gọi của món ăn, món bún này chủ yếu đặc biệt là nhờ hương vị mắm nêm thơm lừng và lạ miệng. Cách làm nên món bún mắm nêm khá đơn giản, chỉ cầu kỳ ở khâu ủ mắm, điều tạo nên sự đặc biệt của món ăn mà ít nơi nào có được.
Đối với những người dân ở khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, mắm nêm là một loại gia vị khá quen thuộc trong những món đặc sản cũng như bữa cơm hàng ngày. Mắm nêm có thể ăn kèm với nhiều món ăn như bánh xèo, bánh khọt hay bánh tráng cuộn thịt heo. Ngoài ra, mắm nêm còn có thể chan vào bún để tạo ra một món ăn đặc biệt.
Mắm nêm là loại mắm đặc sản của các tỉnh miền Trung. Để tạo ra được những giọt mắm thơm ngon và đậm vị, người dân Trung Bộ đã phải tỉ mẩn và cầu kỳ trong khâu muối và ủ mắm. Mắm nêm ngon thường được làm từ cá cơm, một số địa phương có thể dùng cá nục hoặc cá trích để làm mắm. Quá trình muối mắm là khâu quan trọng nhất, đòi hỏi những người nghệ nhân làm mắm phải có tay nghề cao, vì đây là khâu quyết định đến sự thơm ngon của sản phẩm được tạo ra.
Để muối được mắm ngon, đầu tiên, người làm mắm phải chọn được những nguyên liệu tươi. Cá cơm tươi được đánh vớt lên và đem đi rửa sạch, sau đó được ướp với một công thức đặc biệt của những người nghệ nhân rồi sau đó đem đậy kín nắp lại để ủ. Măm được ủ sẽ chín trong khoảng thời gian trong 7 đến 9 ngày tùy vào thời tiết và nhiệt độ của nơi ủ mắm. Mắm đạt độ chín sẽ có độ hơi sệt sệt và bốc mùi thơm khá đặc trưng. Những người thợ lành nghề sẽ đánh giá được mức độ chín của mắm để đưa vào sử dụng.
Mắm được chế biến xong và mang vào sử dụng, người đầu bếp sẽ phải chuẩn bị tỉ mẩn các bước tiếp theo để tạo ra được một món bún ngon. Đầu tiên, người nấu cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu đã được chế biến sẵn như bún, nem, chả, rau sống, dưa và đậu phộng giã nhuyễn. Bún ở món ăn này thường sẽ là sợi bún nhỏ, sau đó được trình bày cẩn thận bởi những lớp rau sống và dưa leo đã được bào sợi. Sau đó, người nấu lần lượt cho đến chả, nem và thịt heo lên trên cùng một lớp đậu phộng rang đã giã nhuyễn và hành phi.
Khi ăn, người nấu sẽ dọn lên một tô bún kèm một đĩa rau sống, bên cạnh có một bát nước mắm nêm đã được pha sẵn với đồ chua và đậu phộng rang. Khi ăn, bạn có thể cho thêm sa tế mà chan nước mắm nêm vào trong tô bún. Sự kết hợp đảm bảo dậy nên một hương vị đặc biệt và khó quên khi thưởng thức.
Xem thêm: Gà xông khói Jơ Rai, đặc sản phố núi phải thử một lần ở Gia Lai
2 Sự khác biệt của Bún mắm nêm Gia Lai so với các địa phương khác
Như đã được chia sẻ, Bún mắm nêm không chỉ là một đặc sản riêng của Gia Lai mà còn là đặc sản chung của các tỉnh ven biển Trung Bộ. Vậy làm cách nào để phân biệt được bún mắm nêm Gia Lai và các món đến từ địa phương khác? Câu trả lời sẽ đến từ vị mắm và các thức ăn kèm.
Sự khác biệt lớn nhất của Bún mắm nêm Gia Lai so với các địa phương khác có lẽ đến từ những thức ăn kèm. Nếu như bún mắm nêm ở các địa phương khác sẽ được ăn kèm với thịt nướng, tôm, mực thì ở Gia Lai, món ăn này thường sẽ được ăn kèm với chả và nem chua.
Ngoài ra, mắm nêm ở Gia Lai so với các địa phương khác sẽ được pha nhạt hơn. Điều này có lẽ xuất phát từ lối sống và môi trường tự nhiên. Người sống ở vùng sông nước thường dùng mắm đậm hơn người miền núi. Phần có lẽ vì ở Gia Lai, tính cách con người cũng phần nào quen dùng những món ăn vị nhè nhẹ, thanh tao.
Bún mắm nêm Gia Lai không giống các nơi khác. Tô bún ở đây không được chan ngập nước, cách ăn sẽ hơi giống với bún trộn. Bát mắm nêm được chan vào với vị vừa ăn, sau đó sẽ được người ăn trộn đều với bún và các loại thức ăn kèm cùng rau sống sao cho dậy vị. Tất cả làm nên một món ăn thơm ngon và bùng nổ về mặt hương vị.
Bún mắm nêm Gia Lai từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng đất này. Nếu có dịp đến với Gia Lai, bạn hãy ghé qua các hàng quán và trải nghiệm món ăn đặc biệt này. Cẩm nang du lịch MIA.vn đảm bảo bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị và tuyệt với nhất với vùng đất đại ngàn này.