1Đôi nét về chùa Hà
1.1 Chùa Hà nằm ở đâu?
Địa chỉ: Phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Nếu đã từng đi du lịch Hà Nội, bạn chắc hẳn đã nghe qua địa danh chùa Hà nổi tiếng linh thiêng về việc cầu duyên. Ngôi chùa này được xây vào thời vua Lý Thánh Tông và là điểm đến thu hút đông đảo bạn trẻ ghé tới cầu duyên mỗi ngày. Bên cạnh cái tên chùa Hà, nơi đây còn có tên chữ là Thánh Đức Tự. Ngôi chùa này nổi tiếng với lời đồn về việc cầu duyên vô cùng linh thiêng dù không hề thờ ông Tơ, bà Nguyệt.
1.2 Lịch sử về ngôi chùa linh thiêng này
Về lịch sử của chùa Hà linh thiêng, người dân địa phương đã truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện bí ẩn. Trong đó, có hai tích xưa liên quan đến triều đại nhà Lý và nhà Lê.
Truyền thuyết đầu tiên kể lại rằng, chùa Hà được xây dựng vào năm 1460 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Chùa được xây dựng với mục đích ghi nhớ công lao và bày tỏ lòng biết ơn của vua đến các vị đại thần như Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Nguyễn Xí có công bảo vệ, giúp ông lên ngôi.
Truyền thuyết thứ hai liên quan đến triều đại nhà Lý. Tương truyền rằng, vào thời vua Lý Nhân Tông, ông đã phải đích thân vi hành đến chùa Chúa Thánh nhằm cầu tự, mong có được người con trai nối dõi tông đường vì đã 42 tuổi nhưng vẫn chưa có ai để kế nghiệp. Khi trở về, nhà vua đã ghé vào thắp nhang, ban lộc tại chùa Hà để ngôi chùa có thể trùng tu khang trang hơn. Từ đó, chùa cũng có tên chữ là Thánh Đức Tự.
Trải qua biết bao thăng trầm, chùa Hà đã hứng chịu sự phá hủy nặng nề từ chiến tranh và trùng tu lại khá nhiều lần. Đến thời vua Lê Hy Tông, chùa Hà được một gia đình thương nhân quê tại Bắc Giang phát công đức một số tiền lớn để sửa sang lại cho thêm khang trang bằng gạch ngói.
1.3 Chùa Hà thờ ai?
Mặc dù nổi tiếng với lời đồn về cầu duyên như ý nhưng chùa Hà không hề thờ ông Tơ, bà Nguyệt. Thay vào đó, chùa được xây dựng với nhiều khu thờ Đức Ông, Tam Tòa Thánh Mẫu, Đức Thánh Hiền, tướng Triệu Việt Vương, Thành hoàng làng Triệu Chí Thành và nhiều vị Phật.
1.4 Kiến trúc đặc sắc của chùa Hà
Chùa Hà được xây dựng với diện tích rộng lớn, cổng tam quan được thiết kế hai tầng. Trong đó, tầng dưới xây 12 cột trụ nổi trên mặt tường, chia thành ba gian chính. Tầng hai thiết kế kiểu chồng diêm, chạm khắc nổi hình mặt trời lửa trên hình hổ phù ở giữa bờ đinh mái thượng. Trên tầng hai còn treo chuông đồng Thánh Đức tự chung niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) được bảo quản nguyên vẹn từ thời Tây Sơn.
Chùa Hà nằm ở vị trí hướng Tây, có kết cấu kiểu chữ Đinh. Bên trong khuôn viên được xây dựng Thượng điện, Tiền đường cùng tam bảo năm gian rất rộng. Dạo một vòng khuôn viên chùa Hà, bạn sẽ thấy xung quanh đều là cây xanh rợp bóng mát, tạo cảm giác mát mẻ, trong lành. Phía sau chính điện chính là Điện Mẫu - ban thờ chính để bạn đến cầu tình duyên. Bên trong điện thờ Mẫu cùng các ông hoàng, bà chúa và nhiều cô, cậu khác.
2Cách di chuyển đến đây
Bạn có thể đến đây bằng xe máy, ô tô hoặc xe buýt. Nếu đi bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, bạn nên đi theo sự hướng dẫn của Google Maps tùy theo vị trí xuất phát. Chùa Hà nằm không quá xa trung tâm nên dễ dàng để bạn tự đi đến đây. Trong khi đó, nhiều bạn học sinh, sinh viên lại thích đi bằng xe buýt vì thuận tiện và tiết kiệm. Dưới đây là một số xe buýt có tuyến xuất phát ở nhiều điểm trong trung tâm thành phố mà MIA.vn gợi ý đến bạn.
- Xuất phát từ Cầu Giấy: Tuyến xe buýt số 7, 20C, 20B.
- Xuất phát từ Trần Khánh Dư: Tuyến xe buýt số 35, 49.
- Xuất phát từ Mai Đông: Tuyến xe buýt số 26.
- Xuất phát từ Bến xe Giáp Bát: Tuyến xe buýt số 16, 28, 32.
- Xuất phát từ Bến xe Yên Nghĩa: Tuyến xe buýt số 27.
- Xuất phát từ Bến xe Mỹ Đình: Tuyến xe buýt số 34.
3Hướng dẫn cầu duyên tại chùa Hà
3.1 Chuẩn bị lễ vật cần thiết
Việc sắm sửa lễ vật khi đi cầu duyên là điều không thể thiếu. Muốn lời cầu khấn thêm linh nghiệm, bạn phải chuẩn bị lễ vật thật kỹ càng và thành tâm. Mâm đồ soạn lễ không cần quá cầu kỳ, tuy đơn giản nhưng bày tỏ được tấm lòng thành kính. Trong đó, bạn phải chuẩn bị đầy đủ ba phần lễ cho ban Tam Bảo, ban Đức Ông và ban thờ Mẫu. Tất cả đều phải chỉn chu và đẹp mắt.
- Ban Tam Bảo: Đây là ban thờ Phật nên bạn có thể chuẩn bị các lễ vật như hoa quả, bánh kẹo, nhang đèn và hoa tươi. Ngoài ra cũng phải chuẩn bị một sớ khấn để dâng lên ban Tam Bảo. Tất cả lễ vật đều phải là đồ chay và tuyệt đối không được dâng tiền bạc, của cải.
- Ban Đức Ông: Đối với ban Đức Ông, bạn có thể chuẩn bị lễ vật như trà, thuốc lá và rượu kèm theo lễ mặn hoặc tiền vàng. Bạn có thể chuẩn bị trước sớ để dâng lên đây cùng các lễ vật.
- Ban thờ Mẫu: Trong ba ban thì ban thờ Mẫu là quan trọng nhất. Chính vì thế, việc chuẩn bị mâm lễ tại đây cũng phải chỉn chu không kém. Bên cạnh tiền vàng, bánh kẹo, hoa quả, bạn nên chuẩn bị thêm trầu cau cùng với 5 bông hồng đỏ tươi. Sau khi dâng sớ và lễ vật, bạn đừng quên dâng thêm tiền công đức trước khi ra về.
3.2 Trình tự thắp hương, khấn lễ
Trình tự thắp hương, dâng lễ cũng là điều mà bạn phải biết khi đi cầu duyên ở chùa Hà. Sau khi đến chùa, bạn hãy bắt đầu xếp lễ tại gian thờ chính và dâng lên từng ban. Trong đó, ban Tam Bảo và ban Đức Ông đều được đặt ở gian thờ chính. Ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu thì nằm ở Điện Mẫu.
Sau khi dâng lễ xong, bạn sẽ tiến hành thắp hương trước khi khấn với thứ tự: 1 nén ở ban thờ Đức Ông, 1 nén ở ban thờ Tam Bảo, 1 nén ở ban thờ Thánh Hiền, 1 nén ở ban thờ Mẫu. Khi tiến hành thắp hương, bạn đồng thời khấn lễ. Ở mỗi ban sẽ linh ứng cho một việc cầu xin khác nhau như ban Đức Ông thì cầu xin công danh tài lộc, ban Tam Bảo khấn cầu bình an cho gia đình, bản thân... Tiếp đến là vái lạy hai Đức Hộ Pháp và các vị Thập Nhị Diêm Vương ở hai bên.
Sau khi đã hoàn thành các nghi lễ ở gian chính, bạn đi đến ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu để dâng sớ cầu tình duyên. Bạn có thể học thuộc hoặc cầm bài khấn để đọc nhưng luôn phải giữ phong thái nghiêm túc, thành tâm. Sau khi hành lễ thì hóa sớ, tiền vàng và vái ban Ngũ Hổ các Quan Âm Dinh, ban thờ Sư Tổ, ban thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Cuối cùng thì đi ra bên ngoài vái 3 vái với hai vị trông coi cổng chùa.
4Những lưu ý khi tới đây cầu duyên
4.1 Nên đi chùa Hà cầu duyên khi nào?
Theo nhiều kinh nghiệm của người đi trước, thời gian lý tưởng nhất để bạn tới chùa Hà mỗi ngày là vào buổi sáng. Càng về chiều, chùa càng thêm đông đúc vì có rất nhiều người đến đây dâng lễ, cầu duyên. Vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, chùa Hà sẽ mở cửa trễ hơn 18 giờ chiều để mọi người thuận tiện tới đây dâng lễ. Tuy nhiên, vào những ngày này thì chùa Hà rất đông đúc. Vì thế, bạn có thể cân nhắc lựa chọn dâng lễ vào ngày nào vắng vẻ hơn cho thoải mái cũng như có thêm nhiều thời gian cầu khấn.
4.2 Một số lưu ý khác
Lựa chọn trang phục gọn gàng, lịch sự khi đến dâng lễ tại chùa Hà để thể hiện sự thành tâm, kính cẩn.
- Khi cầu khấn, dâng lễ, bạn hãy thật thành tâm mong gặp được ý trung nhân, cầu tìm được người chung thủy, tâm đầu ý hợp thì mới linh ứng.
- Khi đi cầu duyên, bạn nên đi một mình, soạn lễ không cần cầu kỳ nhưng phải thật thành tâm.
- Không nói chuyện quá to, đùa giỡn trong khuôn viên nhằm giữ vẻ trang nghiêm của chùa Hà.
- Tuyệt đối không nói tục, chửi thề hay làm bất cứ hành động bất kính nào đối với các vị Phật cũng như các vị thần được thờ cúng tại đây.
5Kết
Nếu bạn đang cô đơn lẻ bóng và muốn kiếm tìm một người thương ở cạnh, hãy để chùa Hà giúp con đường tình duyên của bạn thêm suôn sẻ. Để việc cầu duyên thêm thuận lợi, đạt được như ý nguyện, bạn đừng quên lưu lại những chia sẻ phía trên vào cẩm nang du lịch MIA.vn. Chúc bạn có được chuyến khám phá Hà Nội thật vui vẻ và kiếm tìm được người cùng kề vai sát cánh sau khi cầu duyên tại chùa Hà.