Cầu Cao Lãnh cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km, là cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, kết nối thành phố Cao Lãnh với huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Cầu được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2013 và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 27 tháng 5 năm 2018.

Theo MIA.vn tìm hiểu, dự án xây dựng cầu Cao Lãnh có tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Australia, vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ Việt Nam. Công trình này được đầu tư bởi Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được thực hiện bởi liên doanh các nhà thầu, bao gồm Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C của Việt Nam.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 2

Cầu Cao Lãnh là một trong những biểu tượng của Đồng Tháp. Ảnh: Trần Thị Mỹ Duyên

Tư vấn giám sát thi công là liên doanh tư vấn quốc tế CDM SMITH Inc. (Mỹ), WSP FINLAND Ltd (Phần Lan), và YOOSHIN Engineering Corporation (Hàn Quốc). Cầu được hợp long vào tháng 9 năm 2017, sau bốn năm xây dựng.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 3

Cầu Cao Lãnh từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hoàng Trọng

Cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 2.01 km với nhịp chính dài 350 m. Bề rộng mặt cầu lên đến 24.5m và chiều cao thông thuyền đạt 37.5 m. Trụ tháp của cầu được thiết kế theo hình chữ H, làm từ bê tông cốt thép dự ứng lực và cao tới 123.4 m. Cầu có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với tốc độ thiết kế tối đa là 80 km/h.

Cầu Cao Lãnh nằm cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0.8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận hiện tại khoảng 35km về phía thượng lưu sông Tiền. Đây là cây cầu lớn thứ hai trong dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Mekong, chỉ đứng sau cầu Vàm Cống, có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 4

Cầu chia làm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Ảnh: Lê Thị Diễm Kiều

Toàn bộ cầu Cao Lãnh và tuyến kết nối kéo dài gần 21.45 km, giúp liên kết Quốc lộ 30 với Quốc lộ 54 của tỉnh Đồng Tháp. Sự hiện diện của cây cầu đã giải quyết một trong những nút thắt giao thông lớn, giúp rút ngắn khoảng hai giờ đồng hồ trong hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Người dân không còn phải phụ thuộc vào việc chờ phà khi vận chuyển hàng hóa qua sông, mang lại lợi ích to lớn cho cuộc sống hàng ngày.

Cầu Cao Lãnh không chỉ giúp Đồng Tháp xóa bỏ ranh giới chia cách giữa Nam và Bắc sông mà còn tạo sự kết nối với tuyến đường Hồ Chí Minh, giúp nối liền Bắc - Nam. Cầu này đã hiện thực hóa ước mơ trăm năm của nhân dân hai bờ sông Tiền, giúp việc di chuyển từ huyện Lấp Vò đến thành phố Cao Lãnh trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn bao giờ hết.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 5

Quá trình xây dựng cầu Cao Lãnh. Ảnh: Huỳnh Văn Hậu

Việc ra đời của cầu Cao Lãnh không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò chiến lược quan trọng trong văn hóa, chính trị và an ninh quốc phòng của quốc gia. Cây cầu góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển toàn diện của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Ngoài ý nghĩa về mặt giao thông, kinh tế, cầu Cao Lãnh còn có cảnh quan tuyệt đẹp, được nhiều bạn yêu thích. Có dịp về với du lịch Đồng Tháp thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội dừng chân check-in trên cây cầu này nhé.

Cầu Cao Lãnh không có làn riêng cho người đi bộ. Vì thế nên nếu muốn ngắm hoàng hôn và bình minh trên cầu thì bạn có thể chạy xe chậm chậm theo làn xe máy. Từ đây, bạn sẽ thu gọn vào tầm mắt cả dòng sông Tiền ánh lên lung linh dưới những tia nắng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, bạn cần tránh khung giờ cao điểm vì số lượng xe đi qua cầu rất đông, việc dừng lại chụp ảnh sẽ gây nguy hiểm và ách tắc giao thông.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 6

Bình minh tuyệt đẹp trên cầu Cao Lãnh. Ảnh: Lê Ngọc Quí

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 7

Hoàng hôn mơ màng và bình yên. Ảnh: Nguyễn Hữu Thành

Dưới chân cầu Cao Lãnh Đồng Tháp là vị trí được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn đến check-in, chụp hình sống ảo. Những trụ cầu được thiết kế rất đẹp mắt, tạo nên các góc siêu đẹp để bạn tha hồ thả dáng. Bên cạnh đó, cây cỏ dưới chân cầu còn mọc cực kỳ tươi tốt. Chỉ cần khéo léo chọn góc là bạn sẽ có vô vàn bức ảnh sống ảo chất lượng.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 8

Góc check-in siêu xịn dưới chân cầu Cao Lãnh. Ảnh: Trung Tiên Trần

Nổi tiếng là xứ sen nên đâu đâu ở Đồng Tháp bạn cũng có thể gặp những đóa sen nở rực rỡ. Bên cạnh cầu Cao Lãnh cũng có một ao sen như thế. Mùa sen nở rộ, hương sen ngập tràn không gian sẽ níu chân khiến bạn chẳng muốn rời. Tại đây bạn sẽ tha hồ chụp những bức hình xinh xắn bên hoa sen. Tuy nhiên, bạn lưu ý không nên tự ý hái hoa, hái lá, gây ảnh hưởng đến cảnh quan nhé.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 9

Hồ sen gần cầu Cao Lãnh. Ảnh: Thái Hồng Phúc

Dù đã có cầu Cao Lãnh nhưng bến phà gần đó vẫn còn hoạt động. Hai chiếc phà nhỏ cỡ 100 tấn và 40 tấn được bố trí để vận chuyển hành khách đi xe máy và đi bộ theo nguyện vọng của người dân và học sinh, sinh viên hai bên bờ thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò. Trải nghiệm đi phà khá thú vị, sẽ giúp bạn có góc nhìn rất mới mẻ, quan sát cầu Cao Lãnh từ xa và ngắm nhìn vẻ đẹp bình dị của sông Tiền.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 10

Bến phà vẫn hoạt động trên sông Tiền. Ảnh: Nguyễn Nam Phương

Có dịp đến với thành phố Cao Lãnh, bạn sẽ có cơ hội khám phá rất nhiều điểm đến nổi tiếng. Dưới đây là một số gợi ý từ cẩm nang du lịch MIA.vn:

- Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc: Đây là địa điểm lý tưởng để bạn tìm hiểu về văn hóa vùng Cao Lãnh Đồng Tháp. Khu di tích sở hữu kiến trúc đặc sắc, cảnh quan đa dạng, được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, tại đây bạn còn được viếng thăm vòm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có phòng trưng bày hiện vật và các thông tin giới thiệu về cuộc đời của ông và vợ là bà Hoàng Thị Loan.

- Khu du lịch Xẻo Quýt: Đây là khu du lịch sinh thái kết hợp di tích lịch sử nổi tiếng của Cao Lãnh. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái đa dạng, mang đặc trưng của miền sông nước. Đặc biệt, tại Xẻo Quýt bạn còn được tận mắt ngắm nhìn các loài động vật hoang dã như trăn mốc, rùa, rắn hổ trâu, rái cá… Bên cạnh đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Quýt còn từng là căn cứ cách mạng, ghi dấu ấn của quân dân Đồng Tháp anh hùng, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Check-in cầu Cao Lãnh, biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp 11

Khu du lịch Xẻo Quýt với những căn cứ lịch sử từ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: thamhiemmekong

- Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng: Với diện tích 36 ha, Gáo Giồng là nhà của rất nhiều loài chim nước quý như chích mồng đỏ, cồng cộc, le le, vịt trời, diệc và điên điển. Đặc biệt, đây còn nơi sinh sống của đàn cò trắng lên đến hàng chục nghìn con.

Trên đây là những thông tin về cầu Cao Lãnh, một trong những biểu tượng nổi tiếng của thành phố Cao Lãnh nói riêng và Đồng Tháp nói chung. Cây cầu này không chỉ đơn thuần nối liền Lấp Vò với Cao Lãnh trên phương diện địa lý mà còn trở thành cầu nối của kinh tế, giúp cuộc sống người dân địa phương ngày thuận tiện hơn.