Miền Tây Nam Bộ là vùng đất sở hữu những dấu ấn văn hóa đặc biệt. Từ những câu hò điệu lý đến mái nhà đậm chất thôn quê, những nét độc đáo ấy vẫn lưu giữ và tạo nên một vùng sáng lấp lánh của kho tàng văn hóa Việt Nam. Một trong những dấu ấn của đặc trưng văn hóa nơi đây chính là chiếc khăn rằn. Vậy khăn rằn có từ bao giờ và đã mang lại những giá trị gì cho người dân Nam Bộ, hãy cùng MIA.vn đi tìm lời giải bạn nhé!
1 Khăn rằn - Nét văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ
1.1 Giới thiệu sơ nét về khăn rằn
Khăn rằn là hình ảnh quá đỗi quen thuộc đối với người Việt sinh sống và lớn lên ở vùng đất Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng. Hình ảnh chiếc khăn với giá trị văn hóa sâu sắc đã đi cùng năm tháng và vẽ nên bức tranh văn hóa rực rỡ đậm chất miền Tây Nam Bộ.
Không chỉ là một loại phụ kiện trang phục, chiếc khăn rằn bao đời đã gắn mình với lịch sử chống giặc ngoại xâm và tạo nên giá trị văn hóa sâu sắc. Khăn rằn đi từ đời sống hàng ngày đến phong trào cách mạng, góp phần tô vẽ nên màu hòa bình của dân tộc.
Trải qua thời kỳ chiến tranh, trong thời kỳ, khăn rằn mang trong mình một nét đẹp văn hóa của miền Tây sông nước. Bạn có thể bắt gặp hình ảnh của chiếc khăn rằn trong nhiều dáng hình xứ sở. Từ người nông dân cần mẫn cho đến cô gái thị thành, ai cũng có thể vận trên mình chiếc khăn rằn như muốn định vị giá trị văn hóa dân tộc của mình.
1.2 Khăn rằn có nguồn gốc từ đâu?
Chiếc khăn rằn Nam Bộ có tự bao giờ, chưa có một nhà nghiên cứu nào có thể trả lời chính xác nhất câu hỏi này. Chỉ biết rằng, chiếc khăn rằn này đã trở thành vật dụng gắn bó với người dân phương Nam tự rất xa xưa.
Tuy nhiên, cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, chiếc khăn rằn Nam Bộ có nguồn gốc từ khăn krama xưa của người Khmer. Trong quá trình cộng cư với các dân tộc khác, chiếc khăn đã được biến đổi cho phù hợp với văn hóa và điều kiện sống của người dân địa phương sông nước.
Tương truyền, khi chúa Nguyễn Hoàng vào phía Nam của dãy Hoành Sơn thì đã thấy những người Khmer đội khăn quấn thành vòng trên đầu. Trong quá trình chung sống ở Nam Bộ và có sự hòa hợp với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm… chiếc khăn này trở nên phổ biến hơn.
Về mặt tâm linh, nhiều người cho rằng chiếc khăn rằn được tạo ra xuất phát từ tín ngưỡng theo đạo Hindu và thờ thần Vishnu của người Khmer. Những ô ca rô trên chiếc khăn rằn có thể được hiểu là tượng trưng cho những chiếc vảy của rắn thần Naga, vật cưỡi của thần Vishnu. Chiếc khăn này được người Khmer gọi là khăn Krama (khăn rắn). Họ luôn tin rằng mang theo chiếc khăn bên mình sẽ được thần Vishnu cùng rắn thần Naga chở che.
2 Công thức tạo nên chiếc khăn rằn kỳ công
Để tạo nên một chiếc khăn rằn hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải trải qua nhiều bước kỳ công như xả chỉ, nhuộm màu, lên bột hồ, dệt vải, cắt khăn. Mỗi công đoạn đều được người nghệ nhân thực hiện thủ công nên trải qua nhiều quá trình vất vả, đòi hỏi tính tỉ mỉ cao.
Trong các bước trên, việc lên hồ được xem là công đoạn quan trọng nhất. Việc lên hồ giúp các sợi chỉ trở nên cứng hơn và giúp cho việc dệt khăn trở nên dễ dàng. Khăn rằn khi dệt xong sẽ có độ cứng vừa phải và dễ gấp nếp. Trải qua nhiều lần sử dụng và giặt phơi, khăn rằn mới trở nên mềm mại do lớp hồ lúc này đã trôi đi.
3 Màu sắc và họa tiết đặc trưng của chiếc khăn rằn
Do được tạo thủ công bằng tay nên khăn rằn thường hay có họa tiết ca rô với hai màu đen trắng, vì đây là họa tiết đơn giản và dễ dệt nhất. Sau này, các nghệ nhân dệt khăn đã chuyển sang dệt máy nên chiếc khăn rằn cũng được phối nhiều màu hơn.
Tùy theo thị hiếu người dùng mà khăn rằn có nhiều kích cỡ cũng như độ dày mỏng khác nhau. Có loại khăn rằn dày 2 lớp, cũng có loại khăn 2 đầu được thắt tếch để hợp thời trang. Dù đã trải qua bao đời đổi dời, thế nhưng chiếc khăn rằn với hoạt tiết trắng đen nguyên mẫu vẫn được ưa chuộng và sử dụng nhiều cho đến ngày nay.
4 Công dụng và giá trị của chiếc khăn rằn đi cùng lịch sử
Khăn rằn có vẻ đẹp tương đối giản dị nhưng cũng mang đến nhiều công dụng cho người dân Nam Bộ. Khăn rằn là vật che nắng, che sương, thấm mồ hôi khi lao động. Đôi khi, khăn rằn được biến tấu thành khăn choàng cổ hay giỏ đựng đồ với dáng hình của một tay nải.
Khăn rằn Nam Bộ sẽ trở nên đẹp đẽ và hài hòa hơn khi kết hợp cùng áo bà ba hoặc áo dài Việt Nam. Tùy theo chất liệu và màu sắc của áo, người mặc sẽ lựa chọn chiếc khăn rằn phù hợp để tạo thành điểm nhấn trang phục.
Không chỉ có giá trị trong đời sống, chiếc khăn rằn Nam Bộ đã đi cùng lịch sử nước nhà qua những cuộc kháng chiến. Khăn rằn đi cùng các chiến sĩ giải phóng quân không chỉ là vật che mưa, che nắng mà đó còn là nơi gói đồ dùng, băng bó vết thương cũng như mang lại nhiều giá trị tinh thần nơi hậu phương. Chiếc khăn rằn bình dị trong thời kỳ bom đạn như trở thành kỷ vật không thể nào quý giá hơn của những người lính tiền tuyến.
Hình ảnh chiếc khăn rằn Nam Bộ cũng gắn liền với phong trào Đồng Khởi, nơi có đội quân tóc dài khiến giặc ngoại xâm bao phen khiếp đảm. Khăn là đồng đội giúp những người phụ nữ vùng lên tay không đánh giặc, ghi lại những câu chuyện lịch sử hào hùng đáng nhớ.
Trở lại với thời bình, chiếc khăn rằn như một vật dụng gột tả được tính mộc mạc, duyên dáng cùng vẻ đẹp đôn hậu, chân tình của người dân miền Tây. Chiếc khăn rằn biểu dương cho tính cách mộc mạc, sự cần cù, chịu thương, chịu khó và tinh thần nồng hậu của người Nam Bộ.
5 Về Làng nghề dệt choàng Long Khánh tìm chiếc khăn rằn chính gốc miền Tây
Chiếc khăn rằn ngày nay với giá trị văn hóa độc đáo chính là sản phẩm của làng nghề dệt choàng Long Khánh ở xã Long Khánh A thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Làng nghề dệt này đã bao đời phát triển ngành dệt choàng thủ công và tiếp tục sứ mệnh bảo tồn văn hóa vùng miền.
Làng dệt choàng Long Khánh đã được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XX.Trải qua bao năm tháng gìn giữ và phát triển, đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân nơi đây đã tạo nên những chiếc khăn rằn trang nhã, hài hòa, phục vụ nhu cầu của người dân bản địa cũng như khách du lịch gần xa.
Ngày nay, Làng nghề dệt choàng Long Khánh không chỉ là một địa điểm làm nghề dệt mà còn dùng để phát triển du lịch. Các tín đồ du lịch gần xa khi đến đây sẽ được tìm hiểu, chiêm ngưỡng tận mắt những chiếc khăn rằn được dệt như thế nào. Ngoài ra, khi đến đây, bạn cũng sẽ có cơ hội tự mình tạo ra những sản phẩm dệt bằng các chiếc máy thủ công dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương.
Vẻ đẹp văn hóa của chiếc khăn rằn Nam Bộ đã hình thành và phát triển suốt chiều dài lịch sử đất nước. Hình ảnh thân thuộc và bình dị này như mang lại giá trị định vị văn hóa sâu sắc của người dân Nam Bộ. Giá trị tốt đẹp của chiếc khăn rằn chính là một phần gột nên bức tranh văn hóa rực rỡ của đất Nam Bộ.