1 Giới thiệu chùa An Lạc
1.1 Đôi nét về ngôi chùa
- Địa chỉ: 1000 Phạm Văn Đồng, Phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
- Thời gian mở cửa: 09:00 – 17:00 (ngày thường) | 07:00 – 21:00 (ngày lễ).
Chùa An Lạc là một ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông (Phật giáo đại thừa - Mahayana). Dù không gian chùa không quá rộng lớn nhưng cách bài trí hài hòa giữa các công trình kiến trúc, tiểu cảnh, hồ sen và tượng Phật đã tạo nên một không gian thanh tịnh, trang nhã, đậm chất Phật giáo.

Chùa An Lạc là một ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông. Ảnh: Du lịch Bụi Ăn Chay
Dưới sự dẫn dắt của Đại đức Thích Thiện Tuệ, vị trụ trì luôn tuân thủ Nội quy Ban Tăng sự và sự hướng dẫn của Giáo hội, chùa không chỉ là nơi tu hành mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa và tâm linh cho cộng đồng. Chùa thường xuyên tổ chức các khóa học về thư pháp, quay dựng phim và báo chí dành cho những người có nhu cầu học hỏi và phát triển kỹ năng.
Bên cạnh đó, chùa An Lạc luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội, giữ vững tinh thần "lợi đạo ích đời", góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Chùa không chỉ là nơi tu hành mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa và tâm linh cho cộng đồng. Ảnh: Chùa An Lạc
1.2 Lịch sử hình thành chùa
Chùa An Lạc mang trong mình hành trình phát triển đầy ý nghĩa từ một thảo am đơn sơ trở thành một ngôi chùa trang nghiêm, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng Phật giáo địa phương.
Lịch sử của chùa bắt đầu vào năm 1965, khi Hòa thượng Thích Trí Lành (tên tục là Nguyễn Văn Hiển, sinh năm 1942) đặt chân đến vùng đất Thủ Đức và sáng lập nên ngôi thảo am nhỏ mang tên An Lạc trên một mảnh đất còn hoang sơ. Đến năm 1972, Hòa thượng đã tiến hành đợt trùng tu đầu tiên nhằm mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các Phật tử có không gian tu tập tốt hơn.

Trước đây, chùa chỉ là một am nhỏ. Ảnh: Thông Khưu
Đến năm 2019, với tâm nguyện làm trang nghiêm ngôi Tam Bảo và xây dựng một không gian thanh tịnh cho chư Phật, Hòa thượng Thích Trí Lành tiếp tục khởi xướng đợt trùng tu lần thứ hai. Công trình này đã biến chùa An Lạc thành một ngôi phạm vũ huy hoàng và trang nghiêm, trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo và văn hóa quan trọng của địa phương.
Sau khi Hòa thượng Thích Trí Lành từ nhiệm vào năm 2020 vì lý do sức khỏe, Đại đức Thích Thiện Tuệ được bổ nhiệm làm trụ trì mới. Dưới sự hướng dẫn của Giáo hội và sự tín nhiệm của cộng đồng Phật tử, Đại đức Thích Thiện Tuệ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của chùa, không chỉ hướng dẫn Phật tử tu học theo Chánh pháp mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch Sài Gòn với 24 địa điểm nổi tiếng

Hiện nay, chùa An Lạc là một điểm đến thanh tịnh của nhiều Phật Tử. Ảnh: Xanh SM
1.3 Những khóa tu và lễ nghi được tổ chức định kỳ tại chùa
Chùa An Lạc còn là trung tâm sinh hoạt Phật giáo sôi động với nhiều khóa tu và lễ nghi được tổ chức đều đặn hàng tháng. Những hoạt động này tạo cơ hội cho Phật tử và những người quan tâm đến Phật pháp có thể thực hành, học hỏi và tìm về sự bình an trong tâm hồn.
Lễ Sám Hối và Thuyết Pháp
Vào các ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng, chùa An Lạc tổ chức lễ sám hối định kỳ. Đây là dịp để các Phật tử quay về chính mình, sám hối những lỗi lầm trong tâm, thanh lọc tâm hồn và phát nguyện làm điều thiện. Sau buổi lễ sám hối, chùa còn tổ chức thời thuyết pháp, nơi các vị tăng giảng giải về giáo lý Phật pháp, giúp người tham dự hiểu sâu sắc hơn về đạo lý nhà Phật và cách áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Vào các ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng, chùa An Lạc tổ chức lễ sám hối định kỳ. Ảnh: Chùa An Lạc
Khóa tu một ngày an lạc
Vào Chủ nhật cuối cùng của mỗi tháng, chùa tổ chức khóa tu An Lạc một ngày. Đây là cơ hội quý báu để các Phật tử dành trọn một ngày thực hành những pháp môn như ngồi thiền, tụng kinh và nghe pháp thoại. Bên cạnh đó, khóa tu còn có phần hỏi đáp về Phật đạo, tạo điều kiện để người tham dự giải đáp những thắc mắc và nâng cao hiểu biết về giáo lý.

Khóa tu một ngày an lạc được tổ chức tại chùa. Ảnh: Chùa An Lạc
Lễ lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm
Một dịp lễ cũng quan trọng không kém thường được chùa An Lạc tổ chức vào ngày 19 âm lịch hàng tháng lúc 18h30 mà MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn đó là lễ lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm. Đây là nghi lễ đặc biệt để các Phật tử hành lễ và tụng niệm 500 danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát. Nghi thức này không chỉ giúp người tham gia gột rửa tâm hồn mà còn hướng về lòng từ bi và trí tuệ của Bồ Tát, cầu mong sự bình an và che chở cho bản thân và gia đình.
Lễ thắp nến hoa đăng và tụng lịch sử đức Phật
Vào ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng lúc 18h30, chùa An Lạc tổ chức lễ thắp nến hoa đăng. Buổi lễ này bao gồm các nghi thức như tụng kinh lịch sử Đức Phật, ngồi thiền và niệm Phật. Đây là thời điểm thiêng liêng để Phật tử tưởng nhớ về cuộc đời và những giáo lý cao quý của Đức Phật, đồng thời thực hành thiền định, giúp tâm trí trở nên tĩnh lặng và hướng thiện.
1.4 Kiến trúc của chùa
Chùa An Lạc được biết đến như một biểu tượng nghệ thuật kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa truyền thống Phật giáo và nét đẹp văn hóa Việt Nam. Tổng thể không gian và cách bài trí tại chùa tạo nên một không gian tĩnh lặng, hài hòa, mang lại sự thư thái cho những ai tìm về để tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn.
1.4.1 Kiến trúc chung
Chùa An Lạc mang nét kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Bắc Tông với màu sắc chủ đạo là đỏ và vàng – hai gam màu tượng trưng cho sự may mắn, phúc lành và trí tuệ. Điểm nhấn đầu tiên khi bước vào chùa là cổng tam quan bề thế, được thiết kế công phu với mái ngói đỏ nổi bật, tượng trưng cho sự thịnh vượng và bảo hộ tâm linh.
Phần mái chùa được thiết kế tỉ mỉ, các đầu đao uốn lượn mềm mại và được trang trí bằng những hoa văn tinh xảo, thể hiện sự khéo léo trong nghệ thuật kiến trúc truyền thống. Mái ngói đỏ đặc trưng không chỉ mang lại vẻ đẹp cổ kính mà còn góp phần làm nổi bật sự uy nghiêm của ngôi chùa.

Chùa mang vẻ đjep cổ kính và uy nghiêm. Ảnh: Tùng Mai
1.4.2 Khuôn viên chùa
Bước vào khuôn viên chùa, bạn sẽ cảm nhận ngay được bầu không khí yên bình, thanh tịnh. Một điểm nhấn quan trọng trong khuôn viên là hai hồ sen lớn nằm hai bên lối vào, tượng trưng cho sự thuần khiết và trí tuệ của Phật pháp. Những bông sen vươn mình trên mặt nước tạo nên một khung cảnh thơ mộng và thanh nhã, mang đến cảm giác an lành cho mọi người khi chiêm ngưỡng.
Chính giữa sân chùa là một cây bồ đề lớn – biểu tượng của sự giác ngộ, nơi Đức Phật đã tìm ra con đường giải thoát. Dưới bóng cây bồ đề là tượng Phật Thích Ca tọa thiền, thể hiện sự an nhiên và trí tuệ tối thượng. Bên cạnh đó, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được đặt trang nghiêm trong khuôn viên, như một biểu tượng của lòng từ bi vô hạn, luôn che chở và bảo hộ chúng sinh.
Khuôn viên rộng lớn của chùa có sức chứa lên tới 1.000 khách tham quan, là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động tôn giáo, các khóa tu và lễ hội tâm linh.

Khuôn viên chùa có những tiểu cảnh xinh đẹp. Ảnh: Đồng Văn Tiến
1.4.3 Kiến trúc bên trong
Bước vào bên trong chùa, không gian chánh điện hiện lên với vẻ đẹp trang nghiêm và thanh tịnh. Trung tâm của chánh điện là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn được đặt ở vị trí trang trọng nhất, tượng trưng cho sự giác ngộ, trí tuệ và từ bi. Tượng được chế tác công phu, mang vẻ mặt hiền hòa, biểu thị cho sự bình an và lòng từ bi của Đức Phật.
Hai bên tượng Phật là những bức tranh hoa sen lớn màu vàng được thắp sáng lung linh, tượng trưng cho sự thuần khiết và trí tuệ Phật pháp. Ánh sáng nhẹ nhàng từ những bức tranh tạo nên không gian huyền ảo, khiến người hành hương cảm nhận được sự tĩnh lặng và sâu lắng trong tâm hồn.
Xung quanh chánh điện là những hình ảnh của các vị Bồ Tát Đại Thế Chí và Quán Thế Âm được bài trí một cách hài hòa và cân đối, tượng trưng cho trí tuệ và lòng từ bi, nhắc nhở người tu hành luôn giữ tâm an lạc và sáng suốt.
Một điểm nhấn khác trong không gian chánh điện là chiếc trống lớn và chuông đồng được đặt tại góc điện. Đây là hai pháp khí quan trọng trong nghi lễ Phật giáo được sử dụng trong các buổi tụng kinh và lễ hội, góp phần tạo nên không khí linh thiêng, trầm mặc, giúp người tham dự dễ dàng tịnh tâm và hướng về cõi Phật.

Tượng Phật được trưng bên trong chùa. Ảnh: Thông Khưu
2 Kinh nghiệm tham quan chùa An Lạc
2.1 Cách di chuyển đến chùa An Lạc
Dưới đây là một số kinh nghiệm di chuyển đến chùa An Lạc mà Cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn:
Xe ô tô, xe máy
Sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô hoặc xe máy là cách thuận tiện và chủ động nhất để đến chùa An Lạc. Khi đi bằng xe cá nhân, bạn có thể tự do lựa chọn thời gian khởi hành, điều chỉnh lộ trình và dừng chân nghỉ ngơi khi cần thiết.
Các lộ trình phổ biến:
- Từ Trung tâm Quận 1, TP. Hồ Chí Minh (khoảng 10km): Đây là lộ trình nhanh nhất và dễ dàng nhất để đến chùa An Lạc. Bạn có thể di chuyển theo tuyến đường sau:
+ Xuất phát từ trung tâm Quận 1, đi theo đường Điện Biên Phủ.
+ Tiếp tục qua Ngã tư Hàng Xanh, rồi rẽ vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
+ Sau đó, đi theo tuyến Quốc lộ 13 và rẽ vào đường Phạm Văn Đồng.
+ Chạy thẳng trên đường Phạm Văn Đồng khoảng 2km nữa, bạn sẽ thấy chùa An Lạc nằm bên tay phải.
Từ Cao tốc Long Thành – Dầu Giây (khoảng 30km): Đối với những ai di chuyển từ khu vực Đồng Nai hoặc các tỉnh miền Đông Nam Bộ:
+ Đi theo cao tốc Long Thành – Dầu Giây về hướng TP. Hồ Chí Minh.
+ Rẽ vào đường Vành Đai 2 rồi tiếp tục đi theo tuyến Mai Chí Thọ.
+ Sau đó, nhập vào tuyến Quốc lộ 52 và tiếp tục đến Quốc lộ 13.
+ Cuối cùng, rẽ vào đường Phạm Văn Đồng và đi thẳng đến chùa.
+ Từ Biên Hòa – Đồng Nai (khoảng 25km):
Xe buýt
Nếu không sử dụng phương tiện cá nhân, bạn có thể chọn di chuyển bằng xe buýt – một phương tiện công cộng vừa tiết kiệm chi phí vừa an toàn.
Các tuyến xe buýt phù hợp để đến chùa An Lạc:
- Tuyến số 08: Đi từ Bến xe Quận 8 đến Bến xe An Sương, qua nhiều tuyến đường trung tâm, thuận tiện cho khách từ khu vực nội thành.
- Tuyến số 93: Xuất phát từ Bến xe Miền Đông, phù hợp cho khách đến từ các tỉnh phía Bắc TP. Hồ Chí Minh.
- Tuyến số 50: Chạy từ Đại học Quốc gia TP.HCM về khu vực trung tâm, phù hợp cho sinh viên và khách từ quận 9.
- Tuyến số 89: Di chuyển từ Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12) đến Đại học Nông Lâm.
Điểm dừng gần nhất: Bạn có thể xuống tại Hẻm 23 Đường Số 27 – đây là điểm dừng gần nhất với chùa An Lạc. Từ đây, bạn đi bộ khoảng 15 phút là có thể đến chùa.
2.2 Một số lưu ý khi tham quan chùa
Khi lên kế hoạch tham quan chùa An Lạc, một trong những địa điểm tâm linh nổi bật tại TP. Hồ Chí Minh, bạn cần lưu ý một số nguyên tắc quan trọng để bảo đảm sự tôn nghiêm và ý nghĩa cho chuyến đi.
Giữ tâm thái thanh tịnh và ứng xử trang nghiêm là nguyên tắc đầu tiên mà bạn cần lưu ý khi đến chùa. Tâm hồn nên luôn hướng về sự bình an, hành xử nhẹ nhàng và từ tốn trong từng cử chỉ. Đây là cách thể hiện lòng tôn kính với Đức Phật và tôn trọng không gian linh thiêng.
Ngoài ra, khi tham quan, bạn cần giữ gìn trật tự, tránh nói to hoặc gây ồn ào, đặc biệt là tại cổng vào, khu vực chánh điện và các không gian thờ tự. Điều này giúp giữ gìn bầu không khí trang nghiêm và thanh tịnh của chùa.
Một yếu tố quan trọng khác là trang phục phù hợp khi tham quan chùa An Lạc. Bạn nên mặc quần áo kín đáo, lịch sự, ưu tiên những gam màu nhã nhặn. Cần tránh các loại trang phục không phù hợp như váy ngắn, quần đùi, áo sát nách hoặc quần áo hở hang khi vào khu vực thờ tự để thể hiện sự kính trọng với không gian tâm linh.
Khi thực hiện các nghi lễ cúng bái, bạn cũng cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Ban quản lý chùa An Lạc. Việc dâng hương, tụng kinh hay hành lễ nên được thực hiện với thái độ thành kính, tránh gây mất trật tự hoặc chen lấn. Đặc biệt, bạn nên chú ý không rải tiền lẻ bừa bãi trong khuôn viên chùa, thay vào đó hãy đặt tiền vào các thùng công đức đúng quy định, vừa thể hiện lòng thành tâm vừa giữ gìn sự trang nghiêm của chốn thiền môn.
Ngoài ra, để có một trải nghiệm trọn vẹn, bạn nên tắt chuông điện thoại hoặc để ở chế độ im lặng khi vào khu vực thờ tự, tránh chụp ảnh hoặc quay phim tại những nơi hành lễ nếu không được sự cho phép. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng không gian linh thiêng mà còn giúp bạn tận hưởng trọn vẹn không khí thanh tịnh của chùa.
Chùa An Lạc không chỉ là một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo mà còn là điểm đến tâm linh thanh tịnh, nơi mỗi bước chân đều mang lại cảm giác an yên và tĩnh tại. Từ vẻ đẹp kiến trúc hài hòa đến những khóa tu ý nghĩa, chùa là nơi lý tưởng để tìm lại sự bình yên giữa cuộc sống bộn bề. Nếu bạn đang tìm kiếm một không gian để giải tỏa căng thẳng, tìm về với bản ngã và chiêm nghiệm những giá trị sâu sắc của cuộc sống, chùa An Lạc Thủ Đức chắc chắn sẽ là điểm dừng chân lý tưởng dành cho bạn.