1Chùa Bà Thiên Hậu – Cổ tự linh thiêng của người Hoa giữa lòng Sài Gòn
Địa chỉ: 710 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa: 6h30 – 16h30
Chùa Bà Thiên Hậu (hay Hội quán Tuệ Thành) là một trong những nơi thờ tự lâu đời nhất của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người bản địa và có giá trị tâm linh lớn lao. Ngay bên cạnh chùa có Hội quán Tuệ Thành của người Hoa gốc Quảng Đông. Chùa thờ bà Thiên Hậu và nổi tiếng linh thiêng, nếu đến đây tham quan vào những dịp lễ Tết bạn sẽ thấy khung cảnh dòng người qua lại không ngớt từ sáng tới chiều.
2Hướng dẫn di chuyển đến chùa
Bởi nằm trong khu phố người Hoa lâu đời và nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh nên việc tìm đường di chuyển đến đây cũng không quá khó khăn. Hướng dẫn đơn giản nhất cho khách tham quan là đi thẳng theo hướng Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Hồng Bàng rồi sau đó rẽ trái tại đường Lương Nhữ Học vào đường Nguyễn Trãi.
3Lịch sử hình thành và sự tích ở chùa Bà Thiên Hậu
3.1 Lịch sử hình thành Hội quán Tuệ Thành
Hội quán do nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam góp vốn và xây dựng. Bởi quá trình xây dựng và tu bổ đã diễn ra khá lâu nên hiện tại không có tài liệu cụ thể để biết chính xác năm xây dựng của hội quán. Một vài ý kiến cho rằng chùa Bà Thiên Hậu ngày nay được xây dựng năm 1760.
Hiện nay trong hội quán vẫn còn lưu giữ đại hồng chung và bộ lư Pháp lam, đề “Đạo Quang năm thứ 10” tức là năm 1830. “Gia Định thành thông chí” của tác giả Trịnh Hoài Đức soạn khoảng năm 1820 đã có nhắc đến Hội quán Tuệ Thành.
3.2 Sự tích về chùa Bà Thiên Hậu
Câu chuyện về những người Hoa đầu tiên rời khỏi quê hương đến Việt Nam lập nghiệp đã kéo dài suốt hàng ngàn năm lịch sử. Họ không chỉ mang theo tư trang mà còn kèm với những đặc trưng văn hóa phương Bắc, với tín ngưỡng thờ phụng thần linh rõ rệt. Chùa Bà Thiên Hậu cũng là một địa danh tâm linh nổi bật, nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (dân gian gọi là Bà Thiên Hậu), tên thật Lâm Mặc Nương và là người Mi Châu, Phúc Kiến.
Đây là một nhân vật có thật sống ở thời nhà Tống, Trung Quốc. Tương truyền, Bà Thiên Hậu được sinh ra vào tháng thứ 14 (trái với quy luật 9 tháng 10 ngày thông thường). Càng lớn Lâm Mặc Nương lại càng thể hiện rõ khả năng của mình trong thiên văn khi thường xuyên nhìn sao trời, đoán thời tiết và giúp đỡ ngư phủ.
Một lần khi cha và hai anh trai chở muối đi bán tại Giang Tây thì thuyền gặp bão lớn, Lâm Mặc Nương lúc ấy đang ngủ đã xuất thần đi cứu mọi người. Bà lấy răng cắn chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh. Nhưng không may trong lúc đó bà lại bị mẹ gọi thức giấc, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất chỉ cứu được hai anh. Từ lúc này, truyền kỳ về khả năng của Lâm Mặc nương ngày một loan xa, bà cũng trở thành nữ thần được ngư dân tôn sùng và thường xuyên khấn vái những lúc tàu thuyền gặp nguy nan.
4Đặc trưng kiến trúc độc đáo tại chùa
Chùa Bà Thiên Hậu được xây theo kiểu kiến trúc hình ấn đặc trưng của người Trung Hoa, một tổ hợp gồm 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo nên mặt bằng giống như hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”. Ở giữa có ba dãy nhà tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Chính giữa những dãy nhà này là khoảng trống được biết đến với cái tên thiên tỉnh (giếng trời) giúp không gian thoáng, hứng đủ ánh sáng cũng như có chỗ thoát mùi hương khói.
Ở các điện được trang trí bằng những chi tiết hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biến tự thường có màu đỏ, vàng. Ngoài ra trong khuôn viên chùa Bà Thiên Hậu còn có những bức tranh đắp nổi liên hoàn, con vật thuộc “tứ linh”.
4.1 Tiền điện
Tiền điện của chùa Bà Thiên Hậu được đặt bàn thờ Phúc Đức Chánh thần phía bên phải, bên trái là bàn thờ Môn Quan Vương Tả. Khách tham quan tới chùa còn được chiêm ngưỡng những bia đá ghi lại truyền thuyết về Bà Thiên Hậu cùng những bức tranh tả cảnh Bà hiển linh trên sóng nước.
4.2 Trung điện
Ở trung điện chùa bạn có thể thấy bộ lư “Phát lan” bao gồm 5 món được điêu khắc vô cùng tinh xảo. Phía hai bên có hình ảnh chiếc thuyền rồng cổ được chạm hình nhân với kiệu cổ sơn son thếp vàng. Đây cũng là những vật dụng được sử dụng trong ngày vía Bà.
4.3 Hậu điện
Hậu điện cũng là chính điện của chùa Bà Thiên Hậu, gồm có 3 gian với những pho tượng được khoác áo thêu chi tiết, tỉ mỉ:
- Gian giữa thờ Bà Thiên Hậu tạc từ khối gỗ cao 1m, bên phải thờ Kim Hoa Nương Nương còn bên trái thờ Long Mẫu Nương Nương.
- Hai gian phụ đặt tượng thờ Quan Thánh, Địa Tạng và Thần Tài.
5Nét đặc trưng không thể bỏ lỡ tại chùa Bà Thiên Hậu
5.1 Bảo vật quý giá vẫn còn được lưu giữ trong chùa Bà Thiên Hậu
Đến với chùa Bà Thiên Hậu ngoài chiêm bái thì chúng ta còn được thưởng lãm những bảo vật quý hiếm tại đây. Đó chính là khoảng 400 món đồ cổ, trong đó có tranh đắp nổi hình Long, Ly, Quy, Phụng. Trên mái hiên, vách tường và nóc nhà có tượng, phù điêu bằng gốm nung dựa trên những điển tích Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chùa còn có nhiều đỉnh trầm, lư trầm và lư hương. Nhất là 10 bức hoành phi, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 7 pho tượng thần… được chế tác tỉ mỉ cùng nhiều nét chạm trổ tinh tế.
5.2 Góc check-in cho ra lò những hình ảnh sống ảo đẹp mắt
Đến với chùa Bà Thiên Hậu bạn sẽ có được loạt hình ảnh sống ảo ấn tượng bên không gian kiến trúc đậm nét hoài cổ. Đó cũng là lý do chúng ta nên mang theo máy ảnh để lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp tại đây. Vẻ ngoài bề thế uy nghiệm cùng khung cảnh nhuốm màu thời gian được tái hiện trọn vẹn trong những thước hình của các bạn trẻ. Mỗi góc tại chùa lại mang một nét riêng khác biệt. Hình ảnh hàng rào xanh vững chãi, bảng sớ hồng, tường gạch cổ kính… chính là những điểm check-in được du khách yêu thích hàng đầu.
5.3 Địa điểm và xin xăm cầu nguyện vô cùng ứng nghiệm
Phần lớn khách tham quan đến với chùa Bà Thiên Hậu đều muốn cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. MIA.vn mách bạn có thể đọc văn khấn Bà hoặc ghi lại những nguyện ước của mình lên giấy và treo cùng vòng nhang xin được như nguyện. Một hình thức khác cũng được cộng đồng các bạn trẻ yêu thích chính là xin quẻ, với hy vọng đoán định được những vấn đề trong tương lai để chủ động hơn khi gặp khúc mắc.
6Hòa cùng không khí lễ hội “vía Bà” lớn nhất thành phố
Khách tham quan có thể ghé thăm chùa Bà Thiên Hậu bất cứ thời điểm nào, nhưng lúc náo nhiệt nhất chính là khoảng từ 22 đến 24/3 Âm lịch khi diễn ra lễ vía Bà Thiên Hậu. Vào ngày này tượng Bà sẽ được đặt lên kiệu và rước đi xung quanh chùa. Những hoạt động lý thú cũng được diễn ra song song chính là múa rồng, múa lân, múa sư tử… cùng nhiều màn biểu diễn nghệ thuật của các đội nhạc dân tộc.
Có thể nói chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở thành phố, nổi tiếng linh thiêng và sở hữu nhiều hiện vật cổ đắt giá. Hãy bổ sung điểm tham quan này vào cẩm nang du lịch của bạn để có được chuyến hành trình khám phá Sài Gòn thật ý nghĩa nhé.