1Giới thiệu tổng quan chùa Đọi Sơn
- Địa chỉ: núi Đọi, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam.
Chùa Đọi Sơn là một điểm đến tâm linh huyền bí tại vùng đất Hà Nam và chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km về phía Nam. Ngôi chùa hơn 1000 năm tuổi này nằm trên núi Đọi thiêng liêng mang hình dáng như một con rồng lớn hướng về phía kinh thành Thăng Long từ xa. Do đó, chùa Đọi Sơn còn được gọi là Diên Linh tự hay chùa Long Đọi Sơn.
Với diện tích rộng mênh mông, chùa Long Đọi Sơn lưng tựa vào núi Điệp và được bao quanh bởi ba dòng sông dài tít tắp. Dưới chân núi còn có chín giếng nước tự nhiên thường được người đợi gọi là chín mắt rồng.
Nếu bạn muốn đến chùa Đọi Sơn sẽ phải leo gần 400 bậc đá bằng đá xẻ, đá phiến meo theo triền núi và được bóng cây che mát, tạo nên một con đường tâm linh yên bình.
Chùa Đọi Sơn không chỉ là điểm hành hương mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa và tín ngưỡng. Lễ hội chùa Đọi Sơn và Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra tại cổ tự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thu hút đông đảo du khách, tăng ni, và phật tử đến tham gia.
Khám phá chùa Đọi Sơn là hành trình kết hợp hài hòa giữa hình sông, thế núi, sắc nước và màu trời, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, đầy giá trị thẩm mỹ và nhân văn. Hãy để chùa Đọi Sơn mở ra trước mắt bạn một thế giới linh thiêng và bình yên giữa vùng Hà Nam nhé.
2Lối kiến trúc độc đáo của cổ tự trên núi Long Đọi
Kiến trúc chùa Đọi Sơn khá khang trang với khuôn viên rộng lớn lên đến 10.000m2. Chùa Đọi Sơn có kiến trúc ấn tượng, với các công trình như chính điện, tòa Tam Quan (5 gian), bàn cờ người, điện Mẫu, nhà bia, tòa Tam Bảo và hậu điện chùa. Tất cả đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống thời nhà Lý nhằm tạo nên một không gian linh thiêng và cổ kính.
Ngay khi nhìn thấy cổng tam quan, bạn sẽ nhìn thấy những bức tường nhuốm màu rêu phong càng làm cho nơi đây thêm phần trang nghiêm. Bước qua cổng tam quan, bạn sẽ bắt gặp tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, một báu vật độc đáo của chùa Đọi đã tồn tại gần 900 năm. Tấm bia ca ngợi công lao, tài trí của vua Lý Nhân Tông và ghi chép về việc xây dựng chùa Long Đọi cùng bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, tạo nên một bức tranh lịch sử và văn hóa sống động.
Phần chính diện của chùa Đọi Sơn hướng về phía Nam. Tiếp đến là bàn cờ hình người rộng khoảng 50m2 được sử dụng như nơi đấu cờ mỗi khi tới mùa lễ hội.
Hướng lên sân chùa, bạn sẽ bước qua 24 bậc đá và đi qua những dãy nhà động tội với 10 cửa ngục, nhắc nhở bất kỳ ai khi đến đây cũng nên vươn tới các giá trị chân thiện mỹ.
Kiến trúc chính của chùa Đọi Sơn còn có tòa Tam Bảo với 7 gian bái đường và 3 gian Thượng điện có thờ Phật, Đức Phật Di Lặc ở chính giữa.
Hậu điện chùa nối thông với hành lang là nơi thờ Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tống Tử, Đức Át Nan, Đức Địa Tạng và những nhân vật triều Lý có công với đất nước. Cụm kiến trúc này đồng thời còn ghi nhớ những vị quan trọng trong lịch sử như Thái úy Lý Thường Kiệt, vua Lý Nhân Tông, vương phi Ỷ Lan.
Tại khu vực phụ bên trái chùa, có 5 gian nhà Tổ đồng thời là khu giảng đường, nhà khách, nhà bếp, tăng phòng, hình thành một cụm kiến trúc hài hòa theo hình chữ U. Phía Tây là khu vườn tháp, giữ được những di tích tháp từ thời Nguyễn. Bên phải chùa là điện Mẫu, tăng thêm sự linh thiêng cho không gian xung quanh.
3Kinh nghiệm tham quan chùa Đọi Sơn
3.1 Thời điểm lý tưởng đến viếng chùa
Chùa Long Đọi Sơn mở cửa chào đón tất cả mọi người hằng ngày, hằng tuần vào tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng nhất để đi viếng chùa Đọi là các tháng đầu năm tức từ tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch. Đặc biệt, vào tháng Ba âm lịch chùa Đọi Sơn thường diễn ra những lễ hội nên nếu đi vào thời điểm này, bạn sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động truyền thống, chiêm bái và trải nghiệm văn hóa độc đáo.
3.2 Đường về với đất Phật thiêng liêng
Chùa Long Đọi Sơn có vị trí trên đỉnh núi Đọi, thuộc thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Từ trung tâm thành phố Phủ Lý, chùa chỉ cách khoảng 12km về hướng Đông Bắc. Để đến chùa, bạn có thể đi theo tuyến Quốc lộ 1A, đến gần UBND xã Tiên Tân, sau đó rẽ phải theo tỉnh lộ 9711. Dọc theo con đường này khoảng 5km, bạn sẽ rẽ phải vào thôn Đọi Nhất, nơi có thể nhìn thấy ngọn núi Đọi nổi bật. Để đến đỉnh núi và chùa, bạn sẽ leo lên gần 400 bậc đá phiến như đã giới thiệu ở trên.
3.3 Đến chùa Đọi Sơn thì làm gì?
3.3.1 Lắng nghe câu chuyện lịch sử của ngôi chùa
Chùa Long Đọi Sơn là một công trình tâm linh lịch sử được xây dựng dưới sự chủ trì của vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Ỷ Lan từ năm 1054. Vào năm 1121, vua Lý Nhân Tông tiếp tục tôn tạo và xây dựng bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh.
Theo lược sử của nước ta ghi nhận phải đến khi vua Lý Nhân Tông sau một lần xuôi theo dòng Châu Giang để ghé thăm núi Đọi đã bị thu hút bởi cảnh sắc non núi hữu tình của nơi đây thì vua mới đặt tên cho chùa là Long Đọi Sơn và bảo tháp là Sùng Thiện Diên Linh.
Lịch sử của chùa trải qua nhiều biến cố, đến đầu thế kỷ XV khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa Long Đọi Sơn đã phải đối mặt với những đợt tàn phá nặng nề. Đến cuối thế kỷ XVI, vào khoảng năm 1591 nhân dân địa phương đã tổ chức công cuộc sửa sang, trùng tu lại ngôi chùa nhằm khôi phục những giá trị văn hóa và tâm linh của nơi này.
Vào năm Tự Đức thứ 13, chùa Long Đọi Sơn được trùng tu thêm lần nữa với quy mô lớn hơn gồm sửa sang tiền đường, thượng điện, nhà tổ và gác chuông. Năm 1864, chùa tiếp tục được trùng tu phần hành lang cũng như đúc thêm các tượng Di Lặc cùng khánh đồng và khánh đá mới.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Long Đọi Sơn một lần nữa phải đối diện với sự tàn phá nặng nề. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích cực thực hiện công cuộc trùng tu lại ngôi chùa, đảm bảo rằng nó vẫn giữ được vẻ đẹp và tầm quan trọng của mình. Lần sửa chữa lớn vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây, góp phần tô điểm cho di tích lịch sử và văn hóa.
Vào đầu những năm 2000, với sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Hà Nam, chùa Long Đọi Sơn tiếp tục quá trình tu bổ, tôn tạo một số công trình khác nhau nhằm mục đích bảo tồn lẫn phát huy giá trị lịch sử và văn hóa của di tích này.
Xem thêm: 14 địa điểm du lịch Hà Nam in dấu ấn văn hóa dân tộc bao đời
3.3.2 Chiêm ngưỡng các di vật hơn 1000 năm tuổi
Chùa Đọi Sơn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, đậm đà giá trị lịch sử và văn hóa. Dưới đây là một số di tích và hiện vật đặc sắc tại chùa mà bạn có thể chiêm ngưỡng khi có dịp xách balo về vùng đất Hà Nam nhé:
- Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh: Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi Sơn là một kiệt tác nghệ thuật với trang trí hình rồng độc đáo. Bệ bia là khối đá lớn, trên mặt có 2 đôi rồng nước được chạm khắc tinh xảo và quấn lấy nhau.
- Tượng Kim Cương: Tượng Kim Cương tại chùa Long Đọi Sơn là bộ sưu tập 6 pho tượng thần hộ vệ có niên đại thời Lý và được điêu khắc nổi trên đá theo kiểu phù điêu. Các tượng có kích thước cao bằng người thật, mặc trang phục lối võ quan với áo giáp được trang trí tỉ mỉ bằng những dải hoa và hình xoắn, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
- Tượng đầu người mình chim: Bên cạnh tượng Kim Cương, chùa Long Đọi Sơn còn lưu giữ một tuyển tập tượng đầu người mình chim bao gồm 4 pho tượng bằng đá có niên đại thời Lý. Những tác phẩm này được điêu khắc rất công phu và độc đáo, mang đậm dáng vẻ của những nhạc công. Chúng là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa giữa hai nền kiến trúc nghệ thuật Chămpa và Đại Việt thời Lý.
Ngoài ra, khu di tích của chùa Long Đọi Sơn còn chứa nhiều hiện vật quý khác, bao gồm những mảnh gốm trang trí hình vũ nữ đang múa và hình rồng phản ánh phong cách nghệ thuật thời Lý. Các hiện vật khác bao gồm một chiếc chuông cổ, một chiếc khánh cổ, những lư hương bằng đồng, cùng với hệ thống tượng Phật phong phú. Tất cả những di vật này đều là những biểu tượng quý giá, làm phong phú thêm giá trị văn hóa và lịch sử của chùa Đọi Sơn.
Chùa Đọi Sơn không chỉ là một điểm hành hương tôn giáo linh thiêng mà còn là bảo tàng lịch sử sống động, nơi lưu giữ những cảm xúc thiêng liêng và giá trị văn hóa sâu sắc. Hãy lưu ngay địa điểm này vào cẩm nang du lịch của bạn khi có dịp đến với Hà Nam nhé.