1Lũng Cú và cột mốc 428 – Điểm cực Bắc “pha-ke” mà bấy lâu chúng ta hiểu lầm
Lũng Cú bấy lâu vẫn được mọi người hiểu nhầm là điểm cực Bắc của Tổ quốc tuy nhiên thật ra lại chẳng phải đâu khi từ đây, bạn phải vượt rừng, vượt sông, vượt suối thêm vài km nữa mới có thể đặt chân đến điểm cực thật sự. Tuy nhiên, Cột Cờ Lũng Cú đã là một biểu tượng của quốc gia tọa lạc trên đỉnh Lũng Cú hay còn có tên gọi khác là đỉnh núi Rồng. Nơi này nằm trên độ cao 1.470m so với mực nước biển vì thế đứng từ đây bạn có thể nhìn thấy khắp một vùng trời địa đầu Tổ Quốc.
Cột cờ này đã có lịch sử từ rất lâu, tuy nhiên phải sau nhiều lần phục dựng thì mãi đến năm 2010 mới được khánh thành lại và mở cửa cho du khách check-in. Cột cờ Lũng Cú có tạo hình bát giác trên độ cao 30m, lấy cảm hứng từ cột cờ Hà Nội. Tỉ mỉ hơn là xung quanh phần bát giác còn được điêu khắc lại thật chi tiết mặt trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa cho từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Để chinh phụ được đỉnh cột cờ Lũng Cú thì bạn cần vượt qua 839 bậc đá – Cũng khá là nhằng đấy! Tuy nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn ngồi xe điện, xe ôm lên đến trạm bán vé. Từ đây thì chỉ cần vượt qua hơn trăm bậc nữa thôi là có thể đến ngay với cột cờ Lũng Cú rồi.
Nếu đi với gia đình có người già hoặc trẻ nhỏ thì đây chắc chắn là một phương tiện vô cùng thích hợp.
Cột mốc 428 thì nằm chếch về phía Tây hơn một chút, tuy có phần xa hơn cột cờ Lũng Cú nhưng vẫn chưa phải là mốc cực Bắc chính hiệu đâu nhé! Cột mốc 428 này nằm ở bản Xéo Lủng (hay Séo Lủng), xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Mốc 428 nằm trên độ cao 788m, có tọa độ 23.379741, 105.306454. Bạn có thể đi đến bản Xéo Lủng rồi men theo GPS hoặc tra Google Map để đi bộ men theo đường làm nương của người dân địa phương để đến được đây nhé. Cột mốc nằm lẻ loi và bị lấp dưới cây cối và cỏ mọc cao vút nên sẽ hơi khó tìm thấy một chút. Lưu ý bạn đừng đi vào chiều tối muộn, đi ngày mưa hay đi một mình vì sẽ dễ bị trượt chân, bị lạc, gặp nhiều nguy hiểm hơn.
2Lắng nghe Kinh nghiệm chinh phục cực Bắc thật sự Tổ quốc
Đoạn đường chinh phục cực Bắc thật sự của Tổ quốc có thể bắt đầu từ cột cờ Lũng Cú. Bạn sẽ lái xe máy chạy đến bản Xéo Lủng sau đó chạy lên đài vọng cảnh cực Bắc men theo cung đường mà bản đồ chỉ dẫn. Điểm chinh phục tiếp theo chính là cột mốc 428. Từ cột mốc, bạn sẽ cần đi tiếp xuống con đường dẫn xuống sông Nho Quế, đi thẳng về hướng Bắc khoảng 2km theo đường chim bay là có thể đến được điểm cực Bắc chính hiệu. Tuy nhiên, vì nơi đây chẳng có mấy du khách đến được nên chẳng có cột mốc hay bất kỳ điểm gì để có thể chứng minh bạn đã từng đến đây. Tốt nhất bạn nên mang theo GPS cầm tay để thuận tiện “check-in” nhé!
Tốt nhất trước chuyến tham quan thì bạn nên ghé qua đồn biên phòng Lũng Cú ở dưới chân cột cờ Lũng Cú để xin giấy phép tham quan. Nếu không có giấy phép này mà bị bộ đội canh gác bắt được thì cũng rất mệt mỏi đấy nhé! Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ đồn biên phòng tạo điều kiện giúp đỡ hoặc có thể cử cán bộ đi cùng.
Dưới đây sẽ là hành trình chinh phục cực Bắc thật sự Tổ quốc từ đoàn trải nghiệm mà MIA.vn xin được phép kể lại để bạn có thể cùng đồng hành và hiểu được thêm nhiều khó khăn có thể sẽ gặp trong chuyến đi này.
Đoàn tham quan bắt đầu hành trình với 4 thành viên vào một sáng mùa xuân đầu năm Ất Mùi. Sau khi đã hoàn tất thủ tục xin phép với biên phòng Lũng Cú thì từ xã Lũng Cú, đoàn chạy xe máy về bản Xéo Lủng. Sau đó sẽ vượt qua những con đường đá hộc để có thể đến đỉnh cao hướng xuống lòng sông.
Từ đây, đoàn bỏ lại xe máy và bắt đầu leo bộ. Quãng đường khá nhọc nhằn và khó để chinh phục. Với những con dốc đổ dài, mọi người đều phải bám vào cỏ để leo xuống. Xước tay, cỏ cắt là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù đã có tìm hiểu trước thông tin về đường đi, thực tế khác xa rất nhiều vì thế đoàn khám phá đã bị lạc, không tìm được con đường mòn mà người dân thường hay đi. Giải pháp mà mọi người đưa ra chính là tuột theo triền dốc xuống lòng sông.
Điều không may mắn là chỉ mới chừng 30 phút tuột dốc, mọi người đã gặp phải đám cháy rừng., Vì con dốc quá đứng nên việc leo ngược lên lại là điều không thể. Mọi người chỉ có thể vội chuyển hướng sang phải, vòng ra phía sau hướng gió để tránh ngọn lửa đang lan rộng. Tiếp đó là hơn 6 giờ đồng hồ liên tục trượt theo sườn dốc để có thể đến được lòng sông trong sự mệt mỏi rã rời.
Do đánh giá thông tin chưa chuẩn xác, cả đoàn đã không có chuẩn bị thức ăn và nước uống bên cạnh. Vậy nên, ngụm nước đầu tiên tại dòng sông Nho Quế mát lành thật sảng khoái. Lúc này, nhờ có thời gian nghỉ ngơi nên cả đoàn lại hồi phục năng lượng, tiếp tục hành trình.
Hành trình tiến về hướng về cực Bắc lại được tiếp tục. Cả đoàn đi men theo những bãi đá dọc theo dòng sông Nho Quế. Phía bên kia dòng sông là lãnh thổ của Trung Quốc. Không chỉ đi men sông, nhiều đoạn hết đường đi dọc theo dòng sông, mọi người lại phải men theo các vách đá cao để đi tiếp. Lúc này một bên là vách đá sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm với con đường đầy lá khô mục chỉ rộng vài bước chân. Chỉ cần sơ suất một chút là có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm ngay. Vì thế cả đoàn cố bám sát anh Thanh Hải - người có kinh nghiệm nhiều năm đi rừng và biên giới.
Đúng 15h24 phút ngày 28/2, đoàn chúng tôi chạm tay vào điểm cực bắc Việt Nam. Bao mệt mỏi, nỗ lực đều được trả công xứng đáng. Hai bạn nữ Thảo Nguyên, Trinh Phan trong đoàn là những cô gái đầu tiên tới đây.
Mọi người đều cố gắng để tìm ra con đường mòn người dân đi, vì nếu mặt trời khuất bóng mà còn ở lại trong rừng sẽ cực kỳ nguy hiểm. May mắn thay là cả đoàn đều tìm được đường mòn của người dân xuống sông đánh cá. Dù mọi người ai cũng đã đều mệt nhoài nhưng vẫn cố gắng bước đi nhanh để ra khỏi rừng lúc mặt trời chưa lặn.
Xem thêm: Đến Hà Giang phải xem ngay Kinh nghiệm sân mây trên núi Tây Côn Lĩnh
Hy vọng bài viết này đã cho bạn hiểu được chi tiết nhất về Kinh nghiệm chinh phục cực Bắc thật sự Tổ quốc cũng như một phần hành trình mà đoàn trải nghiệm đã phải đi qua để có thể đi đến được điểm cực Bắc “chính hãng”. Còn bạn thì sao? Bạn có muốn thử một lần đi đến đây, chạm tay lên điểm cực Bắc thật sự của Việt Nam hay không?