1Câu chuyện về sự ra đời của lễ hội Roóng Poọc Sapa
Người Giáy, còn được gọi là Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Cùi Chu, Xạ, thuộc nhóm các dân tộc Tày - Thái, và là đồng bào dân tộc ít người sống ở bản Tả Van Giáy, Lào Cai. Người Giáy làm ruộng nước là chính, rẫy chỉ là nguồn thu nhập thêm, nhưng thường là nuôi nhiều gia súc như trâu, ngựa, lợn, gà, vịt. Chắc hẳn vì người dân tộc Giáy sống chủ yếu vào nghề nông, nên lễ hội Roóng Poọc Sapa được mọi người nơi đây rất xem trọng.
Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy (xã Tả Van) ở Sapa tổ chức hằng năm một lần, phản ánh ước nguyện của người dân về một cuộc sống bình an, và mong muốn các gia súc sinh sôi nảy nở.
Bên cạnh đó, lễ cầu mưa cũng thể hiện khá đậm nét trong hội Xuống đồng, như dán giấy màu vàng hình con rồng trên vòng nhật nguyệt mang ý nghĩa đảm bảo cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
2Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội Roóng Poọc Sapa
Đã thành thông lệ, hàng năm, vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch, lễ hội Roóng Poọc Sapa sẽ được tổ chức ở cánh đồng tương đối bằng phẳng phía đầu bản, ngay cạnh làng của người Giáy.
3Lễ hội Roóng Poọc Sapa được diễn ra như thế nào?
Ngay khi trời vừa sáng, các chức sắc trong làng đến nhà chủ làng để chuẩn bị các đồ cúng thần cho lễ hội Roóng Poọc Sapa. Sau đó ở trung tâm dựng cây còn, cao vút bằng cây mai. Trên đầu cây còn treo một vòng mặt trời là vòng được làm từ tre, vót nhọn rồi uốn cong lại thành vòng tròn. Vòng tròn đó một mặt sẽ dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, và một mặt dán giấy vàng tượng trưng cho mặt trăng.
Để MIA.vn chia sẻ chi tiết cách sắp xếp mâm cúng cho bạn hiểu thêm nhé! Đầu tiên, trên bàn thờ cúng thần, sẽ bao gồm có một bát gạo lớn được đặt trên tấm vải mộc trắng (do chính người dân trong bản tự dệt); cắm 5 nén hương, trong đó 3 nén sau, 2 nén trước; trước bát hương có 5 chén lớn được úp miệng xuống và 5 chén nhỏ được đặt lên trên 5 chén to đó để rót nước trà hoặc rượu cúng; 2 bên có hai đĩa trứng luộc, đã được nhuộm phẩm đỏ (2 bên 2 trứng nhé!), 1 dĩa đồ trang sức bằng vàng bạc, 1 dĩa cá chiên, hai củ măng vầu, xôi đỏ 7 bát nhỏ, 7 đôi đũa, bỏng ngọt 5 bát, 1 bát nước lã, trong bát ấy có 5 hào bạc trắng để làm phù phép; 6 quả còn của những cô gái chưa chồng, mỗi bên hai quả.
Đầu tiên là phần cúng lễ trang nghiêm. Lúc này, mọi người dân trong bản làng đều tập trung nghiêm túc để cầu mong thần linh ban cho gia đạo trong nhà được bình an, các gia súc, gia cầm đều sinh sôi nảy nở, cây cối tốt tươi.
Tiếp theo, thầy cúng sẽ đốt vàng mã. Tất cả các quả còn trong ngày hôm đó được thầy cúng đem vái trước bàn thờ. Thủ tục cúng phần lễ lúc này đã làm xong.
Sau khi nghi lễ diễn ra nghiêm túc được kết thúc, bắt đầu sẽ là dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các trò chơi mang tính nghi lễ của lễ hội Roóng Poọc Sapa sẽ bắt đầu. Bây giờ mới là lúc người dân trong bản làng tha hồ “bung xõa”. Lễ hội có 2 trò chơi chính rất vui nhộn, đó là ném còn và kéo co. Ngoài ra, còn nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác như bịt mắt bắt dê và thi cày ruộng.
Sau khi các trò chơi kết thúc, các già làng sẽ đứng ra làm lễ khấn, 2 thanh niên khỏe mạnh cùng 2 con trâu xuống đồng kéo 5 đường cày, tượng trưng cho mùa vụ mới bắt đầu.
Lễ hội Roóng Poọc Sapa diễn ra trong bầu không khí rất vui vẻ và nhộn nhịp. Đây là nét đẹp văn hoá bản sắc mà dân tộc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hoá, lối sống của bản địa. Hy vọng với những chia sẻ của MIA.vn, bạn sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị với lễ hội độc đáo xuống đồng khi đến với Sapa, thị trấn sương mù này!