1Giới thiệu về dân tộc Xinh Mun
1.1 Nguồn gốc của dân tộc Xinh Mun
Trong lịch sử của Việt Nam, tư liệu của dân tộc Xinh Mun không được ghi chép nhiều, tuy nhiên các nhà khoa học đều khẳng định rằng dân tộc này có gốc gác ở vùng Tây Bắc của Việt Nam. Một số bằng chứng khác cho rằng Xinh Mun là một trong những tộc người đầu tiên và cổ xưa nhất ở Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung.
1.2 Giải thích tên gọi của dân tộc Xinh Mun
Cái tên dân tộc Xinh Mun được chọn làm tộc danh của dân tộc này được phiên âm từ K’xing Mul, có nghĩa là Người Núi. Ngoài ra, dân tộc này còn có một số tên gọi khác như Xá, Puộc hay Xá Puộc trong thời kỳ phong kiến chống Pháp - Đại diện cho những người nô dịch và bị coi khinh vì xếp cuối trong tầng lớp xã hội. Người Thái ở Mộc Châu lại gọi người Xinh Mun với cái tên Phủ Puốc, có nghĩa là Người Mối. Để phù hợp với chữ Quốc ngữ cũng như thuận tiện cho việc gọi tên, Danh mục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam do Tổng cục thống kê công bố năm 1979 đã chọn Xinh Mun làm tộc danh chính thức của dân tộc này.
Xem thêm: Tìm hiểu tục đón Tết của dân tộc Mường ở Mộc Châu Sơn La
1.3 Đôi nét về đời sống văn hóa - tinh thần của dân tộc Xinh Mun
Dân tộc Xinh Mun sống trong từng đơn vị được gọi là bản và không có một đơn vị địa lý nào khác lớn hơn hay nhỏ hơn. Ngày xưa, các bản chỉ tập trung có khoảng 10 hộ sinh sống, đến nay nhờ chính sách định canh định cư của Nhà nước mà số lượng hộ gia đình của một bản đã lên đến con số trăm, sống rải rác trên đường biên giới Việt Lào. Trong gia đình, người đàn ông (chồng, cha hoặc con trường) là người đứng đầu và có toàn quyền quyết định mọi công việc trong cuộc sống. Các con, không phân biệt nam nữ, đều có quyền thừa kế tài sản, nhưng nếu người con gái đã đi lấy chồng thì được mặc định không còn thuộc về gia đình nữa. Nếu không có con trai thì gia đình có thể nhận cháu ruột làm con trai nuôi.
Người Xinh Mun có 2 dòng họ lớn là họ Vì và họ Lò, với những vật tổ, tập quán và những điều cấm kỵ riêng. Tuy nhiên, cả hai dòng họ đều thờ cúng các thế lực siêu nhiên mà họ gọi là ma lành và ma dữ, trở thành một tập quán chung được hình thành lâu đời của người Xinh Mun. Ngoài ra, việc thờ cúng cha mẹ, ông bà cũng vô cùng được coi trọng, nhưng không được tổ chức vào ngày họ mất hằng năm như người Kinh mà được tổ chức chung khi có tiệc làm nhà mới, ăn cơm mới hay có tiệc hỷ… Cúng bản được tổ chức định kỳ mỗi năm để cầu sức khỏe cho dân làng và mùa màng bội thu. Ngoài ra người Xinh Mun còn có những lễ hội khác như lễ Mương Ama (cầu an, cầu phúc), cúng cơm mới, Tết Nguyên Đán và lễ cúng chung với người Thái trong vùng.
1.4 Đời sống vật chất người Xinh Mun
Sau bao năm cần cù, lao động chăm chỉ trên mảnh đất quê hương, đời sống vật chất của người Xinh Mun đang dần được cải thiện. Bắt đầu có những ngôi nhà khang trang hơn được xây dựng ở các bản làng. Nhà truyền thống của người Xinh Mun được thiết kế theo dáng vòm của mai rùa. Họ thường xây cất nhà sau khi đã xong vụ gặt để có thêm kinh phí và tận dụng được giữ giúp đỡ của những người trong bản.
Vì còn nhiều mê tín nên đồng bào ở đây xem bói rất kỹ trước khi xây nhà và chọn địa điểm sao cho hợp tuổi với tất cả thành viên trong nhà. Các ngày 2, 6, 8, 9 ứng với ngày thủy, rất thích hợp để xây nhà, ngược lại sẽ kiêng ngày hỏa vào ngày 1 và 7 các tháng. Nhà của người Xinh Mun treo rất nhiều vật tượng trưng cho sự sung túc, giàu có như bông lúa, cái thớt, con dao, bát quái… Ông cậu là người đầu tiên đốt ngọn lửa cho căn bếp và giữ để nó không tắt trong suốt đêm đầu tiên. Ngày nay, các ngôi nhà theo gian hay nhà hộp theo kiểu miền xuôi cũng đang dần phổ biến với người Xinh Mun.
Đồng bào nơi đây ăn gạo nếp và gạo tẻ là chủ yếu, chỉ khi vụ mùa thất bát mới trộn thêm ngô, khoai, sắn để ăn no hơn. Do thời tiết thường khá lạnh, người Xinh Mun thích các gia vị cay như ớt, gừng, riềng… để thêm phần hấp dẫn cho các món ăn. Về trang phục, người Xinh Mun không biết dệt vải nên thường trao đổi với người Thái Đen để có những bộ trang phục mặc hàng ngày và đi lễ.
2Giới thiệu về lễ hội Lộc hoa - Lễ hội độc đáo của dân tộc Xinh Mun
2.1 Ý nghĩa lễ hội Lộc hoa của dân tộc Xinh Mun
Nhắc đến dân tộc Xinh Mun là không thể không nhắc đến lễ hội Lộc hoa được tổ chức vào mùa xuân hằng năm vô cùng độc đáo của dân tộc này. Với mục đích cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa màng tốt tươi, cho mưa thuận gió hòa và cho con dân khỏe mạnh, lễ hội được tổ chức lớn và kéo dài nhiều ngày, chỉ kết thúc khi hoa ban nở và măng đắng mọc báo hiệu vào vụ mùa mới. Đây là lễ hội của riêng người Xinh Mun nên được họ vô cùng tự hào và tổ chức chỉnh chu, hoành tránh mỗi năm. Là sự kiện lớn của làng nhưng từng gia đình sẽ tổ chức lần lượt đến khi nó kết thúc chứ không làm chung trong một đến hai ngày như đa số lễ hội của dân tộc khác ở Mộc Châu, Sơn La.
2.2 Những điểm chính trong lễ hội hoa dân tộc Xinh Mun
Đầu tiên, nhà nào tổ chức lễ hội thì đàn ông sẽ vào rừng chặt một cây tre dài chừng 4 - 5 mét để mang về làm cây nêu giữa sân. Cây nêu sau đó sẽ được trang trí bằng hoa ban trắng và những bông lúa nếp vàng được lưu giữ của mùa gặt năm trước. Trong lúc đóm người phụ nữ sẽ ở nhà chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn để cúng. Mâm cỗ đầy đủ gồm 2 con gà luộc, 1 nồi xôi nếp, 1 dĩa cau trầu và đặc biệt 2 món không thể thiếu là 2 bát canh hoa ban trắng và măng đắng, là món cúng tổ tiên của người Xinh Mun. Bên cạnh cây nêu là 3 chum rượu cần và 3 - 5 chiếc chuông đồng mỏng, hình tròn.
Khi buổi lễ bắt đầu, gia chủ sẽ đến gần cây nêu, vít cần rượu để tỏ lòng thành kính, mời thần linh, tổ tiên xuống chung vui với con cháu. Một lúc sau, chủ nhà tiếp tục mời rượu 3 già làng có uy tín trong vùng, trong họ để tỏ lòng biết ơn và cầu mong mọi người trong bản được sống mãi cùng nhau. Cuối cùng, khi ly rượu đã được uống, con cháu và toàn thể đồng bào Xinh Mun trong bản tiến đến bàn lễ, cùng uống rượu cần và thưởng thức những món ăn được chủ nhà chuẩn bị trước. Cùng lúc đó, tiếng chuông, tiếng trống gióng lên liên hồi, mọi người nắm tay nhau nhảy những điệu xòe váy, xòe khăn, rồi xòe kéo co rất sôi nổi. Cuộc vui chỉ dừng lại khi rạng đông, mọi người hoan hỉ ra về nghỉ ngơi để hôm sau lại tham gia lễ hội Lộc hoa ở nhà khác.
Dân tộc Xinh Mun là một trong những dân tộc độc đáo và thú vị với truyền thống lịch sử lâu đời cùng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần đa dạng. Hãy đến với Sơn La và hòa mình vào lễ hội Lộc hoa để tìm hiểu và khám phá dân tộc thiểu số này nhé và tham quan thêm nhiều địa điểm nổi tiếng khác như: Rừng Thông Bản Áng, Thác Dải Yếm, Mộc Châu Happy Land.