1 Đôi nét về đền Độc Cước, Thanh Hóa
Ngôi đền Độc Cước thờ vị thần cùng tên, tọa lạc trên đỉnh núi Cổ Giải (còn gọi là cổ rùa biển), thuộc dãy Trường Lệ, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa. Theo sử sách ghi chép, đền Độc Cước được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ 13-14) tại cửa biển Sầm Sơn. Dù không mang vẻ bề thế, nguy nga nhưng nét cổ kính phủ màu rêu phong, huyền thoại về hai pho tượng bán thân cùng không gian huyền bí khiến nơi đây trở thành điểm đến du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.
Đền Độc Cước hiện đang lưu giữ 8 đạo sắc phong do các triều đình phong kiến ban tặng. Những sắc phong này được bảo quản cẩn thận và chỉ được mở ra vào những dịp trọng đại. Trong đó, sắc phong Cảnh Hưng thứ 44, ban ngày 26/7/1783, có ghi: "Độc Cước là vị Thánh linh thiêng bậc nhất, không ai sánh bằng. Ngài dùng tài trí và sức mạnh linh thiêng để bảo vệ bờ cõi đất nước, che chở cho dân làng và muôn vật. Với kẻ ác, Ngài trừng trị nghiêm minh, quả thực là một vị Thánh vừa nhân hậu vừa uy nghiêm".

Ngôi đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh núi Cổ Giải, nhìn ra biển Sầm Sơn. Ảnh: Đình Minh
2 Huyền thoại về vị thần Độc Cước và hai pho tượng bán thân
Pho tượng bán thân tại đền Độc Cước chứa đựng nhiều điều bí ẩn, khơi gợi sự tò mò của không ít du khách. Tương truyền, vào thời xa xưa, vùng biển Sầm Sơn yên bình bỗng bị quỷ dữ quấy phá. Chúng kéo vào bờ cướp bóc, bắt bớ ngư dân khiến cuộc sống của bà con lâm vào cảnh khốn khó. Khi ấy, trong gia đình ông Chu Khoan ở vùng biển Sầm Sơn, một cậu bé tên Chu Minh ra đời và lớn nhanh như thổi, sở hữu sức mạnh phi thường.
Chu Minh đã nhiều lần chống lại quỷ dữ, nhưng cứ mỗi lần chàng ra khơi bảo vệ ngư dân thì lũ quỷ lại tràn vào tàn phá làng mạc. Để chấm dứt nỗi đau này, chàng đã đưa ra quyết định phi thường: tự xẻ đôi thân mình. Một nửa thân theo bè mảng ra biển trấn giữ, bảo vệ ngư dân, nửa còn lại ở lại bờ chống giặc. Dấu chân chàng in trên hòn Cổ Giải vẫn còn lưu truyền đến muôn đời.
Ngư dân tin rằng Chu Minh chính là vị thần đã cứu giúp họ khỏi thiên tai, giặc dữ nên đã lập đền thờ tại nơi có dấu chân thần, đặt tên là đền Độc Cước – nghĩa là "một chân". Từ đó, nơi đây trở thành ngôi đền linh thiêng bậc nhất vùng biển xứ Thanh.
Điểm đặc biệt của ngôi đền chính là hai pho tượng bán thân độc đáo. Pho tượng thứ nhất đặt tại gian Trung đường, cao 70cm, được tạc từ gỗ nguyên khối sơn đen, thể hiện hình ảnh vị thần chỉ có một chân phải và một tay phải, khoác áo võ tướng, tay cầm rìu với thần thái uy dũng. Pho tượng này được rước từ chùa Hương về cách đây khoảng 30 năm.

Pho tượng thứ nhất, khoác áo võ tướng, tay cầm rìu, đặt tại gian Trung đường. Ảnh: Đình Minh
Pho tượng thứ hai, đặt tại gian Hậu cung, cao 30cm, mang hình dáng đối lập với pho tượng ở Trung đường: chỉ có một chân trái và một tay trái, mặc áo quan, tay trái nắm chặt trước ngực, thể hiện sự nghiêm nghị, oai phong.
Người dân truyền tai nhau rằng hai pho tượng chính là hai nửa thân của vị thần "Độc Cước chân nhân" hay còn gọi là "Tiêu Sơn Độc Cước", tượng trưng cho sự hi sinh và sức mạnh bất diệt của vị thần đã bảo vệ vùng biển Sầm Sơn qua bao thế hệ.

Pho tượng thứ hai mặc áo quan, phong thái nghiêm nghị, đặt tại gian Hậu cung. Ảnh: Hạnh Linh
3 Khám phá kiến trúc đền Độc Cước
Mặc dù không quá bề thế, đền Độc Cước lại sở hữu kiến trúc độc đáo. Để lên tới chính điện trên đỉnh núi từ phía đường Hồ Xuân Hương, bạn phải chinh phục con đường dốc lát đá phiến dày với 50 bậc thang, rộng 2m, hai bên có tường đá thấp.
Cửa tam quan được xây theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, hai bên có tượng hộ pháp oai phong cầm gươm canh giữ và hai voi đá chầu vào.

Bậc thang dẫn lên đền Độc Cước. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
Kết cấu tổng thể của đền bao gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu cung, tạo thành một khối thống nhất. Các công trình trong khu đền có cột lớn, nhà thấp, mái lợp ngói cũ, mang đậm dấu ấn thời gian.
Phía bắc của đền, qua sân là lầu Nghinh Phong hay còn gọi là Môn lâu, có diện tích 42,5m². Công trình này được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 17 (1863), nằm bên phải đền. Môn lâu có kết cấu hai tầng tám mái, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, trông xa tựa như một bông sen dần nở bên bờ biển rộng lớn.
Bên trái đền là phủ Mẫu – nơi thờ "Tam Tòa Thánh Mẫu", được phục dựng vào năm 1992. Ngay cạnh phủ thờ là một cây bàng cổ thụ tỏa bóng mát rượi. Theo người dân địa phương, cây bàng này đã tồn tại hàng trăm năm.

Hậu cung đền Độc Cước. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
Năm 2019, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, bao gồm núi Trường Lệ, đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên,… đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Tại khuôn viên đền Độc Cước có nhiều cây cổ thụ, không biết đã trồng từ bao giờ. Ảnh: Đình Minh
Hằng năm, vào ngày 16/2 Âm lịch, người dân làng biển xứ Thanh tổ chức lễ hội Cầu Phúc, cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Ngoài ra, vào ngày 12/5 Âm lịch, tại đền Độc Cước còn diễn ra lễ hội bánh chưng - bánh giầy, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự.

Lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước với mong muốn quốc thái dân an, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư
4 Kinh nghiệm đi lễ đền Độc Cước Sầm Sơn
4.1 Đi đền Độc Cước cầu gì?
Người dân và du khách đến đền Độc Cước thường cầu mong bình an, sức khỏe, công việc thuận lợi. Riêng ngư dân Sầm Sơn còn gửi gắm ước nguyện tôm cá đầy khoang, mùa màng bội thu, thể hiện mong muốn một cuộc sống đủ đầy, sung túc.
4.2 Cách chuẩn bị lễ vật
Khi đến đền Độc Cước, bạn có thể dâng lễ chay hoặc lễ mặn tùy vào mục đích cầu nguyện.
Lễ chay thường bao gồm:
- Hoa tươi như hoa sen, hoa huệ (tránh dùng hoa dại hoặc hoa giả).
- Mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành, thường có cam, táo, chuối, dưa hấu, phật thủ.
- Bánh kẹo, đồ ngọt được đóng hộp.
- Nhang trầm, trà.
Lễ mặn có thể gồm: Xôi, giò chả, thịt gà, thủ heo, rượu.
Lưu ý:
- Lễ Phật: Chỉ dùng lễ chay, không đặt lễ mặn trong chính điện.
- Lễ Thánh: Có thể dâng lễ mặn như thịt heo, gà, chả tại bàn thờ Ngũ Vị Quan hoặc các phủ.
- Số lượng lễ vật: Nên chọn số lẻ (trừ số 7) theo quan niệm phong thủy.

Người dân và du khách đến đền Độc Cước thường cầu mong bình an, sức khỏe, công việc thuận lợi. Ảnh: Global Travel
5 Các địa điểm du lịch gần đền Độc Cước
Sau khi viếng đền Độc Cước, MIA.vn gợi ý bạn ghé thăm những địa danh nổi tiếng gần đó để chuyến du lịch thêm trọn vẹn:
- Bãi biển Sầm Sơn (cách 1,2km): Bãi biển nổi tiếng tại Thanh Hóa, dài 9km với cát trắng mịn, nước biển trong xanh, thích hợp để vui chơi và nghỉ dưỡng.
- Hòn Trống Mái (cách 1,5km): Danh thắng nổi tiếng với hai tảng đá lớn xếp chồng lên nhau, tạo hình như đôi gà trống – mái, tượng trưng cho tình yêu chung thủy.
- Quảng Trường Biển Thành Phố Sầm Sơn (cách 2,8km): Quảng trường đẹp và khang trang, hiện đại, không chỉ là nơi vui chơi giải trí ngoài trời của người dân mà còn là nơi tổ thức các hoạt động văn hóa đa dạng từ truyền thống dân gian đến trình diễn nghệ thuật quốc tế hiện đại. Khoảng 8h tối sẽ có trình diễn nhạc nhiều đủ màu sắc đẹp mắt.
- Đền Cô Tiên (cách 5,4km): Tọa lạc ở cuối dãy Trường Lệ, ngôi đền Cô Tiên gắn liền với truyền thuyết về cô gái hành nghề thuốc, chữa bệnh cho dân nghèo. Không gian linh thiêng và vẻ đẹp cổ kính của đền luôn thu hút đông đảo du khách.
Với giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo, đền Độc Cước là điểm đến tâm linh quan trọng, thu hút du khách thập phương đến cầu mong bình an, thịnh vượng. Hành trình ghé thăm ngôi đền cổ kính bên bãi biển Sầm Sơn chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn khó quên trong lòng mỗi người.