Khu vực Bắc Trung Bộ nước ta là địa điểm tập trung những giá trị văn hóa tâm linh ấn tượng, đặc biệt là Thanh Hóa. Khi đến với xứ Thanh, MIA.vn muốn mời bạn đến khám phá một địa điểm tâm linh ấn tượng gắn liền với truyền thuyết Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng. Đó chính là ngôi Đền Sòng Sơn nức tiếng gần xa. Cùng MIA.vn ngược về xứ Thanh và tìm hiểu những giá trị đặc biệt của Đền Sòng Sơn bạn nhé!
1 Đền Sòng Sơn, chứng tích linh thiêng với nhiều giá trị lịch sử sâu sắc
1.1 Đôi nét về Đền Sòng Sơn
Địa chỉ: phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Đền Sòng Sơn là một trong những địa điểm văn hóa tâm linh được nhiều tín đồ du lịch tìm đến khi khám phá Thanh Hóa. Ngôi đền này còn có tên gọi khác là Sùng Sơn hoặc Sùng Trân Miếu, xưa kia tọa lạc tại trang Phú Dương, xã Cổ Đam, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, nay là Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
Theo quan niệm văn hóa của người dân địa phương, Đền Sòng Sơn còn được biết đến là ngôi đền thiêng nhất xứ Thanh. Đây là một trong những ngôi đền lớn tại Thanh Hóa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Đền Sòng Sơn là một trong những địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng tại Thanh Hóa. Ảnh: Cổng thông tin điện tử thị xã Bỉm Sơn
1.2 Đền Sòng Sơn thờ ai?
Đền Sòng Sơn vốn là nơi tôn thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của văn hóa dân gian Việt Nam. Theo tín ngưỡng thờ mẫu xa xưa của người Việt Nam thì Mẫu Liễu Hạnh vốn được xem là thần chủ.
Mẫu Liễu Hạnh vốn là Tiên chúa Quỳnh Nương, là con của Ngọc hoàng Thượng Đế. Vì phạm phải sai lầm, bà bị đày xuống trần gian và thác sinh vào nhà họ Lê ở xã An Thái, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay vốn thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) và đã được đặt tên là Giáng Tiên.
Trải qua 3 lần trích giáng, bà được Ngọc Hoàng cho hạ giới và không phải hóa kiếp thêm một lần nào nữa. Vốn là người có phép biến hóa thần thông, bà đã đi qua nhiều vùng đất, gia ân với người hiền lành, nhân đức và trừng phạt những kẻ ác độc.
Tiên chúa Liễu Hạnh đã thường hóa phép vân du ở khu vực núi Sòng Sơn và núi Tam Điệp. Bà đã giúp người bộ hành qua đèo Ba Dội và hướng dẫn người dân trong vùng này cách đào giếng, dệt vải, trồng dâu nuôi tằm.
Người dân làng Cổ Đam xưa nay thuộc phường Bắc Sơn được bà báo mộng đã kêu gọi góp sức góp của, cùng nhau xây dựng nên đền thờ Mẫu Liễu Hạnh. Người đời sau này đặt tên ngôi đền là Sùng Trân, hay còn được biết đến với tên gọi Sùng Sơn.
1.3 Lịch sử nhiều thay đổi của Đền Sòng Sơn
Đền Sòng Sơn được khởi công xây dựng vào chính xác năm nào thì đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi lại. Hiện nay, chỉ có một truyền thuyết được người dân Làng Cổ Đam kể lại rằng, vào niên hiệu Vĩnh Tộ, nhà Lê (1619 - 1628), một ông lão người làng đã được tiên chúa về báo mộng xây đền.
Theo lời Tiên chúa, vào một buổi sáng cuối tháng Giêng, ông lão đã mang một cây gậy tre đến khu vực Đền Sòng ngày nay và cắm xuống đất, thắp hương và khẩn cầu. Ít lâu sau, cây gậy tre nẩy lá, đâm măng và trở nên tươi tốt, dân làng cho rằng Mẫu Liễu Hạnh đã hiển thánh nên chọn nơi đây làm nơi cất dựng ngôi đền thờ bà.
Đền Sòng Sơn đã được tu bổ nhiều lần, vào thời Cảnh Hưng vua Lê Hiển Tông, năm Duy Tân thứ sáu (1912), năm Khải Định thứ tư (1919), năm Bảo Đại thứ ba (1928) và năm 1939 và tồn tại cho đến ngày nay.

Chưa ai biết Đền Sòng Sơn được xây dựng vào năm nào. Ảnh: vinwonders
2 Cách di chuyển đến Đền Sòng Sơn
Đền Sòng Sơn cách trung tâm thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa khoảng 40 km. Vì thế, bạn sẽ mất khoảng 45 phút đến 1 giờ đồng hồ di chuyển đến đây bằng phương tiện cá nhân.
Để đi từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đến Đền Sòng Sơn thuộc Thị xã Bỉm Sơn, bạn có thể dùng ứng dụng Google Maps hoặc đi theo cung đường mà MIA.vn gợi ý như sau: Công viên Hội An - Quốc lộ 1A - đường Bà Triệu - Đền Sòng Sơn.
3 Những trải nghiệm văn hóa tại Đền Sòng Sơn
Đền Sòng Sơn bao nhiêu năm sừng sững đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa linh thiêng của người dân Bỉm Sơn, xứ Thanh. Hãy cùng Cẩm nang du lịch MIA.vn điểm qua một số trải nghiệm văn hóa ấn tượng mà bạn có thể khám phá tại ngôi đền này.
3.1 Khám phá kiến trúc đền mẫu ấn tượng
Đền Sòng Sơn tọa lạc trên một thế đất cao, tọa Đông Nam, hướng Tây Bắc. Tổng thể kiến trúc đền theo hơi hướng truyền thống Việt Nam với 3 gian nhà tiếp nối nhau bao gồm Hậu cung, Trung Đường, Tiền Đường.
Tổng thể các gian nhìn chung đều có những cột đá lớn và được chạm khắc tinh xảo kết hợp cùng các câu đối, hoành phi đẹp mắt. Nội dung và câu đối của những câu đối này dùng để ca ngợi công đức của Thánh Mẫu. Ngoài ra, các hạng mục trong đền còn được trang trí bằng đường nét sơn son thếp vàng, họa nên một không gian linh thiêng, huyền bí nhưng cũng không kém phần rực rỡ.

Kiến trúc Đền Sòng Sơn tạo nên màu sắc linh thiêng. Ảnh: vinwonders
3.2 Nguyện cầu bình an tại Đền Sòng Sơn
Đền Sòng Sơn là một ngôi đền linh thiêng có tiếng tại khu vực Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Vì thế, nơi đây thu hút nhiều tín đồ du lịch thập phương tìm đến chiêm bái, cầu bình an hàng năm, đặc biệt là vào các dịp lễ hội hay những ngày đầu năm mới.

Đền Sòng Sơn được nhiều người dân tìm đến cầu nguyện. Ảnh: vinwonders
3.3 Tham dự lễ hội Đền Sòng Sơn
Lễ hội Đền Sòng Sơn dược diễn ra từ 24 đến 26 tháng 2 Âm lịch sẽ tạo ra những không gian văn hóa rực rỡ nhất tại đây. Lễ hội này còn có tên gọi là Sòng Sơn - Ba Dội với nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa cũng như vui chơi đặc sắc.
Phần lễ của lễ hội này thường có các hoạt động như cúng tế, rước Thánh Mẫu. Phần hội sẽ bao gồm nhiều tiết mục trình diễn đặc sắc như văn nghệ hầu quan thánh, văn nghệ chầu văn cùng nhiều hoạt động như thi nấu cơm, kéo co, cờ tướng. Ngoài ra, khi kết thúc phần lễ và hội sẽ là nghi thức rước bóng Thánh Mẫu.

Lễ hội Đền Sòng Sơn có nhiều hoạt động thú vị. Ảnh: Đài PTTH Thanh Hóa
4 Một số lưu ý cần biết khi khám phá Đền Sòng Sơn
Đền Sòng Sơn là điểm đến sở hữu giá trị văn hóa cao cùng không gian thờ cúng linh thiêng. Vì thế, khi tham quan Đền Sòng Sơn, các tín đồ du lịch cần phải lưu ý những điều đặc biệt sau đây.
- Giữ gìn sự trang nghiêm của không gian thờ cúng, không làm ồn hay gây tổn hại đến tổng thể đền cũng như các hạng mục khác bên trong khuôn viên.
- Lựa chọn trang phục thanh lịch, nhã nhặn khi tham quan đền. Hạn chế tối đa những trang phục hở hang, phản cảm và không phù hợp với không gian linh thiêng.
- Giữ gìn vệ sinh chung cho không gian bên trong cũng như bên ngoài đền.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý một số kinh nghiệm nếu muốn đi lễ hội Đền Sòng Sơn tại đây như sau:
- Đồ lễ vật dâng lên thường bao gồm đĩa quả, đĩa hoa, cơi trầu, giấy tiền, thẻ hương, xôi thịt, cút rượu, cánh sớ và hoan hỉ. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị thêm một quanh oản thành kính dâng lên.
- Theo chia sẻ từ nhiều người có kinh nghiệm thờ cúng, bạn nên lựa chọn lễ vật màu đỏ sẽ mang lại linh ứng và nhiều phước lành hơn.
Đền Sòng Sơn với không gian linh thiêng sẽ là một trong những địa điểm mà bạn nên tìm đến nếu muốn khám phá văn hóa thờ mẫu tại xứ Thanh. Chúng mình hy vọng rằng, cẩm nang du lịch này đã mang đến bạn góc nhìn toàn cảnh về bức tranh văn hóa nơi đây cũng như những trải nghiệm đặc biệt mà bạn sẽ có được khi viếng thăm Đền Sòng Sơn Thanh Hóa.