1Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ ở đâu?
Ngày 27/9/1996 di tích lịch sử Căng Đồn Nghĩa Lộ đã được Cục Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cách thành phố Yên Bái khoảng 80km, bạn đi theo hướng quốc lộ 32 sẽ tới cánh đồng Mường Lò thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ. Ở phía Tây của Nghĩa Lộ là khu di tích lịch sử Căng Đồn, được xây dựng cùng nhà sàn Bác Hồ.
Nơi đây trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc là nơi diễn ra rất nhiều trận chiến đấu oanh liệt. Đặc biệt năm 1952, người dân Nghĩa Lộ đã cùng nhau giải phóng miền đất này, tạo nên một dấu son chói lọi. Từ trục đường chính đi vào, ngay từ xa bạn đã nhìn thấy tượng các chiến sĩ Nghĩa Lộ phất cờ khởi nghĩa, đại diện cho tinh thần chiến đấu hi sinh quật cường của người dân Yên Bái.
2Hướng dẫn di chuyển đến Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ
Để di chuyển từ Hà Nội đến di tích Căng Đồn, bạn có thể chọn đi bằng xe khách hoặc xe máy. Dưới đây là cung đường mà MIA.vn muốn gợi ý cho bạn:
Di chuyển bằng xe máy: Để đến quốc lộ 32 thì từ Hà Nội bạn sẽ đi Sơn Tây rồi theo hướng cầu Trung Hà đến Thanh Sơn, Tân Sơn, sau đó tới Thu Cúc là sẽ gặp quốc lộ 32. Tiếp tục đi thẳng quốc lộ 32 là sẽ tới Căng Đồn Nghĩa Lộ. Thời gian di chuyển cho tuyến đường này là khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ với tổng chiều dài khoảng 180km. Còn nếu bạn đi xe ô tô tự lái thì có thể chọn cung đường qua cao tốc Hà Nội - Lào Cai để rẽ vào thành phố Yên Bái, sau đó cũng đi theo hướng quốc lộ 37.
Xe khách: Bạn có thể bắt xe tại các bến lớn như Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát. Ở đây bạn chọn đi tuyến Lai Châu, nhưng cần hỏi kỹ phụ xe xem xe có đi qua Mù Cang Chải hay không. Nếu tuyến đường có đi qua Mù Cang Chải thì bạn có thể yêu cầu xe cho xuống Nghĩa Lộ. Nếu không bạn có thể chọn đi xe khách tuyến tới thành phố Yên Bái, sau đó chọn tuyến nội tỉnh để tới Nghĩa Lộ sau. Tuy nhiên cách này sẽ xa hơn khá nhiều so với tuyến thẳng tới Mù Cang Chải. Xuống tới nơi, bạn có thể chọn đi xe ôm hoặc thuê xe máy ở Yên Bái để di chuyển tới Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ.
3Có gì tại khu di tích lịch sử Căng Đồn Nghĩa Lộ?
Khu di tích Căng Đồn có ý nghĩa rất lớn trong thời kỳ nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây giam giữ những chiến sĩ yêu nước bị quân Pháp bắt giữ. Địa danh này đã gắn liền với huyện Văn Chấn - một huyện miền núi lớn ở phía Tây tỉnh Yên Bái. Địa hình tại đây đặc trưng với địa thế rừng núi hiểm trở, trùng trùng điệp điệp cùng nhiều hang động sâu thăm thẳm. Đến năm 1947, khi thực dân Pháp đánh chiếm được huyện Văn Chấn đã lập nên bộ máy cai trị thực dân tại Nghĩa Lộ.
Từ năm 1947 đến 1952 khi quân Pháp cai trị huyện Văn Chấn đã gây ra rất nhiều tội ác, thực hiện nhiều cuộc tra tấn giết hại rất nhiều người dân địa phương và hàng loạt các chiến sĩ yêu nước. Điều này đã khiến cho quần chúng nhân dân vô cùng phẫn nộ, đồng thời cũng trở thành động lực thúc đẩy các dân tộc tại Văn Chấn đoàn kết với nhau và vùng dậy đấu tranh đánh đuổi quân địch, giành lại quyền tự do dân chủ.
Dấu ấn chói lọi trong lịch sử Nghĩa Lộ đã được tạo nên từ quyết định của Trung ương Đảng khi đánh vào Căng Đồn để bước đầu tiên giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường cho quân ta sang phòng tuyến sông Đà, góp phần không nhỏ cùng toàn bộ quân và dân ta làm nên chiến thắng vẻ vang Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với những đường lối chỉ huy đúng đắn, đến 8 giờ sáng 18/10/1952, quân ta đã giải phóng hoàn toàn khu vực Nghĩa Lộ.
Đến nay đã 70 năm trôi qua, chiến trường từng một thời ác liệt khoác lên mình một chiếc áo hoàn toàn mới, trở thành công trình được xếp hạng Di tích quốc gia, có ý nghĩa lịch sử và thu hút đông đảo khách du lịch ghé đến. Nơi đây tưởng nhớ về những chiến sĩ kiên trung, anh hùng, bất khuất, cũng là biểu tượng cho sự đoàn kết, gắn bó của những dân tộc cùng chung tay vì một tự do và độc lập.
Quy hoạch khu di tích lịch sử Căng Đồn Nghĩa Lộ bao gồm một tượng đài chiến thắng được tạo nên từ hình tượng bộ đội và quần chúng nhân dân trong trận chiến oanh liệt giải phóng Nghĩa Lộ vào năm 1952. Phía sau tượng đài là nhà bia khắc tên những liệt sĩ và một đài tưởng niệm.
Vì nơi đây là di tích lịch sử nên trải nghiệm du lịch của bạn sẽ rất khác so với những địa điểm khác ở Yên Bái. Thông thường khi đến đây, khách du lịch sẽ đi dạo khuôn viên, chụp hình với tượng đài, dâng hương trong đài tưởng niệm. Còn nếu bạn đến khu di tích này vào những dịp quan trọng như ngày kỷ niệm (18/10, 22/12...), ngày Quốc Khánh 2/9, các dịp nghỉ lễ (30/4, 1/5), dịp Tết Nguyên đán... khách du lịch có thể cùng người dân Nghĩa Lộ thắp hương kính viếng và cùng nhau dọn dẹp cỏ trong khuôn viên, nghe những câu chuyện về các tấm gương anh hùng đã làm nên chiến thắng vang dội này.
Trong hành trình đến tham quan Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ, bạn cũng có thể kết hợp tham quan khu tưởng niệm Bác Hồ, bên cạnh đó là cánh đồng Mường Lò, chợ Mường Lò. Huyện Văn Chấn cũng có rất nhiều điểm đến tham quan như Đèo Lũng Lô, đèo Khế, thác Háng Đề Chơ...
4Những điều cần lưu ý khi đi đến di tích lịch sử Căng Đồn Nghĩa Lộ
Vì đặc thù của Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ nên bạn cần lưu ý tham quan trong khuôn viên theo sự hướng dẫn và tuân thủ các quy định của ban quản lý khu di tích. Trong quá trình tham quan, bạn cần đảm bảo không gây ồn ào, không cười đùa quá mức, không trèo cây, bẻ cành, không ngồi lên di tích để chụp ảnh. Bên cạnh đó tuyệt đối không khắc tên lên những di tích tại đây, không ăn uống và tự ý vứt rác bừa bãi.
Vì tại đây không để sẵn nhang nên bạn cần chuẩn bị mang theo để thắp nhang bày tỏ lòng thành kính và tôn trọng với những vị liệt sĩ đã ngã xuống hy sinh vì dân tộc. Ngoài ra bạn cũng có thể sắp lễ với trái cây và bánh kẹo để dâng lên.
Tuy không phải là điểm đến du lịch hấp dẫn về mặt cảnh quan, nhưng Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Văn Chấn nói riêng và Yến Bái nói chung. Vì thế nếu có dịp ghé đến nơi đây, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu một đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc nhé.