1Tổng quan về Đình Làng La Hà Quảng Bình
Vị trí: thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình
Đình Làng La Hà Quảng Bình được xây dựng trên một khu đất cao về phía Tây Nam. Đình Làng La Hà hướng về núi Hòn Vắp, trước mặt là hói Đình nối nguồn Nậy với nguồn Son.
Khi đứng từ trên cầu Gianh nhìn về phía Tây, bạn sẽ thấy Làng La Hà là một bãi nổi lớn nằm ở ngã ba sông, nơi có ba nguồn nhập lại để cùng nhau đổ ra biển, đó là nguồn Nậy, nguồn Son và nguồn Nam.
Trước đây, Làng La Hà là bãi nổi, cuộc sống của người dân nghèo khó nhưng lại có truyền thống học hành, đỗ đạt khoa bảng thì hiếm nơi nào sánh kịp. Vì vậy mà làng đã được xếp vào một trong bát danh hương của Quảng Bình: “Sơn – Hà – Cảnh – Thổ – Văn – Võ – Cổ – Kim”.
Nếu xét về địa thế, làng La Hà giống như một cái nghiên mực, các cồn nổi xung quanh như cồn Bông, cồn Nổi, cồn Giáp Tam là ba ngọn bút chầu vào nhau. Vì vậy mà các nhà địa lý mới cho rằng đó là đất “Tam bút châu nghiên“. Còn nếu đứng ở đầu làng nhìn ra bốn phía sông nước thì bạn sẽ thấy các dòng sông nhỏ hẹp như 5 con rồng hướng về làng La Hà.
Tại đây, người ta thi đua lẫn nhau trong và giữa các dòng họ, mọi khó khăn đều không làm nản chí các nho sĩ trong việc học hành. Từ đó, để ghi công đức các bậc tiên tổ đã có công lập làng cũng như vinh danh những vị khoa bảng, làng La Hà đã dựng đình, miếu, nhà thờ để làm nơi thờ tự.
Làng La Hà có rất nhiều di tích lịch sử – văn hóa với các nhà thờ họ, miếu thờ thiên thần và nhân thần. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến là công trình Đình làng La Hà được công nhận là Di tích văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003.
Chuyến đi của bạn sẽ thêm phần thú vị hơn nếu Làng Ho Lệ Thuỷ Quảng Bình hoặc Làng Lệ Sơn Quảng Bình được điểm tên vào bucket list của chúng mình đấy!
Xem thêm: Làng Bích Họa Cảnh Dương Quảng Bình và nét đẹp nghệ thuật độc đáo
2Tại Đình Làng La Hà Quảng Bình có gì?
Được xây dựng vào năm 1859, do con cháu họ Phạm, họ Mai, họ Trần (côi), họ Trần (dưới) và họ Tạ góp công, góp của dựng nên Đình Làng La Hà Quảng Bình. Đình sở hữu khuôn viên rộng đến 2000 mét vuông, trước mặt là nơi giao hội của các nhánh sông Son, sông Nan và các nhánh nhỏ. Trước cổng đình có dòng nước chảy ngược theo Đông Tây và tụ lại về đầu thôn. Phía trước Đình có Hòn Vắp với dán vẻ như một con hổ đang nằm phủ phục nhìn về làng, vì vậy mà nó còn được gọi là “Long hồi hổ phục”.
Ban đầu, Đình Làng La Hà Quảng Bình được dựng đơn giản bằng tranh tre. Cho đến năm 1904, Trần Văn Thống (cụ Thượng Thống) đã kêu gọi con cháu đóng góp tiền của để xây dựng lại đình kiên cố hơn. Đình Làng La Hà Quảng Bình nổi tiếng khắp vùng về quy mô cũng như kĩ thuật bài trí, chạm khắc. Đình có đến 5 gian, trong đó có 3 gian chính và 2 gian hồi. Ba gian giữa được chạm trổ công phu. Hai vài chái có 2 bộ sập, mỗi bộ là năm lá dài bằng chiều rộng của đình để dân làng hội họp. Gian giữa là nơi thờ tự uy nghiêm, khi nhìn vào từ ngoài cổng, hai con hạc lớn đứng trên lưng hai con rùa chầu. Hai hàng khí giới và bút lông tượng trưng cho quan văn và quan võ nằm ở hai bên. Ở cổng đình có hai trụ biểu cao đến 10m, bốn phía đều được ốp hoa văn hoặc thủy tinh nhiều màu tạo thành những con rồng uốn lượn trong mây. Trên đỉnh cột của cổng là hai con nghê chầu vào.
Đình Làng La Hà Quảng Bình là nơi thờ tự những vị Tổ đã có công khai lập làng, đây cũng là nơi vinh danh những thế hệ có thành tích học hành được đề tên trong khoa bảng. Mỗi lần trong làng có người thi cử đỗ đạt là người dân lại đón rước về đình, tổ chức ăn mừng. Sau này, vì có nhiều người đỗ đạt nên dân làng đã xây thêm khu văn miếu để thờ sáu vị Tiến sĩ và Phó bảng đã từng đỗ đạt qua các kì thi vào triều Nguyễn.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đình Làng La Hà Quảng Bình còn được sử dụng làm nơi cất giấu lương thực và vũ khí, đây cũng là địa điểm tập hợp lực lượng dân quân chống Pháp. Từ năm 1947 đến 1950, giặc Pháp mở 5 trận càn quét lên La Hà, đình làng đã được sử dụng làm trung tâm chỉ huy đánh Pháp. Người dân La Hà rào làng chiến đấu, bắn cháy ca nô, bảo vệ xóm làng, tiêu diệt quân xâm lược.
Dù đang ở đâu, cứ hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng, những người con xã Quảng Văn đều tìm về quê hương để tham gia Lễ hội Đình làng La Hà với nhiều hoạt động sôi nổi. Lễ hội này không chỉ là dịp để mọi người dân trong làng cùng mừng xuân, chào năm mới mà với mỗi người dân tại đây, nó còn mang những ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây cũng là dịp để bạn được hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục và những con người chân chất đang gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông ngay trên mảnh đất này.
Hàng trăm năm qua, Đình Làng La Hà Quảng Bình vẫn là nơi diễn ra các cuộc sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đây là nơi hội họp mỗi khi Tết đến xuân về, nơi con cháu trong làng thắp hương mỗi dịp đỗ đạt, đi xa, mỗi dịp thành công và trở về làng. Nét xưa đó vẫn được người làng trân trọng lưu giữ cho muôn đời sau. Cẩm nang du lịch của bạn không thể thiếu thông tin thú vị này đâu nhé!
Đến với Đình Làng La Hà Quảng Bình, bạn sẽ có cơ hội được tìm hiểu và biết thêm về Làng La Hà. Lên kế hoạch du lịch Quảng Bình chất lượng đồng thời ý nghĩa và mang lại cơ hội khám phá đắt giá thì bạn không thể bỏ qua địa điểm này đâu.