Nếu bạn là người yêu thích loại hình du lịch tâm linh, khám phá văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của người Việt xưa thì tỉnh Bình Dương sẽ là địa điểm hoàn hảo mà bạn không thể bỏ qua. Nơi đây nổi tiếng với rất nhiều ngôi đình, chùa cổ xưa cùng những thiền viện an tĩnh như chùa Thái Sơn núi Cậu , thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, chùa Tổ Long Hưng, đình Bình Nhâm… Trong đó, đình Tân An được biết đến là ngôi đình cổ lưu giữ nhiều nếp sống văn hóa, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương vùng Nam Bộ và đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
1Giới thiệu vài nét về đình Tân An
Địa chỉ: Khu phố 1, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Đình Tân An còn có tên gọi dân gian là đình Bến Thế bởi nằm gần bến sông Bến Thế và bên cạnh đình còn có chợ Bến Thế. Trước kia đình có tên là Tương An miếu vì một phần hình dáng ban đầu của đình rất đơn giản, chỉ có một gian ngói nhỏ. Thuở đó, trong tiềm thức của người dân Nam Bộ quan niệm rằng miếu thường là những gian thờ nhỏ bé nằm cạnh sông, trên các dốc, gò đồi cao hoặc gần trục giao thông thủy bộ hay đường bộ với mục đích để thờ các vong linh đã khuất.
Tọa lạc tại phường Tân An, tỉnh Bình Dương, Đình Tân An là một trong những điểm nhấn đặc sắc tại đây. Ngôi đình là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử thể hiện qua các đường nét kiến trúc cùng nét đẹp tín ngưỡng, tâm linh qua các dịp lễ hội cúng đình, sinh hoạt náo nhiệt. Nơi đây góp phần kế thừa, gìn giữ và phát huy những nếp sống cổ truyền từ xa xưa của ông cha ta và bản sắc văn hoá ngàn đời của dân tộc. Đặc biệt, lễ hội Kỳ yên đình Tân An hằng năm còn là dịp để gắn kết tinh thần, trách nhiệm cộng đồng và lan tỏa những giá trị ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân.
Xem thêm: Về thăm Đình Phú Cường (Bà Lụa) đẹp nhất Nam Kỳ một thời
Đình Tân An được xây dựng vào năm 1820 bởi lớp cư dân đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất này. Lúc đầu, đình chỉ là mấy gian nhà lá đơn sơ nên đặt tên chữ là Tương An miếu, là nơi thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh của 4 xã thuộc huyện Bình An xưa, bao gồm xã Tương Bình, Tương An, Tương Hòa và Cầu Định. Khoảng 30 năm sau đó, tổ tiên dòng họ Nguyễn đứng ra chủ trì xây dựng lại ngôi đình với quy mô lớn hơn và có hình dáng giống như ngày nay chúng ta vẫn thấy.
Vào ngày 19 tháng 11 năm Tự Đức thứ 21 (1869), vua Tự Đức đã ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân nơi đây thờ tự. Sắc phong vẫn luôn được cất giữ tại Nhà thờ dòng họ Nguyễn (hiện là nhà ông Nguyễn Tri Quan). Theo sắc phong vua Tự Đức thì vị thần được thờ chính trong đình là Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành, một vị quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Gia Long trị vì.
2 Nên đến đình Tân An vào thời gian nào?
Theo kinh nghiệm của phần đông khách du lịch thì bạn có thể đến tham quan đình Tân An vào bất cứ thời điểm nào trong năm nếu thấy phù hợp. Tuy nhiên, bạn nên ghé đến đây vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch bởi lúc này là thời gian tổ chức lễ hội Kỳ yên của đình Tân An. Vậy nên bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều nghi thức truyền thống linh thiêng cùng hoạt động hát Bội hấp dẫn và được hòa mình vào bầu không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội độc đáo này.
3 Khám phá những nét đặc sắc của đình Tân An
Giống như đình Vĩnh Phước hay các ngôi đình cổ xưa khác, về tổng quan, đình Tân An có lối kiến trúc hình chữ Tam, còn gọi là lối sắp đọi, dân gian gọi là đình ba nóc, theo kiểu xuyên trính, hai mái, hai chái. Ngôi đình được làm hoàn toàn bằng gỗ sao. Mái được lợp toàn bộ bằng ngói vây cá và trải qua nhiều năm tháng, mái ngói phủ một lớp rêu phong trông rất cổ kính. Trên đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, ở các góc mái là hình cá chép hóa rồng và nền được lát gạch đỏ (gạch tàu) hình lục giác.
Đình Tân An có chiều rộng 50m, dài 70m và được xây trên diện tích hơn 10.000 m2. Đặc biệt, toàn bộ nội thất trong đình như bàn thờ, tủ thờ, tấm hoành, cột gỗ, câu đối, bao lam… đều làm từ gỗ quý và được các bàn tay nghệ nhân chạm khắc rất tinh xảo với nhiều chủ đề khác nhau.
Hàng năm theo đúng lệ xưa, vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu tính theo lịch 12 con giáp là những năm đình Tân An sẽ đáo lệ tổ chức lễ Kỳ yên trong dịp Hạ điền chạp miễu. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 14 đến 16 - 11 âm lịch. Lúc này thời điểm trăng sáng thuận tiện cho bà con vui chơi, đi lại. Đây cũng là lúc thủy triều dâng cao và theo quan niệm của cư dân thì đó là điềm báo mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, tiền của dồi dào…
Lễ hội Kỳ yên đình Tân An là dịp để người dân nơi đây tưởng nhớ các bậc tiền bối đi trước đã có công khai phá đất đai, lập nên xóm làng, những anh hùng có công với đất nước trong việc mở mang bờ cõi và để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội không chỉ là hoạt động thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Tham gia lễ hội thể hiện tính kết nối, phản ánh tính cách của người dân Nam Bộ và tính tự chủ của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, lễ hội Kỳ yên đình Tân An còn là cách để người dân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị Thần đã bảo vệ, phù hộ cho xóm làng, tri ân các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền và các anh linh liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước. Chính vì vậy, đây là một trong những lễ hội Bình Dương có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.
Ngoài điểm đặc sắc bởi các giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng thì đình Tân An quả là một địa danh du lịch tâm linh hiếm có vì vẫn lưu giữ được không gian cổ xưa, truyền thống cùng vẻ đẹp dân dã, bình dị tiêu biểu của đình làng miền quê Nam Bộ. Điển hình như hai cánh cổng đình xiêu vẹo ở hai con đường đối diện nhau vì bị bộ rễ xù xì của hai cây đa lớn quấn lấy. Bên cạnh đó, sân đình rộng rãi, thoáng đãng và được bao phủ bởi rất nhiều cây cổ thụ lâu năm, to lớn tựa như một khu rừng già um tùm giữa vùng đất yên tĩnh. Với không gian cổ kính và xưa cũ như vậy, đình Tân An từng là phim trường cho nhiều bộ phim lấy bối cảnh ngày xưa như vó ngựa trời Nam, ván bài lật ngửa, đất phương Nam, Lục Vân Tiên…
4 Một số hình ảnh nổi bật tại đình Tân An
Trên đây MIA.vn đã chia sẻ đến bạn toàn bộ những nét đặc sắc tại đình Tân An. Với lối kiến trúc, nghệ thuật đầy tính thẩm mỹ cùng vô vàn giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng được bảo tồn gần như nguyên vẹn, đình Tân An chắc chắn sẽ là nơi đem đến cho bạn nhiều kiến thức và trải nghiệm thú vị. Đây chắc chắn là điểm đến mà bạn nên lưu ngay vào cẩm nang du lịch của mình. MIA.vn chúc bạn có một chuyến tham quan đáng nhớ và đầy ý nghĩa.