Địa chỉ: bên trong khuôn viên Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai, 02 Fansipan, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai

Giờ mở cửa: Sáng từ 7g30 đến 11g30, chiều từ 13g30 đến 17g00 từ thứ Hai đến Chủ nhật hằng tuần

Giá vé vào cổng: miễn phí

Nằm bên trong khuôn viên Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai với xung quanh là những hàng cây cổ thụ xanh tốt, Bảo tàng Sapa cách trung tâm thị trấn áng chừng 1,5km được xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2017. Được cho là nơi lý tưởng nhất dành cho những ai muốn hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa cũng như nếp sống thường ngày của những người dân tộc tại các bản làng nơi núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, Bảo tàng Sapa với kho tàng hiện vật khổng lồ lên đến 200 mẫu cùng các tư liệu, ấn phẩm, những thước phim tài liệu và mô hình tái hiện một cách chân thật và rõ nét cũng như trọn vẹn những điều diễn ra ngay trong chính cuộc sống đời thường cũng như những nét đẹp trong văn hóa và tín ngưỡng, thờ cúng của người dân địa phương, cụ thể hơn là người dân tộc H’Mông, Tày, Giáy, Xa Phó, Hà Nhì và Dao đỏ cũng như hiểu rõ hơn về quá trình lịch sử hình thành thị trấn Sapa.

Ghé thăm bảo tàng Sapa - Tìm hiểu văn hóa các dân tộc vùng cao Tây Bắc 2

Bảo tàng Sapa - Nơi tái hiện chân thực vẻ đẹp nếp sống thường ngày của người dân tộc thiểu số vùng cao

Thường thì nếu muốn đến với Bảo tàng Sapa, mọi người sẽ xuất phát từ khu vực trung tâm thị trấn. Bạn có thể lựa chọn đi xe máy, xe ô tô hoặc đi bộ đều được đó. 

Đừng lo sẽ không tìm thấy xe máy nha, bởi vì tại hầu hết các khách sạn và nhà nghỉ ở trung tâm thị trấn Sapa đều có dịch vụ cho thuê xe máy theo ngày với thủ tục nhanh gọn và đơn giản nữa đó cùng mức giá dao động từ 150.000VNĐ đến 200.000VNĐ / ngày. Nếu không, bạn có thể đón xe ôm của những chú, những bác người dân tộc đậu gần khu vực trung tâm và nhờ họ đưa đến bảo tàng với chi phí từ 15.000VNĐ đến 20.000VNĐ / người.

Ngoài ra, nếu muốn rút ngắn thời gian di chuyển, bạn cũng có thể đón taxi để đi đến Bảo tàng Sapa. Bạn có thể nhờ lễ tân tại khách sạn đón taxi giùm hoặc ra trước cổng nơi lưu trú để đón taxi đều được cả. Mức giá cho taxi một chiều từ 20.000VNĐ đến 30.000VNĐ / chuyến.

Hơn thế nữa, nếu như bạn là người muốn nhìn ngắm kỹ hơn những ngỏ nhỏ hai bên phố mà cả xe máy lẫn xe hơi đều không có thể đi đến, vậy thì bạn cũng có thể đi bộ từ khách sạn, ngắm nhìn khung cảnh hai bên đường, hít thở bầu không khí trong lành không có quá nhiều khói bụi xe cộ trước khi đến được Bảo tàng Sapa nhé. Khoảng cách từ trung tâm thị trấn Sapa đến bảo tàng tương đối ngắn và đường cũng dễ đi với xung quanh đường là nhà dân nên bạn đừng lo sẽ bị lạc hoặc gặp những rủi ro nào nhé.

Bảo tàng Sapa được thành lập và hoạt động theo mô hình của nhà du lịch đến từ vùng Bordeaux nước Pháp là Arcachon, đồng thời là ô hình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Aquiten của nước Pháp.

Ghé thăm bảo tàng Sapa - Tìm hiểu văn hóa các dân tộc vùng cao Tây Bắc 3

Đường dẫn vào bảo tàng với hai hàng cây xanh tốt nằm dọc hai bên

Ngay từ lúc vào bước chân vào Bảo tàng Sapa, bạn sẽ như được chìm đắm trong kho tàng hiện vật phong phú và đa dạng cùng bầu không gian thoáng đãng với những hàng cây cổ thụ chạy dọc suốt hai bên đường đi. Không chỉ tái hiện lại khung cảnh đời sống lao động thường ngày, những nét đặc biệt trong văn hóa, phong tục tập quán, các tín ngưỡng thờ cúng và cả những nghi thức lễ tế, Bảo tàng Sapa còn mang đến cho bạn một loạt những mẫu trang phục rực rỡ màu sắc đại diện cho từng dân tộc thiểu số sinh sống tại các bản làng quanh khu vực thị trấn Sapa và các vùng lân cận như người H’Mông, người Giáy, người Tày, người Xa Phó, Hà Nhì và cả người Dao đỏ. 

Nét nổi bật và độc đáo nhất của Bảo tàng Sapa ắt hẳn không có gì khác ngoài những mô hình và hiện vật tái hiện lại một cách chân thật và sống động đời sống thường ngày của các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương với một loạt những hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong gia đình. 

Ngay từ khi vừa đặt chân vào khuôn viên tầng 1 của bảo tàng, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy các mô hình mô phỏng nghi thức cưới hỏi, những buổi lễ tế quan trọng của người dân tộc vùng núi cao Tây Bắc được làm hoàn toàn bằng các phương pháp thủ công đan tay cực kì tỉ mẩn và công phu, khéo léo.  

Ghé thăm bảo tàng Sapa - Tìm hiểu văn hóa các dân tộc vùng cao Tây Bắc 4

Khung cảnh đám cưới của người Dao đỏ được tái hiện chân thực 

Đặc biệt hơn, khung cảnh đám cưới náo nhiệt và rộn rã tiếng khèn, tiếng sáo của người Dao đỏ còn được tái hiện một cách chân thật và rõ nét hơn cả với những hình nhân khoác trên người các bộ trang phục truyền thống lâu đời. Chính mô hình này đã giúp bạn có thể hiểu rõ hơn vẻ đẹp trong đám cưới của người dân tộc và những nét khác biệt so với đám cưới thường thấy của người Kinh nơi miền xuôi.

Trong ngày cưới, cả cô dâu và chú rể đều sẽ quấn khăn đỏ, và cô dâu sẽ khoác một chiếc váy hoa, khác hẳn với phong tục nam mặc vest, nữ mặc váy cưới của người Kinh. Chính mô hình mô phỏng khung cảnh đám cưới rộn rã và vui tươi của người Dao đỏ đã cho thấy người dân tộc của rất đề cao sự kiện trọng đại trong đời với những phong tục truyền thống như ra mắt tổ tiên, thần linh và dòng họ hai bên gia đình. Đồng thời họ vẫn giữ đâu đó vẻ đơn sơ, mộc mạc và bình dị tựa biết bao giai thoại tình yêu của người dân tộc miền núi được truyền tai nhau biết bao đời qua.

Ngoài ra, tại tầng 1 của Bảo tàng Sapa còn trưng bày một mô hình mô phỏng nghi lễ cấp sắc – vốn là buổi lễ truyền thống đã tồn tại từ rất lâu của người Dao đỏ. Đây là buổi lễ đánh dấu cột mốc trở thành người đàn ông trưởng thành cả về thể chất lẫn tư tưởng, giúp họ có ý thức hơn về trách nhiệm và bổn phận của mình trong đời sống gia đình.

Ghé thăm bảo tàng Sapa - Tìm hiểu văn hóa các dân tộc vùng cao Tây Bắc 5

Những mô hình gian nhà gỗ với kích thước chuẩn

Không chỉ vậy, tại bảo tàng còn có hẳn một mô hình mô phỏng những gian nhà sàn gỗ đơn sơ – vẻ đẹp bình dị của chốn bản làng vùng núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với kích thước chuẩn xác cùng sự xuất hiện của các nông cụ và dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, thậm chí cả những món trang sức tinh xảo và cả những cái chày, cái cối cùng các bức ảnh thần linh sống động, tái hiện rõ nét tín ngưỡng của người dân tộc vùng núi cũng được trưng bày tại đây.

 Bất kì ai khi đi ngang qua khu vực này đều rất ngạc nhiên, trầm trồ và thích thú với hình ảnh cả gia đình quây quần bên bếp lửa ngoài sân trong khí trời se se lạnh đặc trưng của vùng miền núi, hoặc cả hình ảnh những người phụ nữ tộc H’Mông, Dao đỏ ngồi dệt vải bên khung cửi. Dường như cuộc sống của những người dân tộc chốn núi rừng Tây Bắc đã quy tụ về cả nơi Bảo tàng Sapa.

Không chỉ trưng bày những mô hình khắc họa rõ nét và chân thực hình ảnh đời sống thường ngày và những vấn đề liên quan đến lễ nghi, tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số, tại Bảo tàng Sapa còn có cả một kho tàng đa dạng các loại đồ thủ công mỹ nghệ độc đáo – ‘những đứa con tinh thần’ của các nghệ nhân khéo léo nơi thị trấn Sapa. 

Ghé thăm bảo tàng Sapa - Tìm hiểu văn hóa các dân tộc vùng cao Tây Bắc 6

Những bộ quần áo của người dân tộc được trưng bày tại Bảo tàng Sapa

Các món đồ như quần áo, trang phục truyền thống, túi xách đều được dệt hoàn toàn từ sợi tơ tằm, nét đặc trưng của những người dân tộc vùng núi. Ngoài ra, ngay lối ra vào của bảo tàng còn có cả một quầy hàng bán đồ thủ công thổ cẩm đặc biệt nữa đó.

Bảo tàng Sapa quả là một điểm đến lý tưởng khi mang cả nét văn hóa và phong tục tập quán lâu đời của người dân tộc thiểu số vùng núi trở nên sống động và thực tế hơn rất nhiều. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa của chốn núi rừng Sapa, đừng bỏ qua điểm tham quan đặc biệt này nhé.