Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu tọa lạc ngay giữa khu hành chính và dọc các trục đường chính Nguyễn Tất Thành - Hùng Vương - Trần Huỳnh, ngay trung tâm TP. Bạc Liêu. Đây là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là điểm đến du lịch Bạc Liêu nổi tiếng.

Quảng trường được khởi công xây dựng vào năm 2013 và chính thức hoàn thành vào năm 2014 với tổng diện tích hơn 85.000m². Trong đó, sân quảng trường chiếm hơn 40.000m², được lát hoàn toàn bằng đá tự nhiên màu xám nhạt đan xen.

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 2

Toàn cảnh quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu. Ảnh: Báo Bạc Liêu

Để đến Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu, MIA.vn gợi ý bạn một trong các phương tiện sau:

- Máy bay: Bạn mua vé đến sân bay Cà Mau, sau đó di chuyển khoảng 50km để đến Bạc Liêu.

- Xe khách: Hiện nay, bạn có thể lựa chọn nhiều tuyến xe khách từ Sài Gòn đến Bạc Liêu với thời gian và lịch trình linh hoạt.

- Phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô): Với phương tiện này bạn có thể tự chủ thời gian hoặc dừng nghỉ dưỡng trong suốt hành trình.

Từ trung tâm Bạc Liêu, bạn chỉ mất 1-2 phút di chuyển để đến quảng trường Hùng Vương.

Cột cờ được đặt tại vị trí trung tâm và trang trọng nhất của quảng trường, chiều cao hơn 20m, hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng – Quốc kỳ thiêng liêng của Tổ quốc. Vào sáng thứ Hai của tuần đầu tiên mỗi tháng, tại đây diễn ra lễ chào cờ đầy trang nghiêm, có sự tham dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh.

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 3

Cột cờ Tổ quốc thiêng liêng được đặt tại vị trí trung tâm và trang trọng nhất của quảng trường. Ảnh: Báo người lao động

Nằm ở trung tâm quảng trường, biểu tượng cây đàn kìm sở hữu diện tích khoảng 5.000 m², cao 18,6m. Cây đàn được đặt trên năm cánh sen, bao quanh bởi hồ nước hình ngôi sao năm cánh với hệ thống phun nước và ánh sáng nghệ thuật, tạo nên vẻ đẹp lung linh và hoành tráng. Việc kết hợp giữa biểu tượng văn hóa tỉnh và hệ thống nhạc nước, ánh sáng nghệ thuật càng làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho tổng thể kiến trúc của khu hành chính tỉnh.

Biểu tượng cây đờn kìm và hoa sen cách điệu tượng trưng cho văn hóa độc đáo của Bạc Liêu. Đờn kìm là nhạc cụ trong nghệ thuật Đờn ca tài tử, gắn liền với nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Hình ảnh hoa sen là Quốc hoa của Việt Nam, nở rộ bên cây đờn kìm tượng trưng cho sự phát triển trường tồn của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và đặc trưng văn hóa của Bạc Liêu. Công trình này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam là "Cây đờn kìm cách điệu lớn nhất Việt Nam".

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 4

Biểu tượng cây đờn kìm và hoa sen cách điệu tượng trưng cho văn hóa độc đáo của Bạc Liêu. Ảnh: Thamhiemmekong

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 5

Đây cũng là điểm check-in không thể thiếu với những ai đã đến quảng trường. Ảnh: @phuonguyen1512_

Sân phun nước được chia thành 3 đoạn với 68 vòi phun cao từ 1,5 đến 3m, số lượng vòi ứng với con số “Lộc phát” biểu trưng cho mong ước về sự thịnh vượng và phát triển không ngừng cho vùng đất này. Các vòi phun tạo thành các “vũ điệu nước” sống động theo 9 chương trình phun khác nhau, thể hiện nhịp sống năng động của một thành phố trẻ miền biển.

Sân phun nước còn là điểm nhấn trong các sự kiện lớn của tỉnh, như lễ diễu hành, mít tinh, chào cờ, giao lưu văn hóa hay các hoạt động cộng đồng.

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 6

Biểu tượng cây đàn kìm lung linh đầy màu sắc khi đêm xuống với sân phun nước nghệ thuật. Ảnh: @vani_babie

Biểu tượng ba dân tộc gồm ba khối tượng cách điệu cao 9m, tượng trưng cho sự đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa trong việc xây dựng và phát triển Bạc Liêu.

Trên biểu tượng này khắc các nhóm số liên quan đến những mốc lịch sử, sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của tỉnh. Các con số được để ngỏ, không có chú thích cụ thể, nhằm khơi gợi sự tò mò của du khách. Các cơ quan truyền thông, báo chí và đội ngũ hướng dẫn viên sẽ giúp truyền tải ý nghĩa của các con số này, giúp du khách hiểu thêm về lịch sử và văn hóa Bạc Liêu.

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 7

Biểu tượng ba dân tộc tượng trưng cho sự đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Ảnh: Thamhiemmekong

Công trình hệ thống cây xanh tại Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu là điểm nhấn nổi bật, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Bạc Liêu "xanh - sạch - đẹp và văn minh". Hai bên quảng trường được trồng hai hàng cây cổ thụ với tán lá rộng, xen kẽ giữa cây Đa lộc vừng, biểu tượng cho sự thịnh vượng của vùng đất Bạc Liêu. Số lượng 54 cây tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra, 39 cây Phượng Vĩ được trồng để biểu thị cho 39 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước cho đến năm khánh thành quảng trường (1975 - 2014). Quanh công trình Biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu, các loại hoa được trồng đại diện cho 4 mùa, bao gồm Huỳnh Anh vàng, Bông trang đỏ, Mai Vạn Phúc trắng và Hoa chiều tím.

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 8

Quanh công trình cây đàn kìm là các loại hoa được trồng đại diện cho 4 mùa. Ảnh: Thamhiemmekong

Hồ nước với diện tích 176m² nằm ở trung tâm quảng trường, bên trên là ba vòm cong liên kết, tượng trưng cho vẻ hùng vĩ của núi rừng Ninh Bình hòa quyện với những cánh đồng muối trắng tinh đặc trưng của Bạc Liêu, thể hiện sự đoàn kết keo sơn giữa hai địa phương. Hình ảnh ba khối đá kết hợp gợi nên câu thơ "Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", tượng trưng cho sự gắn kết giữa hai tỉnh. Mặt sau của khối đá cao nhất khắc thông điệp về sự kiện kết nghĩa giữa Bạc Liêu và Ninh Bình.

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 9

Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình. Ảnh: Thamhiemmekong

Nhà hát Cao Văn Lầu được hoàn thành vào năm 2014, nhà hát trở thành biểu tượng văn hóa của miền Tây Nam Bộ với kiến trúc độc đáo gồm ba chiếc nón lá đan xen nhau. Công trình được xây dựng cạnh hồ nước với lối đi uốn cong tinh tế, tạo điểm nhấn nghệ thuật cho du khách tham quan. Đây cũng là nhà hát nón lá lớn nhất Việt Nam và được coi là trái tim của quảng trường.

Nhà hát được xây dựng để tôn vinh nhạc sĩ Cao Văn Lầu và duy trì tinh thần nghệ thuật cho thế hệ mai sau. Hiện tại, nhà hát có các buổi biểu diễn vào tối thứ bảy hàng tuần và phục vụ miễn phí cho người dân và du khách.

Ghé thăm Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu đậm nét nghệ thuật 10

Nhà hát Cao Văn Lầu với kiến trúc độc đáo gồm ba chiếc nón lá đan xen nhau. Ảnh: Thamhiemmekong

Một trong những công trình nổi bật tại khu vực quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tượng đài này tôn vinh sự hy sinh và cống hiến của các chiến sĩ trong sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968). Công trình mang giá trị lịch sử, ghi lại những khoảnh khắc oanh liệt của Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu trong cuộc chiến giành độc lập. Đồng thời, kiến trúc này còn góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng và lịch sử văn hóa cho thế hệ mai sau.

Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu là một trong những công trình cộng đồng nổi bật, thu hút du khách bậc nhất tại Bạc Liêu. Nếu có dịp ghé thăm Bạc Liêu, bạn hãy ghé qua địa điểm du lịch này để hòa mình vào không gian nghệ thuật độc đáo và ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc nhé!