1Lịch sử hình thành Hồ Bán Nguyệt – Vịnh Singapore giữa lòng Sài Gòn
Từ năm 1993 khi đô thị mới Phú Mỹ Hưng bắt đầu hình thành, ông Lawrence S. Ting và Tsien Pen Lung – cố chủ tịch Tập đoàn CT&D (nay là Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings) và Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (nay là Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng) đã nghiên cứu vị trí đất phải giữ lại để phục vụ cộng đồng. Từ đó nhà phát triển dành lại khoảng 1 triệu m2 làm khu thương mại, và Hồ Bán Nguyệt chiếm diện tích khoảng 200.000m2. Ở đó mọi công dân có thể được thưởng lãm, hòa mình vào không gian sống thanh bình, gần gũi với thiên nhiên.
Từ đầu khu vực Hồ Bán Nguyệt đã được chọn là vùng lõi trong 8 phân khu chức năng của đô thị Phú Mỹ Hưng. Nơi đây được xây dựng mô phỏng theo vịnh Singapore với vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD. Dự án Hồ Bán Nguyệt do 25 kiến trúc sư từ 13 nước tham gia thiết kế và 6 công ty triển khai chi tiết. Kiến trúc sư Axel Korn người trực tiếp tham gia thiết kế đã đánh giá nơi đây có vai trò như một “trái tim cộng đồng”. Tổng thể toàn khu vực phải đảm bảo tính liên kết và hài hòa với toàn bộ đô thị Nam Sài Gòn.
2Hướng dẫn di chuyển đến Hồ Bán Nguyệt
Hồ Bán Nguyệt nằm ở khu đô thị mới của Phú Mỹ Hưng quận 7, với cầu Ánh Sao nằm vắt ngang qua hồ. Tên gọi Ánh Sao cũng đến từ việc khi mà cầu lên đèn về đêm khung cảnh nơi đây không khác gì một dải ánh sáng, trông như những vì sao lấp lánh trên bầu trời huyền ảo.
Theo kinh nghiệm du lịch của MIA.vn, để di chuyển đến Hồ Bán Nguyệt chúng ta có thể đi bằng phương tiện cá nhân như xe máy, xe ô tô hoặc xe bus.
Xe bus: Có 2 tuyến dừng tại đây là số 68 và số 139, dừng tại trạm gần nhất bạn chỉ cần đi bộ thêm vài trăm mét nữa là đến nơi.
Xe máy hoặc xe ô tô: Bạn hãy tìm đường di chuyển dựa trên Google Maps bởi từ mỗi nơi xuất phát sẽ có một tuyến đường khác nhau. Điều chúng ta cần quan tâm chính là giữ xe ở đâu?
- Bãi giữ xe cầu Ánh Sao: Nằm ngay bên hông đường Trần Văn Đà và đối diện cao đẳng CTIM.
- Bãi giữ xe siêu thị Crescent Mall: Địa điểm giữ xe an toàn nhưng cách hồ khá xa.
- Bãi giữ xe trong trường cao đẳng CTIM: Sự lựa chọn cuối cùng khi mà những bãi khác đã quá tải.
3 Những nét đặc sắc tại Hồ Bán Nguyệt
3.1 Kiến trúc ấn tượng được bố trí chặt chẽ
Từ trung tâm hồ nước bán nguyệt bạn có thể thấy tất cả các công trình xung quanh đều hướng về mặt hồ, mang đến làn gió mát lành. Các tòa nhà có bố cục chặt chễ và liên kết linh hoạt cùng đường cong của Hồ Bán Nguyệt, mang tới một không gian đa chức năng hoành tráng, thuận lợi và liên hoàn cùng khu Thương mại – Tài chính quốc tế.
Cụ thể dọc theo hồ bạn có thể thấy những tòa nhà thấp được bố trí ở phía trước, nhà cao tầng hơn ở phía sau để có tầm nhìn cảnh quan trọn vẹn. Trên trục đường chính là hành lang để cho những hoạt động vui chơi ngoài trời. Đặc biệt, nhờ ưu thế không gian thoáng đãng và cảnh quan đẹp mà khu vực Hồ Bán Nguyệt còn thường xuyên được lựa chọn làm nơi diễn ra hội hoa xuân hằng năm, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, du xuân.
3.2 Nơi bảo tồn những giá trị nhân văn của thành phố
Địa điểm check-in Sài Gòn này vẫn còn giữ được “cụm cây xanh ngay giữa hồ” bên cạnh những tòa nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại. Nhưng chắc ít ai biết được rằng cụm cây xanh này cũng là “chứng nhân lịch sử” cho sự tồn tại và phát triển bền vững của Phú Mỹ Hưng, được xem như “đảo bảo tồn”.
Đảo bảo tồn rộng hơn 4.500m2 và vẫn còn giữ được nguyên vẹn hình dáng, các loài sinh vật tồn tại trong suốt 30 năm qua. Đại diện Phú Mỹ Hưng cho hay, đơn vị muốn bảo tồn khu vực này để lưu giữ cho thế hệ mai sau hiểu về vùng đất Nam Sài Gòn xưa với những cây dừa, đước, bần vốn có đã từng tồn tại như thế nào.
3.3 Tại sao hồ nước lại mang hình dạng bán nguyệt?
Bản chất của phong thủy là khí, mang năng lượng tự nhiên của đất trời cũng như của con người tác động lên vạn vật. Trong đó cả chúng ta cũng sống cùng ảnh hưởng của khí. Nguyên lý căn bản được nhắc đến trong phong thủy như sau: “Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng”. Điều đó có nghĩa là gió làm khí tản đi và di chuyển theo gió, nhưng gặp nước thì khí sẽ tụ lại.
Muốn khí tác động đến con người thì khí phải tụ, nên nước là một yếu tố vô cùng quan trọng với các công trình nhà cửa. Đó cũng là lý do ông bà ta thường chọn đất làm nhà, lập làng hay lập kinh đô ở những nơi có nguồn nước. Tuy nhiên đó mới là điều kiện để khí dừng, muốn khí tụ nữ thì nước phải ở thế cuộn lại, hay phong thủy còn gọi là “long hồi đầu”.
Nếu nước chạy xuôi như đoạn sông thẳng thì thì khí sẽ theo dòng nước xuôi đi mất, nhưng khi khúc sông cong thì nước cũng cuộn lại, khí nương theo đó mà tụ thành huyệt. Kiến trúc Hồ Bán Nguyệt thực chất mô phỏng theo hình dạng của khúc sông cong, bên lở là phía vòng cung còn bên bồi là cạnh thẳng của dây trương cung.
4Hoạt động vui chơi, khám phá ở hồ Bán Nguyệt và cầu Ánh Sao
4.1 Dạo một vòng quanh bờ Hồ Bán Nguyệt
Sau những phút giây mệt mỏi hằng ngày chúng ta có thể tìm đến Hồ Bán Nguyệt để trút đi hết bao âu lo, muộn phiền. Hãy cùng bạn bè hoặc người thân đi dạo một vòng xung quanh, ngồi bên những chiếc ghế đá chuyện trò, hóng gió và thả hồn mình và vẻ đẹp của làn nước trước mắt. Đặc biệt vào những dịp như lễ lớn xung quanh hồ cũng được trang trí bắt mắt vơi cung đường ngập tràn ánh sáng kèm theo không khí của mùa lễ hội náo nức.
4.2 Tản bộ trên cầu Ánh Sao
Cảm giác được tản bộ trên cầu Ánh Sao với những người thân mật nhất hẳn sẽ vô cùng khó quên. Từ trên cầu nhìn xuống bạn sẽ thu vào tầm mắt cả một không gian rộng lớn xung quanh, với những ánh đèn được hắt xuống mặt Hồ Bán Nguyệt lung linh trong màn đêm. Đặc biệt trên mặt cầu còn có gắn những bóng đèn tròn nhỏ tạo cảm giác như người đi bộ đang bước những bước trên bầu trời đầy sao.
4.3 Nghỉ chân ở quảng trường
Sau khi đã thấm mệt chúng ta có thể dừng chân tại các quảng trường nằm ở hai bên cầu Ánh Sao để nghỉ mệt. Tại đó sẽ có những bậc thang để tránh xe cộ qua lại, hoặc bạn cũng có thể vui chơi trong những công viên xanh mát ven Hồ Bán Nguyệt, nơi có những hồ sen dân dã hay băng ghế đá hiền hòa, chốn nghỉ mệt lý tưởng.
4.4 Ngắm cảnh phun nước đủ màu sắc
Trên cầu Ánh Sao không chỉ có những ngôi sao nhỏ được trải rộng khắp lối đi mà ban đêm bạn còn được chiêm ngưỡng khung cảnh nước phun từ trên cầu xuống. Làn nước nhẹ nhàng hắt lên ánh sáng đủ màu sắc khiến cảnh tượng lại càng thêm phần ấn tượng.
Có thể nói Hồ Bán Nguyệt là một công trình hội tụ đủ các yếu tố về thẩm mỹ, chức năng lẫn bảo tồn thiên nhiên cho thành phố. Đừng quên lưu lại vào cẩm nang du lịch của mình nếu bạn có dịp ghé thăm quận 7, Sài Gòn nhé. Nếu muốn khám phá thêm nhiều địa điểm du lịch Sài Gòn có cảnh quan sinh thái đẹp đừng quên ghé chuyên mục MIA GO của chúng tôi để biết thêm chi tiết.