1Câu chuyện về sự ra đời của Hội đua ghe truyền thống
Hội đua ghe truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế là một lễ hội được tổ chức sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975. Hội được tổ chức trong một ngày, nhằm ngày lễ Quốc Khánh 2/9 (Dương lịch). Hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nam nữ có cơ hội thi tài trên sông nước. Qua đó rèn luyện tăng cường bảo vệ sức khỏe và tạo không khí vui tươi lành mạnh cho nhân dân. Đây cũng là dịp để biểu lộ lòng vui mừng của nhân dân vào ngày lễ Quốc Khánh.
Quy mô Hội đua ghe truyền thống có tính chất rộng rãi liên phường xã và các huyện trong tỉnh. Hội tổ chức theo định kỳ, mỗi năm một lần theo phong tục. Đối tượng tham gia hội chủ yếu là thanh niên nam nữ các phường xã thuộc các huyện và thành phố cùng ra sức đua tài. Người lớn tuổi và trẻ em sẽ đứng trên bờ hoặc ghe để cổ vũ nên không khí cuộc đua bao giờ cũng sôi nổi, hào hứng.
Khi tiếng trống bắt đầu giục giòn giã cũng là lúc tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả vang rền cả khúc dòng sông Hương. Ghe nào sắp về đích, mọi người lại cùng nhau thúc giục bằng tất cả niềm say mê. Điều này cho thấy sức hút rất đặc biệt của lễ hội đua ghe.
Nếu các cuộc đua ghe ở các làng mạc xa xưa có ý nghĩa và mục đích để cầu mưa thuận gió hòa thì cuộc đua ghe truyền thống hiện nay không giữ lại mục đích đó mà là dịp để nhân dân tỏ lòng hân hoan và thi tài thể lực nhân ngày Quốc Khánh. Lễ hội này vẫn còn được tổ chức, đem lại nguồn vui cho cả vận động viên lẫn dân chúng trong tỉnh.
Hằng năm, giải đua ghe truyền thống được tổ chức với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các thanh niên nam, nữ có cơ hội thi thố tài năng, sức mạnh giữa các tay chèo trên sông nước. Hơn thế nữa còn bảo tồn và phát huy loại hình thể thao truyền thống của làng quê vùng sông nước tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là nét văn hóa đặc sắc, góp phần thu hút du khách đến Huế vào các dịp Festival.
2 Thời gian và địa điểm tổ chức Hội đua ghe truyền thống
Hội đua ghe truyền thống được tổ chức trong một ngày, nhằm ngày lễ Quốc Khánh 2/9 (Dương lịch). Địa điểm đua là bờ Sông Hương trước trường Quốc Học. Ngay trong buổi sáng diễn ra hội đua ghe, hàng ngàn người dân Cố đô và du khách thập phương từ khắp mọi miền đã có mặt rất sớm.
Tất cả đứng dọc hai bên bờ sông Hương quan sát để không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những cuộc tranh tài ngoạn mục của các đội ghe. Sau phần nghi thức, các vận động viên sẽ hướng về điểm xuất phát để bước vào tranh tài giải đấu.
3Hội đua ghe truyền thống có gì đặc sắc?
Mỗi đội đua có 10 tay chèo và một tay lái, tranh tài ở các nội dung: Một giải phá (thể hiện sức mạnh tập thể của những vận động viên đua thuyền), một giải cúng (thể hiện của đội chiến thắng được cho là mang lại nhiều may mắn cho dân làng) và bảy giải tiền (ba giải tiền nữ và bốn giải tiền nam). Ngoài ra, Ban tổ chức còn đưa vào thi đấu nội dung đua thuyền rồng - Đây là môn thể thao đã được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia.
Vào ngày diễn ra hội đua ghe, ban tổ chức sẽ tuyên bố thể lệ dự giải và chương trình đua bơi gồm có một độ cúng, 7 độ tiền và một độ phá (9 đội đua). Mỗi đội đua phải qua 3 vòng, 6 tráo, riêng độ 7 và 3 độ tiền của nữ là hai vòng bốn tráo. Đội đua bắt đầu bằng một lệnh trống (1 hồi chiêng). Các ghe đua 3 vè chính dọc Sông Hương, lộn vè rốn lúc xuất phát và vòng cuối lúc vào đích.
Ngay sau lễ khai mạc, các vận động viên và hàng vạn khán giả hướng về điểm xuất phát để bước vào tranh tài với những cuộc so tài của các đội ghe thật sôi nổi. Các đội thi đấu hết mình, cống hiến cho khán giả những cuộc rượt đuổi hấp dẫn.
Với chiến thuật riêng, những cuộc so tài của các đội ghe nam và nữ diễn ra vô cùng hấp dẫn và đầy kịch tính. Hàng chục tay bơi tung máy dầm nhịp nhàng, mạnh mẽ theo tiếng còi của người chỉ huy. Lần lượt vòng lên cầu Dã Viên và cầu Phú Xuân. Từng chiếc ghe lướt băng băng trên mặt nước, tranh giành nhau trong gang tấc để hướng về đích.
Người xem như được hòa mình vào giải đua. Tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả vang rền cả dòng sông, càng ngày càng to hơn khi có ghe sắp về đích. Tất cả tạo nên một bầu không khí náo nhiệt, sôi động và những phút giây vừa vui vẻ, vừa hào hứng cho người dân địa phương lẫn du khách đến khám phá Huế. Đây là hoạt động văn hóa, thể thao thể hiện sức mạnh đoàn kết và nét đặc sắc của xứ Huế.
Để đạt kết quả tốt nhất, không chỉ khéo léo về mặt kỹ thuật, các tay chèo phải rèn thể lực liên tục, đặc biệt là cánh tay chèo sao cho khỏe, dẻo dai và các vận động viên phải phối hợp bơi cho đều tay. Giải đua ghe đã tạo được sân chơi cộng đồng cho người dân địa phương, góp phần thắt chặt tình đoàn kết cũng như tạo điều kiện để phát triển môn thể thao truyền thống trong nhân dân. Qua đó nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng trên sông nước của người dân.
Trong những tiếng hò reo của các cổ động viên, tiếng trống dồn dập, náo nức, cuộc đua trở nên gay cấn và quyết liệt hơn bao giờ hết. Mỗi lượt tranh tài, đội đua phải bơi đủ “ba vòng, sáu tráo” trên một khúc sông được giới hạn bởi hai cọc tre tươi làm cọc tiêu, đội nào về nhanh nhất phải chạy lên bờ nộp mái chèo cho ban giám khảo.
Đây là một tập tục truyền thống vốn được nhân dân mến chuộng từ các lễ hội cổ truyền. Đua trải, đua ghe luôn là một môn thể thao hấp dẫn, biểu thị sức khỏe và tài năng khéo léo của thanh niên nam nữ.
Hội đua ghe truyền thống của vùng đất Cố đô là một hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, nêu cao tinh thần thượng võ. Qua đó nhằm nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng trên sông nước của người dân nơi đây. Hội đua ghe truyền thống ngày nay không còn bó buộc thời gian mà diễn ra quanh năm. Vì vậy du khách nếu có dịp đến đây, đừng quên bỏ túi kinh nghiệm đi Huế tự túc và hòa mình vào lễ hội náo nhiệt, đặc sắc này.