1Giới thiệu sơ lược về Hòn Bà Vũng Tàu
Hòn Bà Vũng Tàu là một hòn đảo nhỏ duy nhất ở ven bờ biển Vũng Tàu, nằm gần mũi Nghinh Phong thuộc Bãi Sau của Thành phố Vũng Tàu, là điểm du lịch thu hút rất nhiều lượt du khách mỗi năm. Hòn Bà nằm cách chân Núi Nhỏ khoảng hơn 200 mét, diện tích 5.450 m2. Điều đặc biệt của đảo Hòn Bà chính là vào những ngày thủy triều xuống, nước rẽ sang hai bên đảo, để lộ ra một con đường đá nối liền từ bãi biển ra đảo.
Trên đảo không có dân cư sinh sống mà chỉ có một ngôi miếu gọi là miếu Hòn Bà. Theo lịch sử, Miếu Hòn Bà được xây dựng vào năm 1781, bên trong thờ bà Thủy Long - một thần nữ giúp ban phúc lành cho những người dân khi đi biển.
Vào năm 1939, một sĩ quan người pháp tên là Archinard đã ra lệnh bắn ba viên đại pháo vào ngôi miếu, làm hư hại một phần góc miếu. Sau đó viên sĩ quan người Pháp này bị bỏ mạng tại đây nên người dân đều tin rằng miếu Hòn Bà rất linh thiêng. Từ đó hòn đảo này là còn có tên là hòn Ba Viên Đạn hay hòn Archinard. Cho đến năm 1971, một người đã đứng ra quyên góp và trùng tu lại miếu với khuôn viên được mở rộng và có cổng dẫn du khách đến với miếu Hòn Bà. Ngoài việc thờ bà Thủy Long thần nữ thì miếu còn thờ một số thần linh của người dân biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, miếu Hòn Bà còn là di tích lịch sử chiến tranh với một tầng hầm dài 6m, rộng 3m; trước kia từng là nơi họp bí mật của cách mạng.
2 Hướng dẫn di chuyển đến Hòn Bà Vũng Tàu
Sẽ không quá khó để tìm được đường đến Hòn Bà Vũng Tàu. Đứng từ Mũi Nghinh Phong hoặc núi Tao Phùng nhìn thẳng ra biển sẽ dễ dàng nhìn thấy đảo Hòn Bà nằm chơi vơi giữa biển. Từ trung tâm Vũng Tàu, bạn đi dọc theo con đường ven biển đến chân dốc Thùy Vân và gửi xe ở đây. Từ bãi giữ xe đi bộ dọc theo bờ cát tầm 10 phút sẽ đến được nơi xuất phát ra đảo.
Có 2 cách để ra tham quan đảo Hòn Bà:
- Cách 1: bạn có thể đi vào bất cứ ngày nào bằng tàu thuyền ra đảo. Thuyền sẽ không chạy thẳng mà sẽ đi theo hướng vòng cung để tránh các bãi đá ngầm dưới biển.
- Cách 2: đi bộ 15-20 phút từ bờ cát ra đảo, tuy nhiên con đường này chỉ xuất hiện vài giờ vào một số ngày đặc biệt trong tháng. Bạn cần vượt qua một bãi đá gập ghềnh và phải đặc biệt cẩn thận để tránh bị sảy chân hay trầy xước bởi những vỏ hàu bám vào đá. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác thú vị thì bạn hãy canh thời gian để có thể đi bộ giữa biển nhé!
3Thời gian nào phù hợp để đến tham quan Hòn Bà Vũng Tàu
Theo thông lệ mỗi năm, miếu Hòn Bà tổ chức cúng vào Tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch). Vào những ngày này miếu Hòn Bà đông đúc và náo nhiệt hơn hẳn, mọi người đến đây để chiêm bái, cầu nguyện cho một năm mới an lành và hạnh phúc. Nếu bạn muốn tới miếu Hòn Bà tham dự lễ hội thì nên chọn lựa vào những ngày này nhé.
Còn những ai muốn trải nghiệm đi bộ trên “con đường bí ẩn giữa biển” để tới đảo Hòn Bà thì phải canh thời điểm đẹp. Gọi là con đường bí ẩn dưới biển bởi vì khi thủy triều rút, mực nước biển thấp xuống sẽ làm hiện ra con đường bằng đá, còn bình thường con đường đã được bao phủ bởi nước biển. Trong một tháng thì con đường này sẽ chỉ xuất hiện vài ngày và trong khoảng 2-3 giờ. Thông thường, vào hai ngày 14 và 15 âm lịch hằng tháng, con đường lại hiện lên, tách lối từ bờ biển đến đảo vào khoảng tầm 17 giờ, lúc này bạn có thể dễ dàng đi bộ ra đảo.
4Khám phá vẻ đẹp đặc sắc chỉ có riêng tại Hòn Bà Vũng Tàu
Đảo Hòn Bà Vũng Tàu là sự kết hợp vẻ đẹp hoàn hảo giữa đá, biển, kiến trúc miếu thờ và được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú, là địa điểm tham quan lý tưởng cho bạn. Hòn Bà có màu xanh rì của cỏ cây, nằm lẻ loi giữa biển trong vắt, dưới chân đảo là những cơn sóng vỗ bọt trắng xóa tạo nên một khung cảnh căng tràn sức sống giữa biển rộng lớn. Hòn Bà đẹp nhất vào những lúc bình minh và hoàng hôn, ánh mặt trời phản chiếu trên biển tạo nên vẻ đẹp lung linh mờ ảo.
Vào những ngày nước rút, con đường đá nối liền ra đảo Hòn Bà hiện lên càng đặc biệt hơn. Đi dọc theo con đường giữa biển bạn sẽ có cảm giác như đang rẽ nước, dạo bước giữa lòng biển cả mênh mông. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên đối với những ai đã từng đi trên con đường độc đáo này.
Từ xa nhìn thấy miếu Hòn Bà trên hòn đảo nhỏ giữa biển thấy rất đẹp và kỳ bí. Kiến trúc miếu Hòn Bà gồm cổng và tòa chánh điện. Cổng là 2 trụ đỡ toàn bộ mái lợp ngói, phía trên bờ nóc của mái trang trí mô típ “Lưỡng long chầu nhật” (cặp rồng chầu hình mặt trời), kiểu cách điệu. Bậc tam cấp được làm bằng bê tông kéo dài từ cổng lên tới tòa chánh điện. Bên trong miếu Hòn Bà thờ các vị thần biển phù hộ độ trì cho cư dân sinh sống ở các vùng ven biển hay sông nước.
Vào năm 1915, bác sĩ Yersin đã phát hiện ra đảo Hòn Bà là nơi có khí hậu mát mẻ thích hợp cho việc trồng cây Canhkina được dùng làm nguyên liệu chế ra thuốc trị bệnh sốt rét. Từ đó, bác sĩ Yersin xây một ngôi nhà nhỏ trên đảo để tiện việc chăm sóc cây. Đó là một ngôi nhà bằng gỗ nằm nho nhỏ bên cạnh miếu Hòn Bà, hiện nay đã xuống cấp nhưng được địa phương tái tạo lại để khách đi du lịch Vũng Tàu có dịp đến tham quan. Để đến tham quan ngôi nhà của bác sĩ Yersin, bạn hãy theo hướng của biển chỉ dẫn bên đường.
5Những lưu ý khi tham quan đảo Hòn Bà Vũng Tàu
Để buổi tham quan được hoàn hảo nhất, bạn hãy lưu ý những điểm sau đây:
- Khám phá Hòn Bà ấn tượng nhất là khi di chuyển từ con đường trên biển. Bởi vậy nếu muốn khám phá bạn hãy lưu ý lịch nước rút.
- Mang theo những vật dụng cần thiết và sắp xếp gọn gàng nhất để có thể dễ dàng đi bộ một quãng đường.
- Mặc quần áo thoải mái, đi giày dép có độ bám và an toàn để tránh bị trơn hay trầy xước khi đi trên đường đá.
- Chú ý mang theo tiền mặt cần thiết để phòng trường hợp ra đảo bằng thuyền
Ngoài ra hãy mang theo máy ảnh, điện thoại để ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp nơi đây nhé.
Hòn Bà Vũng Tàu là nơi nổi tiếng với “con đường bí ẩn trên biển” duy nhất ở miền Nam. Không chỉ thế, Đảo Hòn Bà với nét đẹp vừa hoang sơ vừa bình dị, cùng với thiên nhiên thơ mộng đã trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh, thắng cảnh nên đến nhất khi đi du lịch đến Thành phố Vũng Tàu. Nếu có dịp đến Vũng Tàu, bạn hãy sắp xếp thời gian để ghé thăm Hòn Bà để có những trải nghiệm thú vị và có những giây phút thư giãn, trong tâm hồn nhé!