Nghệ An là một vùng đất rộng lớn thuộc dải đất miền Trung thân thương. Nơi đây sở hữu dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc với nhiều ngôi đền, chùa nổi tiếng khắp cả nước. Một trong những ngôi đền linh thiêng nhất tại Nghệ An chính là Đền Cờn. Vậy Đền Cờn có gì mà được các tín đồ văn hóa tìm đến chiêm bái như thế, hãy xách balo lên và cùng MIA.vn du ngoạn một chuyến về Nghệ An bạn nhé!

Đền Cờn, hay còn được biết đến với tên gọi Đền Mẫu Cờn Nghệ An, là một ngôi đền nằm trên gò Diệc và gần với cửa biển Lạch Cần. Hiện nay, vị trí của Đền Cờn đang ngự bên dòng sông Mai của làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Đây là một ngôi đền lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quan trọng của địa phương. Năm 1993, Đền Cờn được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Đền Cờn là một ngôi đền đã có từ triều đại Nhà Trần. Tương truyền, từ xa xưa Đền Cờn đã là nơi thờ tự của Tứ vị Thánh Nương bao gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, bà nhũ mẫu và hai nàng công chúa Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương.

Đền Cờn linh thiêng an ngự bên dòng sông Hoàng Mai yên bình 2

Đền Cờn, hay còn được biết đến với tên gọi Đền Mẫu Cờn Nghệ An

Sự tích ra đời của Đền Cờn Quỳnh Lưu gắn liền với câu chuyện năm Triệu Bảo thứ nhất 1279. Sau khi quân Tống thất bại sau trận chiến Tống - Nguyên, nhà vua Tống Đế Bình đã tự vẫn. Thái hậu Dương Nguyệt Quả cùng hai vị công chúa và nhũ mẫu cũng đã tự vẫn và trôi dạt về cửa Cờn. Xác của 4 vị được người dân khu vực này vớt lên, chôn cất và thờ tại đền.

Năm Hưng Long thứ 19, vua Trần Anh Tông trong chuyến vi hành thì đến nghỉ chân tại cửa Cờn. Tại đây, vua được một vị nữ thần báo mộng và báo muốn giúp vua đánh giặc. Sau đó, vua mới họp bàn với các bô lão và biết được câu chuyện sự tích về đền Cờn. Ông bàn mưu và dẫn quân đánh giặc và giành được chiến thắng vẻ vang. Từ đó, khi về làng, ông đã làm lễ sắc phong cho 4 nhân vật trên là Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương. Sau đó, đền đã được cho tu sửa và mở rộng khang trang hơn.

Bên cạnh đó, còn có giai thoại vua Lê Thánh Tông đi dẹp loạn ở phương Nam và dừng chân ở cửa Cờn. Ông cũng được sự phù trợ của Tứ vị Thánh Nương mà đã thắng giặc trở về. Từ đó, vua tiếp tục trùng tu ngôi đền như một sự báo đáp lớn đối với tứ vị.

Đến thế kỷ XVIII, Đền Cờn đã được vua Quang Trung phong tặng cho các mỹ từ chỉ công lao to lớn như Hàm Hoằng Quang Đại hay Hàm Chương Tiết Liệt. Ngày nay, Đền Cờn đã trở thành điểm tham quan và cầu phúc quen thuộc của người dân Nghệ An. Đây cũng là địa điểm cầu may mắn, sức khỏe, bình an và tài lộc khá linh thiêng của người dân địa phương.

Đền Cờn linh thiêng an ngự bên dòng sông Hoàng Mai yên bình 3

Đền Cờn đã trải qua nhiều thay đổi và biến động

Đền Cờn Nghệ An tọa lạc khá gần trung tâm Thị xã Hoàng Mai nên cũng khá dễ cho các tín đồ tham quan trong việc tìm kiếm. Bạn có thể tìm đường đến Đền Cờn từ chỉ dẫn chi tiết của MIA.vn như sau:

Từ trường THPT Hoàng Mai bạn di chuyển theo đường Trần Định về hướng Quỳnh Phương. Vừa qua cầu, bạn rẽ trái vào Đoàn Nhữ Hài rồi tiếp tục rẽ trái vào Phương Cần, đi thêm một đoạn đến bờ kè ven sông thì rẽ trái tiếp vào đường Hoàng Sa sẽ phát hiện Đền Cờn nằm bên cửa sông.

Đền Cờn linh thiêng an ngự bên dòng sông Hoàng Mai yên bình 4

Đền Cờn Nghệ An tọa lạc khá gần trung tâm Thị xã Hoàng Mai nên cũng khá dễ tìm kiếm

Đền Cờn mang đậm dấu ấn kiến trúc cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn. Ngôi đền này có vị trí sơn thủy hữu tình với lưng tự núi và mặt hướng biển vô cùng hoành tráng. Thế đứng của đền có cảm giác giống như một chú chim phượng hoàng uy nghiêm.

Hiện tại, Đền Cờn có có những phần là chính điện, trung điện và hạ điện cùng tòa Nghi Môn, tòa Ca Vũ. Mỗi một tòa đều mang được những dấu ấn riêng trong nghệ thuật chạm khắc và tạo hình từ thuở xa xưa.

Sau khi bước qua 10 bậc đá từ cổng đền, bạn sẽ đến tòa Nghi môn vô cùng bề thế với dáng hình Công. Tòa Nghi môn bao gồm 2 tầng, 8 mái. Phía sau lần lượt đến Chánh điện, Trung điện rồi Hạ điện. Cuối cùng là tòa ca vũ với 3 gian chính, 2 gian phụ cùng không gian rộng rãi và được bày trí theo nhiều chủ đề màu sắc.

Đền Cờn linh thiêng an ngự bên dòng sông Hoàng Mai yên bình 5

Đền Cờn mang đậm dấu ấn kiến trúc cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn

Tại Quỳnh Lưu có Lễ hội Đền Cờn diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Giêng Âm lịch hàng năm để báo ơn và nguyện cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa. Phần hội của Đền Cờn bao gồm những hoạt động thú vị như triển lãm ảnh, thi tiếng chim hót chào xuân hay thi đấu thể thao sôi động. Một vài bộ môn thể thao sôi động được diễn ra tại Lễ hội Đền Cờn chính là bóng chuyền, đẩy gậy, đánh thẻ cờ, đua thuyền… Bên cạnh đó, tại lễ hội còn diễn ra hoạt động văn nghệ như các tiết mục hát tuồng, chèo, chầu văn cũng vô cùng thú vị và ấn tượng.

Đền Cờn linh thiêng an ngự bên dòng sông Hoàng Mai yên bình 6

Tại Quỳnh Lưu có Lễ hội Đền Cờn diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Giêng Âm lịch

Đền Cờn là một điểm đến văn hóa có giá trị văn hóa lớn, được nhiều tín đồ du lịch ghé thăm khi khám phá Nghệ An. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến mang lại cho bạn những kiến thức về các trang sử hào hùng và cảm giác yên bình của một nơi nghiêm trang nằm cạnh dòng sông Hoàng Mai trữ tình.