Người Chăm sinh sống tại tỉnh Ninh Thuận theo 3 tôn giáo chính là cộng đồng người Chăm Ahier theo đạo Bàlamôn, cộng đồng người Chăm Awal theo Hồi giáo Bàni và cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam. Vì tín ngưỡng khác nhau nên mỗi cộng đồng sẽ có một điểm khác biệt trong phong tục, trong đó Lễ hội Kate Ninh Thuận là lễ hội đặc trưng của người Chăm Bàlamôn còn lễ hội Ramưwan là của người Chăm Bàni và Islam.

Khám phá lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni ở Ninh Thuận 2

Lễ hội Ramưwan là một trong những lễ hội truyền thống, đại diện cho tín ngưỡng của người Chăm Bàni 

Lễ hội Ramưwan hay còn gọi là lễ tảo mộ của người Chăm Hồi Giáo ở Ninh Thuận, mang đậm bản sắc riêng gắn liền với các hoạt động ý nghĩa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hướng về gia đình, tổ tiên, luôn đặt hiếu đạo lên hàng đầu. Vì thế đây là dịp để con cháu quây quần bên nhau, những người con xa xứ trở về, làng bản cùng hòa trong không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt.

Từ Ramưwan có nguồn gốc từ từ Ramadan trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là tháng 9 theo lịch âm của đạo Hồi. Lâu dần người Chăm đọc trại đi nên mới thành Ramưwan, còn mọi người thì quen gọi là đây là Tết Chăm Bàni. Đây không chỉ là tháng chay niệm của cộng đồng người Chăm Bàni mà đồng thời cũng là tháng chay niệm của những người theo Hồi giáo. Tuy nhiên, lễ hội của người Chăm là sự pha trộn giữa văn hóa truyền thống của Vương quốc Chăm Pa cổ và Hồi giáo nên sẽ có những điểm khác biệt riêng.

Khám phá lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni ở Ninh Thuận 3

Người Chăm cùng nhau tổ chức lễ hội Ramưwan với sự trang trọng và thành kính

So với lễ Ramadan của cộng đồng Hồi giáo tại các quốc gia khác thì điểm khác biệt là người Chăm Bàni sẽ tổ chức tổ chức thêm lễ tảo mộ và cúng gia tiên trước khi bước vào lễ chay niệm chính thức. Vì vậy nên lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni sẽ bao gồm có 3 phần cơ bản là lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm.

Lễ tảo mộ là phần đầu tiên trong lễ hội Ramưwan, được diễn ra vào khoảng cuối tháng 8 theo lịch Hồi lịch. Đến ngày 1/9 sẽ bắt đầu lễ chay niệm trong chùa hoặc thánh đường, kéo dài trong một tháng.

Xem thêm: Khám phá lễ hội nho và vang Ninh Thuận tưng bừng, rộn rã

Vì lễ hội Ramưwan hòa trộn nghi lễ bản địa và tín ngưỡng Hồi giáo nên vẫn giữ nguyên những nghi thức quen thuộc của người Chăm như lễ cúng gia tiên, cúng dâng gạo, cúng nữ thần. Đến hiện tại, để phục vụ du lịch thì sau khi phần lễ kết thúc sẽ là phần hội với những tiết mục biểu diễn nghệ thuật, những trò chơi dân gian thú vị.

Khám phá lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni ở Ninh Thuận 4

Lễ hội diễn ra ngoài trời, dưới ánh nắng gay gắt và không khí trang nghiêm

Để chuẩn bị cho lễ hội nổi tiếng Ninh Thuận này thì người Chăm Bàni sẽ làm rất nhiều các loại bánh trái và những món ăn truyền thống để đãi khách. Với tinh thần hiếu khách, người Chăm luôn mong muốn được đón tiếp anh em, bè bạn, bà con gần xa đến nhà chơi và chúc tết. Ngày nay, đối với khách du lịch muốn tìm hiểu lễ hội, người Chăm cũng rất sẵn lòng đón tiếp một cách nồng hậu, nhiệt tình. Theo quan niệm của họ thì lễ hội càng đông vui thì sẽ càng mang đến nhiều may mắn để mưa thuận gió hòa, vụ mùa mới thuận lợi, bội thu, gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Lễ tảo mộ là phần khởi đầu, cũng là phần quan trọng nhất của lễ hội Ramưwan. Lễ tảo mộ thường được diễn ra trong 3 ngày. Vì nghĩa địa của người Chăm Bàni thường được xây ở nơi có địa hình cao và sạch sẽ nên các nghi lễ cũng được thực hiện rất tươm tất. Từ sáng sớm, những vị chức sắc sẽ mặc trên mình áo dài trắng có viền đỏ, đầu bịt khăn trắng có tua rua, tay cầm hộp đồng đựng trầu cau đã têm sẵn, thuốc lá, nước thánh và trầm hương để đến làm lễ tại nghĩa địa.

Khám phá lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni ở Ninh Thuận 5

Chủ lễ đang đại diện cộng đồng người Chăm chuẩn bị nghi lễ tảo mộ

Sau đó sẽ đến các thành viên trong lành bản, thông thường sẽ là tất cả gia đình, từ người già đến trẻ nhỏ, từ gái đến trai, đều tham gia lễ tảo mộ. Họ mặc trên mình trang phục truyền thống, mang theo đồ lễ để đến mộ phần của tổ tiên. Từng tộc họ sẽ phân chia nhau để làm cỏ, đắp đất, sơn phết lại cho phần mộ người thân được sạch đẹp. 

Khi chính thức vào lễ hội Ninh Thuận này, các vị chức sắc sẽ làm lễ tẩy uế phần mộ và hát mời tổ tiên tề tựu về dự lễ. Sau đó sẽ là phần đọc kinh cầu nguyện, làm dấu ấn thánh và khấn vái ông bà tổ tiên. Sau đó, họ sẽ lấy trầu cau têm sẵn để lên từng ngôi mộ rồi chắp tay vái lạy 3 lần để cầu nguyện sẽ được tổ tiên phù hộ, bảo trợ. Sau khi lễ xong, người nhà sẽ quây quần bên mộ phần hàn huyên những câu chuyện cũ, thể hiện tấm lòng nhớ thương ông bà tổ tiên.

Với những nét riêng trong văn hóa, lễ tảo mộ của người Chăm Hồi Giáo ở Ninh Thuận không chỉ mang màu sắc tín ngưỡng hay tôn giáo mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, là cách để răn dạy các thế hệ trẻ hiểu về hiếu đạo và hướng về cội nguồn.

Sau khi hoàn thành lễ tảo mộ, lễ hội Ramưwan sẽ tiếp tục với những nghi thức lễ cúng gia tiên tại nhà. Mỗi nhà sẽ chuẩn bị đồ lễ bằng mâm mặn và mâm ngọt, con cháu sum họp đông đủ trước bàn thờ tổ tiên. Thầy Char là người tụng kinh và cúng cho từng thành viên trong gia đình, mỗi người sẽ cúng trong khoảng 10 phút. Sau khi hoàn tất, các gia đình sẽ tổ chức ăn uống theo dòng tộc hoặc theo xóm làng. Đây cũng là lúc mọi người quây quần bên nhau, tổ chức phần Hội với những tiết mục hát múa đặc sắc.

Khám phá lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni ở Ninh Thuận 6

Rất nhiều người Chăm xa xứ cũng sẽ trở về để đón lễ hội Ramưwan cùng gia đình

Sau khi hoàn tất những nghi lễ của lễ hội Ramưwan thì cộng đồng người Chăm Bàni sẽ bước vào tháng chay tịnh. Lễ chay tịnh kéo dài nguyên một tháng, bắt đầu từ ngày 1 và kết thúc vào ngày 30/9 theo lịch Hồi giáo. Ngày bắt đầu và kết thúc đều được tổ chức rất long trọng tại thánh đường.

Trong tháng chay tịnh Ramưwan, các vị chức sắc sẽ sinh hoạt hoàn toàn tại thánh đường, họ chỉ được phép ăn uống sau khi mặt trời đã xuống núi. Vì theo quan niệm của họ, tháng chay tịnh là để gột rửa thể xác, cho tinh thần được trong sạch, vì thế khi mặt trời còn sáng sẽ không được phép ăn uống bất cứ thứ gì. Đây là biểu tượng cho việc con người phải chế ngự những ham muốn tầm thường, đưa bản thân hướng tới sự chân thiện mỹ.

Còn với những người Chăm Bàni thì việc chay tịnh sẽ ít khắt khe hơn, họ có thể tự giác trong việc dành thời gian ghé đến thánh đường để giúp tâm hồn thanh tịnh. Sau đó sẽ tự đánh giá về những gì bản thân đã làm được trong một năm vừa qua, chế ngự những tạp niệm để sống tốt hơn trong tương lai. 

Đối với đời sống tinh thần của người đồng bào Chăm Bàni thì tháng chay tịnh có ý nghĩa rất to lớn về mặt tôn giáo và tín ngưỡng, là đức tin hướng họ đến những điều tốt đẹp. Cùng với đó, toàn bộ nghi thức trong lễ tảo mộ của người Chăm Hồi Giáo ở Ninh Thuận cũng đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, thúc đẩy sự đoàn kết cộng đồng, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Trên đây là những thông tin về lễ hội Ramưwan mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn. Nếu có cơ hội, bạn nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm lễ hội này cùng người Chăm Bàni nhé.