Tiếng miền Tây không đơn thuần chỉ là phương ngữ mà còn phản ánh lối sống phóng khoáng, tình cảm của người dân nơi đây. Họ ăn nói xởi lởi, thẳng thắn mà nhiệt tình, luôn được du khách thập phương yêu mến.

Người miền Tây thẳng thắn, không vòng vo, không thử lòng, cũng chẳng rào trước đón sau. Điều đó thể hiện ngay trong cách họ nói – gọn gàng, súc tích và đầy hình ảnh. Những câu ví von nghe một lần là nhớ: "nước đổ đầu vịt", "mắt bồ câu", "chân mày lá liễu", "môi cá trê"...

Có lẽ ít ai để ý, giọng miền Tây là sự hòa quyện của ba nền văn hóa: Kinh, Khmer, Hoa. Thế nhưng, họ không lẫn lộn cách dùng từ như một số vùng miền khác.

Chẳng hạn, khi nói về chuyện buôn bán, họ phân biệt rất rõ giữa "đắc" và "mắc". "Bán đắc" nghĩa là nơi đó đông khách, buôn may bán đắt. Còn "bán mắc" thì đơn giản là giá cao. Một sự khác biệt tưởng nhỏ nhưng lại cho thấy sự chính xác trong cách dùng từ của người miền Tây.

Khám phá tiếng miền Tây lạ mà quen, bộc trực mà gần gũi 2

Tiếng miền Tây phản ánh lối sống phóng khoáng, tình cảm của người dân nơi đây. Ảnh: Znews

Người miền Tây có một đặc điểm phát âm riêng. Họ thích sự đơn giản, đôi khi bỏ qua rắc rối về chính tả. Chẳng hạn, người miền Tây không uốn lưỡi khi nói các âm “r”, “tr” hay “ch”. Vì thế, nếu không quen, bạn có thể dễ dàng nghe nhầm giữa các từ. Dấu ngã có khi biến thành dấu hỏi, "Gi" thành "D", "S" thành "X".

Nhưng đừng nhầm lẫn điều đó với sai chính tả. Họ viết đúng, chỉ là cách phát âm phản ánh thói quen giao tiếp của vùng sông nước. Điều này tạo nên nét riêng, chân phương mà khó quên. Giọng nói ấy, ngôn từ ấy, mộc mạc mà đậm đà, chính là một phần hồn quê miệt vườn sông nước này.

Khám phá tiếng miền Tây lạ mà quen, bộc trực mà gần gũi 3

Tiếng miền Tây đôi khi bỏ qua rắc rối về chính tả, thoải mái khi phát âm hơn. Ảnh: KhoaHoc

Nếu bạn muốn hiểu người miền Tây nói gì, hãy để ý những từ họ dùng.

Nếu ai đó thốt lên “Mèng ơi!”, “Chèng ơi!”, hoặc thay “không” bằng “hông/hổng”, thì chắc chắn họ là người miền Tây Nam Bộ.

Cách xưng hô cũng giản dị, ngắn gọn. “Anh ấy” thành “ảnh”, “cô ấy” hóa “cổ”, “ông ấy” gọi là “ổng”, còn “bà ấy” chỉ đơn giản là “bả”.


Cuộc sống miền Tây gắn liền với sông rạch, nên cách nói chuyện cũng đậm chất sông nước:

“Nói vòng vo như rạch Cái Tắc” – Ý chỉ người nói lòng vòng, khó hiểu.

“Mần ăn kiểu nước nhảy” – Làm ăn nhanh chóng nhưng thiếu bền vững.

“Buông dầm cầm chèo” – Người tháo vát, linh hoạt.

Khám phá tiếng miền Tây lạ mà quen, bộc trực mà gần gũi 4

Miền Tây sông nước miệt vườn, nên nói chuyện của người miền Tây cũng chứa đựng những "con rạch, cái chèo". Ảnh: Znews

Người miền Tây nói chuyện không chỉ mộc mạc mà còn có chất giọng riêng. Họ phát âm “r” thành “g”, “tr” thành “ch”. Ví dụ:

- “Rồi xong” thành “Gòi xong”.

- “Trời ơi” thành “Chời ơi”.

Họ cũng thích thêm từ nhấn nhá như:

- “Bự chà bá” – Rất lớn.

- “Mèn đéc ơi” – Cảm thán ngạc nhiên.

- “Hôn/phớ hôn” – Cách hỏi đậm chất miền Tây.


Nếu có dịp du lịch về miền Tây, bạn sẽ bắt gặp một số câu nói độc đáo, khiến tiếng miền Tây trở nên duyên dáng, thú vị hơn:

- “Bận” nghĩa là “mặc”: “Bữa nay bận đồ đẹp nghen” (Hôm nay mặc đồ đẹp nhé).

- “Xa mút chỉ cà tha” – Rất xa.

- “Hằm bà lằng xà bấu” – Lộn xộn, tạp nham.

- “Lấy thảo” – Đừng có tưởng bở là lấy nhỏ Thảo nghen! Ý tui đang nói tới cái lòng tốt của tui á.

- “Mà á hả” – Dân miền Tây hay “á hả” mỗi khi muốn chêm vô câu chuyện hay giải thích thêm cho rõ.

- “Quải chè đậu”– Thiệt luôn, mệt hết biết rồi nghen tụi bây!

- “Hết xí quách” – Làm tới chiều tối rã rời tay chân, “hết xí quách” rồi, chỉ muốn “dìa” nhà làm một giấc, mai còn sức lo tiếp cho tụi nhỏ.

- “Nhóc hết trơn”– Trời đất, gì mà nhiều dữ thần! Bánh trái đầy nhóc, ăn một cái có mất mát gì đâu!

Những câu chữ ấy không chỉ là ngôn ngữ. Đó là tâm hồn miền Tây. Bình dị. Chân chất. Nhưng khó mà lẫn vào đâu được.


• RỐP RẺN: Nhanh gọn, dứt khoát

- Ba gọi tôi xuống ăn cơm đúng lúc tôi đang chăm chú xem tập cuối của Diên Hy Công Lược. Ổng sốt ruột: “Làm gì thì làm rốp rẻng cho xong chứ xà quần miết chừng nào mới xong?”


• HỦ HỈ: Thì thầm nhỏ nhẹ, thường là giữa vợ chồng

- Má dặn tôi cứ yên tâm lên Sài Gòn lập nghiệp, đừng lo ba má ở quê buồn: “Ở nhà ba má hủ hỉ với nhau cũng được. Lo gì con ơi!”


• CÀ NHÔNG: Không có việc gì làm, suốt ngày rong chơi

- Tía đi chơi từ sáng, má tôi thấy tía vừa về tới: “Bộ không có chuyện gì làm hả sao ông đi cà nhông suốt ngày vậy?”


• TỚI CÔNG CHUYỆN: Bị phát hiện, sắp bị xử lý

- Má dặn tôi nấu cơm, tôi quên mất, lại còn đang ngồi chơi game. Má về thấy, trợn mắt: “Rồi xong! Mày tới công chuyện với tao rồi con!”


• CHƯA CHÍN HUNG: Còn chưa chín kỹ

- Má luộc khoai gần xong thì chạy qua hàng xóm tám chuyện, trước khi đi còn dặn: “Mấy đứa ở nhà nhớ coi giùm nồi khoai nha, má mới dòm thử thấy còn chưa chín hung đó!”


• HUỐT/ HUỐC: Mất lượt, đi quá đà

- Chở má đi chợ nhưng lỡ chạy qua luôn không dừng lại. Má hoảng hốt: “Huốc rồi, huốc rồi! Quay xe lẹ!”


• ĂN TA NI/ ĂN TÂY NI/ ĐÓNG THÙNG: Bỏ áo vào quần, trông lịch sự

- Thấy ba bận sơ mi đóng thùng gọn gàng, má khen: “Trời, bữa nay ăn tây ni nhìn bảnh dữ bây!”


• CHƯNG CHỎI/ CHƯNG CHỔI: Chân chống xe

- Đi ngoài đường thấy xe chưa gác chống, người miền khác: “Chú ơi, chú chưa gác chân chống. Còn người miền Tây nói tông giọng cả con đường nghe thấy: “Gác chưng chỏi kìa chú!”


• BANG BANG: Bước đi hiên ngang, giữa trời nắng chang chang

- Má nhìn ra đường, thấy bà hàng xóm đi bộ giữa trưa nắng, bèn cảm thán: “Giờ này mà còn bang bang ngoài đường chi vậy trời?!”


• ĐÍA: Không thật thà, có vẻ lươn lẹo

- Mỗi lần tôi dẫn bồ về ra mắt, chỉ cần nhìn sơ qua, má phán xanh rờn: “Trời ơi, thấy cái mặt nó là biết đía rồi!”


• RỀ RỀ: Chậm chạp, thiếu nhanh nhẹn

- Sáng sớm má kêu tôi dậy quét nhà, tôi vừa dụi mắt vừa lê lết cái chổi, má quạu: Gì mà rề rề như bà già vậy? Sau này ế ráng chịu nha con!”


• CHƯNG HỬNG: Hụt hẫng, đơ người

“Nói chuyện với nó mà mặt nó cứ chưng hửng ra, bộ nghe không vô hả trời?!”


• XÀ QUẦN/XÀ QUẰN: Làm hoài không xong, lòng vòng mất thời gian

- Má tất bật cả ngày, tía thì cứ đu võng rung đùi, còn than: “Từ sáng tới giờ xà quần không làm được gì hết ráo!”


• LẸ LẸ: Nhanh nhẹn, không chậm trễ

- Má rủ tôi đi săn đồ si, chưa gì đã hối: “Đi lẹ lẹ đi, trễ là người ta hốt hết, còn gì đâu mà lựa?!”


• BÀNH KI/ BÀNH BÀ KHI/ TỔ CHẢNG/ CHÀ BÁ LỬA: To bự, đồ sộ

- Ba má vừa mua được sợi dây chuyền vàng, khoe với tụi nhỏ: “Nhìn coi! Cọng dây này chà bá lửa chưa?!”


• TỚI NÁI/ TỚI BẾN: Vui hết mình, không kiềm chế

- Ba câu được con cá bự, hí hửng rủ má: “Tối nay tới bến luôn nhen bà xã!”


• CÁI CỦNG: Cái chân váy

- Má mở album cũ, chỉ vào tấm hình tôi hồi nhỏ, cười: “Ngày xưa con đi học, mặc cái củng dễ thương ghê!”


• MIẾT: Làm hoài không chán

- Tôi lướt TikTok mãi không ngừng, ba lắc đầu chép miệng: “Trời, coi cái gì mà miết vậy trời? Tao nhìn vô còn thấy chán!”


• ĐÂM BANG/ ĐÂM XUỒNG BỂ: Nói chuyện lạc đề, chen ngang, làm mất hứng

- Ba thấy ông hàng xóm vô duyên, cứ chen ngang hoài, bèn bực mình: “Cha nội này nói chuyện đâm bang ghê luôn á!”


• QUẬN: Tới lượt

“Tui uống hết quận này nữa là tới quận ông đó nha, chuẩn bị đi!”


• BẢNH TỎN: Bảnh bao, chỉnh chu

- Ba thấy má diện đồ mới, trầm trồ: “Ủa má sắp nhỏ bữa nay đi đâu bảnh tỏn dữ hen?”


• BẦY HẦY/ TẦY QUẦY: Bừa bộn, luộm thuộm

- Tôi vừa ăn xong, để nguyên tô trên bàn chưa kịp dọn, má rầy: “Trời đất ơi, ăn xong sao không dẹp? Con gái gì mà bầy hầy hết biết!”

Khám phá tiếng miền Tây lạ mà quen, bộc trực mà gần gũi 5

Một số từ ngữ miền Tây tưởng lạ mà quen, thân thương gần gũi, đậm chất con người nơi đây. Ảnh: CafeBiz

Trên đây là một số cẩm nang tiếng miền Tây mà MIA.vn đã tổng hợp được. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc trưng của tiếng miền Tây, những câu nói thường dùng và bí quyết để nhanh chóng làm quen với cách nói chuyện đậm chất Nam Bộ. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu hoặc đang có kế hoạch xách vali về miền sông nước, đừng bỏ lỡ những bài viết khác về du lịch miền Tây từ MIA Go nhé!