1Đôi nét về núi Bà Đen
Núi Bà Đen là địa danh tiêu biểu cho du lịch Tây Ninh. Ngọn núi này nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Tây Ninh, thuộc quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen. Từ thành phố Hồ Chí Minh di chuyển đến đây khoảng gần 100km. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng bắt xe đò hoặc đi xe máy tới du ngoạn.
Núi Bà Đen nằm ở độ cao 986m so với mực nước biển, cũng là ngọn núi cao nhất khu vực phía Nam nên mới được mệnh danh là nóc nhà của Đông Nam Bộ. Khung cảnh tại đây hoang sơ, hữu tình, gắn liền với nhiều giai thoại nổi tiếng về sự linh thiêng. Đặc biệt là tượng Phật núi Bà Đen còn lập nên kỷ lục là “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam”, đồng thời là “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á”.
Từ trên đỉnh núi Bà Đen, bạn sẽ thu gọn vào tầm mắt toàn cảnh tỉnh Tây Ninh với sự hùng vỹ và yên bình. Gần núi còn có hồ Dầu Tiếng là điểm đến cắm trại được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Nếu may mắn, lên đỉnh núi Bà Đen bạn còn săn được biển mây đẹp chẳng thua kém gì Đà Lạt mộng mơ nữa đấy.
2Review thời điểm lý tưởng nhất du lịch núi Bà Đen
Tây Ninh chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô ở đây kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm thích hợp nhất để bạn du lịch núi Bà Đen vì thời tiết thuận lợi, nắng ráo, ít mưa. Như vậy dù bạn có chọn leo núi hay đi cáp treo thì cũng thuận lợi và an toàn hơn nhiều.
Mùa mưa của Tây Ninh bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Giai đoạn này bạn vẫn có thể đến đây chiêm bái chùa Bà Đen nhưng nên xem trước dự báo thời tiết, tránh những ngày mưa lớn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên mang đầy đủ dù, áo mưa, mang theo giày hoặc ủng chống nước.
3Sự tích núi Bà Đen
Có rất nhiều câu chuyện xung quanh sự tích núi Bà Đen. Trong đó, người dân xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh thường truyền tai nhau truyền thuyết nhuốm màu sắc huyền thoại kể về một người con gái tên Lý Thị Thiên Hương có số phận đầy bi kịch.
Chuyện kể lại rằng Thiên Hương là một người con gái xinh đẹp, hiền lương, con nhà gia giáo, giỏi văn giỏi võ. Một lần cô lên cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt đã được chàng Lê Sĩ Triệt xông pha giải cứu. Từ đó hai người phải lòng nhau, cha mẹ Thiên Hương cũng hứa gả nàng cho chàng để đền ơn cứu giúp.
Thế nhưng giữa thời buổi loạn lạc, hai người chưa kịp cưới nhau thi chàng trai Lê Sĩ Triệt đã phải tòng quân đánh giặc Tây Sơn. Nàng Thiên Hương hứa sẽ ở nhà, giữ trọn danh tiết chờ chàng về. Thế nhưng, trong một lần khác khi nàng lên núi lạy Phật thì lại bị một nhóm côn đồ vây bắt, toan làm nhục. Để giữ trọn vẹn danh tiết, nàng Thiên Hương đã chọn gieo mình xuống khe núi.
Một hôm nọ, nhà sư Trí Tân ngủ mộng thấy một cô gái hiện lên trong hình dáng đen đúa và kể lại hết sự tình. Tỉnh dậy, nhà sư bèn cho người đi tìm thi thể Thiên Hương mang về mai táng. Sư gọi nàng là Nàng Đen, về sau người dân đổi thành Bà Đen để thể hiện sự tôn kính.
Lần báo mộng thứ hai của nàng Thiên Hương là khi Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi. Lúc này, Chúa đang trú ẩn trong núi (bây giờ là núi Bà Đen) nhưng thiếu lương thực, đói lả đi. Chúa từng nghe đến sự linh thiêng của bà Đen nên trong cơn tuyệt vọng ông đã cầu khẩn xin Bà phò trợ. Đêm đó, bà Đen thật sự đã hiện về trong mộng, chỉ cho Chúa Nguyễn Ánh đường thoát thân, khuyên Chúa qua Xiêm để chờ thời phục hồi giang sơn.
Về sau, còn có một vị quan là Thượng Quốc công – Lê Văn Duyệt nghe tới sự linh thiêng của Bà Đen nên đã tìm đến đây, hứa nếu Bà hiển linh thì sẽ dâng sớ vua để phong tước cho Bà. Vậy là Bà đã thật sự hiển linh, nhập vào một cô gái để trò chuyện với Quốc công. Bà nói cho Quốc công biết tương lai của ông, đồng thời còn kể lại những nỗi oan khuất mình phải trải qua.
Ngay sau đó, bà Đen đã được Quốc công Lê Văn Duyệt thay mặt vua phong là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, tạc tượng để thờ và đặt trên đỉnh núi Một, nay đã đổi tên thành núi Bà Đen.
Câu chuyện về sự tích 3 lần linh thiêng báo mộng của nàng Lý Thị Thiên Hương đã được lan truyền khắp nơi. Cùng với tín ngưỡng tâm linh của người Việt, các thế hệ đã truyền tai nhau, thờ cúng bà với tất cả lòng tôn kính.
4Review những trải nghiệm thú vị tại núi Bà Đen
4.1 Chiêm bái chùa núi Bà Đen
Chùa Bà Đen nổi tiếng với sự linh thiêng suốt bao đời này. Vì vậy, những ngày lễ lớn trong năm thu hút rất nhiều khách thập phương đổ về đây chiêm bái.
Hai lễ hội lớn nhất tại đây là hội Xuân núi Bà bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng giêng, kéo dài trong hết tháng giêng âm lịch. Còn lễ Vía Bà được tổ chức từ đêm ngày 3/5 đến hết ngày 6/5. Lúc này lượng khách đổ về Tây Ninh tăng đột biến, ai cũng sắm lễ dâng lên Bà với mong muốn được khỏe mạnh, bình an, công việc suôn sẻ, gia đình êm ấm, công danh như ý.
4.2 Trải nghiệm hệ thống cáp treo Sunworld Bà Đen
Sunworld Bà Đen là hệ thống cáp treo hiện đại bậc nhất tại Việt Nam. Thay vì phải leo núi mất khoảng 2 tiếng mới lên tới đỉnh thì ngồi cáp treo chỉ tốn từ 8 đến 10 phút. Nhờ vậy mà kể cả người già, trẻ em vẫn có thể chinh phục ngọn núi này.
Hiện nay, Sunworld Bà Đen đang cung cấp 3 tuyến cáp treo là:
- Cáp treo tuyến Chùa Hang
- Cáp treo tuyến Vân Sơn
- Cáp treo tuyến Tâm An
Loại cabin Sunworld Bà Đen sử dụng rất hiện đại, rộng rãi, dành cho 10 người. Ngồi trên cáp treo, bạn sẽ có cảm giác như mình đang bay giữa đất trời, xuyên qua những đám mây để đến chốn bồng lai tiên cảnh.
4.3 Trekking núi Bà Đen
Với những nhóm bản trẻ thích khám phá và trải nghiệm thì có thể lựa chọn trekking núi Bà Đen. Ngoài đường mòn dễ đi thì theo MIA.vn tìm hiểu còn có 7 đường lên đỉnh núi Bà Đen với mức độ thử thách tăng dần:
- Trekking đường chùa lên núi Bà Đen
- Trekking đường cột điện
- Trekking đường ống nước
- Trekking đường thung lũng Ma Thiên Lãnh
- Trekking đường núi Phụng
- Trekking đường Hồ Chí Minh
- Trekking đường đá trắng
5 Những lưu ý cho hành trình chinh phục núi Bà Đen
Về trang phục đi núi Bà Đen, nếu bạn muốn leo lên đỉnh thì bạn cần chọn quần áo thật thoải mái, dễ chịu, đi giày thể thao, mang theo nước uống đầy đủ. Còn trekking thì cần có kinh nghiệm, đặc biệt với những tuyến đường khó, mang theo đầy đủ đồ dùng, dụng cụ, lều trại, đồ ăn…
Thứ hai, đến đây vào các giai đoạn lễ hội thì bạn cần bảo quản tư trang thật cẩn thận, tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng trộm cắp.
Thứ ba, bạn có chuẩn bị đồ lễ từ dưới núi rồi mang theo lên dâng chùa hoặc mua trên đỉnh núi đều được. Tuy nhiên, giá trên đỉnh núi thì sẽ cao hơn một chút.
Tương tự như vậy, với đồ ăn nước uống cũng thế. Nếu có thể, bạn tự chuẩn bị và mang theo thì sẽ tiết kiệm hơn.
Trên đây là kinh nghiệm sau hành trình review núi Bà Đen để bạn tham khảo. Nếu thích những miền đất mang đậm màu sắc tâm linh thì xách balo lên và đến đây ngay thôi nào. Cùng đừng quên theo dõi cẩm nang du lịch MIA.vn để tìm kiếm thêm những điểm đến hấp dẫn khác dành cho bạn nữa nhé.