1 Phà Cát Lái ở đâu?
Vị trí:
- Phía TP.HCM: Bến phà tọa lạc ở cuối đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP. Thủ Đức.
- Phía Đồng Nai: Bến phà tọa lạc tại đầu đường Lý Thái Tổ, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
Phà Cát Lái là tuyến giao thông đường thủy quan trọng kết nối hai bờ sông Đồng Nai, nối liền TP. Thủ Đức (TP. HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
1.1 Đầu bến phà Cát Lái tại TP. Thủ Đức (TP. HCM)
Địa chỉ: Đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức (quận 2 cũ), TP. HCM.
Đầu bến phà Cát Lái tại TP. Thủ Đức gần cảng Cát Lái – một trong những cảng container lớn nhất Việt Nam, thuộc khu vực đông dân cư và sôi động về thương mại.
Bến phà có khu vực chờ có mái che, ghế ngồi rộng rãi, nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ. Quầy vé được sắp xếp hợp lý, dễ dàng mua vé. Bến còn có các quầy bán đồ ăn, thức uống và hàng quán nhỏ phục vụ nhu cầu của hành khách.
Phà Cát Lái thông với đường Nguyễn Thị Định, giúp di chuyển thuận lợi vào các tuyến đường chính như Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống. Xe buýt số 88 (tuyến Bến Thành – Phà Cát Lái) là phương tiện công cộng phổ biến giúp bạn di chuyển đến bến dễ dàng.
1.2 Đầu bến phà Cát Lái tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai)
Địa chỉ: Đường Lý Thái Tổ, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đầu bến phà Cát Lái tại huyện Nhơn Trạch tọa lạc tại khu vực phát triển mạnh nhiều khu công nghiệp và dự án đô thị mới.
Bến phà cũng có khu vực chờ được trang bị mái che, ghế ngồi và nhà vệ sinh công cộng tiện lợi. Quầy vé được bố trí khoa học, đảm bảo quy trình mua vé nhanh chóng. Có các quầy hàng nhỏ bán đồ ăn nhẹ, nước uống phục vụ hành khách.
Từ bến phà, bạn có thể dễ dàng di chuyển tới các khu công nghiệp, khu đô thị và địa điểm quan trọng khác trong khu vực Nhơn Trạch. Bến phà cũng có các tuyến xe buýt kết nổi, giúp hỗ trợ di chuyển tiện lợi trong khu vực và các vùng lân cận.
2 Giờ hoạt động của phà Cát Lái
Phà Cát Lái hoạt động 24/7, đảm bảo nhu cầu di chuyển liên tục giữa TP. HCM và Đồng Nai, bao gồm cả các ngày lễ và Tết. Vào dịp Tết, tuy phà vẫn hoạt động, nhưng lịch trình và tần suất có thể thay đổi.
Lịch trình hoạt động:
- Từ 5h đến 21h: Mỗi chuyến cách nhau 10 phút.
- Từ 21h đến 5h sáng hôm sau: Mỗi chuyến cách nhau 30 phút.
3 Lịch sử hình thành Bến phà Cát Lái
Trước năm 2007, khu vực Cát Lái thuộc quận 2 cũ phát triển mạnh mẽ về kinh tế và dân cư, dẫn đến nhu cầu kết nối giữa Cát Lái và Nhơn Trạch (Đồng Nai) tăng cao. Trước đó, người dân phải di chuyển qua phà Bình Khánh, khá xa và bất tiện. Do đó, thành phố đã quyết định xây dựng bến phà Cát Lái để đáp ứng nhu cầu này.
Từ năm 2007, phà Cát Lái chính thức hoạt động và trở thành tuyến giao thông quan trọng nối Cát Lái với Nhơn Trạch. Trong giai đoạn sau, bến được nâng cấp liên tục để đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Năm 2012, khi Bến phà Thủ Thiêm ngừng hoạt động, các phương tiện phà được chuyển về bến Cát Lái. Số lượng tàu phà tăng lên 4 chiếc, mỗi chiếc có sức chứa khoảng 20 ô tô và 150 hành khách mỗi chuyến. Các hạng mục hạ tầng như bãi đỗ xe và nhà chờ cũng được đầu tư hơn.
Hiện nay, phà Cát Lái là cầu nối giao thông quan trọng giữa TP. HCM và Đồng Nai, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của cả hai khu vực. Tuy nhiên, bến phà thường xuyên bị quá tải vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết. Để giải quyết tình trạng này, dự án xây dựng hầm vượt sông Cát Lái đang được lên kế hoạch.
4 Bảng giá vé phà Cát Lái mới nhất năm 2025
Đối tượng qua phà | Giá vé |
Hành khách đi bộ, xe đạp | 2.000 VND/ người/ xe |
Xe gắn máy | 4.000 VND/ người/ xe |
Xe thô sơ không hàng | 6.000 VND/ xe |
Xe thô sơ có hàng | 12.000 VND/ xe |
Xe 3 bánh | 8.000 VND/ xe |
Xe ô tô con dưới 7 chỗ ngồi | 23.000 VND/ xe |
Xe khách từ 7 đến 20 chỗ ngồi | 28.000 VND/ xe |
Xe khách từ 20 đến 30 chỗ ngồi | 30.000 VND/ xe |
Xe khách trên 30 chỗ ngồi | 45.000 VND/ xe |
Xe tải dưới 3 tấn | 38.000 VND/ xe |
Xe tải từ 3 đến dưới 5 tấn | 45.000 VND/ xe |
Xe tải từ 5 đến dưới 7 tấn | 70.000 VND/ xe |
Xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn | 90.000 VND/ xe |
Xe tải từ 10 đến dưới 13 tấn hoặc xe đầu kéo không rơ moóc | 100.000 VND/ xe |
Xe tải từ 13 đến dưới 15 tấn | 120.000 VND/ xe |
Xe tải từ 15 tấn trở lên | 170.000 VND/ xe |
Xe đầu kéo rơ moóc | 220.000 VND/ xe |
5 Cách di chuyển đến phà Cát Lái từ TP. HCM
5.1 Di chuyển bằng phương tiện cá nhân
Tuyến đường qua Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống
- Xuất phát từ trung tâm TP. HCM: Từ quận 1, bạn có thể đi theo đường Nguyễn Huệ hoặc Đồng Khởi để ra Tôn Đức Thắng.
- Qua hầm Thủ Thiêm hoặc cầu Ba Son để vào đường Mai Chí Thọ: Từ Tôn Đức Thắng, bạn có thể đi theo 2 hướng:
+ Rẽ vào Võ Văn Kiệt, sau đó đi thẳng qua hầm Thủ Thiêm để qua TP. Thủ Đức. Khi ra khỏi hầm bạn tiếp tục đi thẳng vào đại lộ Mai Chí Thọ.
+ Chạy lên cầu Ba Son để qua TP. Thủ Đức, xuống cầu bạn chạy theo hướng đường R12 - Tố Hữu - Nguyễn Cơ Thạch rồi rẽ trái vào Mai Chí Thọ.
- Rẽ vào Đồng Văn Cống: Từ Mai Chí Thọ, rẽ phải vào đường Đồng Văn Cống.
- Đi theo Nguyễn Thị Định: Tiếp tục đi thẳng Đồng Văn Cống qua nút giao Mỹ Thủy vào đường Nguyễn Thị Định.
- Đến bến phà Cát Lái: Đi thẳng khoảng 5km trên Nguyễn Thị Định, bạn sẽ đến bến phà Cát Lái, nằm gần cảng Cát Lái.
Tuyến đường qua cầu Phú Mỹ
- Xuất phát từ quận 7: Nếu ở quận 7 hoặc Nhà Bè, bạn đi theo đường Nguyễn Văn Linh để lên cầu Phú Mỹ.
- Qua cầu Phú Mỹ: Sau khi qua cầu, bạn đi thẳng theo đường Đồng Văn Cống rồi rẽ phải vào Nguyễn Thị Định ở nút giao Mỹ Thủy.
- Đến bến phà: Tiếp tục đi thẳng theo đường Nguyễn Thị Định, bạn sẽ đến bến phà Cát Lái.
5.2 Di chuyển bằng xe buýt
Tuyến xe buýt số 88 (Bến Thành – Cát Lái)
- Bắt đầu từ Bến Thành: Lên xe buýt số 88 tại trạm Bến Thành.
- Lộ trình xe buýt: Xe đi qua các đường lớn như Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, qua hầm Thủ Thiêm và tiếp tục đến Đồng Văn Cống.
- Điểm dừng cuối: Xuống xe tại bến phà Cát Lái.
6 Những trải nghiệm đặc biệt với phà Cát Lái
Phà Cát Lái là tuyến giao thông quan trọng, giúp kết nối nhanh chóng giữa TP. HCM và Đồng Nai. Tuy nhiên, vào các khung giờ cao điểm, việc chờ đợi để lên phà có thể kéo dài hơn dự kiến.
Đối với người dân khu vực Cát Lái và Nhơn Trạch, phà không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Họ tận dụng khoảng thời gian trên phà để nghỉ ngơi, trò chuyện hoặc đơn giản là ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.
Từ trên phà, bạn có thể cảm nhận gió sông mát rượi, tiếng sóng vỗ êm đềm và không gian sông nước rộng lớn luôn mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu.
Ngắm nhìn một Sài Gòn thật khác, không còn những tòa cao ốc san sát mà là những khu dân cư ven sông bình dị, những chiếc thuyền đánh cá neo đậu, cùng những hàng cây xanh mát trải dài.
Ngoài ra, phà Cát Lái còn là điểm đến “sống ảo” yêu thích của giới trẻ. Với khung cảnh sông nước bao la và những con tàu lớn nhỏ, việc lưu lại những bức ảnh sẽ là kỉ niệm đáng nhớ.
7 Lưu ý khi sử dụng phà Cát Lái
- Phà Cát Lái hoạt động liên tục 24/7, tuy nhiên tần suất chuyến có thể thay đổi tùy theo thời gian. Để tránh chờ đợi lâu, bạn nên kiểm tra lịch trình trước và hạn chế đi vào giờ cao điểm (sáng sớm, chiều tối, cận lễ hoặc Tết). Buổi trưa hoặc đêm muộn sẽ là thời điểm lý tưởng để tránh tình trạng đông đúc.
- Khi mua vé, hãy chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán nhanh gọn. Giá vé phụ thuộc vào phương tiện và số người, vì vậy đừng quên giữ vé cẩn thận để xuất trình khi cần.
- Tuân thủ các quy định tại bến phà, như xếp hàng đúng khu vực (xe máy, ô tô xếp riêng), đỗ xe theo hướng dẫn của nhân viên và chờ tín hiệu trước khi di chuyển lên phà.
- Khi phà vận hành, hãy tắt máy xe để giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, không hút thuốc hay xả rác bừa bãi; hãy bỏ rác vào các thùng được bố trí sẵn trên phà.
Trên đây là tất cả thông tin về phà Cát Lái mà Blog MIA Go đã tổng hợp được. Hy vọng bài viết mang đến cho bạn những kinh nghiệm bổ ích cho chuyến đi sắp tới.