1Thông tin về làng lụa Hội An
1.1 Sơ lược khái quát về làng lụa Hội An
Địa chỉ: số 28 Nguyễn Tất Thành, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách phố cổ Hội An khoảng chừng 1km.
Giờ mở cửa: 8:00 – 21:00
Website: www.hoiansilkvillage.com
Điện thoại: (+84) 02353 921 144
Giá vé tham quan làng lụa Hội An: 50.000đ/người,
Giá buffet tại làng lụa Hội An: 299.000đ/người.
Hiện nay, để mở rộng du lịch và đáp ứng nhu cầu của du khách, làng lụa Hội An có chương trình tham quan theo tour: tour ngắn và tour dài.
Tour ngắn (8:00 – 17:00): giá vé 100.000đ/người, thời gian tham quan là 45 phút có sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Vì thời gian khá ngắn nên bạn chỉ có thể tìm hiểu khái quát về các quy trình của nghề ươm tơ dệt lụa, và bạn sẽ không được tự trải nghiệm quá trình dệt như thế nào.
Tour dài (9:00 hoặc 14:00): giá vé 595.000đ/người, thời gian tham quan là 4 giờ, có hướng dẫn viên thuyết minh. Thời gian tham quan lâu nên bạn sẽ có một quy trình tìm hiểu về làng lụa Hội An chi tiết và sâu sắc hơn. Bạn còn có cơ hội tự tay trải nghiệm dệt lụa dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân ở đây.
1.2 Nên đến làng lụa Hội An vào thời gian nào?
Hội An nói chung và làng lụa Hội An nói riêng đẹp vào những tháng hè và thu, từ tháng 2 đến tháng 8, thời tiết mát mẻ, ít có mưa. Tháng 3 và tháng 4 là thời điểm đẹp nhất vì chưa đến mùa cao điểm du lịch, thích hợp để bạn thoải mái tận hưởng chuyến tham quan. Tháng 10 và tháng 11 là thời điểm mùa mưa, hay có bão, sẽ gây ảnh hưởng đến hành trình. Bạn có thể đi vào buổi sáng hay chiều tùy thích vì chủ yếu tham quan bên trong nhà, còn nếu muốn thưởng thức những món ăn truyền thống tại làng lụa Hội An thì bạn nên đi vào khoảng giờ trưa hoặc chiều tối.
1.3 Những lưu ý khi đến với làng lụa Hội An
Người dân làng lụa Hội An vốn dễ gần, thân thiện và mến khách. Vì thế, khi đến đây, bạn nên lưu ý một vài điều cơ bản để không làm mất đi nét đẹp vốn có của Phố cổ này.
Bạn nên giữ lại tấm vé đã mua để có thể vào khu vực làng lụa bất cứ thời điểm nào.
Khi tham quan bạn nên ăn mặc chỉnh tề phù hợp, đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam và hạn chế chen lấn, xô đẩy hay lớn tiếng trong những khu vực đông người.
Người Hội An cũng có những kiêng kỵ và hạn chế riêng. Nếu như là người mở hàng đầu tiên của một gian hàng nào, bạn nên mua một thứ gì đó, cho dù là nhỏ và nên thương lượng trước giá cả để tránh bị mua nhầm giá.
Để hạn chế tình trạng bị chèo kéo mua hàng hay “mời mọc”, “xin xỏ”… bạn tuyệt đối không nghe theo những lời mời này và nhờ sự tư vấn của hướng dẫn viên, hoặc những người đã từng có kinh nghiệm du lịch Hội An.
2Hướng dẫn cách di chuyển đến làng lụa Hội An
2.1. Bằng máy bay
Bạn có thể ghé qua Đà Nẵng rồi tiếp tục đến Hội An. Các chuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội hay các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng, giá vé dao động trong khoảng 400.000 – 1.600.000 VND/ chiều và mất khoảng 1 giờ đồng hồ để bay. Từ sân bay Đà Nẵng, có hai phương tiện phổ biến nhất để đến Hội An và làng lụa là bằng taxi hoặc xe buýt.
Taxi: đây là phương tiện rất phổ biến ở đây. Bạn có thể dễ dàng để bắt taxi tại sân bay và mất 45 – 55 phút để di chuyển đến Hội An. Một chuyến taxi có giá 350.000 – 450.000 VND, tùy loại xe.
Xe buýt: loại phương tiện này phù hợp với du khách muốn tiết kiệm chi phí hay thích tham quan cả đoạn đường đi, bạn có thể bắt xe buýt số 1 (từ bến xe trung tâm Đà Nẵng – bến xe Hội An) với giá chỉ 25.000 VND/ lượt.
2.2. Bằng tàu hỏa
Nếu đi bằng tàu hỏa, bạn sẽ xuống tại ga Đà Nẵng hoặc ga Trà Kiệu. Thời gian đi từ TP.HCM, Hà Nội đến Đà Nẵng sẽ mất 15 – 20 giờ, giá vé trong khoảng 230.000 – 2.224.000 VND, tùy theo loại hành trình và loại ghế. Sau đó tiếp tục chọn taxi hoặc xe buýt để di chuyển đến Hội An và ghé thăm làng lụa.
2.3 Bằng xe khách
Nếu không muốn ghé ngang Đà Nẵng mà trực tiếp đến Hội An thì bạn vẫn có những chuyến xe chạy thẳng TP.HCM – Hội An, hoặc Hà Nội – Hội An. Bạn có thể cân nhắc các hãng xe phổ biến như Thiên An, The Sinh Tourist, Hạnh Café, ... Giá vé dao động 320.000 – 480.000 VND/ lượt.
2.4. Bằng xe máy
Từ Đà Nẵng, bạn hoàn toàn có thể tự lái xe máy đến Hội An để tiết kiệm chi phí. Có hai tuyến đường chính:
Đi theo hướng Quốc lộ 1 về phía Nam, rẽ vào Vĩnh Điện. Đi hướng này bạn sẽ ghé thăm được Tháp Chàm Bằng Anh.
Đi qua cầu sông Hàn, theo tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An. Tuyến đường này sẽ thuận tiện cho bạn nào muốn kết hợp tham quan Ngũ Hành Sơn.
3Những hoạt động khám phá làng lụa Hội An
3.1 Khám phá không gian cổ kính của nhà rường truyền thống Hội An
Khi đến với Làng lụa Hội An, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà rường cổ của người dân Hội An xưa, có niên đại từ thế kỷ 19. Tại ngôi nhà lớn chính giữa là nơi thờ Bà Chúa Tằm Tang, danh xưng hoàng hậu gọi là Đoàn Quý Phí. Bà là người đã có công rất lớn trong việc giữ gìn, phát triển nghề dệt lụa và đưa nghề tơ lụa tại Hội An ra thế giới. Bên cạnh đó nhà rường còn trưng bày các sản phẩm lụa đặc trưng của 54 dân tộc anh em của Việt Nam.
3.2 Chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài và trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam
Nhà truyền thống Làng lụa Hội An hiện đang trưng bày hơn 100 bộ áo dài thướt tha của người phụ nữ Việt, mang đậm dấu ấn về sự phát triển suốt 3000 năm lịch sử. Trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em chính là phản ánh rõ rệt nhất sự đa văn hóa của đất nước. Đây là không gian trưng bày gây ấn tượng mạnh nhất với du khách trong và ngoài nước..
3.3 Tham quan vườn dâu với những gốc dâu cổ thụ
Bạn sẽ được khám phá những vườn dâu rộng lớn với những gốc dâu cổ thụ hàng trăm năm được tìm kiếm và sưu tầm khắp nơi đem về trồng tại làng nghề lụa Hội An. Có cả những giống dâu của người Việt và những giống dâu cổ của người Champa xưa.
3.4 Khám phá cách nuôi tằm lấy tơ
Đến với làng lụa Hội An bạn sẽ được tìm hiểu về cách nuôi và chăm sóc những con tằm từ lúc nhỏ đến lớn, hái lá cho tằm ăn đến lúc lớn đủ ngày thì bỏ riêng ra để tằm tự quấn kén và thu hoạch chúng.
3.5 Tham quan phòng ươm tơ
Sau khi thu hoạch xong kén tằm sẽ bắt đầu bước vào công đoạn ươm tơ. Có 2 màu kén là màu vàng và màu trắng sẽ cho ra 2 màu lụa khác nhau. Trước hết kén tằm khi được thu hoạch xong sẽ được nấu liên tục trong nước sôi 80 độ để những sợi tơ mềm mại và dẻo dai hơn. Sợi tơ lớn được tạo thành bởi nhiều sợi kén nhỏ. Công đoạn này yêu cầu kỹ thuật rất thuần thục và tính kiên nhẫn cao, vì ươm tơ chuẩn thì mới có thể dệt ra tấm lụa tốt và được giá cao.
3.6 Tham quan phòng dệt lụa
Tơ sau khi kéo sợi sẽ được nấu ở nhiệt độ và thời gian nhất định (tùy vào chất lượng lụa nghệ nhân muốn cho ra để điều chỉnh thời gian nấu). Sau khi nấu, tơ lụa sẽ được gắn từng sợi vào khung và bắt đầu quy trình dệt lụa. Tại đây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình tạo ra những tấm vải lụa đẹp với những họa tiết tinh xảo và chất lượng thế giới. Tất cả các khung dệt từ thời champa cổ xưa đến hiện đại đều được trưng bày tại làng lụa Hội An để cho du khách tham quan.
3.7 Tham quan phòng trưng bày sản phẩm từ lụa
Cuối cùng, bạn sẽ được đưa đến phòng trưng bày các sản phẩm mà bạn vừa được chứng kiến quá trình dệt nó. Bạn còn sẽ được học cách phân biệt vải lụa được dệt từ khung dệt cổ và khung dệt hiện đại, những loại lụa có thời gian nấu lâu và mau, lụa thật và lụa pha được, tất cả sẽ được chỉ dẫn từ những người nghệ nhân chuyên nghiệp.
3.8 Khách sạn tại làng lụa Hội An
Làng lụa Hội An ngoài cung cấp những tour tham quan làng nghề thú vị còn cung cấp chỗ nghỉ khá lý tưởng cho khách. Silk Village Resort & spa Hoi An sẽ là điểm dừng chân lý tưởng nếu bạn thích một nơi yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên kết hợp với tham quan và nghỉ dưỡng. Ngoài ra,có các dịch vụ spa, massage, hồ bơi lớn và không gian vui chơi... sẽ làm cho bạn thích thú khi nghỉ ở lại đây.
4Những tấm hình check in đẹp tại làng lụa Hội An
Làng Lụa Hội An để lại dấu ấn sâu sắc với đông đảo mọi người bởi những giá trị cổ truyền. Nét đẹp tinh hoa văn hóa ở đây không chỉ được lưu giữ, bảo tồn mà ngày càng phát triển theo chân du khách lan truyền rộng rãi và sống mãi cùng phố Hội. Hãy cùng MIA.vn bỏ túi cho mình những điều trên khi bắt đầu chuyến du lịch khám phá Hội An nhé!