1Thời gian tổ chức lễ Cúng Thần Suối
Các dân tộc thiểu số có niềm tin rất lớn đối với tâm linh . Vì thế hàng năm, rất nhiều lễ hội được tổ chức, theo từng dịp trong năm: lễ hội mừng lúa mới khi vào mùa thu hoạch, lễ hội Đâm Trâu khi vào mùa xuống đồng, lễ hội Cúng Trăng vào đêm Trung thu…
Còn Lễ Cúng Thần Suối được tổ chức vào tháng 3 hàng năm, khi vừa qua dịp tết Nguyên Đán. Lễ hội vào mùa xuân mang theo mong muốn về may mắn, cầu nguyện mưa thuận gió hòa cho một năm mới bội thu, đời sống bình yên. Lễ hội được tổ chức bởi người dân tộc Mạ, là tập tục ngàn đời và giờ đây cũng trở thành một trong những lễ hội thu hút rất nhiều khách du lịch quan tâm.
Xem thêm: Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên - Giá trị văn hóa ngàn đời
2Các bước chuẩn bị và nghi lễ Cúng Thần Suối
Sau khi hoàn thành thu hoạch vụ mùa, người dân sẽ chọn một ngày tốt trong tháng để làm vệ sinh toàn bộ làng bản, thông các máng cấp nước, dọn dẹp đường xá trong thôn. Tiếp theo sẽ mổ lợn, mổ gà để tiến hành cúng tế tạ ơn các vị thần linh đã giúp đỡ dân bản có được một năm ấm no.
Theo quan niệm của người dân tộc Mạ thì thần đất, thần nước, thần núi và những vị thần là tổ tiên linh thiêng là những thế lực đã che chở và bảo vệ họ. Chính nhờ những thế lực linh thiêng này mà người dân đã có được một năm làm ăn thuận lợi, khỏe mạnh, êm ấm. Thế nên để thể hiện sự biết ơn và thành kính với thần nước, tất cả những người dân trong bản sẽ tụ họp nhau lại, cùng làm một buổi cúng tế bên bờ Suối.
Người dân cũng sẽ tự tay làm những cổng chào bằng lá cây, cỏ lá dài và những vật trang trí khác để trang hoàng cho không gian buổi lễ thêm nhiều màu sắc. Ngoài ra người dân tộc Mạ cũng dựng cây nêu khá giống với cây nêu ngày tết của người Kinh.
Xem thêm: Chiêm ngưỡng lễ hội hoa mai anh đào Đà Lạt đẹp mê hồn
Bên bờ suối lớn nhất của bản, những già làng, những người chức sắc sẽ đại diện để thắp hương và cầu khấn. sau khi làm thủ tục cúng xong, tất cả người dân trong bản sẽ chuẩn bị sẵn những vật đựng nước như quả bầu khô, chai lọ để lấy nước từ suối và mang về nhà.
Trong khi đó, đoàn người mà đứng đầu là trưởng bản, sẽ là chủ lễ để đi đến cầu thang từng nhà, hát những bài cúng thần và rưới tiết gà lên chân cầu thang để mang may mắn cho gia chủ. Sau khi hoàn thành, cả làng sẽ lại tập trung về nhà Rông để tổ chức tiệc tùng, ăn uống, nhảy múa.
Lễ Cúng Thần Suối kéo dài đến tận đêm khuya, những đống lửa được đốt lên, nam thanh nữ tú tập trung lại cùng nhau nhảy múa. Còn các cụ già thì cùng nhau uống rượu cần, bàn bạc những chuyện từ thời xa xưa.
Nếu có dịp tham dự Lễ Cúng Thần Suối, du khách sẽ được trải nghiệm những cảm giác rất mới lạ, được cùng người dân làm lễ, cùng người dân ăn uống, cùng người dân vui chơi. Đây sẽ là dịp để bạn hiểu hơn về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, hòa mình vào không khí lễ hội đậm chất tâm linh.
Hi vọng với những thông tin mà MIA.vn đã cung cấp, du khách sẽ có thêm một cái tên đầy hứa hẹn trong danh sách lễ hội thú vị để chinh phục khi khám phá Đà Lạt nhé.