1Đôi nét về Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân làng chài ven biển Phú Yên
Lễ hội Cầu Ngư xuất hiện từ bao giờ vốn dĩ chẳng ai biết, mọi người chỉ biết rằng đây là lễ hội mang đậm đà nét đẹp văn hóa dân gian, đồng thời là ‘món ăn tinh thần’ không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của ngư dân – những người gắn chặt cuộc đời mình với biển khơi mênh mông cùng những tháng ngày rong ruổi lênh đênh sống nhờ nguồn tôm cá dồi dào.
Xem thêm: Kinh Nghiệmdu lịch Thái Lan
Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân sống tại các tỉnh ven biển nước ta, trải dài từ Quảng Bình trở vào Nam và bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc xinh đẹp. Tuy nhiên, nơi mà tổ chức Lễ hội Cầu Ngư nổi tiếng nhất với những hoạt động thú vị đặc sắc lại chẳng nơi đâu bì bằng vùng đất Phú Yên hoa vàng cỏ xanh với cảnh sắc thiên nhiên, non nước hữu tình.
2Nguồn gốc của Lễ hội Cầu Ngư có thể bạn chưa biết
Thật ra, Lễ hội Cầu Ngư đã xuất hiện từ xưa cùng với phong tục thờ cúng tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt xưa, đặc biệt là những ngư dân sống nương nhờ nguồn cá tôm dồi dào của biển khơi mênh mông.
Đối với ngư dân, Cá Ông luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Vốn dĩ đây là cái tên đầy tôn kính và trân trọng mà ngư dân dùng để gọi cá voi – loài cá thường xuất hiện để giúp đỡ con người trong những lúc ngặt nghèo khi lênh đênh trên biển cả, đặc biệt là những ai quanh năm gắn liền với nghề biển luôn ẩn chứa hiểm nguy rình rập.
Chính bởi thế nên cứ vào độ từ tháng Giêng đến tháng Sáu âm lịch hàng năm, ngư dân sinh sống tại các làng ven biển, ven đầm ở Phú Yên lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội vừa là một nét đẹp, một phong tục trong đời sống văn hóa nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông, đồng thời là dịp để họ cầu mong, gửi gắm những hy vọng về một năm dong buồm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp ‘lộc trời’.
3Lễ hội Cầu Ngư tại Phú Yên diễn ra vào ngày nào và ở đâu?
3.1 Lễ hội Cầu Ngư diễn ra vào ngày nào?
Thật ra không có một ngày cụ thể nào được chọn làm ngày tổ chức Lễ hội Cầu Ngư tại Phú Yên cả. Người dân thường chọn những ngày từ tháng Giêng đến tháng Sáu âm lịch hàng năm để tổ chức, và tùy theo mỗi nơi mà lễ hội sẽ được tổ chức vào những ngày khác nhau.
Thông thường, ngư dân có thể chọn ngày cá Ông đầu tiên lụy hoặc ngày Ông được nhận sắc phong vua để tổ chức lễ hội. Hoặc nếu không, họ có thể tùy theo phong tục và công việc làm ăn của người dân tại làng mà cùng nhau định ngày mở hội.
Người dân thường chọn khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Sáu là bởi vì vào thời điểm này, Phú Yên đang bước vào giai đoạn mùa khô với khí hậu thuận lợi để tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội ngoài trời. Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn cao điểm mà mọi người bắt đầu hành trình khám phá Phú Yên nên nếu tổ chức lễ hội vào thời gian này sẽ thu hút được đông đảo mọi người khắp nơi xa gần ghé đến tham dự. Điều này vừa góp phần tăng thêm bầu không khí sôi động, náo nhiệt cho lễ hội, đồng thời góp phần đưa nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, thờ cúng tâm linh của người dân làng chài đến gần hơn với mọi người.
3.2 Mọi người thường tổ chức lễ hội ở đâu?
Thông thường, nơi được lựa chọn để tổ chức Lễ hội Cầu Ngư sẽ là lăng Ông. Tính đến thời điểm hiện tại thì ở Phú Yên có đến 41 lăng Ông. Chính bởi thế nên ngư dân thường lựa chọn lăng làm nơi tổ chức các nghi thức cúng tế trong lễ hội nhằm mang lại bầu không khí long trọng, thành kính.
Các lăng Ông được xây dựng tại địa phương đều mang dáng dấp của ngôi đình và thường được xây dựng ở khu vực gần sông, biển và hướng về phía Đông. Hầu hết các lăng Ông đều được thiết kế và sở hữu lối kiến trúc nghệ thuật tinh tế, tỉ mỉ. Đây cũng chính là yếu tố góp phần giúp cho Lễ hội Cầu Ngư Phú Yên vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tổng thể lăng Ông thường được chia làm ba phần, bao gồm: Phần tước, hay còn được gọi là Võ ca, là nơi để làm sân khấu. Phần giữa là chánh điện, là ơi thờ ngọc cốt cá Ông, bài vị các vị thủy thần, tiền hiền, hậu hiền. Phần còn lại là phần sau, đây là nơi dùng để hội họp và tiếp khách.
Ở khu vực phía trước sân lăng, mọi người thường đặt bình phong đắp nổi hoa văn long, ly, quy, phụng để tăng thêm sự trang nghiêm. Còn ở khu vực cổng có hai trụ biểu, một số lăng còn được xây tường thành bao quanh để đảm bảo sự kiên cố.
4Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức thế nào?
Lễ hội Cầu Ngư thường được tổ chức trong ít nhất hai ngày với hai phần đầy đủ gồm phần lễ và phần hội. Cùng tìm hiểu với MIA.vn nhé bạn ơi.
4.1 Phần lễ của Lễ hội Cầu Ngư
Trong ngày diễn ra phần lễ của Lễ hội Cầu Ngư, ngư dân sẽ tổ chức một cách trang nghiêm, cung kính với đầy đủ các nghi thức truyền thống, bao gồm múa siêu, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế, v.v.
Lễ rước sắc chính là phần mở đầu của Lễ hội Cầu Ngư. Sau phần này, ngư dân sẽ tiếp tục thực hiện những lễ nghinh thủy, lễ rước hồn ông Nam Hải. Trong suốt buổi lễ, khi chủ tế cúng bái trong khu vực đình thì ở phía ngoài, đoàn hát bả trạo sẽ bắt đầu hát.
Ngư dân đóng giả làm ngư phủ sẽ được sắp xếp theo đội hình chèo thuyền từ 18 đến 20 người. Bên cạnh vị tổng chèo phụ trách chung, mọi người sẽ được phân thành tổng lái, tổng mũi, tổng khoan. Những người này sẽ mặc áo thụng xanh, thắt dây lưng điều và đảm đương từng nhiệm vụ được phân công cụ thể trước đó.
Cụ thể, vị tổng chèo sẽ cầm chèo có phần cán được sơn đỏ, mái màu trắng, giữa cây chèo có vẽ vòng thái cực. Phần chèo lái có độ dài tầm chừng 2.5m, tay cầm màu đỏ, mái màu xanh có hình rồng vàng. Trong khi đó, phần chéo quân (con trạo) dài tầm 1.2m được sơn hai màu đen trắng.
Khi bắt đầu hát, tổng bả trạo sẽ là người lĩnh xướng, trong khi đó con trạo sẽ phụ họa. Mọi người kết hợp nhịp nhàng với tốc độ di chuyển của đội hình múa nhằm khắc họa hình ảnh con thuyền nhè nhẹ lướt trên mặt biển. Các khúc thường được hát trong buổi lễ là các điệu hát nam, hát khách đi đưa linh. Còn trong lúc lao động thì ngư dân sẽ hát các điệu hò chèo thuyền, hò giựt chì, hò hụi, hò lơ, v.v.
Kế đó, trong phần tế lễ sẽ có đầy đủ lễ tế Sanh, tế Đình, tế Bà Thiên YANA và cuối cùng là tế ông Nam Hải. Thông thường, vật phẩm dâng cúng bao gồm các loại đặc sản Phú Yên và hương, hoa. Sau khi dâng lễ vật, chủ tế sẽ đọc văn tế ca ngợi công đức các vị tiền hiền, thủy thần đã phù hộ cho ngư dân lưới nặng cá đầy, giúp họ có được cuộc sống ấm no, đủ đầy trong một năm qua.
4.2 Phần hội
Sau khi kết thúc nghi lễ cầu cúng, phần hội trong Lễ hội Cầu Ngư sẽ được bắt đầu với một loạt những trò chơi dân gian và hát tuồng thứ lễ, diễn xướng dân gian, hát bả trạo. Ngoài ra, mọi người còn tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi như đua thuyền, đua sõng, lắc thúng chai, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền, v.v. Tất cả hoạt động này tạo nên bầu không khí lễ hội vừa trang nghiêm nhưng cũng rất sôi động, thú vị.
Lễ hội Cầu Ngư là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của ngư dân sống tại các làng chài ven biển. Nếu có dịp về với đất Phú vào những ngày diễn ra lễ hội, bạn đừng bỏ qua cơ hội được đắm mình trong bầu không khí lễ hội rộn ràng, sôi động tại đây bên cạnh việc khám phá những điểm tham quan tại Phú Yên nổi tiếng khác nhé.