Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình từ lâu đã trở thành một nét văn hóa, tín ngưỡng vô cùng đặc sắc gắn liền với làng biển Cảnh Dương. Với lịch sử hình thành gần 400 năm, nơi đây được xem như là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Không chỉ nổi tiếng với Làng Bích Họa Cảnh Dương Quảng Bình, vùng đất này còn mang nhiều nét khác biệt so với các làng biển trên cả nước.

Đến với làng Cảnh Dương, không ai là chưa từng nghe qua phong tục thờ Cá Ông tại Linh Ngự Miếu của ngư dân làng biển này. Theo lịch sử được ghi lại tại làng Cảnh Dương, vào năm 1809, người dân nơi đây đã phát hiện Cá Bà dạt vào bờ biển và đem thờ tại miếu kể từ đó. Đến năm 1907, ngư dân lại phát hiện thêm một con cá voi khổng lồ dạt vào bờ biển. Sau đó, cá voi cũng được người dân nơi đây đem vào miếu thờ cùng Cá Bà và đặt tên là Cá Ông.

Sở dĩ nơi đây có tồn tại phong tục này là vì đối với người dân làng Cảnh Dương, cá voi chính là một linh vật gắn liền với vùng biển xinh đẹp này. Loài cá này từ xa xưa đã được xem như một người bạn đồng hành của ngư dân mỗi lần ra khơi, luôn xuất hiện và giúp đỡ họ những lúc trời nổi cơn giông bão, tàu thuyền bị đắm. Chính vì thế, người dân nơi đây vô cùng kính trọng và tổ chức Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình hằng năm như một dịp để bày tỏ tấm lòng biết ơn đến với linh vật này.

Xem thêm: Khám phá Lễ hội Bài chòi Quảng Bình vô cùng đặc sắc

Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình và những điều không phải ai cũng biết 2

Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình từ lâu đã trở thành một nét văn hóa, tín ngưỡng vô cùng đặc sắc gắn liền với làng biển Cảnh Dương

Đối với người dân làng biển Cảnh Dương, Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình được xem như là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm tính tâm linh. Ngư dân nơi đây tổ chức lễ hội như một dịp để họ cùng hướng về biển, trời đất, thần linh và tưởng nhớ công đức của Cá Ông, Cá Bà. Thông qua lễ hội, người dân cũng cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa, đất nước thanh bình, sóng yên biển lặng và sự an toàn mỗi khi giương buồm ra khơi đánh bắt.

Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình còn đóng vai trò trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước và biểu dương sức mạnh của ngư dân vùng biển. Lễ hội này cũng là một dịp để ngư dân bày tỏ tấm lòng và niềm tin, ý chí cá nhân trong việc vượt qua các thử thách, chông gai để trở thành người làm chủ vùng biển quê hương. Trong cuộc sống hiện đại, Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình đã thay đổi khá nhiều ở các nghi thức diễn tế. Tuy nhiên những nét đặc trưng làm nên điểm nhấn của Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình thì vẫn được giữ nguyên, không hề bị mai một.

Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình và những điều không phải ai cũng biết 3

Ngư dân nơi đây tổ chức lễ hội như một dịp để họ cùng hướng về biển, trời đất, thần linh và tưởng nhớ công đức của Cá Ông, Cá Bà

Giống với nhiều lễ hội đặc sắc tại đây như Hội vật truyền thống đầu xuân Quảng Bình, lễ hội cầu ngư thường được diễn ra vào tháng Giêng âm lịch. Địa điểm diễn ra lễ hội là ở làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nếu có dịp đến đây vào độ Tết đến xuân về, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội hòa chung vào bầu không khí náo nhiệt, tươi vui của Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình nhé.

Từ sáng sớm ngày diễn ra Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình, đông đảo ngư dân, người dân từ khắp nơi trên mọi miền đất nước cùng chủ các tàu thuyền đã có mặt để tham gia vào các nghi lễ. Mọi người đều tề tựu về Ngự Linh Miếu để dâng hương cũng như các lễ vật cúng tế. Trong đó, nghi lễ quan trọng nhất không được bỏ qua chính là đọc văn tế và dâng lễ vật cho Thần ngư.

Để bắt đầu nghi lễ, một vị cao niên được mọi người trong làng tín nhiệm sẽ đứng ra để tiến hành các công đoạn như dâng hương, đọc văn tế. Điểm đặc biệt trong bài văn tế Cá Ông và Cá Bà chính là phải truyền đạt được hết tấm lòng tôn tính, biết ơn sự che chở, nâng đỡ của hai vị. Đồng thời không quên dành lời cầu khẩn về một mùa mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, đánh bắt bội thu.

Sau nghi lễ quan trọng này, làng sẽ cử ra 13 ngư lão tiến hành điệu hò chèo cạn. Thủ tục của phần lễ này cũng khá giống với Lễ hội chèo cạn, múa bông Quảng Bình. Lúc này, mũi thuyền được chĩa theo hướng ra khơi xuống biển sẽ được chèo cạn bởi 6 người. Trong khi đó những người còn lại sẽ phụ trách làm đội cờ và dẫn thuyền đến khi kết thúc nghi lễ.

Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình và những điều không phải ai cũng biết 4

Để bắt đầu nghi lễ, một vị cao niên được mọi người trong làng tín nhiệm sẽ đứng ra để tiến hành các công đoạn như dâng hương, đọc văn tế

Sau phần nghi lễ sẽ diễn ra phần hội với nhiều trò chơi, trình diễn nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Đến với Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình vào lúc này, bạn sẽ được thỏa sức tham gia các trò chơi dân gian lẫn hiện đại như đua thuyền, lắc thúng, đan lưới, bóng đá bãi biển hoặc hội thi ẩm thực. Không chỉ thu hút đông đảo người dân từ khắp mọi nơi đến chung vui, phần hội của Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình còn đặc biệt tạo nên một mối đoàn kết, gắn bó sâu sắc giữa ngư dân của các địa phương khác nhau.

Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình và những điều không phải ai cũng biết 5

Sau phần nghi lễ sẽ diễn ra phần hội với nhiều trò chơi, trình diễn nghệ thuật vô cùng đặc sắc

Chiêm ngưỡng nét đặc sắc của Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình. Video: Youtube/Truyền Hình Nhân Dân

Khám phá Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình trong những ngày còn ở đây chắc chắn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm khó quên. Không chỉ là một lễ hội thông thường, Lễ hội Cầu Ngư còn mang một ý nghĩa vô cùng to lớn và được đông đảo người dân ven biển Quảng Bình xem như một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Nếu bạn đang có ý định khám phá vùng đất này, đừng quên bỏ túi cẩm nang du lịch Quảng Bình trước khi lên đường đến đây nhé!