1 Giới thiệu về lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng của người Khmer. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của cộng đồng dân tộc này, đặc biệt được tổ chức lớn nhất tại tỉnh Trà Vinh. Lễ hội thường diễn ra vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm, nhằm tạ ơn Mặt Trăng đã giúp mang lại mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho người dân. Đây không chỉ là dịp để người Khmer thể hiện lòng biết ơn và tôn kính với thiên nhiên mà còn là cơ hội để thu hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm văn hóa độc đáo.
Lễ hội Cúng Trăng Ok Om Bok của đồng bào Khmer tại Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015. Vì vậy, mỗi dịp tổ chức lễ hội này, du lịch Trà Vinh thu hút rất nhiều du khách gần xa đến trải nghiệm, vui chơi.
2 Lịch sử và ý nghĩa của lễ hội Ok Om Bok
2.1 Lịch sử hình thành lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần mặt trăng của người Khmer. Tương truyền rằng, người Khmer tin rằng mặt trăng là vị thần ban phát ánh sáng, giúp cây cối sinh sôi nảy nở, mang lại mùa màng bội thu và cuộc sống sung túc. Lễ hội này đã tồn tại từ hàng ngàn năm, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Khmer.
2.2 Ý nghĩa của lễ hội
Lễ hội Ok Om Bok là một phần cực kỳ quan trọng trong tín ngưỡng và văn hóa của người Khmer. Lễ hội này mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng:
- Tạ ơn Thần Mặt Trăng: Lễ hội là dịp để người Khmer bày tỏ lòng biết ơn với thần mặt trăng vì đã ban phước lành, giúp mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no.
- Cầu mong sự bình an: Người dân tổ chức lễ hội gửi gắm mong cầu Thần Mặt Trăng sẽ tiếp tục bảo vệ, che chở cho họ, mang lại mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an và hạnh phúc.
- Đoàn kết cộng đồng: Lễ hội Cúng Trăng Ok Om Bok là dịp để người đồng bào Khmer gặp gỡ, giao lưu, gắn kết tình cảm cộng đồng và cùng nhau tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.
3 Thời gian và địa điểm tổ chức Lễ Hội
3.1 Thời gian tổ chức lễ hội
Ngày rằm tháng 10 âm lịch, tức khoảng đầu tháng 11 dương dịch là thời gian chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa khô. Lúc này gió mùa Đông Bắc thổi về sẽ mang theo thời tiết mát mẻ, có chút se lạnh. Trong quan niệm của người Khmer, nhờ Thần Mặt Trăng điều hòa thời tiết nên mới mưa thuận gió hòa, đưa mưa đến giúp mùa màng tốt tươi, lúa về đầy kho, thóc đầy bồ. Vì vậy nên khi kết thúc mùa mưa, đồng bào Khmer sẽ tổ chức Lễ hội Ok Om Bok để cảm tạ Thần.
Lễ hội thường diễn ra vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm, khi mặt trăng tròn và sáng nhất. Lễ hội kéo dài từ chiều tối cho đến khuya với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú.
3.2 Địa điểm tổ chức lễ Cúng Trăng
Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer được tổ chức tại nhiều nơi trong tỉnh Trà Vinh. Trong đó tập trung đông đúc nhất là ở các chùa Khmer và những khu vực có đông người Khmer sinh sống như huyện Trà Cú, huyện Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh.
4 Các hoạt động chính trong lễ hội Ok Om Bok
4.1 Chuẩn bị lễ vật
Để chuẩn bị cho Lễ hội Ok Om Bok, người đồng bào Khmer sẽ cùng nhau chuẩn bị các loại nông sản vừa được thu hoạch trong vụ mùa như lúa nếp, rặng dừa sai trái, buồng chuối chín vàng, khoai, môn, hoa quả… Các nam nữ thanh niên Khmer chế biến nông sản thành những loại lễ vật cúng trăng. Trong đó, cốm dẹt là vật phẩm không thể thiếu, gắn với hình tượng tín ngưỡng về nền văn minh lúa nước của cộng đồng người Khmer.
4.2 Nghi lễ Cúng Trăng
Lễ Cúng Trăng là nghi lễ quan trọng nhất trong khuôn khổ lễ hội Ok Om Bok. Người dân sẽ chuẩn bị mâm cúng với đầy đủ lễ vật như cốm dẹp, chuối, dừa, bánh tét và trái cây. Lễ cúng được thực hiện trang nghiêm tại các chùa Khmer với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Ngoài ra, nhiều gia đình cũng tổ chức Cúng Trắng với quy mô nhỏ hơn, thể hiện lòng thành kính của biết ơn của mình.
Lễ Cúng Trăng bắt đầu khi mặt trăng lên cao. Lúc này người dân sẽ thắp hương, dâng lễ vật và cầu nguyện Thần Mặt Trăng ban phước lành, mang lại mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no. Sau khi cúng xong, mọi người cùng nhau ăn cốm dẹp và chia sẻ những lời chúc tốt đẹp cho nhau. Đây là nghi thức đặc trưng và quan trọng nhất trong lễ hội Ok Om Bok.
Trong lễ Cúng Trăng, chủ lễ sẽ đọc lời cầu nguyện như sau: “Hôm nay, ngày rằm tháng mười, chúng con xin kính dâng lễ vật đến Thần Mặt Trăng với lòng thành kính vô hạn. Nhờ Thần đã điều tiết khí hậu, làm cho mưa thuận gió hòa nên mới có mùa màng bội thu, người dân sống sung túc, ấm no”.
Sau khi nghi lễ Cúng Trăng kết thúc sẽ là lễ thả đèn. Những chiếc đèn gió to, làm bằng nan tre và vải, bên trong có bùi nhùi tạo lửa sẽ được đốt và thả bay lên trời. Theo quan niệm của người Khmer nói riêng và các dân tộc thuộc hệ văn minh lúa nước nói chung, lửa là phương tiện để con người có thể giao tiếp với thế giới thần linh. Vì thế nên sử dụng đèn gió bay lên sẽ có thể mang theo ước nguyện của con người gửi đến Thần Mặt Trăng. Nhưng ngày nay, theo MIA.vn tìm hiểu, vì sự an toàn chung, tránh phát sinh cháy nổ, nghi thức thả đèn gió đã không còn được thực hiện. Thay vào đó sẽ là nghi lễ thả hoa đăng tại Ao Bà Om. Những ánh nến lung linh trôi theo dòng nước tạo ra không khí huyền ảo suốt đêm lễ hội.
4.3 Các trò chơi dân gian
Lễ hội Cúng Trăng Ok Om Bok không thể thiếu các trò chơi dân gian, tạo nên không khí rộn ràng, tưng bừng. Một số trò chơi thú vị bạn có thể tham gia như:
- Đua ghe ngo là môn thể thao dưới nước sôi động, thu hút rất nhiều người tham gia. Trò chơi này như nghi thức truyền thống để người dân tạ ơn Thần Nước sau chu kỳ gieo cấy, thu hoạch, tiễn đưa Thần Nước về với biển cả ở thời điểm mùa mưa kết thúc, chuyển sang mùa khô.
- Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội Ok Om Bok còn có một số trò chơi thú vị khác như kéo co, đập nồi, đẩy gậy, đi cà kheo, chạy việt dã, bóng chuyền thanh niên dân tộc…
- Các tiết mục múa cổ truyền trên nền âm nhạc truyền thống của người Khmer được các nam thanh nữ tú biểu diễn.
Lễ hội Ok Om Bok là một trong những lễ hội văn hóa đặc sắc của người Khmer tại Trà Vinh, mang đậm nét truyền thống và ý nghĩa sâu sắc. Đây không chỉ là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với thần mặt trăng mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Hi vọng với những thông tin cẩm nang du lịch MIA.vn đã cung cấp, bạn sẽ sớm có dịp tham gia lễ hội để trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp văn hóa và con người nơi đây.