1Tổng quan về Lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự
Địa chỉ: Chùa Sùng Hưng – số 7 Trần Hưng Đạo, Dương Đông, Phú Quốc.
Thời gian diễn ra lễ hội: 30/7 Âm lịch hằng năm.
Sùng Hưng cổ tự là một ngôi chùa cổ rất lớn nằm gần Dinh Cậu Phú Quốc, được xây dựng theo phong cách dân gian. Trong chùa chia làm nhiều gian thờ cúng như: miếu thờ bà Chúa Xứ, tượng thờ Quan Âm Nam Hải, tượng thờ Nguyễn Trung Trực…
Cứ đến ngày 30/7 âm lịch hàng năm, Sùng Hưng cổ tự sẽ diễn ra lễ hội Trai Đàn với nhiều nghi thức như: Công Phu, thỉnh Tiêu Diện Thượng Giàn, Động Đàn…
2Giải thích ý nghĩa Lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự
Đại lễ Trai Đàn là một pháp hội cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn người chết không có ai thờ tự, không có nơi nương tựa, đang sống vất vưởng ở dưới nước và ở trên cạn.
Tập tục này có nguồn gốc từ đời nhà Đường ở Trung Quốc và được truyền qua Việt Nam bắt đầu từ thời nhà Lý. Theo niềm tin của người dân Phú Quốc, lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự nhằm cầu siêu cho người chết được siêu thoát và qua đó cũng cầu an cho người sống được an lạc.
3Những điều thú vị bên trong lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự
Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân Phú Quốc mang đồ đến chùa để thực hiện phát chẩn cho người nghèo. Các chủ ghe, thuyền chuẩn bị bánh, trái cây cho buổi lễ. Các gia đình khác trên đảo mang trái cây, nhang đèn đến chùa cúng bái để cầu mong yên bình cho gia đình là xóm làng.
Vào ngày diễn ra lễ hội, những lồng đèn kéo quân được bày ra giữa sân chùa, bên trong có đốt nến để rước cô/bác về chứng giám lòng thành của cư dân trên đảo và xin phù hộ bình an.
Chùa Sùng Hưng được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và hiện vẫn giữ được vẻ đẹp thiêng liêng vốn có. Khuôn viên chùa khá rộng, gồm các công trình: nhà thờ tổ, tòa chính điện… Các công trình Phật sự trong chùa được làm bằng mái lợp ngói âm dương và tường gạch từ năm 1924. Đây là ngôi chùa mang đậm lối kiến trúc dân gian “trức miếu, sau chùa” vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam.
Vào sâu hơn là ngôi chánh điện được xây trên nền đá cao khoảng 2m. Trong chánh điện là bàn thờ Tam Thế Phật. A Di Đà ngồi giữa, tả hữu có Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Phía sau bàn thờ được trang trí cảnh rồng lượn trong rất sống động.
Với quy mô và kiến trúc độc đáo, từ lâu chùa Sùng Hưng cùng với đình thần Dương Đông, Dinh bà Thủy Long Thánh Mẫu, Dinh Cậu đã trở thành cụm văn hóa tâm linh trên đảo Ngọc.
Khi đến Sùng Hưng Cổ Tự tham dự lễ hội, bạn không chỉ được tham quan quần thể văn hóa tâm linh với kiến trúc độc đáo và cổ xưa mà còn được nếm những mâm cỗ chay do chính Phật tử và người dân ở đây thiết đãi.
Lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự Phú Quốc được xem là một tín ngưỡng thờ cúng tâm linh của người dân đảo Ngọc. Nếu có dịp tham gia đại lễ trai đàn ở đây thì bạn hãy thử cảm giác trải nghiệm nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của cư dân huyện đảo nhé!