Đúng với tên gọi của mình, Lễ hội tế trời được tổ chức tại Đàn Nam Giao, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đàn Nam Giao được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 3 năm 1806 tại làng Dương Xuân, phía nam Kinh thành Huế, trong khuôn viên đất dài 390m, rộng 263m, trên vị thế cao ráo, thoáng đãng. Sau khi đàn hoàn thành, vua Gia Long chính là vị vua triều Nguyễn đầu tiên tổ chức lễ tế trời tại đây vào ngày 27 tháng 3 năm 1807.

Xem thêm: Lễ điện Hòn Chén - Sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cung đình

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 2

Đàn Nam Giao ngày nay đã được khôi phục phần nào hiện trạng

Trước kia, Đàn Nam Giao vốn là nơi các vị vua triều Nguyễn tổ chức lễ tết trời đất vào những ngày đầu xuân. Đàn Nam Giao triều Nguyễn là tổ hợp các công trình kiến trúc độc đáo, bao gồm Giao đàn, Trai cung, Trần trù và Thần khố. Trong khuôn viên hình chữ nhật có diện tích 390m x 260m, khu Đàn tế nằm yên bình giữa rừng thông xanh mướt với bốn mặt khuôn viên đều trổ cửa theo bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc, trong đó cửa Nam là cửa chính. Trước mỗi cửa đều được xây một bình phong bằng đá. Đàn Nam Giao gồm 3 tầng bằng gạch được xây chồng lên nhau, có cấu tạo và kích thước hài hòa, cân đối với các dạng thức và màu sắc khác biệt.

Tầng trên cùng là Viên đàn được xây theo hình tròn, tượng trưng cho Trời với 5 án thờ: chính giữa thờ Trời (Hiệu Niên Thượng Đế) và Đất (Hoàng địa kỳ), các án còn lại thờ Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế, Thế tổ Cao Hoàng đế, Thánh tổ Nhân Hoàng đế, Hiến tổ Chương Hoàng đế. 

Tầng giữa là Phương đàn, hay còn gọi là Tùng Đàn, xây theo hình vuông cao 2 thước 5 tấc, vuông 72 trượng với 8 án tòng tự (8 vị được dự thờ). Tầng dưới cùng xây hình vuông, cao 1 thước 9 tấc, vuông 130 trượng 7 thước với bốn mặt thềm đều bốn bậc.

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 3

Xung quanh đàn được bao quanh bởi những cây thông do các vị vua quan triều Nguyễn ngày trước vun trồng

Hiện nay, Đàn Nam Giao là đàn duy nhất còn hiện hữu tại Việt Nam, đồng thời là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong vô số những đàn tế cổ ở cố đô Huế ngày nay. Chính kiến trúc độc đáo và nghi thức của Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao đã giúp cho lễ tế này trở thành nét đẹp trong văn hóa cung đình xa xưa, được ghi chép trong rất nhiều tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn. Bởi thế nên đàn là một trong những điểm tham quan tại Huế được nhiều người yêu thích bậc nhất và thường xuyên có đông đảo mọi người ghé đến.

Sở dĩ xuất hiện lễ tế trời trong văn hóa cung đình nhà Nguyễn là bởi vì các triều đại quân chủ Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo. Trong đó, nhà vua được xem là Thiên tử - người tuân theo mệnh trời để trị vì dân chúng. Bởi thế nên việc làm lễ Tế Nam Giao (tế trời đất) luôn được các triều đại phong kiến coi trọng. Tuy nhiên, dưới triều đại nhà Nguyễn trị vì, Lễ tế trời đất mới chính thức trở thành nghi lễ quan trọng hàng đầu và được xếp vào hàng Đại tự, được tổ chức long trọng vào dịp đầu xuân.

Từ khi Đàn Nam Giao được xây dựng hoàn tất, hàng năm các vị vua triều Nguyễn đều tổ chức Lễ tế trời Đàn Nam Giao vào mùa xuân. Tính từ buổi lễ tế đầu tiên do vua Gia Long tổ chức vào năm 1807, cho đến khi triều Nguyễn kết thúc vào ngày 23 tháng 3 năm 1945, đã có tất cả 98 buổi Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao được tổ chức một cách trang trọng tại đây.

Sau dịp Tết nguyên đán, Khâm Thiên Giám – cơ quan trông coi lịch pháp dưới triều Nguyễn sẽ chọn ra một ngày tốt, sau đó dâng vua phê chuẩn. Khi đã chọn được ngày, triều đình sẽ tiến hành những công việc chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao.

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 4

Dọc hai bên đường vua đi qua, các hương thân kỳ lão của 6 huyện thuộc phủ Thừa Thiên bày hương án hai bên đường và lạy đón khi xa giá đi ngang

Cách ngày diễn ra lễ tế một ngày, bắt đầu từ canh 5, Cấm binh sẽ mang đầy đủ cờ xì, giáo mác, dàn bọc xung quanh đàn cả trong lẫn ngoài cũng như các khu vực khác tại đàn như Trần trù, Thần khố và Trai cung. Lính của các quân bộ Binh sẽ xếp hàng nghiêm ngặt vào vị trí phân định dọc hai bên đường xa giá của nhà vua đi qua, kéo dài từ Đại Nội đến bến Phu Vân Lâu, qua bến đò bờ nam sông Hương đến tận Đàn Nam Giao. Kỳ lão 6 huyện thuộc phủ Thừa Thiên bày hương án hai bên đường từ bến đò đến tận đàn sở, và phải quỳ đón và quỳ tiễn xa giá cho đến khi nhà vua yên vị tại Trai cung.

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 5

Sau khi đi hết ngự lộ dài 3km, nhà vua được rước vào Trai cung nghỉ ngơi, chuẩn bị cho lễ tế chính thức diễn ra vào hôm sau 

Đám rước bắt đầu vào lúc tản sáng trước ngày diễn ra lễ tế một ngày, mở đầu bằng việc thái giám bưng Đồng nhân trong phòng Trai cung điện Cần chánh bàn giao cho quan Thái Thường tự. Đồng nhân sẽ được rước lên đặt ở Trai cung tại Đàn Nam Giao. Cờ xí, gươm dựng lên phấp phới và xung quanh là hàng vạn binh lính, kỳ lão và dân chúng mọi miền nô nức đến xem. Vua sẽ lên đường đến Đàn Nam Giao với 3 đạo, gồm Tiền đạo, Trung đạo và Hậu đạo. Trong đó, Tiền đạo được dẫn đầu bởi hai thớt voi trang hoàng rực rỡ.

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 6

Trong lúc này, ở khu vực nhà bếp (Thần trù), các bước chuẩn bị quan trọng nhất cho Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao cũng gấp rút được hoàn thành. Các phẩm vật hiến tế được thực hiện dưới sự giám sát của các Đại thần thuộc Bộ Lễ và Thái tường tự - cơ quan chuyên đảm trách các lễ nghi quốc gia. 

Lễ vật dâng trong lễ tế gồm hàng trăm loại trái cây, hương hoa, trầm trà, bánh trái, đèn sáp và các vật không thể thiếu là tam sinh, gồm bò, lợn, dê. Các con vật tế được lựa chọn với tiêu chuẩn kỹ lưỡng, giết mổ theo trình tự cụ thể, đảm bảo sự thanh sạch trước khi hiến tế. 

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 7

Các tượng Đồng nhân sẽ được rước vào điện Cần Chánh trước Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao 3 ngày

Trong khi đó, tại các án thờ trên các tầng đàn, hàng trăm loại đồ thờ làm bằng đồng, gỗ, vàng, v.v. được bày biện theo quy định của điển lệ triều đình. Những món đồ thờ này chỉ được sử dụng trong Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao chứ không được dùng trong bất kì dịp nào khác. 

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 8

Hàng trăm đồ thờ bằng đồng, gỗ, vàng được bày biện theo quy định của điển lệ triều đình

Vào buổi chiều trước lễ tế sẽ diễn ra một buổi diễn tập với đầy đủ các trình tự như chính lễ. Ngoại trừ nhà vua, các quan chức có phận sự trong lễ tễ đều phải tham dự. 

Đến giờ lành, Phương đàn, Hạ đàn các hạng hương, đèn, trầm trà, các lễ phẩm trâu, bò, dê, đèn, lụa, vàng, ngọc, chén, bát, xuôi, rượu, v.v. sẽ được sắp xếp trang trọng, đầy đủ vào những chỗ đã quy định từ trước. Trong khi đó, các quan Phân hiến, Bồi tế, Chấp sự sẽ có mặt ở vị trí của mình. Ca công cung kính đứng chờ ở hai bên tả, hữu đàn. 30 viên quản cai, quản vệ, cai đội, hiệu úy của Thân binh, cấm binh dàn hàng hai bên Viên đàn. Hai bên bậc cấp Hạ đàn và Phương đàn với 8 viên quản vệ, cai đội lính Thân binh, Cấm binh giơ cao đèn, đuốc, kiếm chờ đón vua đến làm lễ.

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 9

Thanh Bình Thự - cơ quan chuyên trách về vũ nhạc triều đình - đảm nhận phần âm nhạc và vũ khúc

Trong ngày diễn ra lễ, vua cùng các đại thần sẽ sử dụng trang phục cổn miện được tham khảo từ quy chế của Trung Hoa và biến đổi để tạo dấu ấn riêng. Vua triều Nguyễn thường sử dụng áo cổn thêu 12 chương, mũ miện với 12 sợi lưu chỉ dành riêng cho hoàng đế để thể hiện sự tự tôn, độc lập,’ sánh ngang Bắc quốc’ của triều Nguyễn.

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 10

Vua và đại thần chuẩn bị trang phục chỉnh tề để thực hiện Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 11

Lễ tế trời diễn ra với trình tự nghiêm ngặt và lễ nghi cầu kì, kéo dài trong nhiều giờ từ trời còn tối và kết thúc vào lúc rạng sáng

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao thường kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ với trình tự nghiêm ngặt và lễ nghi cầu kỳ. Sau khi lễ hoàn tất, vua và tùy tùng sẽ lên kiệu trở lại hoàng cung. Khác với lúc xuất cung, đoàn ngự đạo sẽ đi trong im lặng cốt giữ sự trang nghiêm, thành kính. 

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 12

Lễ hoàn tất, nhà vua và đoàn tùy tùng lên kiệu trở về hoàng cung trong im lặng

Khi đoàn rước của vua đã về đến cung, nhạc và chiêng trống được tấu lên trong suốt quãng đường để báo hiệu với dân chúng Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao đã hoàn thành tốt đẹp, các ước nguyện về thiên hạ thái bình đã được các đấng siêu nhiên ghi nhận.

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn 13

Khung cảnh Đền Nam Giao ngày nay 

Tuy đã bị bỏ hoang từ năm 1945, tuy nhiên hiện nay Đàn Nam Giao đã được trùng tu phục hồi. Trong hành trình khám phá Huế yên bình, bạn có thể ghé đến tham quan đàn. Ngoài ra, trong mùa Festival Huế 2004, lần đầu tiên sau 60 năm văng bóng, Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao đã được phục dựng và trở thành điểm nhấn trong các mùa festival sau này. Nếu có dịp đến Huế vào những ngày diễn ra festival, bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội được chứng kiến lễ tế mang ý nghĩa đặc biệt này nhé.