1Đôi nét về Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo
Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo còn có tên gọi khác là Thiếu Gia Miếu, cách khu vực trung tâm thị trấn khoảng 4km về phía Bắc. Ngôi miếu này gần Bãi Đầm Trầu Côn Đảo, cách sân bay Cỏ Ống khoảng 800m. Vì thế ngay khi xuống máy bay, trên đường trở về trung tâm thành phố, bạn có thể ghé đến ngôi miếu này dâng hương lên hoàng Tử Cải.
Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo có diện tích khá nhỏ, toàn bộ khu gian thờ chỉ rộng khoảng 10m2. Phía sau miếu là nơi chôn cất thi hài của hoàng tử, khuôn viên xung quanh là sân vườn rộng, có ghế đá cho khách tham quan dừng chân nghỉ ngơi.
Xem thêm: Hành trình khám phá Miếu Bà Ngũ Hành (Miếu Năm Cô) Côn Đảo
2Truyền thuyết về Miếu cậu Hoàng Tử Cải
“Gió đưa cây Cải về trời / Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”
Đây là câu ca đã rất quen thuộc với người dân Côn Đảo, cũng chính là câu chuyện bi thương gắn liền với Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo. Năm 1783, khi quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Quang Trung đã giành thắng lợi, khiến vua Gia Long - Nguyễn Ánh phải đưa theo vợ con trong đó có thứ phi Phi Yến, Hoàng tử Cải, cùng khoảng 100 gia đình trốn lên Côn Đảo. Tại đây, họ đã lập nên 3 làng là Cỏ Ống, Hải An và An Hội.
Lúc này, Nguyễn Ánh đã có ý định cầu viện quân Pháp để chống quân Tây Sơn, giành lại ngai vàng. Tuy nhiên ý định này đã bị thứ phi Phi Yến hết sức can ngăn, vì theo bà chuyện nội chiến này là chuyện của dân tộc mình, không nên nhờ đến ngoại bang, như vậy là “cõng rắn cắn gà nhà”, dù đến cuối cùng có giành được thắng lợi thì cũng sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về chủ quyền quốc gia sau này. Tuy nhiên, ý kiến của bà đã khiến Nguyễn Ánh tức giận, cho rằng bà thông đồng với quân Tây Sơn nên đã ra lệnh xử tử.
Sau đó, nhờ quan viên can gián, với lý do hoàng tử Cải - con trai thứ phi còn nhỏ nên Nguyễn Ánh đã rút lại lệnh xử tử. Dù vậy, tội chết có thể miễn nhưng tội sống không thể tha, thứ phi Hoàng Phi Yến đã bị giam vào một hang đá hoang vu ở phía Tây Nam Côn Đảo. Bà chỉ được cho một ít thức ăn và nước uống, dùng đá lớn lấp kín cửa hang. Đến khi quân Tây Sơn đánh lên đảo, Nguyễn Ánh đã bỏ mặc vợ, đưa tùy tùng và hoàng tử Cải lên thuyền ra Phú Quốc chạy trốn.
Lúc này, dù hoàng tử Cải chỉ mới 5 tuổi nhưng là một đứa trẻ rất thông minh, thương mẹ nên đã cầu xin vua cha thả mẹ ra và đưa bà đi cùng, nếu không hoàng tử sẽ không đi theo. Quá lo lắng và tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con trai xuống biển, thi thể của cậu trôi dạt vào làng Cỏ Ống. Thương xót trước số phận bất hạnh của một hoàng tử hiếu thảo, dân làng đã chôn cậu gần bãi Đầm Trâu, rồi xây miếu để nhang khói thờ phụng cậu.
Sau đó, thứ phi Phi Yến được dân làng cứu ra, nhưng số phận bi thương cũng đẩy bà vào cảnh tủi nhục nên đã tự kết liễu đời mình năm 24 tuổi. Từ đó, người dân Côn Đảo truyền lại nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của hai mẹ con thứ phi, đã nhiều lần hiển linh giúp dân chúng thoát cảnh lầm than. Do đó mà hai ngôi miếu là An Sơn Miếu (Miếu bà Phi Yến) Côn Đảo và Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo đến ngày nay vẫn nghi ngút khói hương, là điểm tựa tinh thần, bảo hộ, che chở cho người dân tại hòn đảo này.
3Điều gì làm nên sự thu hút khách tham quan của Miếu cậu Hoàng Tử Cải?
Người dân Côn Đảo tin rằng hoàng tử Cải qua đời khi còn nhỏ, cậu lại là một đứa bé rất thông minh, hiếu thảo, khi mất đi còn được người dân chôn cất, lập miếu thờ nên lại càng linh thiêng. Vì vậy, chỉ cần thành tâm và lương thiện thì khi đến viếng Miếu Cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo sẽ được phù hộ, che chở cho sức khỏe dồi dào, nhiều may mắn và gặt hái được thành công trong cuộc sống, công việc.
Bên cạnh đó, theo nhiều người truyền tai nhau thì bệnh tật đến miếu Hoàng Tử Cải cầu nguyện cũng có thể được thuyên giảm phần nào. Ngay trước miếu đặt tượng hai con ngựa trắng rất thiêng nên có một mẹo là bạn đi vòng qua hai con ngựa, nam đi 7 vòng còn nữ đi 9 vòng sẽ chữa được các bệnh về xương khớp.
Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh Côn Đảo mà còn sở hữu không gian rất thanh bình, mát mẻ. Khu vực khuôn viên quanh miếu trồng rất nhiều cây xanh mát mẻ, những thân cây cổ thụ rợp bóng mát. Miếu được người dân chăm sóc, dọn dẹp hàng ngày nên rất sạch sẽ, bạn có thể đến đây dâng hương rồi ngồi lại nghỉ chân cũng rất lý tưởng.
Nếu ngày thường đến Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo sẽ khá vắng lặng, bạn có thể vãn cảnh, chụp hình, nghỉ chân thì đến đây vào ngày giỗ hoàng tử không khí sẽ rất tưng bừng, náo nhiệt. Ngày 22/10 âm lịch, người dân Côn Đảo sẽ cùng nhau làm giỗ cho hoàng tử xấu số, mâm lễ với đầy đủ đồ ngọt, đồ mặn, hoa v.v.
Nếu đến miếu vào dịp này thì bạn có thể mua đồ lễ để dâng lên hoàng tử, mong cầu những điều may mắn và bình an. Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng người dân thực hiện các công tác chuẩn bị lễ hội, cùng dọn dẹp khuôn viên, nấu lễ và ăn uống, giao lưu.
4 Những lưu ý khi tham quan Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo
Khi đến Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo, bạn cần chọn trang phục lịch sự, kín đáo. Trong quá trình tham quan, bạn cũng nên chú ý không nô đùa, cười giỡn lớn tiếng, gây ảnh hưởng đến không khí linh thiêng, trang nghiêm nơi đây.
Theo người dân địa phương thì miếu Hoàng Tử Cải rất linh thiêng, bạn có thể đến đây cầu con cái, cầu tài lộc, cầu sức khỏe. Nếu muốn dâng lễ thì bạn nên chuẩn bị hương hoa, bánh kẹo, trái cây, vàng mã, có thể thêm cả các món đồ chơi mà trẻ con thích. Bên cạnh thắp nhang tại miếu thờ thì bạn nên lại mộ hoàng tử ngay phía say miếu để khấn bái.
Sau khi tham quan Miếu Hoàng Tử Cải, bạn có thể kết hợp ghé đến bãi Đầm Trâu nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ hoặc qua An Sơn Miếu để dâng hương bà Phi Yến vì đây cũng là ngôi miếu nổi tiếng với sự linh thiêng và được người dân Côn Đảo rất tin tưởng.
Trên đây là một vài thông tin về Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo từ cẩm nang du lịch MIA.vn. Trong hành trình du lịch tâm linh Côn Đảo, MIA.vn tin rằng đây là một trong những điểm đến mà bạn không thể bỏ lỡ.