Địa chỉ: 49 Hai Bà Trưng, phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang

Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần, từ 8h đến 16h

Giá vé: miễn phí

Số điện thoại liên hệ: 0273 3 841 057

Gò Công Tiền Giang quả thật là một địa điểm “vàng” đối với các tín đồ đam mê xê dịch, đặc biệt là những ai yêu thích khám phá nét đẹp của lối kiến trúc các thập niên trước. Không chỉ gây thương nhớ với ngôi thánh đường Nhà thờ Cái Bè nằm yên bình nơi ngã ba sông hay Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác với kiến trúc cổ kính đầy ấn tượng, Tiền Giang vẫn còn đó những ngôi nhà cổ với nét đẹp hài hòa.  Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến Nhà Đốc Phú Hải, ngôi nhà cổ với tông vàng chủ đạo đã vinh dự được công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

Xem thêm: Khám phá Mỹ Tho Tiền Giang với một loạt các điểm đến thú vị

Nằm yên bình nơi mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Nhà Đốc Phú Hải với lối kiến trúc Đông Tây kết hợp hài hòa đã luôn là một điểm sáng, thu hút mọi người càng ghé đến xứ Gò Công hoài cổ này nhiều hơn cả. Hiện nay, Nhà Đốc Phú Hải vẫn còn nguyên vẹn lối kiến trúc thuở ban đầu cùng những cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về lối sống vương giả, quyền quý của gia đình Đốc phủ ngày trước trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đồng thời là giai đoạn nhiễu nhương của dân tộc.

Ấn tượng Nhà Đốc Phú Hải với quy mô bề thế, phản ánh cuộc sống vương giả của tầng lớp phú hộ thời xưa. Video: HUU THIEN VLOG

Tọa lạc ngay mặt tiền đường Hai Bà Trưng, thế nên theo cuốn sổ tay Cẩm nang du lịch của MIA.vn, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến ngôi nhà cổ đầy thú vị bằng xe máy hoặc xe hơi đều được.

Nếu muốn chủ động hơn về mặt thời gian và tiện dừng lại, chụp ảnh, ngắm cảnh hai bên đường, vậy thì xe máy sẽ là “người bạn đồng hành” đầy lý tưởng. Bạn có thể tham khảo qua các điểm cho thuê xe máy ở Tiền Giang mà MIA.vn gợi ý để tìm cho mình lựa chọn phù hợp nhất. Các cửa hàng cho thuê xe uy tín hiện nay có thể kể đến My Tho Motorbikes Rental, thuê xe Lịch Thình, thuê xe Lương Hường, v.v với mức giá dao động từ 120.000 VNĐ đến 150.000 VNĐ / ngày tùy theo loại xe mà bạn chọn.

Theo nhiều người kể lại, Nhà Đốc Phú Hải vốn là do bà Trần Thị Sanh, con gái của Bá hộ Trần Văn Đồ, vợ ông Trương Định cho khởi công xây dựng vào khoảng năm 1890. Ngôi nhà đã trải qua nhiều lần tu bộ và đại trùng tu, sau đó được chia thành ba phần với nhà chánh và hai gian nhà vuông làm chỗ ở cho gia đinh và kho thóc của gia đình, thay cho hình dạng chữ Đinh ban đầu.

Sau này, khi chồng qua đời, bốn năm sau bà Sanh vào chùa xuất gia nên ngôi nhà đã được sang quyền sở hữu cho cô con gái là Dương Thị Hương cùng chàng rể Huỳnh Đình Ngươn, tri huyện huyện Trường Bình. Lúc này, nhà được người dân quen gọi với cái tên là nhà Ba Huyện.

Về sau, vợ chồng Ba Huyện chuyển quyền sở hữu của ngôi nhà cho vợ chồng con gái Huỳnh Thị Diệu và Nguyễn Văn Hải, vốn là Đốc phủ sứ lúc bấy giờ. Từ lúc đó, nhà đã được đổi tên thành Nhà Đốc Phú Hải và giữ cho đến ngày nay.

Từ năm 1980 đến 1999, nhà được trưng dụng làm khu nhà truyền thống của thị xã, đến năm 2000 mới được đổi tên thành Nhà Đốc Phú Hải như cũ. Đến năm 1994, Nhà Đốc Phú Hải vinh dự được cấp bằng Di tích Quốc gia “Lịch sử - Văn hóa” và thuộc quyền quản lý của Trung tâm Văn hóa – Thể thao Thị xã Gò Công. 

Hiện nay, Nhà Đốc Phú Hải được mở cửa để mọi người ghé đến tham quan, chiêm ngưỡng, đồng thời còn được dùng làm phim trường của các bộ phim đậm chất miền Tây sông nước như Nợ đời, Lòng dạ đàn bà, Khóc thầm hay Cay đắng mùi đời, v.v.

Là công trình nhà cổ được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Nhà Đốc Phú Hải sở hữu nét đẹp hài hòa giữa hai nền kiến trúc Đông Tây và văn hóa Pháp – Việt. Chính vì lý do đó nên nơi này đã luôn là một trong những điểm đến lý tưởng dành cho những ai yêu thích khám phá kiến trúc.

Nếu có dịp đến với Nhà Đốc Phú Hải, bạn chắc chắn sẽ phải ấn tượng trước vẻ đẹp của nơi này. Nhà Đốc Phú Hải vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay, thế nên ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến, bạn sẽ cảm nhận được sự khoáng đạt, vương giả quyền quý trong toàn bộ không gian.

Quả thật không sai khi nói rằng Nhà Đốc Phú Hải là công trình độc đáo ở đất Gò Công, bên cạnh một Di tích Lăng mộ Hoàng Gia cũng nổi bật chẳng kém với lối kiến trúc triều Nguyễn. Khu vực tiền sảnh ngôi nhà toát lên vẻ đẹp đậm nét phương Tây với phần cửa hình vòm cung và chạm khắc nhiều chi tiết hoa văn nổi một cách tinh tế, tỉ mẩn trên phần đầu cột và vòm cửa.

Tiếp tục đi sâu vào bên trong nhà, bạn sẽ nhìn thấy sự hài hòa của lối kiến trúc Đông Tây trong toàn bộ không gian. Trái ngược với khu vực tiền sảnh với phần cửa vòm cung và lát gạch theo phong cách Pháp, gian trong nhà lại đậm đà dấu ấn truyền thống khi sử dụng gỗ làm vật liệu chính. 

Khu vực nhà chính được xây theo lối ba gian hai chái truyền thống và lợp ngói âm dương. Toàn bộ căn nhà được chống đỡ với hệ thống 36 cây cột với 30 cây làm hoàn toàn từ các loại gỗ quý. Phần kết nối giữa các cột gỗ chính là bộ bao lam cũng làm từ gỗ với hai phần mặt được chạm khắc tinh xảo các hình dáng trang trí với chủ đề tứ linh, tứ quý, bát bửu, tạo nên nét vương giả cho toàn bộ không gian nhà.

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 2

Nhà Đốc Phú Hải nổi bật với lối kiến trúc Đông Tây giao hòa và tông màu vàng chủ đạo

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 3

Khuôn viên bên ngoài được trồng vô số loại cây xanh

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 4

Phía tiền sảnh của nhà được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây với hình vòm và chạm khắc những họa tiết trang trí tinh xảo

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 5

Phần tiền sảnh phản ánh rõ nét kiến trúc phương Tây là thế, tuy nhiên gia chủ cũng đã chấm phá khéo léo với những họa tiết chạm trổ tinh xảo để tôn vinh vẻ đẹp Đông Tây hài hòa, sang trọng

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 6

Phần mái được lợp ngói âm dương theo kiểu xếp chồng

Không chỉ thu hút mọi người với lối kiến trúc Đông Tây giao thoa hài hòa, hiện nay Nhà Đốc Phú Hải vẫn còn trưng bày các cổ vật có giá trị thẩm mỹ cao. Các bộ đồ dùng quý trong nhà như tủ, ghế được khảm xà cừ, bàn đá làm từ cẩm thạch, các món đồ sứ Trung Quốc, Việt Nam hoàn thành từ những năm thuộc thế kỷ XVII, XVIII vẫn còn được trưng bày tại đây để mọi người có dịp chiêm ngắm. 

Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến chiếc giường Thất Bảo được lát hoàn toàn từ đá cẩm thạch rực rỡ sắc màu. Phần chân giường được chạm họa tiết hoa lá nổi và khảm xà cừ. Trong khi đó, hai bộ đi văng lại được đúc hoàn toàn từ đá cẩm thạch vân màu trắng đen toát lên sự quyền quý, vương giả của lối sống quan lại ngày trước. Ngoài ra cũng không thể không kể đến những bức tranh được vẽ trên kính cùng hai bộ tranh đính hạt cườm bằng nhung đỏ cùng 8 tấm tranh thêu các chủ đề có ý nghĩa sung túc, thịnh vượng như mai, lan, cúc, trúc và xuân, hạ, thu, đông.

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 7

Không gian bên trong Nhà Đốc Phú Hải vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống với hệ thống 36 cột chống đỡ, trong đó có 30 cột được đúc hoàn toàn từ gỗ quý

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 8

Các cổ vật quý được trưng bày hiện nay. Các đồ vật trong Nhà Đốc Phú Hải hầu hết được làm từ đá quý, cẩm thạch, gỗ và khảm xà cừ cùng các họa tiết hoa văn chạm khắc tinh xảo

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 9

Tất cả đồ vật trong nhà đều phản ánh lối sống vương giả, quyền quý ngày xưa của tầng lớp phú hộ, quan lại

Nhà Đốc Phú Hải, nơi giao thoa đầy ấn tượng của kiến trúc Đông Tây 10

Không gian bên trong ngôi nhà đậm nét truyền thống Việt khi lót gạch hoa cùng hệ thống cửa gỗ sang trọng, bền chắc theo thời gian

Nhà Đốc Phú Hải với nét đẹp Đông Tây hài hòa đã luôn là một trong những điểm đến thu hút mọi người nếu có dịp ghé về vùng đất Gò Công trù phú. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về nếp sống của giới quan lại, địa chủ của vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày trước, MIA.vn tin rằng Nhà Đốc Phú Hải sẽ là điểm dừng chân lý tưởng nhất.