1 Hòn Vọng Phu là gì? Ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa Việt
Giữa lòng thiên nhiên hoang sơ của đất Việt, có những ngọn núi, vách đá mang hình dáng người phụ nữ bồng con, đứng lặng lẽ hướng mắt về nơi xa xăm. Dân gian gọi đó là Hòn Vọng Phu – tức “núi trông chồng”. Không biết từ bao giờ, những khối đá ấy đã trở thành biểu tượng bất diệt của lòng chung thủy, của nỗi chờ đợi thầm lặng mà mãnh liệt.
Truyền thuyết kể rằng có một người phụ nữ tiễn chồng ra trận, mỗi ngày đều bồng con lên núi ngóng chờ. Tháng năm trôi qua, nàng hóa đá giữa trời, nhưng hình bóng ấy vẫn kiên định hướng về nơi chồng đi. Hình tượng ấy xuất hiện không chỉ trong dân gian, mà còn đi sâu vào thi ca, hội họa, âm nhạc. Nhạc phẩm “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương là minh chứng rõ nét. Đây là một bản tình ca đầy bi ai nhưng cũng rất đỗi kiêu hãnh dành cho người phụ nữ Việt.

Hòn Vọng Phu gắn liền với hình ảnh người vợ bồng con mòn mỏi ngóng trông người chồng từ phương xa trở về. Ảnh: Tạp chí Herritage
Đi dọc chiều dài đất nước, ta dễ bắt gặp những khối đá kỳ lạ được người dân gọi là Hòn Vọng Phu. Mỗi nơi có một dáng hình riêng, một truyền thuyết riêng, nhưng tất cả đều cùng chung một cảm xúc là sự thủy chung, đợi chờ và khát khao đoàn tụ. Hãy cùng nhau khám phá top các Hòn Vọng Phu nổi bật nhất tại Việt Nam, những nơi không chỉ đẹp bởi tạo hóa mà còn sâu lắng bởi những gì ẩn chứa trong lòng đá.
2 Những Hòn Vọng Phu trải dài khắp chiều dài đất nước
2.1 Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn – Truyền thuyết nơi vùng biên ải
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn, núi Tô Thị là nơi gắn liền mật thiết nhất với hình tượng Hòn Vọng Phu trong tâm thức người Việt. Trên đỉnh núi cao, có một mỏm đá nổi bật, mang dáng dấp của một người phụ nữ bồng con đứng quay mặt về phương Nam, ánh mắt dõi xa xăm như tìm kiếm một bóng hình. Bao quanh là cảnh sắc núi non trùng điệp, động Tam Thanh nổi tiếng, sông Kỳ Cùng lặng lẽ trôi và những vệt sương giăng mờ huyền ảo khiến nơi đây càng thêm huyễn hoặc.

Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn với khung cảnh ruộng đồng bạt ngàn thẳng tắp bên dưới. Ảnh: vietnam.vn
Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe khách đến TP. Lạng Sơn (khoảng 3 – 4 giờ đồng hồ), sau đó đi taxi hoặc xe máy đến động Tam Thanh. Leo theo những bậc đá cổ dẫn lên đỉnh núi, bạn sẽ thấy tượng đá Tô Thị lặng thinh giữa trời xanh. Thời điểm đẹp nhất để ghé là vào mùa xuân và thu, khi thời tiết dịu mát và sương mù buổi sớm tạo nên vẻ huyền bí đặc trưng.
2.2 Hòn Vọng Phu ở Bình Định với hình ảnh người phụ nữ bồng con
Khác với hình ảnh u tịch của Lạng Sơn, Hòn Vọng Phu ở Bình Định lại mang dáng vẻ hùng vĩ, sừng sững giữa mây trời biển cả. Nằm ở dãy núi An Trường thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, khối đá ở đây bao gồm ba tầng xếp chồng lên nhau. Tầng trên cùng hiện lên rõ nét hình người phụ nữ bồng con đứng thẳng, mặt hướng ra khơi xa.
Người dân địa phương kể rằng, từ thời chồng nàng ra trận theo nhà Nguyễn, nàng đứng trên núi mỗi ngày ngóng về phía biển mong tin. Mãi cho đến khi thân thể nàng hóa đá, gió vẫn thổi tung áo, như thể người phụ nữ ấy vẫn chưa từng rời bỏ niềm hy vọng.

Hòn Vọng Phu Bình Định hiên ngang đứng vững giữa đất trời. Ảnh: Cù Lao Xanh
Từ TP. Quy Nhơn, bạn có thể đi theo quốc lộ 19B khoảng 40km về phía Bắc. Đường đến tuy không quá khó nhưng vẫn còn khá hoang sơ, thích hợp với người thích trải nghiệm thiên nhiên thuần khiết. Cảnh quan nơi đây vừa có núi, có rừng, có biển tạo nên một phông nền vừa trầm mặc vừa khoáng đạt.
Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 8 là thời điểm lý tưởng để tham quan, vì trời trong và đường đi dễ hơn. Đặc biệt, lúc bình minh hoặc hoàng hôn, ánh nắng nhuộm lên phiến đá một màu vàng cam huyền ảo khiến khung cảnh thêm phần kỳ diệu.
2.3 Hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa giữa núi đá cổ An Hoạch
Ít ai biết rằng chỉ cách trung tâm TP. Thanh Hóa vài cây số về phía Tây, trong quần thể núi đá vôi An Hoạch (còn gọi là núi Nhồi), cũng có một Hòn Vọng Phu trầm mặc, cổ kính. Tảng đá nơi đây không quá cao, nhưng nhô hẳn lên giữa sườn núi, dáng đứng nhỏ nhắn, rõ ràng là một người phụ nữ đang ôm con trong lòng, đầu ngẩng lên như đang khẩn thiết nguyện cầu. Xung quanh là những khối đá lớn dựng đứng, cỏ cây mọc chen chúc, tạo cảm giác vừa nguyên sơ vừa linh thiêng.
Truyền thuyết nơi đây kể rằng người phụ nữ ấy chờ chồng đi trận về, nhưng chẳng bao giờ thấy bóng dáng quen thuộc ấy nữa. Dân làng sau này lập am thờ, gọi là Am Vọng Phu. Ngày nay, am vẫn còn tồn tại như một minh chứng cho lòng chung thủy của người xưa.

Hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa trầm mặc đứng yên giữa nơi núi đá cổ An Hoạch. Ảnh: Báo Người Lao Động
Bạn có thể đi xe máy hoặc taxi từ trung tâm thành phố chưa đầy 15 phút là tới. Ngày nay, con đường vào khu núi đã được trải nhựa, khá dễ đi, phù hợp với nhiều loại phương tiện. Thời gian lý tưởng để khám phá là vào khoảng tháng 9 đến tháng 12. Đây là lúc trời dịu, ít mưa và ánh sáng rất đẹp cho những bức ảnh check-in xịn sò.
2.4 Hòn Vọng Phu ở Khánh Hòa với dáng vẻ đơn độc giữa biển trời
Nằm tại vùng biển Vạn Ninh, cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 60 km về phía Bắc, Hòn Vọng Phu ở Khánh Hòa có lẽ là một trong những nơi ít được biết đến nhất. Tuy nhiên, với những ai đam mê vẻ đẹp nguyên sơ, nơi đây chính là điểm dừng chân xứng đáng. Hòn đá mang hình dáng người phụ nữ gầy guộc, đứng thẳng giữa biển xanh, phía sau là dãy núi kéo dài bất tận, phía trước là mặt biển mênh mông.
Không có câu chuyện cụ thể nào được truyền lại, nhưng người dân vẫn quen miệng gọi đây là "đá mẹ trông chồng". Đây như là một cách giữ gìn một niềm tin thiêng liêng nơi cửa biển. Đứng trước khối đá đơn độc ấy, cảm giác cô đơn lại trở nên ấm áp hơn phần nào.

Hòn Vọng Phu ở Ninh Hòa với dáng vẻ cô độc giữa biển trời. Ảnh: Vietnam.vn
Để đến đây, bạn có thể đi xe máy theo quốc lộ 1A về hướng Bắc, sau đó rẽ vào địa phận xã Vạn Thọ. Từ bãi biển Bãi Tiên, bạn có thể nhìn thấy hòn đá này từ xa, hoặc thuê thuyền của ngư dân ra gần để chiêm ngưỡng cận cảnh. Thời gian lý tưởng để tham quan là từ tháng 3 đến tháng 7, khi biển lặng, nắng dịu, sóng yên.
2.5 Hòn Vọng Phu ở Quảng Ngãi giữa đại ngàn thinh lặng
Ẩn mình sâu trong dãy Trường Sơn, thuộc vùng núi phía Tây huyện Sơn Tây – Quảng Ngãi, có một cụm đá mà người Hrê gọi là Hòn Vọng Phu. Câu chuyện lưu truyền trong cộng đồng người Hrê kể về một người phụ nữ chồng đi chiến trận, nàng dắt con lên núi tìm chồng, đi mãi đến khi kiệt sức mà hóa đá. Họ không chỉ tin mà còn thờ như thần linh, mỗi năm còn có tục cúng đá cầu mùa, cầu duyên.
Không giống những nơi khác, nơi đây hoàn toàn không được khai thác du lịch, đường đến vẫn còn mờ mịt, chủ yếu là lối mòn dân bản đi lại. Tuy nhiên, nếu bạn là người mê khám phá và có chút sức bền trekking, hành trình này rất đáng để thử.
Tảng đá ở đây cao khoảng 4 – 5 mét, thân hình thanh mảnh, đứng im lặng giữa bạt ngàn cây cối. Bao quanh là rừng già, suối róc rách, tiếng chim hót rộn ràng. Cảm giác như Hòn Vọng Phu này không chỉ đứng chờ mà còn là một phần của núi rừng, hòa vào tự nhiên không tách rời.
Thời điểm nên đi là vào mùa khô, từ tháng 2 đến tháng 5, khi trời không mưa và đường mòn không trơn trượt. Tuy nhiên, bạn nên đi cùng người bản địa để tránh lạc và đảm bảo an toàn.
2.6 Hòn Vọng Phu ở Đắk Lắk sừng sừng giữa núi cao lộng gió
Giữa vùng cao nguyên đầy nắng gió, đỉnh núi Chư H’Mư thuộc huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk, là nơi tồn tại một khối đá được người dân bản địa gọi là Hòn Vọng Phu. Khối đá nằm chênh vênh gần đỉnh núi, có hình dáng như người phụ nữ đứng đơn độc, lặng lẽ giữa đất trời bao la. Điều kỳ diệu là từ xa nhìn lên, tảng đá như đang trông về phía mặt trời lặn, như thể người phụ nữ ấy đang bám theo ánh dương cuối ngày để tìm kiếm dấu vết người chồng đã rời đi từ lâu.
Người Ê Đê trong vùng kể rằng, đây là tảng đá hóa thân từ một người vợ dân tộc, ngày ngày trèo lên núi cao nhất trong vùng để hướng về cánh rừng nơi chồng bị giặc bắt đi. Nàng chờ mãi đến khi kiệt sức và hóa đá trên đỉnh núi ấy, trở thành “mắt núi” của dân làng.

Hòn Vọng Phu nơi đại ngàn Đắk Lắk gắn liền với câu chuyện người vợ mong mỏi trông theo ánh mặt trời đợi chờ người chồng trở về. Ảnh: Tripzone.vn
Để đến đây, bạn có thể xuất phát từ Buôn Ma Thuột, đi theo quốc lộ 26 khoảng 100 km về phía Đông đến huyện M’Đrăk, sau đó hỏi đường dân địa phương để trekking lên núi. Vì độ cao hơn 2.000m, đây là hành trình khá vất vả, phù hợp với những người có sức khỏe tốt và đam mê khám phá. Thời điểm lý tưởng là từ tháng 12 đến tháng 3, khi khí hậu khô ráo và mát mẻ, dễ leo núi.
Trên khắp đất nước, có nhiều nơi sở hữu những khối đá được gọi là Hòn Vọng Phu, mỗi nơi là một hình dáng khác nhau, một truyền thuyết riêng biệt. Nhưng tất cả đều truyền tải chung một thông điệp: tình yêu và lòng thủy chung vượt qua cả thời gian. Nếu có dịp, đừng ngần ngại xách balo lên và đi khám phá những danh thắng đặc biệt này nhé!