Thành phố Hồ Chí Minh là một vùng đất khá đông đúc cư dân sinh sống. Vì thế, nơi đây cũng tập trung nhiều cơ sở tôn giáo, trong đó có các ngôi chùa. Một trong những ngôi chùa ở Quận 10 được nhiều tín đồ tôn giáo ghé thăm và chiêm bái chính là Chùa Ấn Quang. Hãy cùng Cẩm nang du lịch MIA.vn tìm hiểu những dấu ấn đặc trưng của Chùa Ấn Quang khiến nhiều bạn trẻ phải tìm đến và khám phá nhé!
1 Chùa Ấn Quang - Ngôi chùa quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
1.1 Chùa Ấn Quang ở đâu?
Địa chỉ: 243 Sư Vạn Hạnh, Phường 9, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh
Chùa Ấn Quang còn được gọi là Tổ đình Ấn Quang là địa điểm tôn giáo được nhiều tín đồ tâm linh đến chiêm bái. Nơi đây được xây dựng vào năm 1948 và đãi trải qua hơn 70 năm tồn tại và phát triển.
Tuy không phải là một ngôi chùa khá lâu năm, thế nhưng Chùa Ấn Quang vẫn giữ một vai trò quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Không chỉ là một địa điểm để người đời đến chiêm bái, Chùa Ấn Quang còn là trường dạy Phật học và nơi đặt trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
1.2 Lịch sử hình thành và phát triển của Chùa Ấn Quang
Năm 1948, Hòa thượng Thích Trí Hữu từ chùa Linh Ứng Đà Nẵng đã vào Nam và cho xây dựng Chùa Ấn Quang. Thuở bấy giờ, chùa chỉ là một nơi thờ tự nhỏ được lợp bằng lá và có tên là Ứng Quang Tự. Hòa thượng Thích Trí Hữu đã mở các lớp dạy học cho các tăng sinh trẻ tuổi hơn và kể từ đó, chùa trở thành một Phật đường học có quy mô nhỏ.
Từ năm 1950, chùa được giao quyền quản lý cho Hòa thượng Thích Thiện Hòa sau khi ông đi du học về. Từ đó, ông cho xây dựng lại chánh điện của ngôi chùa theo kiểu của Chùa Từ Đàm ở Huế. Kể từ thời điểm đó, ông đã có quá trình gắn bó với sự phát triển của Chùa Ấn Quang cho đến ngày nay.
2 Hướng dẫn di chuyển đến Chùa Ấn Quang
Chùa Ấn Quang tọa lạc trên một tuyến đường khá sầm uất tại trung tâm Quận 10 nên cũng khá tiện trong việc di chuyển của các tín đồ du lịch. Bạn có thể tự do di chuyển theo sự hướng dẫn của Google Maps hoặc sử dụng xe buýt để đi đến đây. Sau đây là một số tuyến xe buýt đi ngang Chùa Ấn Quang mà MIA.vn đã tổng hợp được, bạn có thể tham khảo.
- Xe buýt số 10: Bến xe Miền Tây - Đại học Quốc gia
- Xe buýt số 150: Bến xe Chợ Lớn - Tân Vạn
- Xe buýt số 27: An Sương - Âu Cơ - Công viên 23/9
- Xe buýt số 38: KDC Tân Quy - Đầm Sen
3 Dấu ấn kiến trúc độc đáo của Chùa Ấn Quang
Chùa Ấn Quang hiện nay là trụ sở chính của Phật đường học nên bề ngoài cũng khá khang trang. Chùa được xây dựng thêm dãy lầu nhà tổ và xây lại dãy lầu giảng đường và tôn tạo Chánh điện. Trải qua năm tháng thay đổi và phát triển, Chùa Ấn Quang còn có thêm nhà in Sen Vàng, xưởng in Bồ Đề, cùng với đó là thư viện, nhà xuất bản và nhà phát hành Hương đạo phục vụ cho nhu cầu.
Chùa được xây dựng đồ án của Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện với điện Phật được bày trí một cách tôn nghiêm. Bên trong chánh điện chùa có nhiều bức tượng được điêu khắc và bày trí đẹp đẽ. Nổi bật trong không gian là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni với dáng ngồi khá an yên nhưng cũng vô cùng tôn nghiêm. Bên trong chùa còn có tượng Tổ sư Đạt Ma làm bằng gỗ và bức tranh sơn mài Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền do nghệ nhân Trương Văn Thanh thực hiện.
Trải qua nhiều năm tháng, Chùa Ấn Quang vẫn là một cơ sở Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều Phật tử đến tu tập, chiêm bái và khám phá dấu ấn kiến trúc đẹp đẽ.