Địa chỉ: ấp 1, đường Lò Lu, xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Giờ mở cửa: 7h00 - 17h00

Nếu đã lỡ phải lòng Làng nghề gốm sứ Bình Dương thì Lò lu Đại Hưng (hay còn gọi là Lò gốm cổ Đại Hưng) sẽ là điểm dừng chân tiếp theo mà bạn không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá và du lịch của mình. Đây là nơi sản xuất và bảo tồn nghề gốm cổ nhất đất Bình Dương với gần 160 năm tuổi. Mỗi ngày, lò lu nổi tiếng này xuất đi tiêu thụ khắp mọi miền đất nước hàng trăm sản phẩm như lu, khạp, vại... có thiết kế rất đặc trưng và độc đáo.

Vào tháng 10 năm 2006, điểm đến được nhiều người biết tới này đã được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Hiện nơi đây cho phép các bạn gần xa tự do trải nghiệm và tham quan mà không mất phí vào cổng. Khung giờ hoạt động của địa điểm này là từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Bạn đừng quên ghi chú lại để tránh trường hợp đến đây quá sớm hay quá muộn nhé!

Xem thêm: Chùa Tây Tạng Bình Dương với kiến trúc độc đáo và không gian thanh tịnh

Tham quan Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất gốm thủ công cổ nhất Bình Dương 2

Lò lu Đại Hưng là một trong những điểm sản xuất gốm thủ công lâu đời nhất tại Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Lò lu Đại Hưng có vị trí cách trung tâm Thành phố Thủ Dầu Một khoảng 3km và Sài Gòn chừng 30km. Nếu xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, để đến đây bạn có thể đi theo hướng đường Trường Chinh đến Quốc lộ 22. Sau đó chạy dọc tuyến đường Đỗ Văn Dậy, Võ Văn Bích đến Nguyễn Văn Cừ và cuối cùng là dừng chân tại địa phận xã Tương Bình Hiệp. Điểm đến sẽ nằm bên phía tay trái của đường Lò Lu.

Note ngay vào Cẩm nang du lịch cung đường di chuyển dễ đi này bạn nhé!

Tham quan Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất gốm thủ công cổ nhất Bình Dương 3

Lò gốm cổ này tọa lạc tại đường Lò Lu thuộc địa phận xã Tương Bình Hiệp

Tính đến nay thì lò lu gần 160 tuổi này đã trải qua vô số thăng trầm trong suốt quá trình hoạt động. Người chủ đầu tiên nơi đây là một người Hoa gốc Quảng Đông, Trung Quốc di cư tới vùng đất này vào khoảng thế kỷ thứ 17 đến 18. Mặc dù chịu sự ảnh hưởng lớn từ thời kỳ hiện đại hóa, nhất là khi tọa lạc ngay tại "thủ phủ công nghiệp miền Nam" thế nhưng lò lu với diện tích gần 11000 mét vuông này vẫn tồn tại rất vững vàng.

Có thể nói sự hiện diện của Lò lu Đại Hưng một mặt giúp lưu giữ và bảo tồn ngành nghề truyền thống mang giá trị văn hóa lâu đời giữa nhiều ngôi làng chế tác thủ công nơi đây như Làng nghề làm heo đất Lái Thiêu, Làng Sơn mài... Mặt khác nơi đây góp phần tạo dựng và phát triển kinh tế vùng đất thuộc Đông Nam Bộ này trong suốt khoảng thời gian được tính bằng chiều dài lịch sử với các sản phẩm đặc trưng vốn có.

Tham quan Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất gốm thủ công cổ nhất Bình Dương 4

Sự tồn tại của Lò lu Đại Hưng không chỉ giúp bảo tồn ngành nghề truyền thống đặc sắc này mà còn góp phần phát triển kinh tế vùng trong nhiều năm qua

Dừng chân tại đây, bạn sẽ có cơ hội khám phá về quy trình sản xuất gốm thủ công - các bước chế tác truyền thống thể hiện niềm tự hào của người dân Bình Dương về ngành nghề đặc biệt này. Bao biến động trôi qua dường như chẳng hề ảnh hưởng dù là một chút đến phương thức làm gốm tại Lò lu Đại Hưng. Các bước như nặn bằng tay, lấy củi làm chất đốt, pha màu theo phong cách cổ điển, khai thác nguyên vật liệu tại mỏ địa... đều được thực hiện một cách vô cùng bài bản.

Về trình tự, trước nhất chủ lò sẽ mua sẵn đất sét - nguyên liệu chính để làm gốm với số lượng lớn. Trước khi đưa vào sản xuất, đất này sẽ được mang đi phơi nắng rồi ngâm qua 2 lần nước, lọc lấy phần nhựa và nhồi cho thật nhuyễn. Hỗn hợp sau công đoạn này được gọi là hồ và dùng để nặn gốm.

Tham quan Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất gốm thủ công cổ nhất Bình Dương 5

Các bước làm gốm tại lò đều được giữ gìn nguyên vẹn dù trải qua bao biến đổi khôn lường đến từ thời cuộc

Tham quan Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất gốm thủ công cổ nhất Bình Dương 6

Sản phẩm sẽ được trang trí hoa văn và họa tiết đẹp mắt sau các công đoạn làm gốm: nặn đất bằng tay, lấy củi làm chất đốt, pha màu theo phong cách cổ điển và cuối cùng là mang đi nung

Sản phẩm đã tạo hình sẽ được đem đi phơi khô, kiểm tra và xếp vào lò nung - kiểu lò bao truyền thống với hình cuốn như vỏ sò úp nối nhau từ thấp đến cao cực kỳ ấn tượng. Bước cuối cùng là trám kín lò lại chỉ chừa một lỗ nhỏ làm mắt để người thợ tiếp củi và quan sát lửa. Lò sẽ được đốt ở nhiệt độ 1200 độ C trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tiếng.

Chuyên sản xuất đồ gốm gia dụng thiết thực với đời sống, bên cạnh xuất đi cả nước thì thị trường tiêu thụ chính của đa số các thành phẩm nơi đây là ở Đồng bằng sông Cửu Long hay Campuchia. Những sản phẩm đặc trưng của lò như lu, khạp... thường được người dân dùng để dự trữ nước sinh hoạt và hứng nước mưa rất tiện lợi. Đừng ngần ngại đến Lò lu Đại Hưng tìm hiểu nhiều hơn nữa về ngành nghề truyền thống thú vị này nhé!

Tham quan Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất gốm thủ công cổ nhất Bình Dương 7

Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất các loại đồ gốm gia dụng rất được ưa chuộng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày

Tham quan Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất gốm thủ công cổ nhất Bình Dương 8

Thành phẩm sẽ được đưa đi tiêu thụ trên khắp mọi miền đất nước trong đó nổi bật nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Lò lu Đại Hưng là một trong những điểm sản xuất gốm thủ công lâu đời nhất tại Bình Dương. Với phương thức sản xuất truyền thống gần 160 năm tuổi đời, đây hứa hẹn sẽ là nơi mang đến cho bạn trải nghiệm khám phá vô cùng độc đáo giữa nhiều địa điểm tham quan khác như Làng tre Phú An, Công viên nước Thanh Lễ... Bỏ túi liền tay điểm đến này nhé cả nhà ơi!