1 Wat Benchamabophit, ngôi chùa dát đá cẩm thạch Ý lộng lẫy
Địa chỉ: 69 đường Nakornpathom, quận Dusit, Bangkok
Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần, từ 06:00 đến 18:00
Giá vé vào cổng (cập nhật tháng 1.2024): 50 baht/ người
Bên cạnh những ngôi chùa đã làm nên tên tuổi của du lịch Thái Lan, như Wat Pho, Wat Arun, thì vẫn còn đó một Wat Benchamabophit với vẻ đẹp tráng lệ chẳng kém cạnh là bao. Ngôi chùa tọa lạc giữa lòng Bangkok, gây ấn tượng mạnh mẽ với gần như toàn bộ công trình được dát đá cẩm thạch Carrara của Ý rất đẹp khi ánh nắng mặt trời chiếu vào.
Wat Benchamabophit là một ngôi cổ tự lâu đời tại xứ sở chùa vàng, được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 19, mãi đến những năm đầu thế kỷ 20 mới chính thức hoàn thành. Ngôi chùa được xây dựng theo ý của Quốc vương Chulalongkorn, sau này, Hoàng tử Naris, người anh em cùng cha khác mẹ của Quốc vương đã thêm ý tưởng dát đá cẩm thạch cho ngôi chùa.
Trong tiếng Thái, Benchamabophit có nghĩa là chùa của vị vua thứ năm trị vì tại Dusit, tức Quốc vương Chulalongkorn thời bấy giờ. Với vẻ đẹp lung linh, chùa Wat Benchamabophit vinh dự là một trong những ngôi cổ tự đẹp nhất Thái Lan, thu hút lượng lớn người ghé đến mỗi năm.
2 Khám phá kiến trúc đặc biệt của Wat Benchamabophit
2.1 Tổng thể kiến trúc chùa Wat Benchamabophit
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến, bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy vẻ đẹp tráng lệ của Wat Benchamabophit trải dài trước mặt.
Có thể nói, Wat Benchamabophit là ngôi chùa thể hiện đậm nét kiến trúc Bangkok truyền thống với phần mái nhiều tầng lợp ngói vàng, chofa chạm trổ trên tầng cùng của mái và các phù điêu tinh xảo.Chùa sở hữu kiến trúc hoành tráng, bề thế với phần lớn các công trình chính như cột, sàn và bờ tường được dát đá cẩm thạch Ý lung linh.
Đặc biệt, ngay phía sau Ubosot là một cây bồ đề mang từ Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ, nơi người ta tin rằng Đức Phật đạt đến giác ngộ tại đây. Gần Ubosot là nơi vua Chulalongkorn từng ghé đến để nghe giảng thuyết.
2.2 Những bức tượng Phật nổi tiếng tại Wat Benchamabophit
Khu vực chánh điện của Wat Benchamabophit là nơi trưng bày hơn 52 bức tượng Phật, trong đó có một bức tượng Phật Chinnarat đúc từ đồng nguyên khối theo trường phái Sukhothai có niên đại 700 năm tuổi. Đây là bức tượng được tìm thấy tại khu vực Wat Phra Si Rattana Mahathat, ngay bên dưới tượng là tro cốt của vua Chulalongkorn.
Bên cạnh đó, các bức tượng khác tại Chánh điện đều sở hữu vẻ đẹp khác nhau, từ hình thái, dáng dấp đến nét mặt. Đây là các bức tượng có niên đại lâu năm, chủ yếu từ thời Ayutthaya, Sukhothai, Dvaravati và cả từ Ấn Độ mang sang.
Đặc biệt, dọc khắp hai bên bức tường trái phải tại Chánh điện là những tranh vẽ, phù điêu thể hiện hình ảnh các triết lý Phật giáo cũng như các ngôi chùa quan trọng của Thái Lan.
3 Kinh nghiệm đến Wat Benchamabophit dành cho bạn
3.1 Thời điểm lý tưởng để đến Wat Benchamabophit
Wat Benchamabophit là một ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng của đất Thái, thu hút đông đảo du khách ghé đến mỗi năm. Bạn có thể đến chùa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng đều hợp lý.
Hoặc nếu muốn hòa mình cùng bầu không khí lễ hội linh thiêng, bạn có thể đến chùa vào tháng 2. Đây là thời điểm Wat Benchamabophit tổ chức các lễ hội Phật giáo Thái Lan như Makha Bucha. Ngoài ra, tháng 5 cũng là thời điểm người dân xứ chùa vàng tổ chức ngày hội Visakha Bucha in đậm văn hóa tôn giáo đặc sắc.
Nếu đến Wat Benchamabophit trong thời gian này, bạn sẽ được chìm đắm trong bầu không khí lễ hội nhiệm màu linh thiêng với các buổi diễu hành, rước đèn và nến lung linh khi màn đêm buông xuống.
3.2 Di chuyển đến Wat Benchamabophit
Tọa lạc ngay quận Dusit trung tâm Bangkok, lại gần Cung điện Hoàng gia, thế nên, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến Wat Benchamabophit bằng nhiều phương tiện như bus, taxi hoặc Grab đều được.
3.3 Những điều cần lưu ý khi đến Wat Benchamabophit
- Khi đến vãn cảnh Wat Benchamabophit, bạn cần chú ý ăn mặc lịch sử phù hợp với chốn thờ tự
- Để giày dép bên ngoài, nhưng mang theo túi đựng để tránh lạc mất
- Không được chụp ảnh tại chánh điện của chùa
- Đi sớm để tránh tình trạng chen chúc, xô đẩy
- Không đùa giỡn ồn ào, nói lớn, nói tục khi đến chùa