1Tháp bà Ponagar Nha Trang - Biểu tượng kiến trúc của người Chăm Pa
Địa chỉ: 61 Hai Tháng Tư, Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.
Thời gian mở cửa: 8:00 – 18:00.
Số điện thoại: 0899 789 815.
Giá vé: 22.000 VNĐ/ người. (Thông tin giá vé cập nhật vào ngày 30/5/2021)
Tháp bà Ponagar Nha Trang là một quần thể gồm nhiều tháp được xây dựng bởi người Chăm Pa cổ. Ngoài ra, tháp bà còn được biết đến với cái tên khác như Yang Po Inư Nagar. Theo tương truyền thì tháp được xây dựng từ khá lâu, từ thời đạo Hindu còn được tôn thờ và quốc vương Chăm Pa còn hưng thịnh và đang xây dựng theo chế độ mẫu hệ. Chính vì vậy, Tháp bà Ponagar Nha Trang được xây dựng dựa vào hình ảnh của nữ vương Po Ina Nagar.
Theo người Chăm Pa cổ, nữ vương Po Ina Nagar là vị thần tạo nên trái đất này, bà được sinh ra từ áng mây và bọt biển, là vị thần mang đến sự bình yên và bảo vệ họ khỏi mọi cơn bão lũ, mang đến mùa màng bội thu và sự sung túc.
Tháp bà tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ bên cạnh cửa Sông Cái, cao hơn mặt nước biển khoảng 10 - 12m và khá gần với trung tâm thành phố Nha Trang. Chính nhờ địa thế và lối kiến trúc độc đáo này mà Tháp bà Ponagar Nha Trang thu hút vô vàn lượt khách đến tham quan mỗi ngày, đặc biệt là những mùa lễ hội đầu năm.
2Hướng dẫn những cách di chuyển đến Tháp bà Ponagar Nha Trang
Tháp bà Ponagar Nha Trang cách trung tâm khá gần chỉ khoảng 3km nên bạn có thể lựa chọn đi bằng xe máy hoặc xe taxi cho tiện và tiết kiệm nhé.
Và tuyến đường gần nhất và dễ nhất cho bạn là đầu tiên bạn tìm đường chạy ra đường Trần Phú, chạy thẳng đến cầu Trần Phú, chạy tiếp qua khỏi cầu thì bạn rẽ trái vào đường Tháp Bà. Chạy đến cuối đường Tháp Bà bạn sẽ thấy tấm bảng Tháp bà Ponagar Nha Trang rất to là đã đến rồi đó.
3Khám phá vẻ đẹp kiến trúc tại Tháp bà Ponagar Nha Trang
Tháp bà Ponagar Nha Trang được xây dựng gồm 3 khu vực chính để bạn có thể lần lượt khám phá và chiêm ngưỡng. Mỗi khu vực đều có những điểm thú vị và đặc sắc kiến trúc riêng chắc chắn sẽ khiến bạn ấn tượng.
Được xây dựng như hình ảnh một chiếc cổng chào vô cùng hoành tráng, hòa hợp với kiến trúc tổng thể khu Tháp bà Ponagar Nha Trang. Dù không còn nguyên vẹn do trải qua thời gian lâu nhưng khu vực này vẫn có dấu tích kiến trúc xưa cũ với những cột trụ, bậc thang làm bằng dá dẫn đến khu tiền đình.
Đây là khu vực bạn sẽ được thấy ngay khi bước qua cổng chào và hàng bậc thang. Tổng thể kiến trúc được làm bằng gạch nung, có màu cam nhạt và được chia thành 4 hàng. Trong đó, gồm 12 cột nhỏ bên ngoài bao bọc 10 cột lớn bên trong tạo nên hình bát giác.
Theo nghiên cứu của những nhà sử học thì đây là nơi để người dân chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên Bà và hành lễ.
Hiện tại, khi đến đây, bạn sẽ chỉ thấy được 4 tòa tháp còn nguyên vẹn về kiến trúc, còn 2 tòa tháp nữa thì vì chịu sự mài mòn của thời gian nên hiện tại chỉ còn lại phần nền móng.
Về tổng thể thì cả 4 tòa tháp đều có thiết kế tương tự nhau, chỉ khác nhau về kích thước và độ rộng của không gian bên trong tháp. Mỗi tháp đều có 4 cửa hướng ra 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc, nhưng hiện nay chỉ có cửa phía Đông là mở để khách du lịch có thể vào trong tham quan. Trong đó, tháp Đông Bắc cao nhất (23m), tiếp đến là tháp Nam (18m), tháp Tây Bắc (9m) và thấp nhất là tháp Đông Nam (7,1m). Các tòa tháp được thiết kế với phong cách cổ xưa, được chạm khắc các hình linh vật, hình ảnh thần linh mang hơi hướng tâm linh sâu sắc. Phía sau lưng các tòa tháp là suối khoáng nóng tháp bà, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ tắm nóng, tắm bùn ở đây.
Những tấm bia tại tháp bà Ponagar Nha Trang có giá trị về văn hóa và lịch sử khá cao. Tổng thể có 4 tấm bia được đựng tại đây, nhưng không phải tất cả đều được dựng khi xây Tháp bà Ponagar Nha Trang, mà mỗi tấm đều gắn với một dấu mốc riêng quan trọng riêng.
Trong 4 tấm bia, tấm đầu tiên là tấm được dựng từ lâu nhất do chính người Chăm Pa cổ dựng lên nhưng đến năm 1856 thì được Phan Thanh Giản – một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn chuyển nội dung của tấm bia này thành chữ Hán - Nôm.
Còn tấm bia thứ 2 thì được lập năm 1871 bởi 8 vị quan người Khánh Hòa và Bình Thuận để thể hiện tình hữu nghị cả về chính trị lẫn văn hóa của hai tỉnh.
Tấm bia tiếp theo là tấm bia dịch lại câu chuyện về nữ vương Po Ina Nagar đã được dịch sang chữ quốc ngữ, dựng vào năm 1972.
Và tấm bia cuối cùng, được lập gần đây nhất là năm 2010, giới thiệu về di tích Tháp Bà Ponagar.
4Một số lưu ý khi bạn muốn đến tham quan Tháp bà Ponagar Nha Trang
- Vì đây là nơi linh thiêng, là khu vực thờ kính tâm linh nên bạn không được có những lời bình phẩm hoặc tục tiểu liên quan đến vị nữ thần này nhé.
- Đặc biệt không nên mang thức ăn từ bên ngoài vào và không được xả rác bừa bãi trong khuôn viên khu di tích.
- Để có một chuyến đi thật thoải mái và dễ chịu thì bạn nên bôi sẵn kem chống nắng và đừng quên trang bị một chiếc mũ, ô và kính râm để dùng khi trời nắng nhé.
- Nếu bạn muốn vào trong điện để thắp nhang và khấn thì nên lựa chọn trang phục kín đáo, không quá hở hang, còn nếu bạn lỡ không biết mà mang trang phục hơi không được phù hợp thì có thể tìm đến tháp chính và mượn một chiếc áo lam khóa tạm nhé.
- Trước khi bước vào Tháp bà Ponagar Nha Trang bạn nên đọc và hoàn toàn tuân thủ các bảng chỉ dẫn, thông báo tại đây để trở thành một khách du lịch thật văn minh và hiện đại nhé.
5Một số hình ảnh check in siêu đẹp tại Tháp bà Ponagar Nha Trang
Tháp bà Ponagar Nha Trang là một điểm đến vô cùng hấp dẫn, khi đến đây, bạn không chỉ có thể tìm hiểu được nhiều vẻ đẹp kiến trúc của văn hóa Chăm Pa mà còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa của họ thông qua những nghi lễ và lễ hội thường được tổ chức. Còn chần chờ gì mà không nhanh tay thêm Tháp bà Ponagar Nha Trang vào list những địa điểm nhất định phải đến nếu bạn ghé Nha Trang để có một chuyến đi trọn vẹn nhé.