Ninh Thuận không chỉ ghi tên mình trên bản đồ du lịch Việt Nam bởi các địa danh, thắng cảnh đặc sắc như biển Hòn Đỏ, vịnh Vĩnh Hy hay bãi rêu xanh làng Từ Thiện mà còn vì vô số các công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Chăm Pa. Trong đó, không thể không nhắc đến Tháp Hòa Lai - Một trong những cụm đền tháp cổ xưa nhất còn sót lại cho đến thời điểm hiện tại. Với vẻ đẹp trường tồn theo thời gian cùng muôn vàn những điều bí ẩn chưa có lời giải đáp, nơi đây chắc chắn là địa điểm mà bạn nên bổ sung vào cẩm nang du lịch Ninh Thuận của mình đấy!
1Đôi nét về Tháp Hòa Lai
Tháp Hòa Lai (hay còn được gọi là Ba Tháp) tọa lạc trên cung đường Quốc lộ 1A thuộc thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng 15km về phía Bắc. Ngọn tháp này là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của vương quốc Chăm Pa vùng Panduranga xưa và cũng chính là di tích lâu đời nhất còn tương đối nguyên vẹn trên dải đất miền Trung.
Khác với Tháp Po Klong Garai, ngôi tháp này được xây dựng theo phong cách kiến trúc Hòa Lai tiêu biểu của văn hoá Chăm Pa ở thế kỷ IX. Lối kiến trúc này nổi bật với những cánh cửa hình vòm có nhiều mũi tròn, các trụ bổ tường hình bát giác và phong cách trang trí hình lá uốn cong. Đây là cụm đền tháp có giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1997.
Xem thêm: Ghé Tháp Chàm Farm khám phá thiên đường du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng
Cho đến hiện tại, tên gọi Tháp Hòa Lai (Ba Tháp) vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Theo như hiện trạng, tỉnh Ninh Thuận có hai ngọn tháp Chăm nằm trên Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, trong quá khứ ở đây đã từng có ba ngôi tháp và một ngọn đã bị sụp đổ nên mới có tên gọi là Ba Tháp. Ngoài ra, người dân bản địa còn gọi nơi đây là đền Tháp Hòa Lai. Theo lời giải thích của Chế Vỹ Tân, có thể hiểu rằng Hòa Lai là tên gọi được phiên âm lại từ người Kinh vùng Ninh Thuận, dựa theo từ Bal Lai (tên của một thủ đô đã biến mất trong lịch sử).
Ngày nay, cùng với các địa danh nổi tiếng khác trên Quốc lộ 1A như Làng dệt Mỹ Nghiệp, Làng gốm Bàu Trúc và Tháp Po Klong Garai, Tháp Hòa Lai là điểm đến của đông đảo những ai yêu thích khám phá lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng. Đặc biệt, nơi đây còn là không gian lý tưởng cho những chuyến hành trình tìm về cội nguồn đầy cuốn hút khi mà bản sắc văn hóa dân tộc đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Dựa theo kinh nghiệm du lịch Ninh Thuận, bạn có thể ghé thăm Tháp Hoà Lai vào bất kỳ thời gian nào trong năm nếu thấy thuận tiện. Tuy nhiên, đặc trưng khí hậu của mảnh đất miền Trung này thường xuyên nắng nóng, do đó nếu bạn muốn đến đây vào mùa hè thì nên tránh đi buổi trưa nhé! Thời điểm thích hợp nhất cho các hoạt động tham quan tại Tháp Hoà Lai là khoảng từ 8:00 - 10:00 hoặc 15:00 - 16:40 vì lúc này thời tiết khá trong lành, dễ chịu.
2 Hướng dẫn đường đi đến Tháp Hòa Lai Ninh Thuận
Xuất phát từ trung tâm thành phố Phan Rang, bạn di chuyển về ngã năm Phủ Hà. Sau đó, bạn tiếp tục đi thẳng trên cung đường Quốc lộ 1A khoảng 15km theo hướng về thành phố Nha Trang. Khi qua khỏi cánh đồng quạt gió Ba Tháp, bạn chỉ cần đi thêm khoảng 2km nữa là sẽ nhìn thấy di tích Tháp Hòa Lai ở bên phía tay phải. Nếu chưa nắm rõ lộ trình di chuyển thì bạn có thể đi theo hướng dẫn của ứng dụng Google Maps hoặc hỏi đường người dân địa phương nhé!
Vì Tháp Hòa Lai là khu di tích cần được bảo tồn nên xung quanh hầu như không có khách sạn hay nhà nghỉ. Vậy nên nếu là người ở tỉnh khác và muốn tìm chỗ lưu trú, bạn có thể đi taxi dọc theo Quốc lộ 1A đến các khách sạn, nhà nghỉ cách Tháp Hòa Lai khoảng 10km như khách sạn Thu Thảo, Eco-Chi Homestay, Nân Homestay…
3Khám phá nét đặc sắc của Tháp Hoà Lai - Vẻ đẹp văn hóa Chăm Pa 1000 năm tuổi
Đến với Tháp Hoà Lai, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn nghệ thuật xây dựng và điêu khắc cực kỳ tinh tế của dân tộc Chăm Pa. Ngôi tháp vốn là một tổng thể kiến trúc bao gồm Tháp Bắc, Tháp Giữa và Tháp Nam. Hiện nay, ngọn tháp trung tâm chỉ còn lại phần nền do bị phá vỡ nghiêm trọng vào thế kỉ XIX. Nơi đây được biết đến là khu di tích cổ có khá nhiều công trình phụ bao quanh tháp nhưng theo thời gian chỉ còn một ít vết tích lưu lại như tường thành, lò gạch…
Nét đặc sắc của cụm Tháp Hòa Lai chính là phong cách trang trí hết sức tinh xảo với những đường nét hoa văn bên ngoài mặt tháp chỉ giới hạn ở vòm cửa, các trụ ốp và bộ diềm mái. Mỗi công trình tháp mang trong mình một nét đẹp riêng nhưng lại được xây dựng vô cùng hòa hợp với nhau. Trong đó, Tháp Bắc được xây bằng gạch, trên tường chạm trổ hoa văn hình mặt chim, thú, lá, hoa… rất ấn tượng. Ở hướng Đông của tháp Bắc chỉ có duy nhất một cửa vào, ba hướng còn lại đều là cửa giả. Bên trong tháp có sẵn các ô hình tam giác để gắn đèn lên mỗi khi cúng tế.
Tháp Nam là ngọn cao nhất, cũng được xây bằng gạch và chạm khắc hoa văn trên tường nhưng chưa hoàn thiện. Toàn bộ thân tháp trông như một khối lập phương đồ sộ nhô lên từ một bệ vuông và nâng đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn. Trải qua hơn 1000 năm cùng biết bao thăng trầm lịch sử, vẻ đẹp của Tháp Hoà Lai vẫn trường tồn theo năm tháng và giữ nguyên những giá trị nghệ thuật đặc sắc trong lối kiến trúc và điêu khắc của người Chăm xưa.
Tháp Hòa Lai là một trong những tọa độ check-in lý tưởng của đông đảo du khách thập phương, đặc biệt là các bạn trẻ. Vẻ đẹp tráng lệ, cổ kính và đầy bí ẩn của mỗi công trình tháp cũng khiến nơi đây trở thành địa điểm tác nghiệp và khơi nguồn cảm hứng của vô số nhiếp ảnh gia. Tại Tháp Hòa Lai, bạn sẽ được thỏa sức bấm máy với vô vàn góc sống ảo siêu xịn, hứa hẹn sẽ cho ra đời những bộ ảnh triệu like. MIA.vn gợi ý một mẹo nhỏ cho bạn là hãy diện những trang phục mang hơi hướng vintage, cổ điển để có thể rinh về những thước ảnh xinh lung linh nhé!
Trên đây là toàn bộ những nét đặc sắc của Tháp Hòa Lai mà MIA.vn chia sẻ đến bạn. Sau hơn 10 thế kỷ tồn tại, cụm đền tháp này vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc, nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá, tín ngưỡng thiêng liêng của người Chăm xưa. Nếu có dịp du lịch Ninh Thuận, bạn hãy ghé thăm Tháp Hoà Lai để có dịp tìm hiểu về một thời vàng son rực rỡ của đồng bào dân tộc Chăm Pa nhé!