An Giang vào mùa nước nổi sẽ có rất nhiều món ngon nổi tiếng, chẳng hạn như mắm Châu Đốc, chuột đồng quay lu… Một trong số những động, thực vật vào mùa trong khoảng thời gian này phải kể đến chính là rắn. Khi về An Giang mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món ăn chế biến từ rắn. Và khô rắn cũng là một món đặc sắc không thể bỏ qua.
1Khô rắn An Phú - Đặc sản An Giang mùa nước nổi
An Giang ngoài nổi tiếng về mắm thì cũng được khen rất nhiều vì những loại khô. Khô rắn chính là một trong những món ngon nhất tại đây. Sản xuất khô rắn cũng là nghề mà người dân xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú luôn tự hào lưu truyền và phát triển. Lúc đầu, vì rắn bắt được khi vào mùa quá nhiều và không thể bán hết nên người dân chỉ tẩm vị, phơi khô để dành ăn tại nhà. Dần dà thấy món này ngon và có hương vị độc đáo nên người dân mới học cách chế biến bài bản rồi chia sẻ với mọi người. Giờ thì món ăn dân dã đấy đã trở thành khô rắn An Phú, một loại đặc sản nổi tiếng khắp nơi.
Khô rắn có màu vàng ươm, thịt dai nhưng lại rất mềm. Kết hợp cùng vị mặn tẩm ướp và chất ngọt thuần túy từ thịt, khô rắn An Phú chinh phục trái tim của những ai sành ăn từ lần đầu tiên thưởng thức. Tùy vào mùa nước nổi có nhiều rắn hay không mà giá cả của khô có sự chênh lệch. Tuy nhiên thường thì giá của khô rắn sẽ giao động từ 250.000VND cho đến 350.000VND/kg.
Xem thêm: Gỏi sầu đâu An Giang, vị đắng độc đáo miền sông nước
Mùa nước nổi cũng là mùa mà người dân huyện An Phú đua nhau đi bắt rắn. Vì nước lên, rắn theo dòng nước vào đồng bằng rất nhiều. Vậy nên nghề bắt cũng như buôn bán rắn tại đây rất phát triển vào mùa này, khô rắn cũng không ngoại lệ. Kể từ khi trở nên nổi tiếng, hằng năm, cứ trong lúc nước lên là người dân xã An Phú lại tập trung bắt và làm khô rắn trong vòng khoảng 6 tháng để phục vụ bà con gần xa. Không chỉ có những người dân săn bắt nội đồng mà cũng có nơi lấy nguồn rắn từ các nhà buôn Campuchia mang sang Việt Nam bán.
Rắn được dùng để phơi thường là các loại rắn bông súng, rắn nước, ri voi… vì chúng có số lượng lớn, rẻ mà khi bán ra lại có giá cả phải chăng. Ngoài ra, rắn dùng làm khô phải là rắn sống để sau khi phơi thì thịt vẫn còn tươi và giữ được độ ngọt. Trung bình cứ 10 - 12kg rắn sống sẽ làm ra được 1kg khô đạt chuẩn.
2Bí quyết làm nên món khô rắn trứ danh của người An Phú
Cách làm khô rắn cũng cầu kì và cần tay nghề cao như cốm dẹp An Giang. Rắn sau khi bắt về sẽ được xát muối, rửa sạch và bỏ ruột rồi tách thịt với xương ra. Chỉ phần thịt rắn được sử dụng làm khô còn những phần khác thường sẽ được người dân bán cho quán nhậu và phơi khô để phân phối cho các chỗ ngâm rượu thuốc, làm cao… Phần ra sẽ được đem đi ướt gia vị. Công đoạn này cần người làm nghề có nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng đong đếm khéo léo. Vì nếu muốn khô rắn ngon thì một phần quyết định nằm ở gia vị. Vì vậy người ta phải cân đo đong đếm cho thật kỹ lưỡng thì mới có thể cho ra những mẻ khô rắn An Phú đúng vị. Sau khi ướp cho thấm gia vị thì rắn sẽ được người An Phú ép mỏng và đem phơi nắng trên sào ít nhất là trong 3 ngày để cho thịt khô và săn lại. Theo MIA.vn được biết, khi phơi nắng, thịt rắn sẽ rút hết nước, trút hết mùi tanh và chín tái với màu vàng ươm đẹp mắt. Đây cũng là một bước đòi hỏi tay nghề cao vì người ta phải phơi làm sao để thân bên ngoài ráo hẳn nhưng vẫn giữ được độ tươi, ngọt của thịt bên trong.
3Thưởng thức khô rắn An Phú đúng điệu
Cách ăn cơ bản nhất để có thể thưởng thức được trọn vẹn vị ngon của khô rắn An Phú là nướng lên. Tuy nhiên, cách nướng cũng không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Khô rắn phải được nướng trên lò than ở lửa liu riu. Và khi nướng thì các bạn không được hấp tấp. Khô rắn An Phú phải nướng từ từ cho đến khi thịt chuyển màu vàng chín tới và dậy mùi thơm thì món ăn đã hoàn thành. Việc còn lại của bạn chính là dùng tay xé một miếng thịt rắn dai dai mềm mềm và cho vào miệng. Mùi thơm và vị ngon nguyên bản của khô rắn An Phú sau khi nướng rất đặc biệt, khô không quá mặn nhưng cũng chẳng bị nhạt. Nếu nhai càng chậm, chất ngọt từ thịt rắn càng tiết ra nhiều cùng với mùi thơm bùi sau khi nướng tạo ra một hương vị tuyệt vời khiến bạn cứ muốn ăn thêm nữa. Ngoài ra, MIA.vn cũng mách cho bạn một cách ăn cầu kỳ hơn. Đó là bạn sẽ ăn khô rắn cuốn cùng với dưa leo, xoài sống và cóc non rồi chấm cùng tương ớt hoặc mắm me. Độ giòn và vị chua của xoài sống, cóc non cùng với một chút cay nhẹ của tương ớt, mắm me sẽ làm cho hương vị của món khô rắn lên một tầm cao mới. Nếu có dịp, bạn hãy thử ăn khô rắn theo cách trên một lần để trải nghiệm hương vị độc đáo này nhé.
Chính vì khô rắn có hương vị độc đáo và có thể bảo quản lâu nên bên cạnh đường thốt nốt, đây cũng là một thức quà được mọi người thường xuyên mua về sau mỗi dịp ghé đến An Giang. Vậy nên bạn hãy mau ghi lại khô rắn An Phú vào cẩm nang du lịch để thưởng thức khi có dịp đến đây nhé.