1Giới thiệu về chùa Cò Trà Vinh
Địa chỉ: ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
Chùa Cò có tên chính thức là Chùa Nodol hay Chùa Giồng, được người Khmer gọi là Wat Phnô Đôn (វត្តផ្នោដូង) bởi xung quanh có rất nhiều dừa (trong tiếng Khmer, Wat nghĩa là chùa, Phnô là gò cát, Đôn là cây dừa).
Cái tên “Chùa Cò” ra đời bởi hơn một trăm năm qua, nơi đây đã trở thành nơi cư trú của hàng ngàn loài chim cò như: cò, cồng cộc, bồ câu... và chủ yếu là các loại cò như: cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng và cò mỏ đen...
2 Cách di chuyển đến chùa Cò
Chùa Cò cách thành phố Trà Vinh khoảng 40 km về phía Nam. Từ trung tâm thành phố Trà Vinh, bạn có thể đi theo đường quốc lộ 54 đến huyện Trà Cú ▶ Tiếp tục đi về hướng cảng Định An (một nhánh của sông Hậu) ▶ đến cổng chào xã Đại An, rẽ trái bạn sẽ thấy ngay cổng Chùa Cò nguy nga với các hoa văn và họa tiết rực rỡ.
3 Lịch sử chùa Cò Trà Vinh
Theo lịch sử ghi chép, chùa Cò được xây dựng từ năm 1677. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhỏ. Cổng chùa được sửa chữa vào năm 1968 và chánh điện được trùng tu vào năm 1944. Sau hai lần trùng tu lớn vào năm 2009 và 2012, chùa được hoàn thiện và đưa vào sử dụng như ngày nay.
4Khám phá kiến trúc đậm chất Khmer của chùa Cò
4.1 Kiến trúc bên ngoài ngôi chùa
Khuôn viên chùa ngoài các công trình thờ tự và các công trình chức năng, phần diện tích rộng lớn còn lại được bao phủ bởi nhiều cây xanh. Nhờ có đầm nước và cây cối um tùm, được bảo vệ kỹ lưỡng bởi nhà chùa cùng người dân địa phương, chùa đã thu hút hàng ngàn loài chim đến sinh sống và làm tổ. Những cây cổ thụ trong khu vườn chùa đều có rất nhiều tổ chim với đủ kích cỡ. Mỗi buổi sáng và chiều, khuôn viên chùa rộn rã tiếng chim hót, từng đàn chim bay lượn trên mái chùa cổ kính, tạo nên khung cảnh yên bình và nên thơ.
Chùa Cò mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của chùa Khmer Nam Bộ. Khuôn viên chùa bao gồm các công trình như cổng chùa, chánh điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội... tất cả đều được sắp xếp hài hòa trên một không gian rộng lớn.
Cổng chùa nổi bật với những hoa văn trang trí độc đáo, thu hút ánh nhìn ngay từ lần đầu tiên ghé thăm. Khu vực chánh điện được thiết kế tinh tế với mái uốn cong theo hình đuôi rồng, đỉnh tháp nhọn mang dáng dấp của núi Xôme, cùng với nhiều hình tượng quen thuộc trong văn hóa Khmer như thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Riehu (Reahu), và Mahaknốt.
4.2 Kiến trúc bên trong ngôi chùa
Bên trong chánh điện, không gian được sắp xếp trang nghiêm, tượng đức Phật Thích Ca lớn đặt ở vị trí trung tâm, xung quanh là những tượng nhỏ hơn. Các bức tường được trang trí bằng nhiều tranh vẽ rực rỡ, thể hiện các chủ đề Phật giáo khác nhau.
5Trải nghiệm đặc biệt tại chùa Cò
Đến ghé thăm chùa Cò, bạn sẽ cảm nhận được sự thư thái, yên bình, mọi lo toan, áp lực dường như tan biến.
MIA.vn gợi ý bạn nên tham quan chùa Cò vào sáng sớm hay chiều muộn để có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh từng đàn cò tung cánh bay đi kiếm ăn hoặc quay về tổ, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp trên bầu trời.
Khi đến chùa, bạn nên ăn mặc lịch sự và có thể thuê trang phục Khmer để viếng chùa theo đúng nghi thức, đồng thời lưu lại những bức ảnh kỷ niệm đẹp mắt.
Cộng đồng người dân tộc Khmer tại Trà Vinh đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, mang đậm giá trị nghệ thuật riêng tại vùng đất này. Nếu có dịp du lịch đến Trà Vinh, bạn đừng quên ghé thăm ngôi chùa nổi tiếng này nhé!