1Đôi nét về Chùa Thập Tháp Di Đà Bình Định
Vị trí: thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định
Chùa Thập Tháp là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào thế kỷ 17 tại Bình Định mang đậm dấu ấn lịch sử, đồng thời là một điểm du lịch tâm linh quan trọng của Bình Định. Ngôi chùa này được xây dựng trên một ngọn đồi hình mai rùa, được gọi là đồi Long Bích hay gò Thập Tháp. Trước đây, trên khu gò này có mười ngọn tháp do người Chăm xây dựng để bảo vệ thành Vijaya, tên gọi “Thập Tháp” cũng xuất phát từ đây. Chùa quay mặt về hướng Đông, trước cổng tam quan là một ao sen, xa xa là núi Thiên Đinh Sơn, tạo nên phong cảnh yên bình và thanh tịnh.
Chùa Thập Tháp đã trở thành một công trình Phật giáo đồ sộ, đại diện cho sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong và là ngôi tổ đình của phái Lâm Tế. Hằng năm, chùa Thập Tháp thu hút đông đảo du khách không chỉ bởi kiến trúc đặc sắc mà còn vì những giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc mà chùa lưu giữ. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Chùa Thập Tháp cách thành phố Quy Nhơn 27 km về phía Bắc. Bạn có thể dễ dàng đến chùa bằng cách đi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc, qua phường Đập Đá và cầu Vạn Thuận, rồi rẽ trái vào con đường nhỏ dẫn vào chùa, đi khoảng 200m là đến nơi.
2Lịch sử của Chùa Thập Tháp
Chùa Thập Tháp Di Đà gắn liền với sự nghiệp của vị khai sơn Thiền sư Nguyên Thiều. Theo MIA.vn tìm hiểu, Ngài họ Tạ, tự Hoán Bích, người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Báo Tự và vào năm 1677 đã theo thuyền buôn Trung Quốc đến Quy Ninh, nay là tỉnh Bình Định. Cách Quy Nhơn khoảng 28 km, Ngài dựng một thảo am thờ Phật A Di Đà. Năm 1683, chùa được xây dựng bằng gạch đá của 10 ngôi tháp Chăm đổ nát.
Sau khi xây chùa xong, theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần, Thiền sư Nguyên Thiều nhận nhiệm vụ mở rộng Phật pháp khắp xứ Đàng Trong, nên đã giao chùa lại cho Hòa thượng Đạo Nguyên cùng đệ tử xuất sắc là Hòa thượng Kỳ Phương trụ trì. Ngài đi khắp nơi để lập thêm nhiều chùa như chùa Hà Trung, Phổ Đồng, Quốc Ân ở Thuận Hóa, Giác Duyên tại Gia Định... Sau đó, ngài trở về Trung Quốc thỉnh pháp trượng và nhiều kinh sách Phật pháp. Hiện tại, chùa Thập Tháp vẫn còn giữ được ba bộ kinh cổ do Thiền sư mang về vào thời điểm đó.
Năm 1691, chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển hiệu cho chùa với tên gọi "Thập Tháp Di Đà Tự".
Trải qua 16 đời truyền thừa, chùa từng có sự hiện diện của nhiều thiền sư nổi tiếng như Thiền sư Liễu Triệt, Minh Lý, Phước Huệ… Trong đó Thiền sư Phước Huệ được tôn là Quốc sư và từng giảng dạy trong cung đình nhà Nguyễn từ thời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, đồng thời giảng dạy Phật pháp tại Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935.
Hơn ba thế kỷ tồn tại, Thập Tháp Di Đà tự đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với những bước ngoặt lớn của đất nước và dân tộc, nổi bật cuộc mở mang bờ cõi Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Nơi đây, những lưu dân Việt đã chăm chỉ khai hoang, đào mương, đắp đập để dựng xây cuộc sống mới. Trên hành trình gian khó ấy, họ không khỏi cảm thấy chông chênh, nhưng niềm tin vào Phật pháp đã giúp họ kiên cường vượt qua, không ít người đã tìm đến chùa Thập Tháp để tìm chỗ dựa tinh thần. Khi phong trào Tây Sơn nổi dậy, các lãnh tụ nghĩa quân đã chọn vùng này làm đại bản doanh trong giai đoạn đầu, thực hiện những cuộc hành quân thần tốc vào Nam ra Bắc.
Trong thời hiện đại, dưới thời Hòa thượng Huệ Chiểu (1898 – 1965), chùa Thập Tháp và ngài trụ trì đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngài từng là thành viên của Mặt trận Liên Việt khu V và lãnh đạo giáo hội Bình Định cùng Phật tử đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
3Kiến trúc độc đáo Chùa Thập Tháp
Kiến trúc chùa Thập Tháp hiện nay là kết quả của nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là vào năm 1997. Dù được pha trộn giữa cái cũ và cái mới, kiến trúc của chùa Thập Tháp vẫn tuân thủ nguyên tắc truyền thống của kiến trúc Việt Nam. Tất cả các hạng mục tuy không có hoa văn chạm trổ cầu kỳ nhưng vẫn toát lên sự tôn nghiêm và cổ kính.
Từ ngoài nhìn vào, bạn sẽ thấy lối vào chùa dẫn qua một hồ sen, đến cổng chùa với hai trụ biểu vuông cao có tượng sư tử uy nghi đặt trên đỉnh, phía trên vòng cung có gắn hai chữ “Thập Tháp”. Bên trong cổng là tấm bình phong nổi bật với hình long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ.
Lối vào chùa được xây bằng gạch Chăm, mái lợp ngói âm dương, với kiến trúc hình chữ “khẩu” và được bao bọc bởi hai lớp tường.
Chùa Thập Tháp có kiến trúc hình chữ “khẩu”, chia thành bốn khu vực chính: Khu chánh điện rộng khoảng 400m², khu phương trượng 130m², khu Tây đường 120m² và khu Đông đường 150m², kết nối với nhau qua một sân rộng ở giữa.
3.1 Khu chánh điện Chùa Thập Tháp
Chánh điện hiện tại do Thiền sư Liễu Triệt trùng tu vào năm 1749, có mái lợp ngói âm dương, trên nóc là lưỡng long tranh châu. Chánh điện là ngôi nhà năm gian, trong đó ba gian giữa là Đại Hùng Bảo Điện, nơi thờ tam thế Phật (Thích Ca, Di Đà, Di Lặc) và tượng Quan Âm. Hai gian bên là phòng của chư tăng. Ngoài ra còn có khám thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng đặt hai bên, các tượng Thập Bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp, Tổ sư Đạt Ma và Tổ sư Tì Ni Đa Lưu Chi được bài trí dọc theo vách tả hữu, đa số các tượng được tạo tác trong thời Thiền sư Minh Lý (1871-1889).
3.2 Khu phương trượng
Khu phương trượng nằm sau chánh điện, do Quốc sư Phước Huệ (1869-1945) xây dựng năm 1924, sử dụng gạch và mái ngói âm dương. Khu này chia làm ba gian, gian giữa là nơi thờ Hòa thượng Phước Huệ với bức chân dung toàn thân, hai gian bên là chỗ nghỉ cho khách tăng.
3.3 Khu Đông đường và Tây đường
Khu Đông đường và Tây đường nằm đối xứng nhau. Khu Đông đường được trùng tu gần như mới hoàn toàn vào năm 1967 do hư hại nặng, là nơi tiếp khách và nơi ở của chư tăng. Tây đường có kiến trúc tương tự như khu phương trượng, mái lợp ngói âm dương, là nơi thờ Sơ tổ khai sơn Nguyên Thiều và các vị kế thừa, cùng chư Phật tử quá cố. Chân dung tổ Nguyên Thiều được thờ ở án trước, án sau là các vị trụ trì kế thừa và những người có công xây dựng chùa qua các thời kỳ (tổng cộng 20 long vị).
3.4 Các khu vực khác
Bên cạnh bốn khu vực chính, phía Tây còn có Nhà Thánh với kiến trúc đơn giản thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và Quan Công, Thập Điện Diêm Vương... Phía Đông là nhà trù (bếp), gắn liền với khu Đông đường. Vườn tháp Tổ nằm ở phía Bắc chùa với 20 ngôi tháp cổ kính an trí nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc. Phía sau chùa là tháp Bạch Hổ và tháp Hội Đồng.
4Những hiện vật quý giá được lưu giữ tại Chùa Thập Tháp
Bên cạnh giá trị kiến trúc, nơi đây còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc và hiện vật quý giá. Trong số đó, nổi bật là hai câu liễn sơn thếp cao 5m khắc bài ngự đề của chúa Nguyễn Phúc Chu, mang đạo hiệu Từ Đế Đạo Nhân, cúng cho chùa vào năm Tân Tỵ (1701), hiện được đặt tại chính điện.
Một bức hoành phi sơn thếp với dòng chữ “Thập Tháp Di Đà tự” do Hòa thượng Mật Hoằng, trụ trì chùa Thiên Mụ, tạo dựng vào năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), hiện treo trước chính điện. Ngoài ra, còn có bức hoành phi ghi nội dung bài kệ của Hòa thượng Vạn Phong, tổ thứ 31 của phái Lâm Tế, do Hòa thượng Minh Lý chế tác vào năm 1874. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ nhiều bộ kinh được khắc gỗ và in trên giấy.
Chùa Thập Tháp sở hữu bộ tượng Tam Thế bằng đồng thếp vàng, hai tượng A Nan và Ca Diếp cao 1m cùng nhiều bức tượng quý khác.
Đặc biệt, chùa còn lưu giữ khoảng 2.000 bản khắc gỗ dùng để in các kinh như Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú… Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục. Ngoài ra, chùa còn bảo tồn bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và Đại Tạng Kinh Đài Loan.
5 Câu chuyện về Hòn Đá Chém ở Chùa Thập Tháp
Khi ghé thăm chùa Thập Tháp, ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh quan chùa, bạn còn được nghe kể về hòn Đá Chém nổi tiếng của chùa.
Truyện kể rằng, hòn Đá Chém là một trong những phiến đá mà quân Nguyễn đã sử dụng để kê thớt gỗ và chặt đầu quân Tây Sơn, đặt ngay trước cổng thành Hoàng Đế. Đến thời hòa thượng Chơn Luận Phước Huệ làm trụ trì, Hòn Đá Chém được chuyển đến đặt tại bậc tam cấp trước khu Phương Trượng, sau lưng Chánh điện, để thường xuyên được nghe kinh kệ, xóa bỏ những oan khiên.
Ngày nay, mỗi năm đến ngày giỗ của hòa thượng Chơn Luận Phước Huệ (21 tháng Giêng âm lịch), hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi vẫn tụ hội về đây, nhiều người rơi nước mắt khi nhớ về những vị anh hùng và hào kiệt thời Tây Sơn.
Chùa Thập Tháp là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Bình Định, đã chứng kiến biết bao thăng trầm của vùng đất võ này. Nếu bạn có dịp du lịch đến Bình Định, đừng quên ghé qua chùa Thập Tháp nhé!