1 Peranakan là gì?
Peranakan là một cộng đồng người dân, được hình thành từ những cuộc hôn nhân giữa người Hoa di cư và phụ nữ bản địa ở Đông Nam Á, đặc biệt phổ biến tại Malaysia, Singapore và Indonesia.
Tại Singapore, nhóm này thường được gọi là Baba (nam) và Nyonya (nữ). Dù mang dòng máu người Hoa, họ lại có lối sống và văn hóa pha trộn giữa Trung Hoa, Mã Lai và cả ảnh hưởng phương Tây. Từ cách ăn mặc, ngôn ngữ, món ăn cho đến phong tục, người Peranakan tạo nên một bản sắc rất riêng trong lòng xã hội Singapore.

Nét đẹp của người Peranakan tại Singapore. Ảnh: Tatler Asia
Với xuất thân trong các gia đình danh giá, nhiều người Peranakan thời xưa được sinh ra trong điều kiện sống sung túc, đầy đủ và không phải vướng bận quá nhiều về mưu sinh. Khi trưởng thành, họ thường tiếp quản tài sản và công việc kinh doanh do cha ông truyền lại. Phần đông trong số họ là những thương nhân, chủ cửa hiệu giàu có, hoạt động mạnh trong các lĩnh vực như bất động sản, vận tải biển và tài chính ngân hàng.
Nhờ trình độ học vấn và ảnh hưởng xã hội, nhiều người Peranakan từng được chính quyền Anh thời thuộc địa tin tưởng giao trọng trách trong bộ máy điều hành. Một trong những nhân vật tiêu biểu mang dòng máu Peranakan chính là cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Tuy nhiên, cuộc Đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930 và Thế chiến thứ hai đã giáng một đòn mạnh lên cộng đồng này. Sau những biến động đó, nhiều gia đình không thể lấy lại được sự thịnh vượng như trước, đời sống xa hoa dần trở thành ký ức. Giai đoạn hậu chiến cũng được xem là điểm khởi đầu cho sự mai một dần của văn hóa Peranakan trong đời sống hiện đại.
2 Văn hóa Peranakan ở Singapore - Tinh hoa gìn giữ qua từng thế hệ
Văn hóa Peranakan ở Singapore là một di sản độc đáo được vun đắp qua nhiều thế hệ, kết tinh từ sự giao thoa giữa truyền thống Trung Hoa và bản địa, tạo nên bản sắc riêng biệt không thể nhầm lẫn. Cùng Cẩm nang du lịch khám phá những nét đặc trưng đó ngay sau đây!
2.1 Tín ngưỡng và tôn giáo
Người Peranakan duy trì nhiều phong tục truyền thống của người Hoa, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên được xem là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của họ.
Ngoài ra, người Peranakan thường có xu hướng theo Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo. Một số khác theo Kitô giáo, gồm cả Công giáo và Tin Lành, do ảnh hưởng từ giáo dục phương Tây và các nhà truyền giáo. Mặc dù sống trong khu vực có nhiều người Hồi giáo, nhưng phần lớn người Peranakan không theo đạo Hồi vì lối sống và ẩm thực của họ không phù hợp với những quy định nghiêm ngặt trong tôn giáo này.

Người Peranakan vẫn giữ các phong tục truyền thống Trung Hoa. Ảnh: Gody.vn
2.2 Baba Malay - Ngôn ngữ phản ánh bản sắc Peranakan Singapore
Dù có nhiều điểm giống với cộng đồng người Hoa, người Peranakan ở Singapore vẫn được xem là một nhóm riêng biệt. Họ có ngôn ngữ riêng gọi là Baba Malay, là sự pha trộn giữa tiếng Mã Lai, tiếng Hokkien và một số ngôn ngữ khác.
Baba Malay không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là biểu tượng văn hóa phản ánh quá trình giao thoa và thích nghi của cộng đồng này trong môi trường đa sắc tộc. Ngôn ngữ này từng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày, được dùng trong gia đình, các buổi tụ họp và cả trong sân khấu truyền thống như Wayang Peranakan. Mặc dù hiện nay Baba Malay không còn được sử dụng rộng rãi như trước, nhưng nó vẫn là một phần không thể thiếu khi nhắc đến bản sắc văn hóa Peranakan tại Singapore.

Baba Malay là ngôn ngữ phản ánh bản sắc riêng của người Peranakan Singapore. Ảnh: Phuket Romance
2.3 Kiến trúc Peranakan - Vẻ đẹp rực rỡ
Kiến trúc nhà Peranakan ở Singapore là một biểu tượng rõ nét cho sự hòa trộn văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, hình thành từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Những ngôi nhà Peranakan thường là nhà phố liền kề, được xây theo dãy trên các con đường. Nếu có dịp du lịch Singapore, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm các khu phố như Katong hay Joo Chiat để chụp ảnh “sống ảo” vẻ đẹp kiến trúc này nhé.
Cụ thể, bề ngoài của các căn nhà nơi đây gây ấn tượng bởi mặt tiền hẹp, cao khoảng 2 đến 3 tầng, được trang trí rực rỡ với bảng màu pastel như xanh bạc hà, hồng đào, vàng nhạt. Điều đó biểu hiện cho sự sung túc và thẩm mỹ tinh tế.

Kiến trúc nhà ở vô cùng rực rỡ và đầy màu sắc của cộng đồng người Peranakan. Ảnh: Ashui.com
Đi sâu vào chi tiết hơn, bạn sẽ thấy phần mặt tiền là điểm nhấn nổi bật nhất trong kiến trúc nhà Peranakan. Các mảng tường thường được ốp gạch men hoa văn nhập từ châu Âu. Bên cạnh đó là những phù điêu và hoa văn chạm khắc thủ công, lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hoa cúc, mẫu đơn, chim én hay cá chép. Đây đều là những biểu tượng mang ý nghĩa may mắn và thịnh vượng trong văn hóa Trung Hoa.
Ngoài ra, cửa chính của ngôi nhà thường làm bằng gỗ sơn đen, chạm trổ tinh xảo, kết hợp với cửa chớp gỗ truyền thống. Tầng hai có ban công, đi kèm lan can bằng gang đúc hoặc gỗ điêu khắc, thể hiện sự ảnh hưởng từ phong cách thuộc địa và tay nghề thủ công của người xưa.
Bên trong nhà, từng không gian đều được chăm chút cẩn thận. Sàn lát gạch bông hoa văn, tường treo ảnh tổ tiên, nội thất chủ yếu làm từ gỗ mun hoặc gỗ gụ, chạm khắc công phu. Đặc biệt, những vật dụng như tủ thờ, gốm sứ hay bình phong cũng được bày trí trang trọng, thể hiện sự kính trọng với thế hệ đi trước. Một đặc trưng không thể thiếu là giếng trời đặt giữa nhà, giúp lấy sáng và lưu thông không khí, rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Singapore.
Có thể nói, mỗi ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là biểu tượng của địa vị, truyền thống và gu thẩm mỹ tinh tế của cộng đồng Peranakan.

Khám giá bên trong ngôi nhà cộng đồng người Peranakan. Ảnh: Ngôi sao - VnExpress
2.4 Ẩm thực Peranakan - Hương vị giao thoa giữa Trung Hoa và Mã Lai
Ẩm thực Peranakan (hay còn gọi là ẩm thực Nyonya) là nét đặc trưng nổi bật trong văn hóa của cộng đồng Peranakan tại Singapore. Món ăn Peranakan thường rất cầu kỳ, đòi hỏi nhiều thời gian chế biến và sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên như nước cốt dừa, lá dứa, nghệ, tôm khô, me chua, cùng với các loại gia vị cay và nồng. Chính sự tỉ mỉ trong từng bước nấu đã tạo nên chiều sâu và bản sắc riêng cho mỗi món ăn.

Các món ăn của người Peranakan thường được chế biến khá cầu kì. Ảnh: Rice Media
Một số món tiêu biểu trong ẩm thực Peranakan có thể kể đến như:
- Laksa: Món bún với nước dùng từ nước cốt dừa, vị béo ngậy và cay nhẹ. Laska thường ăn kèm với tôm, trứng luộc và chả cá.
- Ayam buah keluak: Gà hầm cùng loại hạt đen có vị đắng đặc trưng, là món ăn đòi hỏi nhiều thời gian sơ chế và nấu nướng.
- Chap chye: Món rau củ hầm mềm với nước tương, nấm, miến và đậu phụ lên men, thường xuất hiện trong các dịp lễ truyền thống.
- Kueh: Các loại bánh ngọt làm từ bột gạo, nước cốt dừa, đậu xanh, lá dứa, có nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau. Kueh thường dùng để chiêu đãi khách hoặc cúng lễ.
Ẩm thực Peranakan là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng này, phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống gia đình và bản sắc văn hóa. Mỗi món ăn đều mang theo câu chuyện, ký ức và nghi thức được truyền lại qua nhiều thế hệ. Trong các dịp lễ tết, giỗ chạp hay bữa cơm đoàn viên, người Peranakan luôn chú trọng cách chế biến và trình bày món ăn như một cách thể hiện sự kính trọng với tổ tiên và tình cảm dành cho người thân.
Chính sự kết nối này giúp ẩm thực trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữ cho văn hóa Peranakan luôn sống động trong lòng xã hội Singapore.

Trải nghiệm ẩm thực đặc sắc với nhiều ý nghĩa của người Peranakan. Ảnh: Ẩm Thực Hiện Đại
2.5 Nghệ thuật và truyền thống Peranakan
Nghệ thuật và truyền thống là nền tảng giúp cộng đồng Peranakan giữ vững bản sắc qua nhiều thế hệ. Trong đó trang phục và thủ công mỹ nghệ đóng vai trò nổi bật.
Phụ nữ Peranakan nổi tiếng với sự khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ. Họ thường mặc trang phục truyền thống gọi là kebaya, một kiểu áo mỏng được thêu tay cầu kỳ, kết hợp cùng kain batik - váy quấn in hoa văn truyền thống.
Kebaya Nyonya thường được thêu hình hoa hồng, mẫu đơn, lan, cúc, côn trùng hoặc động vật. Tất cả đều mang ý nghĩa phong thủy hoặc gợi lên sự sung túc, thịnh vượng. Đi kèm với đó là kasut manik, loại dép thêu hạt nhỏ li ti, thể hiện sự tỉ mỉ và tinh tế đến từng chi tiết.
Với phụ nữ Peranakan, trang phục không đơn thuần là yếu tố thẩm mỹ mà còn là cách thể hiện sự giàu có, vị thế và niềm tự hào gia đình. Năm 2024, việc UNESCO công nhận kebaya là Di sản Văn hóa Phi vật thể đã khẳng định tầm quan trọng văn hóa của trang phục này trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, trang phục truyền thống của nam giới Baba cũng mang đậm chất nghệ thuật với các chất liệu như lụa, satin, vải thêu và kết cườm phong phú, tạo nên diện mạo lịch lãm, trang trọng cho người đàn ông Peranakan.

Ngắm nhìn trang phục truyền thống được may tỉ mỉ của người Peranakan. Ảnh: Pelago
Không chỉ dừng lại ở trang phục, nghệ thuật biểu diễn cũng góp phần gìn giữ tinh thần cộng đồng. Trong đó, Wayang Peranakan được xem là một loại hình sân khấu truyền thống kết hợp giữa kịch nói, âm nhạc và phong cách diễn xuất độc đáo. Các vở kịch thường diễn bằng tiếng Baba Malay, xoay quanh chủ đề gia đình, lễ nghi, truyền thống và mâu thuẫn xã hội, qua đó phản ánh rõ nét giá trị và lối sống của cộng đồng này.
Dù từng có thời gian suy yếu, nghệ thuật này vẫn được duy trì đến nay nhờ vào nỗ lực của các tổ chức như Gunong Sayang Association, nơi lưu giữ kịch bản, phục trang và đào tạo thế hệ trẻ kế thừa. Sự kết hợp giữa nghệ thuật, ngôn ngữ và tinh thần cộng đồng chính là yếu tố giúp văn hóa Peranakan tiếp tục hiện diện bền vững trong lòng Singapore hiện đại.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về cộng đồng Peranakan và những giá trị văn hóa đặc sắc vẫn hiện diện giữa lòng Singapore. Nếu có dịp đặt chân đến đảo quốc sư tử, bạn đừng quên chuẩn bị sẵn chiếc vali nhỏ gọn và dành thời gian khám phá những khu phố mang đậm dấu ấn Peranakan nhé!