Tây Ninh được nhiều người biết đến là địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử nổi tiếng của miền Đông Nam Bộ. Nếu rừng Chàng Riệc là nơi mang dấu ấn lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc ta vào những năm của thế kỷ 20, thì tháp cổ Bình Thạnh lại chứa đựng các giá trị văn hóa từ ngàn năm trước.
1Tổng quan chung về tháp cổ Bình Thạnh
Tháp cổ Bình Thạnh là một trong ba kiến trúc tiêu biểu đại diện cho nền văn hóa Óc Eo còn sót lại ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay. Ngôi tháp tọa lạc ở phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 50 km về hướng Đông Nam.
Đây là ngôi tháp cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII – IX, tính đến nay đã có niên đại hơn một nghìn năm tuổi. Tổng thể khu vực tháp cổ Bình Thạnh gồm ba tòa, nhưng duy nhất chỉ có ngôi tháp chính là vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc nhờ được trùng tu vào năm 1998, hai tháp khác hiện tại đã bị đổ sập chỉ còn lại phế tích trên nền móng hình vuông.
Tháp cổ Bình Thạnh cùng tháp Chóp Mạt Tây Ninh được chính thức phát hiện qua tài liệu báo cáo khảo cổ học tại thư viện nghiên cứu khảo cổ Đông Dương vào đầu thế kỷ XX và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1993.
Xem thêm: Vườn trái cây Gò Chùa Tây Ninh, điểm đến du lịch miệt vườn cực thú vị
2Di chuyển đến tháp cổ Bình Thạnh
Từ trung tâm thành phố Tây Ninh, bạn chạy dọc theo Quốc lộ 22B theo hướng về trung tâm huyện Gò Dầu, đến ngã ba ấp Voi huyện Bến Cầu thì rẽ phải đi theo đường Tỉnh lộ 786. Bạn đi chừng 20 km nữa sẽ thấy một ngã rẽ dẫn vô tháp cổ Bình Thạnh.
Tuy nhiên ở đây không có biển chỉ dẫn, nên bạn phải quan sát kỹ nếu thấy bảng “Di tích lịch sử văn hóa” trên đường đi thì tức là bạn đã đến gần khu tháp cổ.
3Khám phá giá trị lịch sử - kiến trúc tại tháp cổ Bình Thạnh
3.1 Giá trị lịch sử của tháp cổ Bình Thạnh
Tháp cổ Bình Thạnh là một minh chứng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam trong hơn 1000 năm qua. Đây là ngôi tháp duy nhất có tường đá gần như còn được nguyên vẹn kể từ lần đầu tiên phát hiện vào năm 1886, cũng là di sản kiến trúc hiếm hoi thuộc nền văn hóa Óc Eo vẫn giữ được lối thiết kế xây dựng ban đầu.
Bên cạnh đó, tháp cổ Bình Thạnh còn chứa đựng được nhiều trị giá văn hóa truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của người Phù Nam xưa. Tiêu biểu là các hoa văn, phù điêu được chạm nổi trên tháp, hầu hết là hình ảnh hoa lá cách điệu, thần linh, sinh thực khí… là những hình tượng phổ biến trong Ấn Độ giáo, đã được người dân Phù Nam thờ cúng cách đây nghìn năm.
Thông qua lối kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và điêu khắc tài tình thể hiện trên tháp cổ Bình Thạnh, đã góp phần phản ánh sự phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo thời bấy giờ. Đây là một tài liệu quý giá mà các nhà nghiên cứu không ngừng tìm tòi để phát hiện nhiều hơn các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc tại khu di tích cổ này.
Không những thế, sự phát hiện ra ngôi tháp cổ hơn 1000 năm tuổi càng thêm phần khẳng định vùng đất Tây Ninh từ thời cổ đại đã là đầu mối giao thương, giao lưu của nhiều nền văn hóa lớn, nơi có lịch sử lâu đời trước khi người Việt đặt chân đến Tây Ninh vào thế kỷ 17.
3.2 Khám phá lối kiến trúc tinh xảo tại tháp cổ Bình Thạnh
Tháp cổ Bình Thạnh tọa lạc trên gò đất cao giữa một cánh đồng lúa thuộc xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ngôi tháp xây bằng gạch nung nổi bật giữa những hàng cây, tạo nên một không gian yên tĩnh, mát mẻ hấp dẫn bước chân mọi tín đồ yêu khám phá.
Cũng giống như các đền tháp Chăm ở miền trung Việt Nam, tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng bằng cách đặt các phiến đá và gạch nung xếp chồng khít lên nhau, nhưng lại không cần một chất kết dính nào.
Ngôi tháp được xây dựng trên nền đất hình vuông có tổng chiều cao là 10m và mỗi cạnh dài 5m, bốn mặt tháp được dựng theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và có một cửa chính duy nhất quay về hướng Đông.
Phần cửa chính được thiết kế nhô hẳn ra phía ngoài với chiều rộng 1m và cao khoảng 2m. Phía dưới cửa chính là bậc thềm tam cấp bằng đá và phía trên có một phiến đá lớn, được chạm nổi nhiều hoa văn rất tinh xảo.
Ngoài ra các mặt tường phía Tây, Nam, Bắc đều được thiết kế cửa giả và trang trí bằng những phù điêu có hoa văn cầu kỳ không kém gì phía cửa chính. Không gian bên trong tháp không lớn, chủ yếu dùng làm nơi thờ phụng Linga và Yoni - là một biểu tượng của thần Shiva trong Ấn Độ giáo.
Chính nhờ vào lối kiến trúc và kỹ thuật điêu khắc độc đáo, tháp cổ Bình Thạnh còn là điểm check-in lý tưởng được nhiều bạn trẻ không thua gì tọa độ Cây thốt nốt trái tim Tây Ninh.
4Chiêm ngưỡng các hình ảnh tại tháp cổ Bình Thạnh
Tháp cổ Bình Thạnh mang dòng chảy lịch sử lâu đời cùng lối kiến trúc tinh xảo trong từng chi tiết, đây là điểm dừng chân lý tưởng mà các tín đồ yêu thích tìm hiểu văn hóa không thể bỏ qua trong cẩm nang du lịch.