1Visa Schengen là gì?
Visa Schengen là một loại thị thực ngắn hạn, cho phép người mang di chuyển tự do giữa 29 quốc gia thuộc khu vực châu Âu. Loại visa này phù hợp cho các hoạt động như du lịch, công tác, thăm người thân hoặc quá cảnh qua sân bay. Người sở hữu visa Schengen có quyền lưu trú tối đa 90 ngày trong một khoảng thời gian 180 ngày.
2Có visa Schengen sẽ đi được những nước nào?
Theo hiệp ước Schengen mới nhất có hiệu lực từ ngày 31/03/2024, bạn có thể đi lại tự do giữa các quốc gia khi du lịch Châu Âu như: Áo, Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.
Ngoài ra, visa Schengen cũng cho phép bạn vào các nhà nước nhỏ như Thành Vatican, San Marino, Andorra và Monaco mà không cần visa riêng.
3Visa Schengen có bao nhiêu loại?
Visa Schengen có ba loại chính với các mục đích du lịch hoặc trải nghiệm khác nhau khi. Cùng Cẩm nang du lịch tìm hiểu ngay sau đây nhé.
3.1 Visa Schengen loại A (Visa sân bay)
Visa Schengen loại A được cấp cho những người chỉ cần dừng chân tại các sân bay trong Schengen để tiếp tục hành trình bay đến một quốc gia khác mà không nhập cảnh vào các nước thuộc khu vực này. Visa này có hiệu lực trong thời gian ngắn, thường từ vài giờ đến hai ngày, tùy vào thời gian quá cảnh dự kiến.
Lưu ý: Hiện nay không phải công dân của mọi quốc gia đều có thể xin visa Schengen loại A, trong đó có Việt Nam. Do đó, để quá cảnh qua khu vực Schengen, bạn cần phải xin visa du lịch loại C, để lưu trú tạm thời trong khu vực này.
3.2 Visa Schengen loại C (Visa ngắn hạn)
Visa Schengen loại C là loại visa cho phép người mang được phép lưu trú tại các quốc gia thuộc khu vực Schengen tối đa 90 ngày trong một khoảng thời gian 180 ngày. Visa này sẽ phù hợp cho những mục đích như du lịch, thăm thân, công tác ngắn hạn hoặc tham dự các sự kiện văn hóa và hội nghị.
Bên cạnh đó, visa Schengen loại C còn được chia thành nhiều loại nhỏ hơn, tùy thuộc vào mục đích sử dụng của người xin visa. Cụ thể:
Loại Visa | Nhận diện | Mô tả |
Visa một lần nhập cảnh | Số “1” trong mục “Number of entries” | Loại visa này chỉ cho phép người sử dụng được một lần vào khu vực Schengen. Khi đã rời khỏi, nếu bạn muốn quay lại thì cần phải xin visa mới. |
Visa hai lần nhập cảnh | Số “2” trong mục “Number of entries” | Cho phép người dùng vào Schengen hai lần, mỗi lần không quá 90 ngày. Sau khi rời khỏi lần thứ hai, visa này không còn giá trị. |
Visa nhiều lần nhập cảnh | Chữ “MULT” trong mục “Number of entries” | Người dùng có thể vào và ra khỏi Schengen nhiều lần trong thời hạn của visa, với tổng số ngày không vượt quá 90 ngày trong 180 ngày. |
3.3 Visa Schengen loại D (Visa dài hạn)
Visa Schengen loại D là loại visa dành cho những người cần lưu trú lâu dài tại một quốc gia thuộc khu vực Schengen. Mục đích sử dụng có thể bao gồm học tập, làm việc, đoàn tụ gia đình,... Visa này cho phép người sở hữu lưu trú trong một thời gian dài hơn so với 90 ngày, thường là tối đa một năm.
4 Cách đăng ký visa Châu Âu Schengen
4.1 Chuẩn bị hồ sơ
Việc chuẩn bị kỹ càng các giấy tờ này sẽ giúp quá trình xin visa Schengen của bạn diễn ra thuận lợi hơn. Dưới đây là một số hồ sơ cơ bản bạn có thể tham khảo:
Loại Tài Liệu | Chi Tiết Cần Thiết |
Cá nhân | - Đơn xin visa: Đính kèm ảnh thẻ kích thước 3.5 x 4.5 cm - Hộ chiếu: Cần có giá trị ít nhất 6 tháng sau ngày dự định trở về, ít nhất 2 trang trống - CMND/CCCD, sổ hộ khẩu: Bản sao y công chứng, dịch tiếng Anh - Tình trạng hôn nhân: Giấy xác nhận, dịch và công chứng |
Tài Chính | - Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng: Sổ tiết kiệm khoảng 100-200tr, sao kê 3 tháng - Bảng lương: 3 tháng gần nhất |
Chứng Minh Nghề Nghiệp | - Nhân viên: Hợp đồng lao động và đơn xin nghỉ phép - Doanh nhân: Giấy phép kinh doanh và báo cáo thuế - Người hưu trí: Giấy quyết định nghỉ hưu, sổ hưu trí - Học sinh, sinh viên: Xác nhận từ trường và thẻ học sinh |
Chuẩn Bị cho Chuyến Đi | - Bảo hiểm: Phạm vi bồi thường tối thiểu 30.000 euro, hiệu lực ở mọi nước Schengen - Xác nhận đặt chỗ: Khách sạn và vé máy bay - Lịch trình: Chi tiết các hoạt động dự kiến - Thư ngỏ: Bày tỏ nguyện vọng và cam kết tuân thủ quy định |
Lưu ý:
- Các giấy tờ nộp phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng và dịch thuật nếu cần.
- Cần liên hệ trực tiếp với lãnh sự quán hoặc đại sứ quán để cập nhật các yêu cầu mới nhất và đảm bảo sự chính xác khi chuẩn bị hồ sơ.
4.2 Các bước thủ tục xin visa Schengen
Bước 1: Chuẩn bị Hồ Sơ
Đây là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng trong quá trình xin visa Schengen. Hồ sơ của bạn cần bao gồm hộ chiếu, ảnh hộ chiếu, mẫu đơn xin visa đã hoàn tất, bảo hiểm du lịch, bằng chứng tài chính, lịch trình chi tiết chuyến đi và các giấy tờ khác theo yêu cầu của loại visa bạn đăng ký.
Bước 2: Đăng ký tài khoản và chọn trung tâm thị thực
Tùy theo quốc gia mà bạn muốn xin visa Schengen, bạn có thể nộp hồ sơ tại đại sứ quán của quốc gia đó hoặc thông qua hai trung tâm tiếp nhận hồ sơ visa Schengen ở Việt Nam.
+ Đối với hầu hết các quốc gia trong khối Schengen trừ Pháp, bạn có thể nộp hồ sơ tại trung tâm VFS Global tại https://visa.vfsglobal.com/vnm/vi/nld/
+ Nếu bạn muốn xin visa đi Pháp, bạn nên nộp hồ sơ qua Trung tâm TLS tại https://fr.tlscontact.com/vn
Bước 3: Đặt lịch hẹn
Trước khi nộp hồ sơ visa du lịch châu Âu, bạn cần đặt lịch hẹn trực tuyến với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của quốc gia Schengen mà bạn dự định đến thăm. Sau khi đặt lịch thành công, hãy in giấy hẹn và đến đúng địa điểm và thời gian đã hẹn để nộp hồ sơ. Việc này đảm bảo quá trình xét duyệt hồ sơ diễn ra suôn sẻ và kịp thời.
Bước 4: Nộp hồ sơ
Đến trung tâm thị thực vào ngày đã hẹn để nộp hồ sơ. Khi đi, bạn cần mang theo đầy đủ hồ sơ đã chuẩn bị cùng với giấy hẹn.
Bước 5: Thanh toán lệ phí
Từ ngày 11 tháng 6 năm 2024, chi phí xin visa Schengen đã được điều chỉnh tăng. Cụ thể, mức phí bạn có thể tham khảo cho từng đối tượng như sau:
- Người lớn: Phí xin visa là 90 EUR.
- Trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi: Phí là 45 EUR.
- Trẻ em dưới 6 tuổi: Được miễn phí xin visa.
Thêm vào đó, khi bạn nộp hồ sơ thông qua các trung tâm thị thực như VFS Global, TLS Contact hoặc BLS International, bạn có thể phải thanh toán thêm phí dịch vụ. Mức phí này phụ thuộc vào trung tâm thị thực bạn chọn để nộp đơn và sẽ được thông báo riêng, không bao gồm trong lệ phí visa chính thức.
Bước 6: Nhận Kết Quả
Sau khi nộp hồ sơ, bạn sẽ nhận được thông báo kết quả qua email hoặc có thể trực tiếp tại trung tâm thị thực. Thời gian chờ đợi có thể dao động từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
5Những câu hỏi thường gặp khi xin visa Schengen
Khi xin visa Schengen, có một số câu hỏi thường gặp mà nhiều người xin visa quan tâm. Dưới đây là các câu hỏi phổ biến nhất cùng với câu trả lời để giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho quá trình xin visa của mình:
- Tôi cần chờ bao lâu để nhận visa? => Thời gian xử lý visa Schengen thường mất khoảng 15 ngày làm việc. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể, thời gian này có thể dài hơn.
- Visa Schengen có đi được Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Anh không? => Không, visa Schengen không có giá trị tại Thổ Nhĩ Kỳ và Anh quốc. Bạn cần xin visa riêng để nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ.
- Có cần phỏng vấn xin visa Schengen hay không? => Có, bạn có thể cần tham dự phỏng vấn khi xin visa Schengen, tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào tình hình cụ thể của hồ sơ. Nếu thông tin trong đơn xin của bạn đã đầy đủ và minh bạch, cuộc phỏng vấn có thể không cần thiết. Ngược lại, nếu các chi tiết trong hồ sơ cần sự xác minh hoặc giải thích thêm, lãnh sự quán hoặc đại sứ quán sẽ yêu cầu bạn đến phỏng vấn.
- Nếu bị trượt visa Schengen thì bao lâu sau mới nộp lại được? => Bạn có thể nộp lại đơn ngay lập tức sau khi nhận được quyết định từ chối. Tuy nhiên, bạn cần bổ sung và chỉnh sửa các giấy tờ và hồ sơ theo những lý do từ chối đã được đề cập trong thông báo trước đó.
Hy vọng thông tin chi tiết về quy trình đăng ký, hồ sơ cần thiết, và lệ phí cho visa Schengen năm 2024 mà MIA.vn cung cấp đã giúp bạn hiểu rõ những gì cần chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Bằng cách trang bị kiến thức và chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ tăng cơ hội thành công trong việc xin visa. Chúc bạn may mắn và có một chuyến đi an toàn, thú vị tại khu vực Schengen.