1Nguồn gốc Tết Xíp Xí của đồng bào dân tộc Thái
Theo các cụ cao niên kể lại, ngày trước, con trâu - “đầu cơ nghiệp” của mỗi gia đình, thường được giao cho con trẻ chăn dắt. Vào ngày 14/7 âm lịch hằng năm, đàn ông ở nhà vui tết, còn trẻ con đi chăn trâu. Thấy bị thiệt thòi, lũ trẻ nghĩ ra kế lấy dây rừng buộc hết mõm trâu lại không cho ăn. Súc vật bị đói, bị gầy nên người lớn đành gói xôi, gà luộc, bánh ít mang tới cho lũ trẻ. Vì vậy, Tết Xíp Xí còn được gọi là ngày tết trẻ con.
Tết Xíp Xí nằm trong lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa, là lễ hội đặc sắc của đồng bào Thái trắng huyện Phù Yên. Đây là dịp thờ cúng tổ tiên, tổng kết mùa vụ, tạ ơn trâu cày, nhớ công lao người chăn dắt. Tết thường có 2 phần, phần “mo” tức thờ cúng tổ tiên, cầu xin tạo mường phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân bản dồi dào sức khỏe để lao động sản xuất, trẻ con dễ nuôi, hay ăn, mau lớn; còn phần hội sẽ tổ chức ăn uống, vui chơi, giao lưu văn nghệ...
2Thời gian diễn ra Tết Xíp Xí
Tết Xíp Xí được tổ chức vào ngày 14/07 âm lịch hàng năm. Ngày này được bà con người Thái trắng coi như một ngày tết ăn mừng thành quả lao động vất vả trong sáu tháng đầu của một năm, ai đi xa cũng về đoàn tụ, con cháu hướng về tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ những sản vật do chính mình làm ra, thể hiện truyền thống nhớ về cội nguồn của dân tộc.
Xem thêm: Tổng hợp cho bạn trọn bộ kinh nghiệm đi Mộc Châu 2N1Đ giá rẻ
3Khám phá sự rộn ràng của Tết Xíp Xí
Mặc dù ngày tết chỉ tổ chức duy nhất trong ngày 14/7 âm lịch, nhưng mỗi gia đình đều chuẩn bị chu đáo cách đó nhiều ngày. Phụ nữ vào rừng hái lá dong, chuẩn bị gạo nếp dẻo, lá tím để đồ xôi ngũ sắc, gói bánh ít. Đàn ông ra suối bắt cá về nướng, lên rừng đốt tổ ong lấy nhộng để chế biến, cho mâm cơm cúng được đầy đủ.
Trong ngày Tết Xíp Xí của đồng bào Thái cũng không thể thiếu bánh ít (còn gọi là bánh tình nhân). Bánh được làm bằng bột gạo nếp ngon từ vụ chiêm, trong có nhân đỗ nho nhe, thịt lợn băm và hạt tiêu đen. Gạo nếp đãi sạch, ngâm kỹ rồi xay thành bột, trắng, mịn như bột lọc. Bột nhào xong tán dẹt, bỏ nhân đậu, thịt vào giữa, đặt vào hai đầu lá chuối rừng, rồi cuốn lại thành một ống dài, hai đầu bánh vặn ngược chiều, rồi gập lại thành đôi và buộc chặt bằng lạt giang chẻ mỏng để không làm gẫy lá. Sau đó, bánh được xếp vào chõ gỗ để đồ, không bị nhão và giữ được hương thơm đặc trưng.
“Kháu đằm dà hanh, kháu đèng dà nưởi” (cơm đen tăng thêm sức, cơm đỏ xua mỏi mệt) là câu truyền miệng của đồng bào Thái vùng này, cũng chính vì thế, xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong dịp tết Xíp Xí, họ quan niệm xôi nhiều màu thì gia đình nhiều may mắn, vía con trâu cày thêm khỏe mạnh.
Cùng với xôi ngũ sắc và bánh ít, trong mâm cơm cúng ngày Tết Xíp Xí còn có thịt vịt, vì con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, cúng thịt vịt là mong muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, làm trôi theo dòng nước suối những điều không may mắn, điềm xấu, điềm gở...
Ngày Tết Xíp Xí, luôn có mâm lễ vật để cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ trong bản; Cầu xin may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào để lao động; Cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho con trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, không ốm đau bệnh tật.
Lễ vật cúng gồm: Thịt vịt, thịt gà, thịt lợn hun khói, nạp sườn, cá nướng (Pa pỉnh tộp), nộm rau cải, canh bon, canh chua, khẩu cắm (cơm nếp nhuộm 5 màu hoặc 7 mầu), bánh ít uôi, bánh chưng gù.
Chủ gia đình dâng mâm lễ cúng tổ tiên tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Trước bàn thờ linh thiêng, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần đông đủ lần lượt vái lễ cầu mong phù hộ con cháu ăn nên làm ra, cả nhà khỏe mạnh.
Tết Xíp Xí thường không thể thiếu "nhứa tô pết" (thịt vịt), bởi người Thái trắng có quan niệm con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước. Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ; Con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi, người lớn cầu mong lớp trẻ yên vui, khỏe mạnh...
Sau khi thờ cúng Then, tổ tiên, thần linh thổ địa và làm vía, trẻ em được người lớn khen thưởng và phát lộc. Trong ngày Tết Xíp Xí chúng được vui chơi thỏa thích đến tận khi trăng lên. Các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm, chúc nhau sức khỏe và cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Đây cũng là dịp để gia chủ thể hiện lòng mến khách, người quen được mời trước đó vài ngày và được đón tiếp nồng hậu, chu đáo, được thưởng thức những món ăn dân tộc đặc trưng, đặc biệt là Thịt trâu gác bếp Mộc Châu quý như vàng, Xôi ngũ sắc - bánh sắn Mộc Châu,... nhà nào càng nhiều khách đến thì càng nhiều may mắn. Trong ngày tết, không chỉ có ăn uống mà còn có “khắp chúc muôn” (hát chúc mừng), “khắp sòn côn” (hát dạy làm người) và “khắp báo sao” (hát giao duyên) lúc ăn uống và lúc thăm nhau. Vào buổi chiều ngày tết, nhiều bản còn tổ chức hội vui chung, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người cùng ném yến, tung còn, kéo co, đẩy gậy, múa, khắp đối đáp, cùng hòa vào vòng xòe mang đậm bản sắc dân tộc.
Ngày nay, xã hội phát triển và có sự giao thoa văn hóa, mà những lễ hội truyền thống như Tết Xíp Xí của đồng bào dân tộc Thái vẫn còn được lưu giữ là một điều cực kỳ đáng quý. Dù có nhiều thay đổi về các món ăn trong ngày tết cũng như hình thức tổ chức, nhưng về ý nghĩa và tính nhân văn của ngày Tết Xíp Xí vẫn được phát huy và lan tỏa, nhằm lưu giữ hồn cốt của đồng bào dân tộc Thái.