1Giới thiệu về vườn Cơ Hạ
1.1 Thông tin chung
Vườn Cơ Hạ là một vườn cảnh tọa lạc trong khu vực Hoàng Thành Huế do vua Thiệu Trị sáng lập nên vào năm 1843. Hiện nay khu vườn này thuộc phường Thuận Thành, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong số hàng chục khu vườn khác nhau của vua thì nơi đây được xem như là một kiệt tác vườn cung đình.
Sinh thời các vị vua triều Nguyễn phần lớn đều giỏi thi ca, nhạc họa nên rất yêu thích cảnh đẹp cỏ cây hoa lá. Chính vì thế mà khi xây dựng Kinh thành Huế các vua Nguyễn đã cố gắng tận dụng địa thế, địa hình và phong cảnh tươi đẹp nơi đây để biến Kinh đô Huế thành một mô hình lý tưởng, cùng với đó hàng loạt khu vườn Thượng uyển với quy mô lớn, tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao được lập nên và các loài hoa thơm, cỏ lạ, cây cảnh đẹp, độc đáo từ khắp nơi trong cả nước được huy động về để phục vụ cho nhu cầu trang trí cảnh quan chốn Cung đình.
Xem thêm: Điểm danh 7 vườn hoa hướng dương cực hot tại vùng đất Cố đô
1.2 Đôi nét về vườn Cơ Hạ
Nhắc đến nhà vườn Huế người ta không chỉ nhớ ngay đến nhà vườn An Hiên hay Kim Long… mà còn nghĩ tới những khu vườn Ngự Uyển nức tiếng thời xưa. Từ thời nhà Nguyễn, vua đã từng cho xây dựng lên đến hơn 30 khu vườn ngự với nhiều tên gọi khác nhau trong chốn hoàng cung, biệt cung, ly cung, ngự uyển gắn với từng dạng thức tương ứng. Trong đó có 5 khu vườn thượng uyển nổi tiếng là Trường Ninh Cung, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Hậu Hồ, và Thiệu Phương Viên.Vườn Cơ Hạ là nơi sở hữu phong cách riêng biệt cũng như ấn tượng nhất so với 4 khu vườn còn lại.
Vườn Cơ Hạ với diện tích rộng lớn lên đến gần 5 mẫu tức 2,3 hét ta, hệ thống cây cảnh trong vườn đều được uốn lượn rất tinh tế và công phu.
2Ý nghĩa tên gọi vườn Cơ Hạ
Cái tên vườn Cơ Hạ được lấy từ ý “Vạn Cơ Thanh Hạ” có nghĩa là sự bình an, an nhàn trong mọi cơ sự. Với tên gọi thú vị này, các vị vua triều Nguyễn dựng vườn chủ yếu nhằm mục đích nghỉ ngơi, đi dạo và ngắm cảnh giữa chốn cung đình sau sự vất vả, bận rộn nơi chốn cung đình thị phi. Việc xây dựng vườn cũng không quá tốn kém và khá tiện lợi trong việc di chuyển từ chốn nội cung sang. Nếu bạn có dịp du lịch Huế, ghé thăm vườn Cơ Hạ Viên thì hãy dạo bước tại một trong năm khu vườn nổi tiếng nhất của Kinh Thành Huế nhé.
3Lịch sử vườn cơ Hạ
Ban đầu khi mới được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, khu vực này được xem là Cơ Hạ đường, tức là khu dành cho các Hoàng tử học tập, vui chơi. Mãi cho đến năm 1837 vua Minh Mạng mới cho đổi thành khu vườn ngự uyển, đồng thời xây dựng, nâng cấp mở rộng và trồng thêm nhiều loại cây cảnh đắt giá. Dù vậy, cho đến thời vua Thiệu Trị (1841-1847) khu vườn đặc biệt này mới thực sự nổi tiếng gần xa bởi vì được xây thêm nhiều công trình khác như đình, viện, đài, tạ, mà ấn tượng nhất chính là dãy trường lang hình chữ khẩu bao quanh các công trình chính, được biết đến nhiều nhất với tên gọi Tứ Phương Ninh Mật Hồi Lang.
Công phu và hoành tráng là thế nhưng đến đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn đã cho triệt giải dần các công trình kiến trúc bên trong khuôn viên của khu vườn vì không có đủ điều kiện chăm sóc. Kể từ đó, vườn Cơ Hạ lộng lẫy, cao sang đã dần tàn tạ, hư hỏng và trôi vào quên lãng. Đến năm 2013 - 2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tôn tạo mà mở rộng lại Cơ Hạ viên. Cùng với dấu vết của hang động, đồi núi, sông hồ cũ, khu vườn còn được phủ kín bởi cây xanh cùng các loài hoa và cây kiểng quý. Đặc biệt là trong Lễ hội Festival Huế 2014, khu vườn đã tạo thành một điểm nhấn đặc biệt, thu hút đông đảo du khách viếng thăm và tìm hiểu, thưởng ngoạn phong cảnh.
4Nét kiến trúc độc đáo tại vườn Cơ Hạ
Bên trong vườn Cơ Hạ bao gồm nhiều quần thể như sông hồ, núi động, lầu tạ, cung điện liên hoàn được kết hợp hài hoà giữa công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Giữa khu vườn có hồ nước rộng và trong vắt gọi là Minh Hồ. Bên trái Minh Hồ có đài tạ gọi là Hoà Phong. Cầu bắc qua Minh Hồ gọi là Kim Nghệ Ngọc Đống. Hành lang bên phải Minh Hồ gọi là Khả Nguyệt. Giữa Minh Hồ còn có một đảo nhỏ, trên đảo có lầu gác gọi là Quang Biểu. Lầu đài phía sau Minh Hồ gọi là Thưởng Thắng. Điện chính trong vườn là điện Khám Văn. Đại sảnh trong vườn gọi là Minh Lý. Ngoài ra, còn có nhiều công trình khác như: hang Phúc Duyên, hang Đào Nguyên, ao Thuỵ Liên, sông Trại Võ… Tuy nhiên những vết tích này cũng bị tàn phá theo thời gian cho đến khi được tái tạo lại.
Điện chính trong vườn Cơ Hạ có tên là điện Khám Văn với khu đại sảnh gọi là Minh Lý, lợp ngói lưu li vàng. Ngoài ra, còn có nhiều công trình khác ở các hướng. Phía Tây Minh Hồ là sông Trại Vũ, động Phước Duyên cùng động Đào Nguyên. Nghiêng sang phía Đông chính là cầu Kim Nghê với mái che phía trên. Từ lầu Thưởng Thắng nhìn về phía trái là núi Thọ Yên, núi Trùng Đình cùng với ao Thụy Liên, núi Quân Tử…
5Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp tại vườn Cơ Hạ
Nơi đây quy tụ rất nhiều loài hoa thơm, cỏ lạ và cây cảnh quý hiếm của nhiều vùng miền khác nhau đưa về và còn có cả các loài hoa do các nước ngoài dâng tặng. Việc lựa chọn các loại hoa, cây kiểng để trang trí cho khu vườn này cũng được chọn lựa một cách kỹ càng, phải đảm bảo yêu cầu về mặt thẩm mỹ như: dáng thế, màu sắc hoa của cây và đặc điểm sinh thái của cây trồng như. Các loại thực vật cũng rất phong phú và đa dạng từ các loài cây lớn, cây trung bình, cây nhỏ, cây bụi, dây leo, cây cỏ lạ… dưới nước có các loài thủy sinh: Sen, Súng.
Cây lựa chọn đảm bảo phù hợp với điều kiện lập địa và sinh thái của vùng trồng, cây sống lâu năm, xanh quanh năm, không gây độc, dễ uốn sửa, tạo tán, ít sâu bệnh nữa đấy nhé.
Trong các vườn Thượng uyển được bố trí trồng nhiều loại cây ăn quả phổ biến ở miền Trung và các vùng miền đất nước: Mít, Chuối, Xoài, Nhãn…Thậm chí còn trồng các loài cây lương thực như Kê, Ngô… thể hiện tinh thần trọng nông, yêu nông nghiệp của các vua triều Nguyễn. Đặc biệt là sự xuất hiện của rất nhiều loài cây quý, đặc sắc từ các nước khác được chọn lựa du nhập về để phục vụ cho thú chơi thưởng ngoạn của các bậc đế vương.
Hiện nay, bên trong vườn Cơ Hạ có tới gần 600 loại cây cảnh quý với 45 chủng loại được huy động từ 56 nghệ nhân chơi cây kiểng, bonsai trong và ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế được đưa về sắp xếp trong vườn theo đúng như vườn xưa. Riêng Hội phong lan Huế đã đưa nhiều loài lan lạ, đặc sắc vào vườn tạo sự đa dạng cho sắp đặt cảnh quan vườn Cơ Hạ. Cảnh quang thiên nhiên hài hòa kết hợp với lối kiến trúc độc đáo đã khiến cho địa điểm này ngày càng được nhiều người ưa thích.
Vườn Cơ Hạ là điểm tham quan tại Huế dành cho những ai yêu thích sự yên bình, nhàn nhã. Nếu đã một lần khám phá Huế mộng mơ thì bạn đừng quên đặt chân đến địa điểm này trong lịch trình khám phá Huế của mình nhé.