1 Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô bên bờ sông Tiber
Địa chỉ: thành phố Vatican
Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần, từ 07:00 đến 18:00
Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô là tạo tác theo trường phái kiến trúc Phục Hưng bên bờ sông Tiber, phía Tây Nam trung tâm Vatican. Ngôi Thánh đường được xây trên nền nhà thờ cũ, tại Quảng trường Thánh Phêrô, đồng thời là nơi mà Giáo hội tin rằng vị Thánh tông đồ trưởng đã được an táng tại đó.
Đặc biệt, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô là một trong bốn nhà thờ trên toàn thế giới được sắc phong tước hiệu Vương cung Thánh Đường. Công trình tái hiện rõ nét kiến trúc Phục Hưng, là điểm tựa niềm tin của bao tín đồ Thiên Chúa giáo.
Hơn cả ngôi Thánh đường linh thiêng, nơi đây còn là chốn an nghỉ của các đời Giáo hoàng, những nhân vật quan trọng trên thế giới. Vào những dịp lễ trọng trong năm, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự dâng lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và ban phép lành cho giáo dân tại đây.
2 Lịch sử xây dựng Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ngày nay được xây dựng trên chính nền nhà thờ cũ, mà nhiều người tin rằng đây là nơi an nghỉ của vị Thánh trưởng Phêrô tử đạo vào năm 64 sau Công nguyên.
Đức Giáo hoàng Julius II đã ra lệnh phá bỏ nhà thờ cũ, xây dựng Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô mới vào ngày 18/4/1506. Công trình là ‘đứa con tinh thần’ của nhiều kỹ sư tài hoa thời ấy, như Julius, Bramante, Michelangelo, Bernini cùng nhóm thợ thủ công, thợ nề, họa sĩ, thợ thạch cao, tráng men và mạ vàng lành nghề.
Đến thời Giáo hoàng Paul III, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô mới chính thức hoàn thành, vào ngày 18/11/1626. Ngay từ khi hoàn thiện, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô là biểu tượng thể hiện quyền uy, thịnh vượng của Giáo hoàng và Giáo hội.
Trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng, thế nhưng công trình vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Ngày nay, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô là điểm tựa niềm tin của giáo dân, đồng thời là ngôi Thánh đường biểu tượng của Tòa Thánh Vatican.
3 Kiến trúc Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô có gì đặc biệt?
Đánh dấu sự kết hợp giữa những thiên tài kiến trúc của thời đại, gồm Donato Bramante, Michelangelo, Carlo Maderno và Gian Lorenzo Bernini, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô là tạo tác kiến trúc tái hiện chân thật tinh hoa của hai trường phái Phục Hưng và Baroque.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến, bạn chắc chắn sẽ ấn tượng trước vẻ ngoài tráng lệ của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Mặt tiền nhà thờ được chống đỡ bằng các cột trụ khổng lồ, với tượng các Thánh chạm trổ tinh xảo, gợi cảm giác sang trọng. Đặc biệt phải kể đến tượng điêu khắc Pieta của Michelangelo, tái hiện hình ảnh Đức Mẹ ôm xác Chúa Jesus sinh động.
Điểm nhấn phải kể đến phần mái vòm in đậm dấu ấn Pantheon với chiều cao 448 feet sừng sững giữa nền trời, đồng thời là mái vòm nhà thờ cao nhất thế giới. Phần mái vòm được trang trí bằng hoa văn, phù điêu đá hoa cương chạm trổ tinh xảo, ấn tượng.
Không gian bên trong Thánh đường là nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc, tranh ảnh và tượng các Thánh tông đồ, tác phẩm của nhiều nghệ sĩ vĩ đại, như Michelangelo, Bernini, Raphael. Tất cả cùng nhau tạo nên một không gian thể hiện rõ nét văn hóa tôn giáo và tràn đầy tính nghệ thuật.
4 Các công trình nổi bật tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
4.1 Phần mộ Thánh Phêrô tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
Trong Tin Mừng Thánh Matthêu, Chúa Jesus đã nói với Simon, một ngư dân khiêm nhường rằng, “Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Tin Mừng cũng thuật lại rằng, Chúa Jesus đã ban một cái tên mới cho người ngư dân Simon, đó là Phêrô, có nghĩa là ‘đá’.
Vị Thánh tông đồ đầu tiên của Hội Thánh đã tử vì đạo dưới triều đại Hoàng đế Nero, khoảng năm 67, 68 sau Công nguyên, trong cuộc bách hại Kitô hữu đầu tiên trên thế giới. Ngài bị đóng đinh lộn ngược tại Rạp xiếc Nero, chính là nền của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ngày nay.
Sau khi qua đời, Ngài đã được chôn cất tại một nghĩa trang gần đó với phần mộ khiêm tốn. Đến thế kỷ 2 sau Công nguyên, các giáo dân đã xây dựng một ngôi đền để nhận biết mộ Thánh. Và gần 300 năm sau, Hoàng đế Constantine đã ra lệnh xây dựng một ngôi nhà thờ trên chính phần mộ ấy.
Sau này, dưới thời Giáo hoàng Julius II, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô mới đã được xây dựng từ chính nền nhà thờ cũ. Ngày nay, phần mộ của Thánh Phêrô nằm ngay bên dưới Vương cung Thánh đường, bao gồm ngôi mộ cũ cùng nhiều công trình kiến trúc để tưởng nhớ Ngài, như đền thờ Hoàng đế Constantine, đài phun nước ngầm, các bức vẽ graffiti với nội dung ‘Phêrô ở nơi đây’.
Vào năm 1942, người ta đã phát hiện được xương một người đàn ông lớn tuổi, cường tráng tại chiếc hộp đặt sau bức tường phủ đầy hình vẽ bậy. Đến năm 2013, lần đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho trưng bày Thánh tích để giáo dân có cơ hội chiêm ngưỡng về phép lạ này.
4.2 Mái vòm tuyệt tác của Bernini
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến, nhiều người đã ấn tượng trước khung cảnh tráng lệ của Vương cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Điểm nhấn phải kể đến phần mái vòm được đúc từ đồng khổng lồ, tác phẩm in đậm dấu ấn của bậc thầy kiến trúc Baroque, Gian Lorenzo Bernini.
Mái vòm dựng đứng sừng sững ngay trên Cung Thánh, cao 400 feet tính từ sàn nhà. Giữa phần nối các trụ, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh đại diện cho bốn vị Thánh truyền giáo, bao gồm: Thánh Matthew với con bò, Thánh Mark với con sư tử, Thánh Luka với thiên thần và Thánh John với đại bàng.
Phía trên mái vòm được trang trí với họa tiết 96 hình người, bầu trời đêm đầy sao cùng một dòng chữ Latinh ‘Tôn vinh Thánh Phêrô, Giáo hoàng Sixtus V vào năm 1590, triều đại thứ năm của Ngài’.
Ngoài ra, trên mái vòm còn được trang trí với tượng bán thân 16 Giáo hoàng chôn cất tại đây, tượng Chúa Jesus, Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả và các Thánh Tông đồ, các thiên thần trông coi mộ Thánh Phêrô và Cuộc khổ nạn của Chúa Jesus.
4.3 Tượng Pietà của Michelangelo
Bức tượng được chế tác từ đá cẩm thạch Carrara độc nhất vô nhị, và là tác phẩm duy nhất có chữ ký của người nghệ sĩ đại tài Michelangelo.
Được đặt trang nghiêm trong nhà nguyện đầu tiên ngay bên phải lối vào, Pietà là tác phẩm nghệ thuật tinh tế bậc nhất mà Michelangelo từng sáng tác. Tượng tái hiện hình ảnh Đức Mẹ Maria ôm xác Chúa Jesus đã chết với ánh mắt dịu dàng cùng một sự bình tĩnh lạ kỳ.
4.4 Mộ Thánh Gioan Phaolô II
Mộ Thánh Gioan Phaolô II là địa điểm thu hút lượng lớn người đến đây cầu nguyện thinh lặng. Công trình bao gồm ba chiếc quan tài của cố Giáo hoàng, với một chiếc làm từ cây bách, một chiếc bằng kẽm và chiếc cuối cùng làm từ hạt dẻ, đóng bằng đinh vàng.
Khi Ngài được phong Chân phước vào năm 2014, ba chiếc quan tài đã được di dời từ Hang động Vatican đến Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, đặt trang nghiêm tại Nhà nguyện Thánh Sebastian.
4.5 Đài tưởng niệm Giáo hoàng Alexander VII
Đài tưởng niệm Giáo hoàng Alexander VII là công trình cuối cùng của Bernini khi ông bước qua tuổi 80. Bức tượng thể hiện tư thế Giáo hoàng Alexander VII quỳ gối cầu nguyện, với chung quanh là bốn bức tượng phụ nữ biểu trưng cho các nhân đức của Ngài: bác ái, thận trọng, công bằng và sự thật.
4.6 Tượng Thánh Phêrô
Tượng Thánh Phêrô đen tuyền là một trong những bức tượng nổi tiếng nhất tại Vương cung Thánh đường. Đây là tạo phẩm của Arnolfo di Cambio, một nghệ sĩ nổi tiếng người Tuscan. Đây cũng là bức tượng mà đông đảo giáo dân ghé đến hôn chân cung kính khi đến Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.
Bức tượng được đúc hoàn toàn bằng đồng, với tư thế Thánh Phêrô ngồi trên ghế cẩm thạch. Bên tay trái của Ngài cầm chìa khóa Thiên Đường, và tay phải đang phép lành cho những ai ghé đến cùng Ông.
Nhiều người tin rằng, khi đến Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và cung kính hôn lên chân phải, thì họ sẽ nhận được ơn lành của Ngài. Thế nên, khi đến đây trong hành trình du lịch Vatican, nếu để ý, bạn sẽ nhận ra chân phải của Ngài sáng bóng hơn hẳn.